Bày tỏ quan điểm hay cãi lại?
Chúng ta dạy trẻ em phải lễ phép và kính trọng người lớn, nhưng không ai để tâm rằng trẻ em cũng cần sự tôn trọng và thấu hiểu.
Chúng ta dạy trẻ em phải lễ phép và kính trọng người lớn, nhưng không ai để tâm rằng trẻ em cũng cần sự tôn trọng và thấu hiểu.
Từ nhỏ đến lớn, cậu được gắn mắc “hay cãi” trong mắt bố mẹ. Cậu luôn nói ra suy nghĩ và quan điểm của mình về một vấn đề nào đó cậu không đồng ý với bố mẹ, thầy cô hay những người lớn tuổi xung quanh cậu. Và thứ cậu nhận được luôn là một câu đại loại như không được cãi, quan điểm của cậu không thể so sánh với kinh nghiệm sống dày đặc của người lớn được. Hoặc nếu cậu làm những điều không đúng so với chuẩn mực của xã hội, tức là cậu hư hỏng, cậu sai trái, cậu không phải là một đứa con ngoan, không phải một học sinh giỏi trong khi ngoài kia có biết bao nhiêu đứa trẻ được khen và tốt đẹp như thế nào. Bắt đầu từ cấp hai, cậu đi qua thời thơ ấu ít nhiều ngây thơ để bước vào thời kỳ “mới lớn”, “đang lớn”, cậu bắt đầu có những suy nghĩ của riêng mình, cũng có những quan điểm riêng biệt, nhưng ít khi được thấu hiểu. Bắt đầu từ cấp hai, xuất hiện những nỗi buồn ngày càng nhiều trong lòng cậu, nỗi bất mãn ngày càng dày lên. Và cũng bắt đầu từ cấp 2, những giọt nước mắt một mình đã trở thành câu chuyện hàng ngày trong cuộc sống của cậu.
Đó là câu chuyện thường ngày mà chính tôi cũng như rất nhiều đứa trẻ trong giai đoạn học cách trưởng thành đã và đang gặp phải. Những cuộc mâu thuẫn với cha mẹ thường diễn ra, và ta bắt đầu thể hiện những quan điểm trái chiều với bố mẹ nhiều hơn, nhưng đều không được giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, không được thấu hiểu. Câu chuyện thường kết thúc với những lời rất thô bạo từ cha mẹ như “Mày không được cãi”, “Ai cho mày cãi tao kiểu đó” hay “Tao đẻ ra mày nên mày không được như thế”, “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. “Trẻ con thì biết gì”. Bố mẹ dường như không thấu hiểu, cũng không cần thấu hiểu, chắc chắn là bố mẹ đúng, và mình chỉ việc làm theo mà thôi. Nói nhiều lời đường mật làm gì, trẻ con thì cũng phải chấp nhận thực tế, lắm chuyện mới đi nịnh nọt dỗ dành. Dần dần, những lời nói như vậy khiến ta dần trở nên im lặng, cảm thấy tổn thương về mặt tinh thần, sau đó dần xa cách với bố mẹ, không muốn mở lòng cùng cha mẹ để sẻ chia nữa.
Bạn tôi từng kể rằng trong suốt những năm lớn lên, bạn cảm thấy mẹ đối xử phân biệt giữa mình và anh trai. Bởi vì những quan niệm về trọng nam khinh nữ, bao giờ mẹ cũng rao giảng rằng bạn rồi sẽ là con người ta, chỉ có anh mới ở lại bên mẹ chăm lo cho mẹ về già nên chăm sóc anh hơn một tí cũng không sao. Mẹ nói những lời ấy và coi nó là chuyện bình thường nhưng dường như không đủ quan tâm đến những xúc cảm trong tâm hồn bạn, rằng bạn bị tổn thương rất nhiều. Chẳng còn cách nào khác, bạn đành trút vào quyển nhật ký. Trong một lần bạn đi học, mẹ bạn đã đọc được những dòng nhật ký đó. Giá như mẹ đừng nói thẳng ra như vậy, nhưng không mẹ bạn ra và hỏi thẳng rằng mẹ thiên vị ở chỗ nào, mẹ đối xử với hai anh em bằng nhau. Khi bạn phản bác lại, vẫn là câu nói kinh điển. “Cãi mẹ chem chẻm chem chẻm, dám viết những điều như thế về mẹ mình, bỏ ngay cái suy nghĩ ấy đi, Mới lớn nứt mắt đã có tính chống đối”. Bạn bảo chỉ có bạn cảm nhận được sự phân biệt đó thôi, vì làm sao mẹ có thể thấy được những thứ rất nhỏ mà mẹ vô tình làm chứ. Nói ra thêm chỉ mang tiếng là cãi. Và rồi mẹ và bạn rất xa nhau trong suốt cả tuổi dậy thì của mình.
