Thói quen là kì quan thứ 9 của thế giới
Dịch bệnh ngày càng lan rộng mạnh mẽ khiến cuộc sống của rất nhiều người trong chúng ta đảo lộn và vẫn chưa có dấu hiệu gì là mọi thứ...
Dịch bệnh ngày càng lan rộng mạnh mẽ khiến cuộc sống của rất nhiều người trong chúng ta đảo lộn và vẫn chưa có dấu hiệu gì là mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Một trong số đó là những ngày học tập, làm việc mệt mỏi, căng thẳng không còn nữa mà thay vào đó là khoảng thời gian thoải mái để làm những gì mình thích bằng chính sắp xếp, ưu tiên của mình. Thế nhưng khi thời gian ta có quá nhiều và những kế hoạch của ta không có thời hạn kết thúc thì xu hướng chây lười và trì hoãn có lẽ hiển hiện rõ ràng hơn lúc nào hết. Đó là một thói quen rất xấu khiến cuộc sống trong lúc dịch bệnh đã tệ lại còn tệ hơn nữa. Vậy làm thế nào để vượt qua được bản tính đã cắm sâu vào gốc rễ này? Ta phải hiểu rõ được về thói quen và sức mạnh tiềm tàng của nó.
Đọc thêm:
1. Thói quen là gì?
Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi (nếp sống, phương pháp làm việc) được lặp đi lại nhiều lần trong cuộc sống và rèn luyện (học tập, làm việc), đó là những hành vi định hình trong cuộc sống và được coi là bản chất thứ hai của con người nhưng nó không sẵn có mà là kết quả của việc sinh hoạt, học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, tuy vậy thói quen cũng có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân đôi khi rất tình cờ hay do bị lôi kéo từ một cá thể khác.
Từ định nghĩa này có thể thấy, thói quen không phải là bẩm sinh mà có, nó được hình thành do các hoạt động lặp lại ngày qua ngày mà từ đó hình thành nên các đường mòn thần kinh. Sự tích lũy ngày càng nhiều, thói quen càng in đậm và tác động vào cuộc sống thường nhật càng lớn. Ta có thể thấy cách thức hoạt động này rất giống với khái niệm lãi kép: phát sinh khi lãi vay được thêm vào vốn ban đầu, do đó, từ thời điểm đó trở đi, lãi phát sinh được tính dựa trên tổng của vốn ban đầu và số tiền lãi vừa kiếm được. Càng tích được nhiều tiền thì lãi càng nhiều, thu nhập càng lớn.
Đọc thêm:
Thật vậy, các thói quen không chỉ tích lũy như lãi đơn, mà là lãi kép. Nếu bạn cho phép bản thân bỏ tập 1 ngày do mệt hay lười quá, thì khả năng cao sẽ có ngày 2, ngày 3. Rồi bạn nghĩ thôi gian lận 1 tuần vậy, tuần sau sẽ tập mà. Tôi nghĩ chắc ai cũng trải qua cảm giác này rồi nhỉ? Sau một tuần đó, cơ thể không đạt được trạng thái tốt nhất, bạn tập luyện không hiệu quả và đâm ra thất vọng, chán nản. "Chẳng tiến bộ gì thế thì tập làm chi" và bỏ hẳn 1 tháng. "Thôi thì tháng sau làm lại vậy, dù gì không tiến bộ gì, có lẽ ta cần thời gian nghỉ ngơi". Và sau đó là chuỗi ngày lê thê nằm ngủ, xem phim, chơi game, giải trí vô bổ (đối với tôi, do nó không tạo ra giá trị). Nhưng do cảm giác đó quá thoải mái, bạn không kháng cự lại được và bỏ hẳn tập luyện 1 năm. Đó chính xác là những gì tôi từng trải qua.
Việc bỏ tập luyện một ngày không chỉ ảnh hưởng đến riêng việc tập luyện, mà còn các khía cạnh khác. Không ăn uống điều độ, thức khuya, làm việc vô bổ,... từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển và cả sự tự tin. Khi mang cảm giác thất bại trong mình, ta không hứng thú gì mà tiếp tục các hoạt động tạo giá trị bền vững khác như đọc sách, thưởng thức âm nhạc, nấu ăn, học thêm thứ gì đó,... Và quá trình đó càng dài, ta lại càng dễ để nó tiếp tục dài hơn và càng mất sức hơn khi muốn kết thúc nó.
Một thói quen xấu này dẫn đến một thói quen xấu khác, từ đó hai thói quen xấu này dẫn đến 4 thói quen xấu khác, đến lúc ta toàn lặp lại những thói quen xấu. Thói quen xấu này còn truyền cho những người xung quanh bạn. "Thôi bỏ tập một bữa có sao đâu, ta bỏ cả năm rồi vẫn khỏe re. Không tin à? Hít đất đua không?". Và thằng bạn mới chớm được chút động lực bị bạn rủ rê đi chơi điện tử đến khuya và bỏ luôn bữa ăn chiều. Thói quen đó còn có thể truyền cho con bạn, cho gia đình, cộng đồng của bạn. Chắc không ngạc nhiên gì khi bạn thấy một gia đình toàn người béo hay một xóm toàn lũ vô học trộm cắp.
