Nguồn hình: Unsplash
Đó là hãy viết nhật ký hằng ngày.
Nửa cuối năm 2018 của mình khá thành công ở khía cạnh khám phá để hiểu bản thân mình. Mình dần nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, biết chấp nhận những cái không phải là điểm mạnh của mình để thôi dằn vặt bản thân. Và việc hiểu về bản thân mình như vậy giúp mình sống vui vẻ hơn rất nhiều, cải thiện được cả chất lượng và năng suất làm việc nữa. Nói chung là tốt.
Và nhìn lại khoảng thời gian đó, thói quen đóng vai trò lớn nhất giúp mình làm được điều đó chính là viết nhật ký hàng ngày.
Nhật ký (tiếng Anh là journal) đơn giản là những dòng chữ mình viết lại mỗi ngày, kể về bất cứ điều gì mình muốn, viết lại bất cứ cái gì trong đầu mình mà mình muốn viết ra. Không nhất thiết phải hay ho như nhật ký Đặng Thùy Trâm đâu. Đôi ba dòng cũng được. Mà mình cũng không viết được hằng ngày, đôi khi quên hay đi làm/học về muộn, nhưng đa số ngày là viết.
Khi viết những dòng suy nghĩ trong đầu của mình xuống, tự dưng mình thấy khá hơn. Nếu trong đầu là những lo lắng, thì thấy nhẹ nhõm hơn hẳn, sau đó viết tiếp, có khi viết ra cả những giải pháp cho vấn đề. Nếu trong đầu là một niềm vui chưa nói được với ai, thì viết lại niềm vui đó thì thấy vui thêm một lần nữa. 🙂

Đối với mình thì viết nhật ký có hai lợi ích này:
Giúp phản chiếu bản thân mình.
Việc phản chiếu rất quan trọng, trong cả đời sống và đặc biệt là trong việc phát triển bản thân.
Ví dụ như khi bạn muốn tự mình vẽ lá cờ đỏ sao vàng lên má để đi bão sau khi Việt Nam vô địch AFF Cup. Nếu không có gương thì vẽ có dễ không? Thể nào cũng lem nhem có khi thành cờ Malay luôn ấy chứ. Nhưng có gương thì mình nhìn thấy được nét vẽ mình đi tới đâu, dừng ở đâu, thì việc vẽ sẽ dễ dàng.
Thì việc phát triển bản thân cũng như vậy, chúng ta phải có một cách nào đó để phản chiếu bản thân mình, để biết là mình đang làm tốt làm dở điều gì, như vậy mới có điều chỉnh cho tốt hơn, mới có thể phát triển mình lên được chứ. Chúng ta đâu thể cải thiện cái mà mình không biết gì cả. Và việc viết nhật ký như một chiếc gương vậy, nó giúp chúng ta nhìn nhận lại mình một cách cụ thể và rõ ràng.
Nếu bạn nói rằng “Tôi tự phản chiếu trong suy nghĩ rồi, cần gì viết ra”.
Không đúng lắm đâu, những gì trong suy nghĩ rất bộc phát, nhanh đến nhưng cũng nhanh quên, và nó rất không rõ ràng. Khi chúng ta viết xuống, thì những suy nghĩ lùng bùng trong đầu sẽ được kết tinh lại thành những câu hoàn chỉnh, rõ ràng. Và đó mới chính xác là điều mà chúng ta cần, còn những suy nghĩ (thường là) không rõ ràng sẽ không giúp ích nhiều trong việc này.
Và nó trở thành một thói quen cột mốc.
Khái niệm Thói quen Cột mốc” (Keystone habitlà những thói quen làm nền tảng và giúp hình thành những thói quen khác. Và thói quen viết nhật ký hàng ngày sẽ là giúp hình thành cách thói quen khác như tập thiền, tập thể dục, đọc sách, hay viết blog. Cứ tối đến mở sổ hoặc máy tính ra viết nhật ký, là sẽ gợi nhớ lại những thói quen kia và sẽ nhắc nhở mình thực hiện chúng.
Việc phát triển bản thân thực ra khá là mông lung và khó, nên chúng ta mới thấy không nhiều người làm được. Nó giống như chúng ta khám phá một khu rừng vậy. Nếu không có hướng dẫn gì, chúng ta dễ dàng đi lạc, lòng vòng trong rừng rất tốn thời gian. Thói quen cột mộc sẽ giống như chúng ta lấy những dây đỏ cột dọc đường để làm mốc vậy, giúp chúng ta biết mình đã đi tới đâu và hướng nào cần khám phá tiếp.
Viết nhật ký hàng ngày giúp chúng ta bình tâm lại, dù trong ngày đó có xảy ra chuyện gì, thì chúng ta cũng có khoảng thời gian bình tâm, ngồi xuống, viết xuống những điều mình đang suy nghĩ, tự hỏi về bản thân mình, và đánh giá những điều mình đã làm và cần làm. Ví dụ như chính hôm nay tôi không muốn viết blog lắm, nhưng sau khi viết nhật ký ngắn xong, tôi tự hỏi mình, “Mình đã hứa viết blog hàng ngày rồi mà, nên hôm nay dù ít dù nhiều cũng viết vài chữ chứ.” Và bài viết này là kết quả đó. 😄
Làm sao để bắt đầu viết nhật ký?
  • Công cụ: Đơn giản thôi, bất cứ cái gì phù hợp đối với bạn. Nếu bạn muốn viết tay thì cuốn vở, cuốn sổ hay tập giấy A4 gì cũng được. Còn nếu bạn như mình, thích đánh máy trên máy tinh hơn, thì chọn một phần mềm nào đó mà mình gõ chữ được là được. Như mình thì mình dùng EverNote. Nhưng bạn có thể dùng Word, Excel, Google Docs, OneNote, hay bất cứ phần mềm ghi chú nào. Miễn sao bạn thấy dễ dùng là được. Một lưu ý là bảo quản/bảo mật cái này tốt kẻo đứa em nó đọc được. 😄
  • Hãy bắt đầu nhỏ và đơn giản. Không cần phải viết gì nhiều hay thiệt là hay gì cả. Những ngày đầu cứ viết vài ba dòng cũng được. Viết đại những gì đang suy nghĩ trong đầu, khi không biết viết gì nữa thì thôi dừng lại. Ngày mai viết tiếp, không có gì phải vội, không có thành tích gì phải cố gắng ở đây cả. Cứ viết thôi.
  • Một số câu hỏi gợi ý nội dung viết. Thường thì mình viết theo cảm hứng, nghĩ gì viết nấy, nhưng hồi xưa khi mới bắt đầu tập viết thì mình có dựa theo mấy câu hỏi, căn bản là để có hướng suy nghĩ mà viết cho dễ đó mà.
Hôm nay bạn đã làm gì?
Bạn cảm thấy hôm nay như thế nào?
Điều gì làm bạn vui ngày hôm nay?
Bạn học được gì ngày hôm nay?
Bạn có thể cải thiện điều gì?
Bạn đang trăn trở về điều gì?
  • Viết thật thà. Không ai đọc nhật ký này của bạn cả, và cũng chẳng ai quan tâm đâu. Viết nhật ký này là để chúng ta đối diện với chính mình. Nên không cần viết văn hay chữ tốt gì cả, không cần viết gì cầu kỳ, nghĩ sao viết vậy, viết thật cả những suy nghĩ, thậm chí là suy nghĩ xấu xa và làm cảm thấy xấu hổ về điều đó. Có thể bạn không tin, nhưng thực tế là chúng ta vẫn hay nói dối ngay cả trong nhật ký của mình đó. Và để nói thật hết mọi thứ, cần cả lòng dũng cảm nữa. Hãy đủ dũng cảm để nói thật hết những điều trong lòng mình.

Đơn giản như vậy thôi.
Nếu năm 2019 này bạn bận rộn quá, không có nhiều thời gian để làm nhiều thứ nhằm cải thiện bản thân, thì mình đề xuất hãy chỉ cần tập 1 thói quen này thôi.
Đó là hãy viết nhật ký hằng ngày.
Không cần bàn nhiều lắm đâu, cứ bắt tay vào viết ngay. Thời gian sẽ trả lời với kết quả thực tế.
Chúc bạn viết vui nhé.