Hoặc là câu chuyện của một người em mà tôi quen. Khi biết em học kế kiểm, tôi hoàn toàn ngạc nhiên, con người của em ấy hoàn toàn không toát lên chất của một người học ngành nghề này và những gì em đang làm cũng hoàn toàn không liên quan đến những gì em đang học. Đôi khi em cũng bày tỏ thái độ chán ghét và giễu cợt với những gì em đang ngày ngày đến giảng đường để tiếp thu. Có lần tôi hỏi em:
- Nếu đã ghét ngay từ đầu đến vậy, sao ngay từ đầu em vẫn học?
- Em không cãi lại nổi bố em. Bố em là đúng nhất
- Vậy sau này ra trường em vẫn sẽ định theo ngành à?
- Cái đó tùy vào bố em sắp xếp
Những lời em nói luôn mang trong đó tính nổi loạn và giễu cợt. Em rõ ràng có những thứ em thích để theo đuổi, nhưng vì sự bất lực trong đối thoại với bố mẹ, bất lực với “kinh nghiệm sống” của bố, em đành học ngành mình không thích trong thái độ mệt mỏi chán nản và vô định. Dần dần, vì không có được sự tôn trọng đúng cách, em phó mặc luôn chuyện nghề nghiệp của mình cho bố trong sự chống đối. Bố em đã quyết định ngành học, thì bố sẽ quyết định luôn công việc, con không quan tâm nữa.
Từ bao giờ trẻ em không được phép bày tỏ ý kiến vì “trẻ con thì biết gì”. Từ bao giờ trẻ em ngưng được thấu hiểu và cảm thông vì người lớn còn bao gánh nặng quan trọng hơn chứ hơi đâu quan tâm đến mấy vấn đề nhỏ nhặt bị trẻ em làm quá. Từ bao giờ việc vượt qua tuổi ẩm ương, mông lung, vô định là việc của mình trẻ con vì “ai cũng mệt mỏi như thế nhưng đều vượt qua được thôi, đâu có gì to tát”.
Sự thật là trẻ em trong độ tuổi cấp 2 - cấp 3 không còn là “trẻ con hoàn toàn”. Ta là những người đang tập lớn, đang bước vào giai đoạn ở giữa hai giai đoạn của cuộc đời người mà ai cũng phải trẻ qua. Tuổi dậy thì đánh dấu một bước quan trọng đối với cuộc sống con người, là bước đệm để ta tiến tới tuổi trưởng thành. Ta sẽ không còn phụ thuộc vào bố mẹ mà dần tự chủ hơn trong suy nghĩ và hành vi. Giai đoạn này tích luỹ nhanh và mạnh những kinh nghiệm, kỹ năng sống, khả năng tư duy và phân tích các tình huống hàng ngày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn 14 đến 16 tuổi. Độ tuổi này cũng rất đề cao giá trị bản thân. Ta dần có những suy nghĩ riêng, chính kiến riêng, quan điểm riêng về một vấn đề nào đó chứ không tiếp nhận thụ động để bước đầu khám phá thế giới như giai đoạn ấu thơ. Chính vì vậy, ta mong muốn được đưa ra ý kiến và bước đầu quyết định các vấn để riêng tư của mình thay vì nghe theo những quyết định của bố mẹ. Ta cần sự thấu hiểu nhiều hơn là những câu từ chối, phản bác, ép buộc. ta còn trẻ, ta có thể sai, nhưng ta cần nhiều hơn những lời khuyên giải đúng đắn chứ không phải những câu nói nặng nề sát thương. Sự không được thấu hiểu về mặt tinh thần lâu dài sẽ trở thành gánh nặng trong tâm lý, khiến trẻ em có thể mắc các chứng bệnh như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, stress, sau đó xa rời gia đình của mình. TS Tâm lý Peter Segal, chuyên ngành Tâm lý học đường, Đại học Hofstra (New York, Hoa Kỳ), trong một cuộc hội thảo với các phụ huynh Việt Nam đã cho rằng, đôi khi những sự ép buộc thiếu tôn trọng này gây căng thẳng, stress cho trẻ, lâu dần sẽ dẫn đến việc trẻ luôn có thái độ chống đối, thậm chí là thù nghịch.
Ông bà ta có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đôi khi tôi nghĩ nó không chỉ khuyên cho những mối quan hệ trong xã hội mà dành cho tất cả mối quan hệ, kể cả giữa trẻ em và người lớn, giữa cha mẹ và con cái. Khi các em nói lên quan điểm của các em nhỏ có thể sai, nhưng giữa một sự ép buộc, “cấm cãi” và những lời khuyên nhủ giảng giải để các em có thể hiểu vấn đề sẽ khác nhau một trời một vực. Một bên có thể sẽ gây những sự ức chế, cảm thấy mình không được tôn trọng và một bên có thể sẽ nguôi lòng, suy nghĩ lại các vấn đề và cảm thấy được yêu thương khi người lớn tìm cách thấu hiểu mình.
Mặc khác, tính cộng đồng trong văn hóa của người Việt Nam rất mạnh mẽ.Chính vì đối mặt với những tình huống sống còn của đất nước nên sự sống của cá nhân luôn được gắn liền với sự tồn vong của cộng đồng, tính cộng đồng vì thế cũng được củng cố. Trải qua hàng nghìn năm, được nuôi dưỡng bởi nhiều giá trị văn hóa khác nhau, tính cộng đồng trở thành một truyền thống gắn trong văn hóa mà đôi khi không thể nhận ra hết được. Giống như một nhà nghiên cứu Nhật đã từng nhận định “Giống như gió, chúng ta sống trong gió nhưng không nhìn thấy gió”. Cũng do tính cộng đồng nên người Việt Nam có tinh thần tập thể, suy nghĩ của tập thể là suy nghĩ của cá nhân, đôi khi hy sinh lợi ích cá nhân. Người Việt đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm trong khi phương Tây coi trọng quyền lợi. Tính cá nhân thường bị lấp đi trong xã hội này. Quay trở về với gia đình, mỗi một thế hệ là mỗi một sự thay đổi khác nhau, một quan điểm khác nhau phá vỡ những chuẩn mực trước đó. Nhưng với bố mẹ là những người đã tuân theo một số chuẩn mực nhất định của cộng đồng xã hội mà họ lớn lên, nên rất ít khi hiểu và chấp nhận yếu tố riêng tư, suy nghĩ cá nhân đi ngược lại với những chuẩn mực họ tin tưởng.
Quan điểm giáo dục của người Á Đông cũng coi trọng sự nguyên tắc “Yêu cho roi vọt/Ghét cho ngọt cho bùi”, “Kính trên nhường dưới”. Quan điểm dạy dỗ thành công là phải nói những lời nặng, dọa nạt, khó nghe thay vì sử dụng những lời khuyên giải nhẹ nhàng để trẻ nhỏ có thể hiểu. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng là yếu tố quan trọng. Người lớn tuổi hơn là người có nhiều kinh nghiệm hơn và luôn đúng trong mọi trường hợp. Người lớn cũng vì thế mà lấy tuổi tác để giáo dục một cách áp đặt thay vì đồng hành cùng trẻ như một người bạn. Người lớn cũng dập tắt mọi ý kiến của trẻ em bằng câu “không được cãi”, buộc trẻ em phải nghe theo ý của mình thay vì thực sự lắng nghe những tâm sự lo lắng và suy nghĩ của trẻ em. Lớn lên là lúc con người bị cuộc sống bào mòn, gai góc trong những xô bồ, nhưng cũng trải nghiệm nhiều việc hơn trên đời, mà cũng quên đi mình cũng từng là một đứa trẻ với những nỗi đau tâm lý mà mình từng mắc phải để ngồi xuống và hiểu cho trẻ em nhiều hơn.
“Trẻ con thì có gì đâu mà phải nghe mấy lời vớ vẩn đó”
“Bọn trẻ con thì biết gì mà được cãi”
Đó thực chất chính là những câu nói lấp liếm cho sự thiếu thông cảm và thấu hiểu trẻ em của người lớn. Và thật đáng buồn khi xã hội này tôn vinh điều đó, coi đó là sự đúng đắn, coi đó là phương pháp giáo dục nên làm nếu không muốn trẻ “hư”.
Chúng ta vẫn thường được nghe về câu nói “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Nhưng ở thời đại này, câu nói đã trở nên lỗi thời. Một đứa trẻ dám “cãi” là một đứa trẻ độc lập, có ý thức về mọi việc trong cuộc sống, có chính kiến, có suy nghĩ riêng biệt. Đó là những phẩm chất cần có để tạo nên một con người tự chủ, hiện đại, có năng lực và tư duy phản biện, điều rất cần cho em khi đã trưởng thành. Như vậy phải là một đứa trẻ ngoan. Tuy nhiên, khi còn nhỏ vẫn cần cha mẹ ở bên để định hướng, giải quyết, một cách nhẹ nhàng và thấu hiểu để không bị đi chệch hướng và rẽ sang những xu hướng sai lệch.
Trẻ em hay người lớn thì cũng có những vấn đề của riêng mình. Không có vấn đề nào nghiêm trọng hơn vấn đề nào. Bất kỳ điều gì cũng sẽ dẫn đến những hệ quả không đáng có nếu không được đối xử đúng cách. Dù thuộc ở những thế hệ khác nhau và có những suy nghĩ khác nhau, trẻ em hay người lớn, hãy dừng lại và thấu hiểu nhau một cách dịu dàng hơn, sâu sắc hơn. Người lớn, hãy để cho các em được “nói”, thay vì tưởng nhầm đó là “cãi”.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất