Thứ áp lực mà tớ (và có thể cậu) đặt lên mình là do đâu?
Hầu hết chỉ toàn là chúng mình đứng sau những vui - buồn - tự hào - thất vọng trong đời chúng mình thôi.
Nếu đến năm 40 tuổi mà bọn mình vẫn sống cô đơn như bây giờ thì sao? Câu hỏi này chưa từng xuất hiện trong đầu tớ, nhưng vì chót nghe rồi nên thỉnh thoảng tớ lại nghĩ về. Và lần nào thì câu trả lời duy nhất cũng vẫn là Cứ Sống Tiếp thôi.
Bản tính tớ đã có một cái đầu hay nghĩ nhiều, phần nhiều trong đống suy nghĩ ấy lại là những chuyện linh tinh chẳng thật sự liên quan tới tớ. Ví dụ như chuyện bằng tuổi mình nhưng bạn X đã lương YYY. Bằng tuổi mình nhưng bạn A đã viết sách. Bằng tuổi mình nhưng bạn B đã đi được 16 tỉnh thành. Chính tớ đã từng “lên án" bố mẹ, xã hội (hay mạng xã hội) đặt áp lực lên mình. Cho đến một ngày trong mùa dịch, tớ nhận ra oh no, trước đó tớ chưa từng hiểu được hoá ra tớ mới là người hay tự đặt áp lực lên đời mình nhất. Xin insert một lời cảm ơn chân thành tới 2 năm dịch bệnh.
Xã hội này là những ai và mấy ai quan trọng trong đời tớ? Hoá ra “xã hội trong định nghĩa" của tớ không có quá nhiều người. Gia đình tớ có khi cũng chỉ đặt hy vọng vào tớ, mà may rủi thế nào đôi lần tớ giải mã hy vọng đó ngang bằng với áp lực mà thôi. Cái thói cả nghĩ của tớ mới thực sự là “thủ phạm".
Dạo này tớ luôn trả lời hình mẫu lý tưởng là Choi Ung trong Our Beloved Summer. Không phải chỉ là kiểu người tớ muốn được kết thân, đó cũng là kiểu người tớ muốn trở thành. Vì nhân vật này đã làm được điều tớ vẫn đang học: Chuyện gì không phải nghĩ thì đừng nghĩ. Và rồi thế giới của tớ thu nhỏ lại. Tớ ít đọc drama hơn. Tớ ít để ý anh/ chị B - bạn của bạn mình trên mạng xã hội. Tớ ít click vào những bài báo kiểu như “SỐC: Hé lộ nguyên nhân đằng sau…”. Thế giới của tớ thật sự thu hẹp lại, có vài người rủ tớ đi chơi rất dễ. Phần còn lại thì tớ không biết. Dạo này, cái sự sẵn sàng gặp gỡ, sẵn sàng tranh luận, sẵn sàng tham gia của tớ ít đi lại thật. Chẳng biết tốt hay xấu. Nhưng vì lỡ không có năng lực sống vô tư hồn nhiên, nên tớ vẫn tin tập sống vô tư hồn nhiên như bây giờ cũng được. Dù nhiều đoạn tớ vẫn buồn ơi là buồn ra. Như hôm trước chuyện một em bé 16 tuổi tan biến vậy.
Nhưng rốt cục tại sao tớ đã/vẫn hay nghĩ linh tinh về những chuyện vô hình với cuộc đời mình như thế. Mạng xã hội, truyền thông, áp lực thế hệ hay nhiều thứ khác tớ chưa am hiểu để gọi tên được chắc cũng đóng vai trò kha khá. Nhưng thật ra, tớ tin rằng do bản thân mình nhiều hơn:
- Tớ thật ra khá sợ hãi bị bỏ lại trong đám đông - nỗi sợ đến giờ tớ chẳng thấy có gì phải xấu hổ vì nó là một loại bản năng của con người.
- Tớ thật ra sợ mình không “giỏi” như mình tưởng - thế nên tớ lảng tránh việc nói về những chủ đề xa lạ mà mình không biết. Tệ hơn, đầy lần vô tình tớ dẫn dắt câu chuyện đang dở dang về các chủ đề quen thuộc để được nói nhiều hơn hicc. Và tệ nữa, tớ phán xét những người khác mình.
- Tớ thật ra tự ti và chẳng biết mình muốn gì - mà càng hoang mang, con người ta càng có xu hướng tìm hình mẫu để bấu víu nương tựa. Tớ cứ loay hoay nhìn theo và phỏng đoán cuộc đời ai đó.
Thế giới dạo này của tớ thu nhỏ lại, làm tớ hơi hiểu mình muốn gì ở thời điểm này, cũng làm tớ nhìn thấy niềm hạnh phúc mà đang có có đến từ đâu. Vậy nên, tớ ít bị ám ảnh bởi cái bóng/câu nói/chuyện kể của người khác. Đôi khi, tớ kiên nhẫn nghe cả những chủ đề không thích nghe. Đôi khi, tớ nhắc nhở mình đừng lên tiếng. Từng chút một, tớ mong cái đầu mình rộng hơn - trái tim tớ cũng rộng mở hơn. Và những cái “thật ra" bên trên nhỏ đi từng ngày thôi.
Khi đứng dưới bầu trời, khi ngồi sau xe máy, khi uất ức vì cảm giác bản thân chẳng đáng bị thế, khi về nhà và có một bình sữa đậu siêu ngon - tất cả khoảnh khắc đó đã dạy tớ: Hầu hết chỉ toàn là chúng mình đứng sau những vui - buồn - tự hào - thất vọng trong đời chúng mình thôi.
Ảnh của @TatumpPhotos
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất