Nhiều câu tư tưởng ngắn, lắm khi lại có cái ma lực phi thường thay đổi cả một cuộc đời tư tưởng sai lầm hoặc có cái công hiệu giải thoát cả một tâm hồn oằn oại đau thương tuyệt vọng... Nó là chân lý mà ta cảm được ngay, đoạ được tình, yên được lý, không cần minh chứng dài dòng...
                                                                                                                    _Thu-Giang Nguyễn-Duy-Cần
Năm 1955, cuốn "Túi khôn loài người" được xuất bản. Cuốn sách là tuyển tập những câu cách ngôn về nghệ thuật sống, được biên soạn bởi học giả Phạm Cao Tùng.

Theo ông Tùng, học giả Nguyễn Duy Cần là người đã có nhiều giúp đỡ về tài liệu trong việc biên soạn sách. Bản thân ông Nguyễn Duy Cần cũng viết một bài đề tựa cho cuốn tuyển tập cách ngôn nay.

Trong bài đề tựa này, Nguyễn Duy Cần chia sẻ góc nhìn của ông về thưởng thức những tư tưởng cao đẹp được chọn lọc dưới dạng cách ngôn. Xin giới thiệu với bạn đọc bài đề tựa ấy.

Lời đề tựa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần  cho cuốn "Túi khôn loài người"



    Đọc xong quyển cách ngôn do ông Phạm Cao Tùng sao lục tôi để ý nhất là cách sắp đặt của ông.
XỬ KỶ, TIẾP VẬT, hay nói một cách khác, TU THÂN, XỬ THẾ quả là hai vấn đề to tát nhất của con người. Hạnh phúc của chúng ta không phải nơi sự thực hiện hạnh phúc cá nhân riêng ngoài xã hội. Hạnh phúc của kẻ trốn đời non cao ẩn dật, không phải là một thứ hạnh phúc hoàn toàn đầy đủ. Lánh đời không phải có thể bỏ đời mà là quá ê chề vì đời, vì không giải quyết xong vấn đề điều hoà giữa cá nhân và xã hội. Bao nhiêu nỗi đau khổ của con người phần nhiều do sự không giải quyết được ổn thoả vấn đề căn bản ấy.
Cá nhân và xã hội như bóng với hình, đâu có thể giải quyết riêng ra. Rời ra, cá nhân không thể tồn tại. Thật vậy, SỐNG là gì? Phải chăng là sống với người chung quanh và mưu hạnh phúc cho cả đôi bên. Không có một người nào có thể tự hào là sống một mình hoàn toàn trơ trọi được. Ngày nào trên thế gian này mà còn lại có hai người, ngày ấy đạo xử thế cũng sẽ vỗn còn tồn tại mãi. Đạo xử thế là nền tảng hạnh phúc của con người.
Nhưng xử thế mà khôn ngoan là nhờ công phu tu kỳ rất dày. "TỰ GIÁC" để mà "GIÁC THA", "TU THÂN" để mà "XỬ THẾ". Đến cái đạo "TỀ GIA", "TRỊ QUỐC", "BÌNH THIÊN HẠ" cũng khởi đầu bằng hai chữ "TU THÂN". Cá nhân mà sáng suốt, thì sự xử thế khôn ngoan, người người hạnh phúc; cá nhân mà tăm tối thì sự xử thế vụng về, liên miên tại hoạ. Thật ảnh hưởng không phải thường đối với hạnh phúc chung của nhân loại.
Cách sắp đặt của ông Phạm Cao Tùng thật là chu đáo.
Tôi thời thường rất ham đọc những câu tư tưởng ngắn mà hàm súc. Một quyển sách có khi ảnh hưởng không bằng một câu văn ngắn. Một bài văn dài ảnh hưởng không bằng những câu kết luận gọn gàng. Nó có hiệu quả như một liều tiên đan, vì nó là kết tinh của tư tưởng hết sức dày công điêu luyện.
Đọc một câu cách ngôn hay có khác nào uống một chung trà tầu, cái "hậu" của nó dịu dàng đằm thắm. Đọc một câu tư tưởng, có khác nào nhấp một hớp rượu ngon... hương vị ngấm ngầm ngây ngất của nó thật khó tả. Tuy gay gắt mà thâm trầm, nó khêu gợi óc tưởng tượng, nó kích thích khiếu suy nghĩ, nó dành cho ta nhiều lý thú bất ngờ của những phát minh sáng tạo. Càng gẫm càng hay, càng suy càng thấm.
Nhiều câu tư tưởng ngắn, lắm khi lại có cái ma lực phi thường thay đổi cả một cuộc đời tư tưởng sai lầm hoặc có cái công hiệu giải thoát cả một tâm hồn oằn oại đau thương tuyệt vọng... Nó là chân lý mà ta cảm được ngay, đoạ được tình, yên được lý, không cần minh chứng dài dòng... Nó đã đi ngay vào đề, nó đi thẳng vào tâm, nó ghi sâu vào trí, khi nào nó là tiếng vang của cõi lòng thắc mắc của ta: đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Cái mãnh lực khêu gợi nó thật là vô biên.
Cái thú của sự đọc cách ngôn là thế.
Huống chi, ở vào buổi chật vật mà thời giờ nhàn rỗi của chúng ta rất eo hẹp như bây giờ, lại gặp được một quyển cách ngôn tư tưởng chọn lọc như thế này, Thật không khác nào bắt được một kho tàng vô giá.
Thu-giang NGUYỄN-DUY-CẦN
Xuân Ất-mùi - 1955.

Anh nên cư xử như trong lúc ngồi bàn tiệc. Người ta dọn thức ăn đến tay anh? Anh nên nhận lấy và chỉ dùng vừa phải. Người ta đã bưng món ăn sang nơi khác? Anh đừng đòi hỏi thêm. Người ta dọn món ăn lên muộn? Anh đừng liếc nhìn nó từ đằng xa với vẻ thèm thuồng, hãy đợi nó đến tận tay anh.

Đối với vợ con, đối với công danh cũng như đối với phú quý, anh cũng nên giữ thái độ ấy anh mới xứng đáng là khách mời của Thần Thánh. Nhưng nếu anh không nhận lấy những gì người ta dọn lên cho anh, nếu anh chẳng màng chi cả thì chẳng những anh xứng đáng là khách mời mà anh sẽ là người ngang hàng với Thần Thánh.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        _Epictetus