Tôi có một câu hỏi nhỏ dành cho mọi người ở đây: Đã bao giờ bạn cảm thấy sự bế tắc trong gia đình bạn hay những người xung quanh? Còn tôi thì có lẽ là có. Tôi thấy bố mẹ tôi giận nhau 3 tháng trời, tôi thấy nước mắt mẹ rơi khi bố đi công tác, thân mẹ một mình đưa chị vào viện. Tôi thấy mẹ cố ru tôi trong cái hành lang tối mịt của khoa nhi thời còn nhỏ. Tôi thấy người bà họ nội của tôi cố bấu những ngón tay thật chặt vào người chị vì sự ghét bỏ. Tôi còn thấy bố mẹ nói ghét nhau với những lời đay nghiến. Tôi dần sợ cái thứ được gọi là hôn nhân và giờ tôi đã hiểu tại sao Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc tỉ lệ kết hôn lại kém.
Một thời đại mà những đứa tổn thương đến mức sợ hôn nhân.
Nguồn Pinterest
Nguồn Pinterest
Hôn nhân là một sự hợp nhất được công nhận về mặt văn hóa giữa những người, được gọi là vợ chồng. Hôn nhân tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa họ, cũng như giữa họ và con cái của họ, và giữa họ và gia đình của người kia. Định nghĩa về hôn nhân khác nhau trên khắp thế giới, không chỉ giữa các nền văn hóa và giữa các tôn giáo, mà còn trong suốt lịch sử của bất kỳ nền văn hóa và tôn giáo nào. ( Theo Wikipedia)
Hôn nhân theo như quy tắc của luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam 2014 là một mối quan hệ giữa nam và nữ, một vợ một chồng. Ở một số nước, nam nhân có thể lấy nhiều vợ dưới sự cho phép của vợ cả và đảm bảo quyền bình đẳng, tài chính để xây dựng gia đình. Hiện nay, hôn nhân đồng giới cũng được cởi mở, chào đón hơn bao giờ hết cho dù bản dạng giới, xu hướng tính dục đa dạng. Có rất nhiều thể loại như: hôn nhân sắp đặt, hôn nhân trước tuổi cho phép, hôn nhân cưỡng bức, áp buộc mà ta hay gọi là cha đặt đâu con ngồi đó. Hôn nhân chính là bước mà con người ta bước tới một giá trị giúp xây dựng cộng đồng, văn hóa tuân theo pháp luật và được bảo vệ công bằng( hoặc không).
Một số người lựa chọn con đường một mình cùng con trưởng thành mà không cần người bạn đời sánh bên. Bố mẹ tôi thường bảo họ không biết nghĩ hoặc lập dị gì đó tương tự nhưng bản thân tôi lại không thấy vậy. Họ đủ dũng cảm để nghe mọi người dị nghị. Mẹ đơn thân vì đàn ông không chịu trách nhiệm? Có thể hoặc không. Có thể vì họ không được quyền quyết định rằng đứa con này sẽ được sinh ra hay không nhưng tôi biết họ đủ dũng cảm để tiếp tục nuôi dưỡng. Xã hội dần không quá tàn nhẫn theo cách cạo đầu bôi vôi rồi thả trôi sông hay đi quay làng như cái thời mà Nguyên Hồng đã miêu tả đến mức tôi phải thấy xót. Nhưng còn những người được quyền lựa chọn? Họ chủ động, dũng cảm, có tài chính? Tôi không rõ nhưng biết chắc rằng họ sẵn sàng có một đứa bé để nuôi dưỡng một mình chủ động và có chuẩn bị. Dù như thế nào đi nữa việc không lựa chọn hôn nhân theo cách chủ động hay bị động thậm chí là độc thân hết đời cũng là lựa chọn sống riêng.
Tạm dừng việc lựa chọn sống của mỗi người, ta cũng đủ biết ngoài hôn nhân sẽ có một cách khác nếu đủ tài chính ( hoặc đơn giản là sẵn sàng).
Vậy ta có thể kết luận rằng, hôn nhân (hoặc không nhất thiết chỉ cần bạn là một người dân ưu tú) mang một giá trị quan trọng, một mối quan hệ được công nhận, gắn bó mật thiết và góp phần xây dựng cộng đồng. Nhưng kì lạ rằng có một số bạn trẻ( trong đó có tôi) sợ hoặc ngại nhắc tới nó khi được gia đình thúc dục, họ hàng hỏi han?
Có lẽ đơn giản một số vì họ không thích mà thôi, nhưng một số là do tổn thương. Từ nhỏ, ước mơ của mấy đứa trẻ bé gái như tôi lại vô cùng đơn giản: có công việc ổn định, cưới được ai đó thật hạnh phúc rồi sống đến hết đời. Dần dà, nó dần biến do thời gian và sự tàn nhẫn của xã hội. Hôn nhân của một số người vẫn đẹp, họ dù vẫn cãi nhau nhưng vẫn hạnh phúc vào cuối ngày. Một số thì lại không như thế.
Tôi đã từng nghe một chị, tạm gọi là chị C. Bố là cựu công an, cũng có từng có chức tước lên cả thiếu tá, lương hưu cũng cao hơn hẳn mọi người. Về già, ông lại trở nên nghiện nặng rượu, chị từng đứng chờ ở trường đến 9 giờ tối chỉ vì ông say. Ngày ngày, ông mượn tiền vợ con để đi đánh lô đề nợ mấy trăm triệu. Người chị của C cũng không khá hơn là bao. Chồng làm nhân viên văn phòng tháng 15tr một tháng cộng thêm tiền của vợ cũng dư dả. Người chồng lại nối gót bố vợ đánh lô đề, nợ 10 tỷ, thế chấp nhà cửa không đủ đành ra ở thuê, chôn chui lủi tít trên núi. Nhưng ít ra họ vẫn là những người quyết liệt vẫn tự tay dứt bỏ được chỉ là người chồng không kí đơn, nhà nội thì cố giữ cháu trai. Lên tòa và tiền luật sư cũng hơn mấy trăm triệu lại không được lấy lí do chồng cờ bạc. Những mảnh đời như vậy càng khiến những người nghe được càng thêm trăn trở biết nhường nào.
Một số họ càng bất hạnh hơn, từ nhỏ sống chung cùng bạo lực gia đình. Thử hỏi xem, họ đến bữa cơm là nồng nặc mùi rượu của cha, tiếng đập bát đũa của bố. Đó còn là tiếng khóc của mẹ, sự bất lực của cả gia đình. Một số còn thấy cảnh người thân mình đang tay giết chết người thân. Cuối cùng, thứ họ nhận lại là gì? Sự tổn thương sâu sắc, trầm cảm, thiếu niềm tin và sợ hôn nhân. Họ sợ biết đâu câu chuyện ấy lại tiếp tục, biết đâu con mình lại khổ. Bao nhiêu chữ biết đâu trong bất cập của các gia đình, của hôn nhân tan vỡ. Những người lớn họ bận bịu để quên đi nỗi đau, trẻ em sẽ lại có vết thương mà cả đời không ai chữa.
"Lấy chồng để về sau già yếu con không phải khổ" mẹ tôi từng nói vậy. Tôi biết mẹ thương tôi, đôi khi cái cách thương của mẹ không vừa lòng, đôi lúc cái chữ thương đấy là tổn thương. Tôi thừa biết chữ thương ấy nặng hơn chữ yêu nên mẹ không thốt được thành lời. Tôi sợ hôn nhân không phải vì tôi bồng bột, vì tôi sợ sẽ lại như mẹ. Lại sẽ thành một người lam lũ, lại sống trong ngôi nhà khác máu tanh lòng, lại chửi bới, lại bệnh tật, lại sẽ là mẹ của một đứa con. Lấy chồng yêu thì nó thương, lấy được chồng không yêu sẽ lại như mẹ. Đúng, từng đó cũng có thể thấy tôi chưa đủ sẵn sàng để yêu lẫn kết hôn, nhưng tôi đủ biết mình cần gì. Tôi cần được sống tự do chứ không phải sống trong cái được gọi là hạnh phúc của mẹ.
Giới trẻ ngày nay dần sợ hôn nhân bởi họ thấy được sự thiếu xót trong các mối quan hệ hằng ngày và nói đúng hơn họ sợ gia đình.
Gia đình- thứ mà tôi không dám nói, nó quá thiêng liêng và nó là câu trả lời của mỗi người. Nếu hỏi tôi hồi cấp 1 nó đơn giản là có ba, mẹ, chị và em. Hôn nhân là nền tạo ra gia đình rồi gia đình nó ôm lấy hôn nhân. Nhưng nó lại thật nhiều tâm sự, những đứa con sợ ba nó, sợ rằng về nhà chị giỏi hơn, sợ mẹ lại kể về con nhà người ta. Những đứa con dần sợ nơi chốn của nó, có những bố mẹ đang tâm giết chết tâm hồn con mình trong vô thức trong tình yêu thương vô ngần theo cách yêu sai. Nó sợ ngày nào cũng sẽ bị oán trách rằng: "Càng lớn càng hỗn láo", "Mày là sai lầm",... và rồi để chấm dứt cái sai một số chọn xa nhà hoặc kết liễu bản thân để rồi gia đình khóc quỵ trong đau đớn. Rồi nó lại tiếp tục sợ hôn nhân.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Gia đình là nơi mọi người phải quan tâm, chăm sóc, yêu thương nhau, nhưng gia đình có thể trở thành vườn ươm nuôi dưỡng những hạt giống bất hạnh.
Hai mặt của gia đình

Chọn lắng nghe lựa chọn và chia sẻ

Người ta thường bảo lắng nghe và chia sẻ là cách tốt nhất để sống trọn vẹn và chữa lành bản thân. Có lẽ bạn thì tôi không rõ, nhưng đôi lúc tôi lại không làm được điều này. Nhưng chỉ muốn nói nhỏ, khi bất kì ai quanh bạn chưa có người yêu, lấy vợ chồng hay gì đó tương tự. Hãy lắng nghe và thấu hiểu rằng họ chưa sẵn sàng với việc đó. Yêu nhau là trân thành còn kết hôn là cả đời, chỉ cần duyên họ tới, họ đợi đủ lâu sẽ có người khiến họ mở lòng và sẵn sàng. Yêu thương con mình, con sẽ nhìn mọi người ứng xử với nhau mà phát triển, nó sẽ tự tin theo cách riêng, tinh tế, lịch sự và chu đáo.
Hôn nhân là thứ đẹp nếu nó được tỏa sáng đúng giá trị, không có nó cũng chính là lựa chọn riêng.
*Bài viết không khích lệ việc không kết hôn, mang một góc nhìn nhỏ Xin cảm ơn!*