Ở chiều ngược lại, một thói quen tốt được nuôi dưỡng đúng cách có thể tác động rất mãnh liệt. Tôi đã từng là một thằng suy dinh dưỡng gầy còm, học thì ít mà nói thì nhiều, miệng luôn luôn chửi bậy. Sau đó tôi đến phòng gym, để có cho mình một cơ thể khỏe mạnh hơn. Có được rồi, tôi lại nghĩ với cơ thể này mà lại để một bộ não rẻ rách thì không hợp lí lắm, thế là đọc sách. Khi đọc sách, tôi học được cách nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn. Từ đó lại thêm nhiều cơ hội để học hỏi.
Có lẽ không phải ai cũng vậy, ai cũng đến phòng gym rồi sẽ đọc sách hay ăn nói lịch thiệp hơn. Nhưng khi bạn hình thành một thói quen tốt, điều đó cũng cố phẩm giá bên trong bạn, khiến bạn tự hào, thoải mái nhìn nhận bản thân hơn. Thứ hai, nó rèn dũa kĩ năng hay tư duy của bạn. Thứ 3, nó giúp bạn gặp được những con người cũng cố gắng tốt đẹp hơn. Những điều này giúp bạn đạt được một vị trí cao hơn mà từ đó có thể dễ dàng tiếp xúc, học hỏi, rèn dũa ở tầm cao mới. Điều này tích lũy dần, bạn càng ở tầm cao, bạn càng có thể dễ dàng cao hơn nữa. Có lẽ điều này còn mạnh hơn lãi kép, do tiềm năng của nó là vô giá.
Đôi lúc không phải ta cố tình phạm phải thói quen xấu, mà do hoàn cảnh bắt buộc. Ta phải hi sinh giấc ngủ để hoàn thành tiến độ công việc, hi sinh khoảng thời gian tập đàn những cuối tuần để ngủ bù, chuẩn bị cho tuần mới đầy căng thẳng, rồi do mệt mỏi quá không thể tập thể dục được. Ta phải hi sinh khoảng thời gian bên người mình yêu quí để kiếm tiền, bởi không có tiền thì sao sống được mà bên họ? Ta hi sinh và hi sinh rất nhiều.
Thế nhưng dịch bệnh cho bạn nhiều khoảng thời gian rảnh rỗi, sao không bắt đầu một thói quen mới, tận dụng sức mạnh hơn cả lãi kép của nó để counter lại cuộc sống khó ở này ^^
2. Làm sao để thay đổi thói quen?
Chắc hẳn các bạn cũng từng nghe qua khái niệm tiếng chuông Pavlov. Trong thí nghiệm nổi tiếng của mình, Pavlov nhận thấy rằng những con chó sẽ chảy nước bọt khi sắp được cho ăn, qua tín hiệu là tiếng chuông. Bản năng tự nhiên của chúng ta cũng giống vậy.
Thói quen hoạt động theo một vòng lặp thần kinh bao gồm 3 phần: tín hiệu, thói quen, phần thưởng. Ở thí nghiệm trên, tín hiệu là tiếng chuông, thói quen là chảy nước bọt, phần thưởng là được cho ăn. Ở cuộc sống hằng ngày, ta cũng bắt gặp phản ứng như vậy rất nhiều: Tín hiệu là thèm ăn buổi đêm, thói quen là vào bếp nấu bát mì, phần thưởng là thỏa mãn cơn đói nhưng lại tăng thêm xíu cân, ảnh hưởng tiêu hóa và có thể nổi mụn. Tín hiệu cảm giác muốn trì hoãn khi gặp những việc khó khăn đòi hỏi nhiều sức lực, suy nghĩ, thói quen là để gần cuối deadline rồi mới làm, phần thưởng là khoảng thời gian thoải mái ngắn hạn trước khi cong cả đít lên.
Nhưng do thói quen là nhân tạo, cho dù đường mòn thần kinh có sâu đậm thế nào thì cũng có thể tạo lại. Ta có thể tham khảo những cách thức sau:
- Tôn trọng bản năng tự nhiên của mình. Việc ăn để thỏa mãn cơn thèm và chạy trốn khỏi áp lực là hoàn toàn tự nhiên. Mong muốn thỏa mãn những ham muốn mà không gây ảnh hưởng cho người khác thì không có gì sai trái cả. Việc bạn dằn vặt cho ăn quá nhiều hay trách móc bản thân do quá hèn chẳng gì hơn là đang tìm nơi đổ lỗi hay thỏa mãn cảm xúc được trách móc, mà đối tượng ở đây là bản thân. Tiếc nuối, dằn vặt có ý nghĩa của nó, nhưng là để bạn học hỏi, tốt lên chứ không phải để đày đọa bản thân mình. Thay vào đó, hãy:
- Giữ nguyên tín hiệu và phần thưởng, nhưng thay vào đó một thói quen mới. Có thể bạn thay mì gói bằng trái cây yêu thích hay những loại thức ăn có lợi chẳng hạn, vẫn thỏa mãn được cơn thèm ăn, thay vì bỏ trồn khỏi áp lực, ta đối mặt với nó, nếu khó quá thì nhờ người giúp đỡ, phần thưởng là đạt được khoảng thời gian thoải mái thật sự sau khi làm xong. Thật ra thì động cơ của việc bỏ chạy khỏi áp lực sâu hơn nhiều, có thể là không muốn đối mặt với phần kém cỏi của bản thân, sợ bị chê bai,... Nhưng với bất kì thói quen tốt nào, bạn cũng có phần thưởng là một bản cập nhật tốt hơn về bản thân mình, thoải mái nhìn vào gương trước khi ngủ hơn.
- Tận dụng khuynh hướng so sánh, cạnh tranh tự nhiện của chúng ta. Khi biết mình đang làm một việc rất khó mà ít người làm được, hẳn rất có động lực hơn đúng không nào?
- Bắt đầu bằng những việc nhỏ, dễ làm và ta chắc chắn thực hiện được. Ta không cần phải hít đất 100 cái ngay, chỉ làm 1 cái thôi. Làm được 1 cái rồi chắc chắn sẽ được cái thứ 2. Tôi đã từ chỉ hít đất được 50 cái lên 500 cái/ 1h35 phút đấy. Không cần phải thức sớm 4h 5h sáng làm gì cả, hãy chắc bạn ngủ đủ 8 tiếng và cố gắng ngủ sớm hơn một chút mỗi ngày. Không cần đọc 1 tháng 10 cuốn sách, hãy đọc một cuốn bạn yêu thích và ngẫm nghĩ về nó mỗi lúc rảnh rỗi, nung nấu tình yêu với tri thức.
3. Nên bắt đầu bằng những thói quen gì?
Trong quyển sách 7 Habits of highly effective people, tác giả Stephen R.Covey cho ta thấy những thói quen có thể thay đổi cách ta sống như thế nào. Các bạn nên đọc quyển sách này, còn quan điểm của tôi thì nên bắt đầu bằng thói quen 7 - Rèn mới bản thân.
Để có được sự chủ động và cam đảm mà tự quyết định cho đời mình thật không dễ dàng, nhất là với những người đã quen sống trong một xã hội quá nhiều định kiến, trường lớp thì nhồi nhét và khó cho ta chỗ để sáng tạo, cách sống và mục đích đôi khi còn bị định sẵn. Do đó, trau dồi những điều nhỏ nhất để từ từ bồi đắp bản lĩnh có lẽ là phương án thiết thực hơn là quay hoắt với gia đình, bỏ cả học để thể hiện chính kiến của mình.
Rèn mới bao gồm bốn phương diện: Thể chất, Tinh thần, Tư duy và Mối quan hệ. Mỗi khía cạnh đều có liên quan và phát triển một thứ có thể kéo theo những thứ còn lại. Ngược lại, thành công trong một khía cạnh không thể bù đắp cho sự thật bại khía cạnh khác. Cơ thể của một người mẫu không bào chữa được cho bộ não rỗng tuếch hay thành công sự nghiệp không giúp thất bại trong gia đình bớt tồi tệ hơn.
Để rèn luyện thể chất, ta có thể tập đủ các bộ môn bạn muốn: đá bóng, quần vợt, cầu lông, street workout bơi lợi, yoga,... Điều quan trọng phải bắt đầu với thứ ta yêu thích và dành một ít thời gian trong tuần thôi để "chơi". Ta có thể dành thêm cả ngày để ngủ mà, dậy chơi vài cú nào!
Về mặt trí tuệ, bạn có thể đọc sách này, xem phim để mở mang hiểu biết này, tranh luận với những người thích hợp để rèn dũa tư duy này, hay như tôi vừa bắt đầu thói quen viết trên Spiderum bằng bài viết đầu tiên này.
Về mặt tinh thần, đây có lẽ là rất khó rèn luyện. Để dễ dàng nhất tôi nghĩ bạn nên khám phá về nghệ thuật. Có thể là vẽ tranh, chơi đàn, hay nghe nhạc, bắn rap cũng ok. Điều này khiến bạn có động lực để nhìn rõ hơn vào tâm hồn mình, bạn là ai và bạn muốn gì, bạn có đang yêu thương mình không? Nếu không thể nhìn nhận bản thân rõ ràng, ta không có cơ sở để chống chọi với khó khăn trong cuộc sống.
Về mối quan hệ, có lẽ tôi không có gì để gợi ý ngoài hãy trò chuyện nhiều hơn với nhau. Trò chuyện là khởi đầu của mọi mối quan hệ và là liều thuốc chữa lành mọi vết thương. Bí quyết là hãy lắng nghe nhiều hơn nhé.
Kết
Trì hoãn là một sai lầm nghiêm trọng trong việc tiết kiệm. Nếu bắt đầu tiết kiệm trễ, chi phí cơ hội là không hề nhỏ. Hẳn các bạn đều học qua lãi kép rồi. Thế nên, nếu bạn muốn một cơ thể thon gọn, săn chắc, tâm hồn nhiều màu sắc, trí thức uyên bác và có nhiều mối quan hệ tích cực thì?
Đọc thêm:
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất