Mình cho rằng, trong mọi mong muốn hư vô chủ nghĩa, chúng ta đều đang có mong muốn làm giảm giá trị của bản thân.
Nói cách khác, khi chúng ta cho rằng thế giới này chẳng có gì, không có cứu cánh, không có mục đích tối hậu, không dẫn đến đâu cả ngoài hư vô... chúng ta đang tự cởi trói cho bản thân một chút. Dĩ nhiên không phải tất cả những người hư vô đều có suy nghĩ như vậy (ví dụ, nhân vật Bazarov trong truyện đầu tiên xuất hiện chữ Nihilism, Father and Sons của Turgenev), nhưng hầu hết trong thời điểm hiện tại, hư vô đều thể hiện một sự bất lực nhất định trước những gánh nặng cá nhân.
Ted Kaczynski không phải một triết gia (lol) nhưng gã có những quan điểm rất hay về công nghệ. Một trong số đó là việc con người bị phụ thuộc vào công nghệ và mọi thứ phải thay đổi theo công nghệ chứ không phải ngược lại. Những công nghệ tưởng chừng rất tiện ích giờ đây lại trở thành xiềng xích bó chân loài người. Gã đưa ra ví dụ: chiếc điện thoại di động, tưởng chừng sẽ gắn kết với nhiều người hơn, giúp đỡ mọi người gần nhau hơn, thuận tiện cho việc giao tiếp... thực chất lại bó buộc con người vào công việc. Thay vì có thời gian cho riêng mình, họ lại có thể bị gọi, bị sai bảo, triệu tập ở bất kỳ đâu, 24/7 phải làm nhân viên. Sự tồn tại của chúng ta như những cá nhân luôn bị giám sát ngược, công nghệ của chúng ta càng "tiến bộ" thì chúng ta càng ít tự do.

Baudrillard còn nhìn ra việc này trước thời điểm điện thoại di động xuất hiện. Từ năm 1987, trong tiểu luận "Sự đê mê của giao tiếp" (The Ecstasy of Communication), ông nhận xét, hoàn cảnh hiện đại khiến chúng ta chỉ giao tiếp vì giao-tiếp-trong-chính-nó. Tức là không vì gì cả. Những lời nói ra được nói ra vì chúng ta có thể nói chứ không phải vì chúng ta có gì để nói. Sự biến mất của tính cá thể vừa khiến con người trở thành một phần trong mạng lưới của thời kỳ phân liệt (schizopheria), vừa khiến danh tính của chúng ta biến thành sự hiện diện truyền thông của chính mình. (Lạy Chúa sao Baudrillard giỏi thế nhỉ như kiểu miêu tả mạng xã hội vậy hic.) Chúng ta trở nên vô cùng "quan trọng" theo cái nghĩa nếu chúng ta ngừng nói, ngừng đưa ra hoặc nhận lại thông tin, thì sự tồn tại của chúng ta cũng biến mất theo luôn.
Chúng ta giống một con lắc bị quay liên tục giữa hai đầu, một là sự tồn tại của mình không quan trọng đến thế, hai là thế giới liên tục "cần mình" theo cái nghĩa trần trụi nhất đó là cần được tạo ra thông tin, còn mình, ngược lại, cũng phải luôn túc trực thể hiện "cái tôi" với thế giới thông qua việc toàn hiện liên tục với tất cả những "cái tôi" được kiến tạo một cách tinh vi của mình. Đó có thể là cái tôi thứ hai trên fanpage, là nhân viên trong nhóm chat cơ quan, là người chửi sếp tại các cuộc gossip, là các mối quan hệ liên tục cần giữ nhưng hóa ra lại không quan trọng đến thế... Mọi "cái tôi", ngay cả cái tôi cá nhân lẫn cái tôi cộng đồng, trong thời kỳ chúng ta có thể online 24/7, cuối cùng hòa lẫn vào nhau, trở thành gánh nặng trong việc là-chính-mình-trước-thế-giới.
Thế là, trong thời điểm hiện đại với sự phát triển của mạng xã hội, công nghệ và hàng loạt cách để chúng ta "tạo ra danh tính", việc khó nhất hóa ra lại là.... biến mình trở thành không quan trọng.
Để trở nên không quan trọng, như đã đề cập, nhiều người chọn cách suy nghĩ: tất cả mọi thứ thật ra đều không quan trọng. Họ được "giải phóng" khỏi gánh nặng của cuộc đời khi họ cho rằng cuộc đời không có gánh nặng tối hậu nào. Họ được giải phóng khỏi các trách nhiệm xã hội khi họ nghĩ rằng các trách nhiệm đó đều do người khác gán nghĩa vào hoặc cái chết cũng là vô nghĩa... vân vân mây mây. Đó là một cách phản kháng, nhưng sau cách phản kháng này là sự hoàn toàn bất lực, bế tắc trước thời cuộc. Nó giống như một loại thuốc phiện để xoa dịu sự đau đớn khi cái tôi bị giằng xé hơn là một giải pháp thực thụ để thay đổi.
Baudrillard có một giải pháp khác. Cũng trong tiểu luận, ông đưa ra một cái nhìn khá tân Marxist bằng cách phát biểu: Vong thân (alienation) mặc dù không tốt, nhưng ít nhất nó không thô tục (obscene). Vong thân, theo một cách nào đó, khiến chúng ta có thể tự phản ánh chính mình tốt hơn việc bị giằng co giữa hàng nghìn mối quan hệ khác nhau, việc chúng ta "quan trọng" như một bánh răng trong cỗ máy liên tục tiến tới trước và việc chúng ta luôn bị nhìn vào và phải kiểm điểm liên tục trong mỗi hành động.
Có lẽ, "vong thân" cũng là một giải pháp tiêu cực. Để bản thân được vong thân trong thời đại này cũng quá dễ, nhưng giống như Mark Fisher nói, cuối cùng nó cũng sẽ đưa ta vào Chủ nghĩa Khoái lạc Trầm cảm (depressive hedonia), nơi chúng ta không thể làm gì ngoài hưởng thụ.
Thay vào đó, chúng ta có thể... giảm trừ sự quan trọng của bản thân trong chính những giao tiếp hằng ngày. Triết gia Pierre Zaoui trong quyển "La Discrétion, ou l’art de disparaître" đưa ra một ví dụ: Hãy đứng trong một đám đông khoảng 15 phút. Chính trong những giây phút này, giữa đoàn người đang cắm cúi mà đi kia, sự tồn tại của chúng ta hòa vào trong biển người. Chúng ta trở nên không quan trọng, trở nên vô hình, trở thành biến mất. Trong chính giây phút đó, ảo tưởng về sự không thể thay thế và trách nhiệm thể hiện cái tôi của chúng ta đối với xã hội cũng sẽ hòa tan vào sự vô danh của đám đông trên con đường đời.
Trong giây phút đó, chính sự không-biết-người-khác (ngược lại với sự thô tục của việc ai cũng biết nhau trên mạng xã hội) và sự muôn mặt của cuộc sống (thay vì sự muôn mặt của việc thể hiện ra là mình muôn mặt), đứng từ góc nhìn bên trong nhưng tách biệt, mới khiến chúng ta có được sự an bình thoáng chốc. Cái tôi của chúng ta cũng như của đám đông được bảo toàn chính bằng việc rời khỏi đám đông đó, cho nhau không gian để thở. Sử dụng lại phép so sánh của Schopenhauer, những đàn nhím trong mùa đông luôn phải tinh tế sao cho vừa gần nhau đủ để giữ hơi ấm, vừa xa nhau đủ để những cái gai sắc nhọn không chọc vào người nhau.
Mình nghĩ về vấn đề này khi đi cùng một người bạn lên Mai Châu. Ở đây, mình liên tục bị lo lắng về sự kiện sắp diễn ra ngày mai và công việc trên thành phố. Mình và bạn ngồi cãi nhau, lạ thay, cũng chính vì "món nợ của loài người", từ 11 giờ đêm tới 5 giờ sáng, liên tục không nghỉ. Chỉ khi mệt quá, hai đứa nằm sõng soài ra một bến nước trên hồ, và khi những vệt nắng đầu tiên đang điểm vàng lên những rặng cây trên ngọn núi phía xa, bạn mới đưa tay lên trời và nói: "Đấy, nó chỉ có thế này thôi. Có gì đâu. Cứ thoải mái đi, chúng ta... không quan trọng đến thế. Những công việc không quan trọng đến thế. Cứ tận hưởng hiện tại thôi".
Trong cuộc sống hiện tại, mình cũng luôn tự đưa bản thân vào những hoàn cảnh để có thể nhìn thế giới từ phía xa, trở thành-vô danh. Một quán bar kia của bạn mình mới mở, và trên nóc quán bar đó có một cái sân thượng, nhìn thẳng ra những tòa chung cư khu Thái Thịnh. Khi mình và bạn mình lên tới nơi, trời đang mưa. Hai đứa chỉ đút tay vào túi quần, không nói gì và nhìn lên trời. Nhìn về những ngôi nhà xa xa và tưởng tượng ra cuộc sống muôn màu, náo nhiệt của mọi người. Tưởng tượng ra một cuộc sống vô cùng quan trọng với họ mà mình không dự phần. Tưởng tượng trong tiếng còi xe cùng những âm thanh loài người xa xa dưới những giọt mưa rơi thẳng đứng. Và điều đó chẳng phải thật đẹp sao?
Ảnh từ quán bar
Và đó là cách mình thoát khỏi Hư vô.