Bài viết này nằm trong chuỗi bài viết 30 ngày thành thực với bản thân - #30daysofhonesty - challenge mà mình tự setup và tự thực hiện. Nếu bạn rảnh quá có thể đọc tại feibuk mình: Hoàng Namm 
Một số bài viết cũ trong series:

Are we trying to be good or just to look good?

Chúng ta cố gắng để bản thân tốt hơn, hay chỉ là để trông có vẻ tốt hơn?
Một trong những đặc tính của bản thân mà mình cực kì sợ hãi chính là tật cả thèm chóng chán. Ngày hôm nay mình sẽ thích cái gì đó vô cùng, chỉ cần ngày mai ngày kia là mình lập tức phát chán vấn đề đó. Cũng giống như những mối quan hệ, ngày hôm nay mình sẽ vui, ngày mai ngày kia mình cảm thấy vấn đề này thật ngu ngốc. Hay như cái challenge này, mình đã cân nhắc khá nhiều trước khi bắt đầu vì mình biết mình sẽ lười như chó. Các bạn thấy không? Hôm nay là ngày thứ 7 và đây là bài viết thứ 3 tôi làm. Rồi nó sẽ còn chậm nữa cơ. 🙂
Tranh: Glenn Thomas
Một phần là vì mình không thể đủ thời gian trả lời cho 1 câu hỏi một cách chi tiết trong đầu, chứ chưa nói đến việc mình phải ngồi và gõ đến nghìn rưỡi hai nghìn từ được.
Một thời gian dài, mình nhận ra hóa ra mình không tìm cách phát triển bản thân là để bản thân tốt lên, mình tìm cách phát triển bản thân để mình trông có vẻ tốt lên như một cái mã hoành tráng cho thiên hạ dòm vào.

Khởi nguồn từ những lời nói dối, hoặc đơn giản là hình ảnh mình tạo ra

Mình vốn là một người không xuất sắc ở gần như mọi mặt, nhưng lại có thể khiến nhiều người cảm thấy mình rất ổn trong vấn đề nào đó họ cần. Ví dụ như một người mới quen sẽ thấy mình là một người fancy với trí tuệ abcxyz thế nào đó, một nhân cách đẹp hay cái gì đó đại loại thế chẳng hạn? Tuy nhiên khi đi cùng nhau một thời gian, mọi thứ sẽ vỡ ra rằng mình không phải một người hoàn hảo đến thế.

Những lời nói dối với người xung quanh

Mình không được mẹ nuôi dạy để trở thành một đứa dối trên lừa dưới, và tự mình cũng không phải người có khả năng nói dối không chớp mắt. Mình thực sự là một đứa không biết nói dối trong gần như mọi hoàn cảnh và mọi tình huống. Mình chỉ biết ngụy biện thôi Để hiểu rõ về ngụy biện và các thủ thuật trong tranh biện, các bạn có thể tìm đọc cuốn Cãi gì cũng thắng của Madsen Pirie.
Mình thỉnh thoảng nói dối với những người xung quanh về khả năng làm việc hay sức làm việc của mình. Thật ra chẳng phải thỉnh thoảng đâu, nhiều. Đôi khi sẽ có những phần việc nằm ngoài khả năng, hay những phần việc mất nhiều thời gian để làm, mình vẫn nhận và vẫn chọn một chiếc deadline khá gấp. Không phải vì mình thích thử thách, mà hóa ra là mình thích việc người khác sẽ nhìn vào và đánh giá rằng ok thằng này thích thử thách.
Và khi mình chấp nhận thử thách, để bảo vệ được hình ảnh của một người thích thử thách, mình sẵn sàng chọn over time hoặc nhiều cách khác để đảm bảo mọi thứ nằm trong kế hoạch của mình, như deadline trơn tru hay các hoạt động khác hợp lý hơn.
Nếu một ngày mình không còn muốn gây ấn tượng nữa, đó là khi mình đã quá chán và muốn buông bỏ rồi.

Những lời nói dối với chính mình

Mình hay nghĩ “Mọi thứ vẫn ổn” để chắc chắn rằng mọi thứ vẫn ổn. Thỉnh thoảng sẽ có lúc dầu sôi lửa bỏng nước chảy qua chân, mình vẫn có thể trông thật bình tĩnh với tâm thế “Mày có thể xử lý mọi thứ”. Đôi khi mọi người nghĩ rằng mình có khả năng thiên bẩm để có thể rất bình tĩnh dù có gấp gáp thế nào, nhưng thực sự mình không bình tĩnh đến thế, mình chỉ trấn an chính bản thân và đã quen với cách khiến bản thân trông thật bình tĩnh thôi.
Dĩ nhiên sẽ luôn có những lúc mình không thể kiểm soát mọi thứ được nữa, nhưng trước khi mọi thứ rơi vào sự mất kiểm soát, mình vẫn có đủ bình tĩnh tìm cách khắc phục vấn đề. Mình nghĩ đây là một cách nghĩ tốt và đã hỗ trợ mình khá nhiều trong công việc hay những vấn đề xoay quanh.
Và còn nhiều lời nói dối với bản thân nữa, tích cực có, tiêu cực có. Đôi khi mình có những lời tự miệt thị bản thân với suy nghĩ rằng điều đó sẽ giúp mình sống tốt hơn, nhưng tốt hơn hay không thì chưa thấy, thứ đầu tiên mình thấy là điều đó khiến mình thất vọng về chính mình đã. Và đôi khi mình không biết liệu thực sự những lời tự miệt thị có được tính là một lời nói dối hay không?

Mình sẽ tự nói về việc miệt thị bản thân sau. Bây giờ thay vì lời nói dối tiêu cực thì hãy nói tới những lời nói dối có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực.

Thỉnh thoảng sẽ có những lần những kẻ mình ghét vượt mặt, và mình tự nói dối với chính mình rằng: “Một đứa ngu như nó không thể vượt lên mình được”. Mặc dù đó là một điều hiển nhiên vì người ta đã rất cố gắng và chăm chỉ để đạt được thành tựu nào đó, trong khi đó mình đã quá bận với giấc ngủ trưa dài 6 tiếng, hay những giờ đồng hồ dài dằng dặc ngồi ngẩn ngơ, những buổi chiều ngồi coi TikTok chẳng hạn.
Mình đã cần dành rất nhiều thời gian để quen với việc thừa nhận điểm tốt của ai đó mình ghét, và thừa nhận rằng bản thân yếu kém – đi ngược hoàn toàn với những hình ảnh mà mình mong muốn. Dĩ nhiên đây không thể nào là một trải nghiệm thú vị. Không ai thích việc mình thấp kém hơn người mình ghét, không ai thích việc nhận rằng mình yếu kém điều gì cả. Nhưng chúng ta đều cần hiểu rằng chừng nào chưa nhận ra mình ngu dốt thì chẳng bao giờ ngóc đầu lên được.
Và hình ảnh của một người thừa nhận rằng mình kém cỏi, hóa ra trông họ sẽ không còn là một kẻ kém cỏi ba hoa nữa, mà là một kẻ kém cỏi biết mình ngu dốt và sẵn sàng phấn đấu.
Đôi khi mọi người nghĩ mình là một người văn thơ tràn trề, nhưng thực ra văn thơ của mình chính là phiên bản của một vài quyển sách mình từng đọc. Như ngày lớp 10 là từ văn của giáo viên chủ nhiệm cũ hồi cấp 2, ngày lớp 12 là văn của Nguyễn Ngọc Thạch và hàng ngàn quyển tản văn mà 1 đứa trẻ trâu ham hố đọc. Ngày năm nhất đại học là chiếc văn vẻ từ những sản phẩm tràn lan trên mạng. Và bây giờ mình bắt đầu phải học cách đọc thêm và mở rộng kiến thức giống như những tay viết trên các blog to to như Spiderum, Medium, các tay viết phân tích trên Facebook, LinkedIn,... chẳng hạn.

Cách để khiến bản thân luôn look good

“Chẳng có diễn viên nào có thể diễn ngay cả khi ngủ”
Câu này cũng giống như Cái kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra”.
Dĩ nhiên ai cũng muốn mình trông xuất sắc và ổn áp nhất trong mọi hoàn cảnh, nhưng qua thời gian, mình thấy rằng cái vỏ bọc nào rồi cũng sẽ rách nát thôi. Mình từng không thích mặc đồ hiệu, cũng không thích đi xe ngon, không thích ghi vào CV những thứ mình không có, càng không thích khoe mẽ mình giàu. (Vì thật sự mình đ*o giàu).
Cảm giác khi bạn khoác lên cái khăn quàng cổ 10 triệu cũng thú vị đấy, nhưng lại không thể át được cái sự không giàu của mình là một cảm giác không thú vị và vô tình khiến mình không thể tự tin bằng khi mặc quần đùi áo phông. Đôi khi có thể những món đồ mình mặc sang đấy, nhưng lại không thể giấu đi sự kém sang trong tâm hồn mình.
Cảm giác khi bạn phông bạt rằng bạn biết 7749 thứ trên đời này, và lo lắng rằng liệu mình có bị hỏi abcxyz về lĩnh vực này và tự nhiên mình không trả lời được thì sao, cũng là một cảm giác đáng sợ không kém. Một người ngu dốt mà tự nhận mình ngu dốt, bao giờ cũng chất lượng hơn 1 đứa thùng rỗng kêu to.
Cảm giác khi bạn nói với người yêu mình rằng mình là một người cực kì hoàn hảo, và bạn chợt nhận ra rằng một ngày nào đó hai bạn sẽ đi cùng nhau một quãng đường rất dài, và bạn không thể diễn kịch cả đời được, sẽ là một cảm giác đầy bồn chồn lo lắng. Đôi khi có những mối quan hệ sẽ chẳng bao giờ xảy ra, chỉ vì một người sợ hãi về việc sẽ lộ ra những góc khuất trong tâm hồn mình. Nỗi sợ bị phán xét chính là thứ lớn nhất cản lại sự diễn ra của hàng ngàn vấn đề trong thế giới này.
Cảm giác khi bạn nói dối trong CV của mình rằng mình có khả năng ABC, cũng đáng sợ như việc bạn bốc phét về kiến thức của mình với người khác vậy. Nếu bạn có may mắn qua vòng phỏng vấn, bạn vẫn còn thử thách trong hai tháng thử việc.
Cách tốt nhất để lời nói dối trót lọt chỉ có thể là học hỏi thật nhanh và khiến bản thân tốt hơn mà thôi. Giống như thay vì bạn nói rằng bạn không mặc được những bộ đồ bó sát, hãy nghĩ rằng là do cơ thể mình cần nhiều luyện tập hơn để có một body đẹp hơn. Mà body đẹp thì mặc cái đéo gì cũng đẹp các bạn ạ 🙂
Hay khi bạn nói rằng bạn giỏi abcxyz, hãy học để đạt được toàn bộ những điều đó trước khi người kia kịp phát hiện ra rằng bạn nói dối. Cách tốt nhất để nói dối trót lọt, chính là biến nó thành sự thật. Cách tốt nhất để khiến bản thân “look good”, chỉ có thể là khiến mình thật sự “good” từ bên trong mà thôi.
2000 từ là một con số không đủ để mình nói vấn đề này, và chắc chắn sẽ còn nhiều nhiều bài viết kiểu này nữa.
#sidavl