Ngày 6/6/2022 có lẽ là ngày ảm đạm nhất của ngành Y tế, khi cùng một lúc Bộ trưởng Nguyễn Thành Long bị bãi nhiệm chức và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng gửi đơn xin nghỉ việc. Đó là những gì mà các kênh truyền thông đăng tải khi thông tin về vụ đại án Việt Á chính thức bị đưa ra công chúng. Chưa dừng lại ở đó, mức độ nghiêm trọng còn liên đới tới gần 100 người bị khởi tố, với nhiều quan chức cấp cao khác trong các Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Sở Y tế, CDC và các bệnh viện của 62/63 tỉnh thành toàn Việt Nam. 
Với hơn trăm tỷ tiền hối lộ, hơn nghìn tỷ thiệt hại được gây ra, cùng nhiều Thứ trưởng, Bộ trưởng bị bắt giữ, đây xứng là 1 trong các vụ đại án nghiêm trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhân sự kiện vụ án Việt Á vừa được xét xử xong vào ngày 12/1, hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết sự việc trong bài viết bên dưới nhé.

1, NGUỒN CƠN SỰ VIỆC

Trước khi bắt đầu, để hiểu sự việc, chúng ta cần phân biệt giữa Kit test nhanh và Kit test PCR: Kit test nhanh thì bạn có thể mua ở bất kỳ nhà thuốc nào, rồi về tự test và cho ra kết quả ngay lập tức thế nhưng độ chính xác không cao. Còn kit test PCR thì mẫu sau khi lấy phải cho vào máy pcr kiểm tra. Tuy thời gian lâu hơn nhiều (nhanh nhất là 30 phút hoặc vài tiếng mới cho ra kết quả) thế nhưng tỉ lệ chính xác đến 99%. Và vụ án Việt Á sẽ liên quan đến kit PCR nhé.
Tóm tắt nhanh để bạn đọc dễ hiểu: Việt Á hợp tác cùng Học viện Quân Y (HVQY) để nghiên cứu kit test PCR. Sau đó bằng các sai phạm và hối lộ, công ty này độc chiếm phát minh kit test, lấy được chữ ký đảm bảo của Bộ Y tế, gian lận đấu thầu để phân phối cho các CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) và nâng khống giá để chuộc lợi bất chính. Nhưng bước ngoặt bất ngờ là cái kit test đó thậm chí cũng không phải phát minh của Việt Á hay HVQY, mà chỉ là mua nguyên liệu từ nước ngoài về sau đó trộn lại để sản xuất ra thứ gọi là “made in Việt Nam”.
Oke giờ đi vào chi tiết nhé…
Mọi thứ khởi sự từ đầu năm 2020, khi covid bùng phát bên Trung Quốc thì ông Trịnh Thanh Hùng (thời điểm đó là phó Vụ trưởng Bộ khoa học và công nghệ) được ông Hồ Anh Sơn (lúc đó là Thượng tá quân đội aka phó giám đốc viện nghiên cứu y dược thuộc HVQY) gọi điện thông báo rằng: HVQY đã tiếp cận được tài liệu của nước Đức và đã thử nghiên cứu kit test covid-19 nhưng chi phí cao nên cần Bộ KHCN hỗ trợ. Ông Hùng đồng ý, nhưng đề xuất HVQY phải hợp tác với 1 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO về kit test PCR, để nếu thành công thì sản phẩm sẽ xin được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và sản xuất số lượng lớn. Và ông Hùng đề xuất công ty Việt Á, Tổng giám đốc công ty là ông Phan Quốc Việt (PQV). Còn lý do tại sao chọn Việt Á mà không phải công ty khác thì … không ai biết.
Sau đó thì Bộ KHCN đã cấp 18 tỷ đồng kinh phí cho dự án nghiên cứu kit này của của HVQY hợp tác cùng công ty Việt Á.

2, SAI PHẠM

- Biến của chung thành của riêng

Sự việc bắt đầu có những dấu hiệu sai phạm đầu tiên khi nghiên cứu của HVQY chưa hoàn thành, nhưng bằng 1 cách thần kỳ nào đó thì kit test của công ty Việt Á phát minh riêng (do bà Thủy là vợ của ông Việt nghiên cứu) còn có chất lượng tốt hơn cả của HVQY, nên kit test này đã được chọn đem đi thử nghiệm và được bộ y tế cho lưu hành tạm thời.
Tuy nhiên, để được lưu hành chính thức thì PQV đã chỉ đạo cấp dưới soạn biên bản thể hiện rằng đây là sản phẩm hợp tác giữa HVQY và công ty Việt Á, cùng với đó là HVQY cho phép công ty Việt Á toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu và được in logo của HVQY lên sản phẩm. Nghe thì khá là vô lý đấy nhưng kỳ lạ là nó vẫn thuyết phục được Bộ Y tế chấp thuận cho lưu hành.
Như vậy chúng ta có thể thấy sản phẩm được nghiên cứu bằng kinh phí của Nhà nước, do Bộ KHCN làm chủ sở hữu đã bị chuyển thành sở hữu riêng của công ty Việt Á để họ có thể kinh doanh kiếm lời riêng.
Ngay sau khi vụ việc thành công thì PQV đã “cảm ơn” ông Hùng 8 tỷ. Còn ông Sơn thì được Việt nhờ mua tăm bông và ống thử số lượng lớn để làm nguyên liệu  sản xuất kit test, và hứa cho ông Sơn hưởng toàn bộ lợi nhuận từ việc này. Sau đó, cũng nhờ tác động từ ông Sơn cùng 1 số cán bộ của HVQY, thì HVQY đã 2 lần mua kit test từ Việt Á với giá cao mà không thông qua bất kỳ cuộc đấu thầu nào: lần 1 là HVQY được Bộ Quốc Phòng cấp 7,2 tỷ đồng nhưng sau đó bị đội lên thành 9,2 tỷ; lần 2 thì từ 17,5 tỷ đồng bị đội lên gần gấp đôi tới 32,2 tỷ. Còn ông Sơn và 1 số cán bộ cấp cao của HVQY thì được nhận tổng cộng 7,1 tỷ hoa hồng từ các sự vụ nêu trên.

- Hối lộ quan chức của các bệnh viện, CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) để gian lận trong việc đấu thầu và đưa kit test của Việt Á vào sử dụng trong hoạt động phòng chống dịch.

Đúng như đấu thầu thì ông nào chất lượng tốt nhất với giá cả rẻ nhất sẽ được chọn. Nhưng Việt Á đã vượt qua cả 2 tiêu chí đó và đánh vào yếu tố trả hoa hồng cao cho các quan chức lãnh đạo nhằm  đưa kit test của họ vào tiêu thụ trực tiếp tại các khu vực phòng chống dịch mà không cần cạnh tranh với bất kỳ bên nào khác.
Ví dụ có 3 ông A, B, C cùng đấu thầu cung cấp kit test với chất lượng tương đương, giá 3 ông đề xuất lần lượt là 50.000, 70.000, 100.000 cho 1 bộ kit. Thì rõ ràng các bệnh viện sẽ chọn ông A để tiết kiệm chi phí nhất rồi. Tuy nhiên ông C mặc dù bán giá đắt nhất, nhưng lại trả cho ban lãnh đạo bệnh viện 40.000/ bộ kit. Vậy là khó cho ban lãnh đạo luôn, khó mà không nhận được :))
Kết quả là win-win, công ty và lãnh đạo bệnh viện đều có lợi, không ai bị thiệt. Đùa thôi, thực ra người chịu thiệt hại ở đây rõ ràng là chúng ta, những người sẽ phải mua kit test với cái giá cao gần gấp đôi, và số tiền đó chảy thẳng vào túi Việt Á cùng với các lãnh đạo bệnh viện, CDC.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, mức tiền “chiết khấu” thường theo tỷ lệ từ 20% - 30% giá trị gói thầu, cá biệt có trường hợp lên đến 40%.
Và để có tiền trả hoa hồng cao cho các lãnh đạo thì Việt Á chắc chắn phải nâng khống giá kit test rồi. Bình thường khoảng 250.000/bộ, nay bị nâng lên 470.000/bộ (tức gần gấp đôi). Nhờ thế mà có thể thu về hơn 4000 tỷ đồng chỉ trong 2 năm đại dịch.

- Bịt miệng các cơ quan quản lý

Tất nhiên sự chênh lệch giá bất thường này thì dân thường chúng ta khó đánh giá được. Vì 1 sản phẩm được HVQY nghiên cứu, do Bộ Khoa học Công nghệ sở hữu, được Bộ Y tế công nhận và được chính các CDC phân phối, lại còn liên quan đến vấn đề sức khỏe trong thời buổi dịch bệnh, thì giá đắt 1 tý chúng ta chắc chắn cũng không dám phàn nàn gì.
Tuy nhiên điều này không thể qua mắt được các cơ quan quản lý, và PQV cũng đã phải bịt miệng họ bằng cách đi đêm với hàng loạt quan chức, từ Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ, và kể cả thư ký của phó thủ tướng Chính phủ.
Khi kiểm tra giá hiệp thương, Bộ Y tế đã xác định công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành, thế nhưng không ra kết luận kiểm tra, cũng không kiến nghị biện pháp xử lý. Điều này giúp công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được nâng khống, thậm chí đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tạo mặt bằng giá cao để bán cho các đơn vị địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của nhà nước.
Để cảm ơn sự góp sức không biết mệt mỏi của các ban bệ lãnh đạo, PQV chi hơn 106 tỷ đồng để “cảm ơn” họ bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó điển hình có:
Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nhận 54 tỷ đồng; ông Phạm Duy Tuyến - cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương nhận 27 tỉ đồng; ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KHCN nhận 4,6 tỷ đồng; ông Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ nhận hơn 8 tỷ đồng; cùng nhiều cán bộ cấp cao khác.
** Fun fact: PQV thừa nhận chi hàng trăm tỉ đồng tiền hối lộ và "hoa hồng" bán kit test, nhưng cho rằng đây chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà công ty có được, chứ không phải phạm pháp. Ông Chu Ngọc Anh thì nói rằng muốn trả lại tiền nhưng vì dịch bệnh bề bộn nên "không nhớ để trả", hiện giờ không biết chiếc vali đựng tiền ở đâu, "thấy rất đau xót” =))

- Xóa dấu vết tinh vi

Để tránh cho các quan chức bị phát hiện việc nhận tiền, việc chuyển tiền hối lộ cũng được thực hiện rất tinh vi: Sau khi các cơ sở y tế chuyển tiền mua kit test vào tài khoản chính của Công ty Việt Á, tiền chiết khấu được PQV trích ra và chuyển qua tài khoản phụ của Công ty Việt Á, rồi qua tài khoản cá nhân của em ruột Hồ Thị Thanh Thủy, vợ PQV, rồi cuối cùng là đến các nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á để họ rút tiền mặt rồi đưa cho các lãnh đạo. Nhìn chung là chuyển lòng vòng rồi rút tiền mặt để cắt đứt dòng tiền và khó truy vết cho cơ quan chức năng (vụ Trương Mỹ Lan cũng dùng chính cách này).
Cùng với đó, Việt Á cũng dùng 2 hệ thống sổ sách kế toán và lập phòng IT với trên 10 chuyên gia để bảo mật thông tin, cũng như nhanh chóng xóa dữ liệu điện tử khi bị phát hiện. Mọi thứ đều có chuẩn bị trước, ngay cả lời khai của các bị can cũng được thống nhất, nên chỉ riêng việc điều tra dòng tiền hối lộ thôi cũng đã mất 4 tháng liên tục.
https://cand.com.vn/ho-so-interpol/dai-an-viet-a-va-nhung-chuyen-khong-co-trong-ho-so-i659855/

- Bước ngoặt

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện 1 vấn đề nghiêm trọng về chất lượng kit test của Việt Á. Cụ thể, trên bao bì của các kit test này có ghi 2 địa chỉ sản xuất: (1) là ở thành phố Hồ Chí Minh, (2) là ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Khi tới địa chỉ thuộc thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ là căn nhà đóng kín bên ngoài có cái biển hiệu nhỏ bé không hề có nhân viên. Còn cơ sở thuộc tỉnh Bình Dương thì chỉ là một nhà xưởng vắng vẻ, đi vào trong không hề thấy có dây chuyền sản xuất hiện đại như quảng cáo mà chỉ như 1 cái kho chứa đầy thùng các tông. Nơi sản xuất chỉ là căn phòng 10m2, để vài cái máy chiết tách cũ kỹ, vài cái tủ lạnh và tủ cấp đông lỗi thời. Thế nhưng nhân viên ở đây khai nhận công suất sản xuất một ngày lên tới tận 30.000 Kit test ??
Vậy sự thật là gì?
Đó là, trên thực tế Việt Á và HVQY không nghiên cứu gì cả. Tất cả các nguyên liệu dùng để sản xuất kit test đều được nhập khẩu ở nước ngoài, sau đó đưa về cơ sở tại Bình Dương để làm mỗi một công việc là pha chế cho đúng tỉ lệ rồi đem ra thị trường tiêu thụ. Cái gọi là đề tài nghiên cứu kit test cấp quốc gia thực chất chỉ là trộn các loại sinh phẩm có sẵn với nhau mà thôi.
Thậm chí kit test của Việt á còn chưa được tổ chức y tế thế giới WHO công nhận, và tính hiệu quả đến nay vẫn là một ẩn số. Không ai biết đã có bao nhiêu người âm tính giả hay dương tính giả do dùng các kit test này.

3, HẬU QUẢ & XỬ LÝ

Theo thống kê, vụ Việt Á đã gây thiệt hại tổng cộng 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước là 431 tỷ đồng. Các bị cáo cũng đã tự nguyện nộp lại gần 150 tỷ đồng để khắc phục hậu quả và hưởng khoan hồng từ pháp luật.
Chiều 12-1, hội đồng xét xử đã tuyên án cho 38 bị cáo, điều mà có lẽ bị nhiều người phản ứng nhất là có đến 37/38 bị cáo được tuyên mức án dưới khung truy tố.
Trong đó PQV là người duy nhất bị tuyên án trong khung truy tố và cũng là mức cao nhất trong vụ đại án này với 29 năm tù. Theo sau nổi bật là ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế lĩnh 18 năm tù, ông Vũ Đình Hiệp - phó Tổng giám đốc Việt Á lĩnh 15 năm, ông Trịnh Thanh Hùng - Vụ phó Bộ KHCN lĩnh 14 năm, và nhiều bị cáo khác lĩnh án từ 2-9 năm.

4, THAY LỜI KẾT

Sự bức xúc nhất của sự việc này không phải vì số tiền tham nhũng khổng lồ hay lừa đảo như vụ án Trương Mỹ Lan, Tân Hoàng Minh, mà vì sự nhẫn tâm của các bị can, trong đó có cả các quan chức cấp cao, với nhiều năm cống hiến và nhận nhiều giải thưởng danh giá. Trong khi hàng triệu người vật lộn với đại dịch, hàng chục nghìn người tử vong, nhân dân khắp cả nước phải chịu đói, chịu thất nghiệp, chắt chiu từng đồng để xét nghiệm thì có những người vẫn nhẫn tâm vắt kiệt hơn nữa từng đồng tiền khó khăn đó để mua nhà, mua xe, trục lợi riêng.
Thêm vào đó, vì chất lượng kit test không đảm bảo mà không biết bao nhiêu người đã nhận kết quả sai, người dương tính lại vào khu âm tính, còn người âm tính lại vào khu dương tính, để lại những hậu quả mà đến bây giờ cũng không thể sửa sai được.
Với những hậu quả như vậy, khá nhiều người nói rằng mức án dành cho các bị cáo là quá nhẹ. Mình thì chưa đủ thẩm quyền để bình phẩm, tuy nhiên mình thấy, thực tế tòa án lương tâm và những điều tiếng tồn tại mãi sau này mới là bản án lớn nhất dành cho họ. Minh chứng là sự hối lỗi và nước mắt đã rơi trong phiên tòa cuối cùng ngày 12/1, tuy nhiên những gì đã xảy ra thì không thể thay đổi được và họ chắc chắn sẽ phải sống với nỗi ân hận và sự chỉ trích về những việc làm sai trái của mình từ giờ cho đến mãi về sau.
----------------------------------------------------
Trang cá nhân tác giả: https://tinyurl.com/6p7ndj6r