Rét tháng ba
Xao xác gió mùa thổi trước sân.
Tháng ba còn đợi, rét nàng Bân.
Ai đan thương nhớ vào trong áo.
Để lạnh sông hồ, cả thế nhân.
16/03/2025
Mới hôm trước còn phong phanh chiếc áo sơ mi chạy xe ngoài đường, tưởng như sắp tới mùa hè đến nơi rồi. Thế mà qua một trận mưa đêm, sáng nay bước ra cửa đã thấy rét run, phải mặc gấp ngay 1 chiếc áo len và áo khoác mỏng, mà tuần trước định giặt cất đi. Buổi sáng ngồi uống nước trước hiên, nghe gió thổi ù ù không ngừng, xào xạc trên tán cây, lay động giữa nền trời trắng bạc. Dưới mái hiên, chiếc chuông nhỏ đung đưa, chao liệng từng hồi, phát ra những âm thanh rộn ràng như giục người vào nhà quàng thêm chiếc khăn. Cái hanh hanh đặc trưng cả gió mùa đông bắc, làm cho mảnh sân nhanh chóng khô ráo từ cơn mua đêm hôm trước, khiến con người cảm thấy như đã đến giữa mùa đông. Ngoài trời hoa gạo đã bắt đầu thắp những ngọn nến đầu tiên, nàng Bân có lẽ đã may xong áo ấm.
Đầu tháng ba – mùa hoa bưởi
Buổi chiều ngồi học trong chùa, hương hoa bưởi từ bên vườn thoảng qua, ngan ngát, ngất ngây như ướp hương lên lời giảng của thầy – về những đoạn cổ văn trong sách Trung Dung, cùng với vẻ tịch mặc của ngôi cổ tự, khiến mình ngỡ như đang hít thở không khí thanh tao, phả ra từ trong những trang thơ của Nguyễn Trãi:
“ 閑 中 盡 日 閉 書 齋, 門 外 全 無 俗 客 來。 杜 宇 聲 中 春 向 老, 一 庭 疏 雨 楝 花 開。” “Nhàn trung tận nhật bế thư trai, Môn ngoại toàn vô tục khách lai. Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão, Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.” “Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn. Khách tục không ai bén mảng gần Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.” – Bản dịch Khương Hữu Dụng
Vào giờ nghỉ giải lao, cùng các bạn đi thăm vườn chùa, giữa tiết xuân đương trổ hoa thơm ngát, những hoa xoài, hoa mộc, hoa bưởi, hoa quất hồng bì, hoa chanh … Cùng rủ nhau đến đứng bên một gốc bưởi đơm hoa trắng tinh, mọc bên ngôi tháp cổ kính rêu phong, như để được đến gần hơn cái nguồn gốc của mùi hương dịu dàng ấy, - mà mình gọi đùa là lọ nước hoa của mùa xuân. Không khí se se của cái rét của tháng ba, giúp cho hương hoa thêm phần thanh khiết.
Bạn bè mỉm cười, chia sẻ những lời ngợi ca về không khí dễ chịu của mùa xuân, của hương thơm nồng nàn, của những ký ức về miền quê xa xăm, … như những chú chim vui hót trong ngày xuân trong trẻo. Chốc chốc, cơn gió nhẹ thổi qua, khẽ rắc những cánh hoa rơi lã chã, lên vai áo lộp bộp, như nhắc khẽ mọi người hãy dừng lại đôi chút và trân trọng khoảnh khắc đẹp đẽ đương trôi qua này. Cả một năm chỉ có một mùa xuân, cả mùa xuân chỉ có 1 tháng 3, tháng 3 chỉ có 1 mùa hoa bưởi. Lúc ra về, bạn bè còn nhặt cánh hoa bưởi rơi rụng, vương vãi trên đất để mang theo, tặng lại cho mình một ít để ép vào trong sách. Trang sách thơm tho thấm đượm mùi hương cả vào từng con chữ.
Những giờ học cổ văn, giữa tiết xuân hoa nở, trong cái rét thanh tân của tháng 3, như khiến con người gần gũi hơn với tâm hồn tiền nhân, cử chỉ cũng tự nhiên trở nên thanh tao như thể bước ra từ trong trang sách, đầy chất văn chương.
Rét nàng Bân
Trong câu chuyện với bạn bè, ai cũng bày tỏ vẻ dễ chịu về không khí se lạnh của đợt rét nàng Bân. Nó không đủ để người ta phải nhíu mày, rụt cổ, kéo cao sống áo rồi suýt xoa như mùa đông, lại vừa đủ để mặc thêm một hai lớp áo mỏng, mà thong dong đi giữa hương thơm của mùa xuân, không lo sợ bị đổ mồ hôi. Cái rét của tháng 3 có vẻ gì gần gũi và ngọt ngào như một giấc mơ trong buổi trưa xa vắng, thưa thớt tiếng chim. Nó xua tan cái nhớp nháp trong những ngày nồm ẩm, và làm khô những giọt mồ hôi lấm tấm khi tiết trời oi nóng. Sự trở lại của gió mùa đông bắc khiến không gian như được sạch sẽ, rộng mở và quang đãng hơn, gợi nỗi nhớ về mùa đông đã qua.
Thật oan uổng nếu ai đó nói: ‘Rét tháng ba, bà già chết cóng’, rét tháng ba không lạnh đến như thế đâu, có lẽ người xưa chỉ muốn nhắc nhở: Các bà già ơi (Như Quỳnh, Kim Anh, Cát Cát,…), chớ thấy trời ấm lên mà cất chăn đi vội, hãy đợi cho đến khi hoa gạo cuối tháng ba rụng hết đã nha. "
"Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn
Nếu có thể dùng từ gì để mô tả cái lạnh của thánh ba – mình sẽ nói 2 từ thôi, đó là: dịu dàng và ngọt ngào. Có phải vì đương mùa trổ bông đưa hương của các loài cây trái, mà mình thiên vị như thế không? Mình cũng không biết nữa, nhưng người miền Bắc đã đặt cho nó 1 cái tên thật dễ thương – rét nàng Bân. Cái lạnh dịu dàng và thân thương tựa như sự quan tâm cả một cô gái – hẳn vậy.
Truyện kể rằng, nàng Bân là con gái Ngọc Hoàng, sinh ra vốn đã chậm chạp hơn mọi người. Khi gió heo may thổi, là lúc nàng bắt đầu đan áo rét cho chồng. Nhưng tính nàng vụng về, đến khi lá mùa thu rụng hết, mây mùa đông đã tan mà nàng vẫn còn đan. Hoa đào bung nở, rồi rơi rụng, qua tháng giêng, tháng hai, khi trời ấm áp lên rồi thì nàng mới hoàn thành mũi đan cuối cùng. Nhưng lúc ấy chồng nàng không còn mặc được nữa. Trời động lòng thương, nên đã tạo ra một ngoại lệ, đợt gió mùa đông bắc bù giữa mùa xuân, để cho nàng có thể mãn nguyện nhìn thấy chồng con xúng xính trong chiếc áo mới, biết bao yêu thương của đôi tay mình.
Chiếc áo của nàng Bân
Hồi mình còn nhỏ, mình không thích truyện ấy lắm, vì nó có phần chê cười những người vụng về, chậm chạp, mà mình lại ở trong số đó. Khi lớn lên mình thích nó hơn 1 chút, thấy cũng dễ thương, vì những người chậm chạp thì thường chân thật (hình như mình không nằm trong số đấy ^_^), người ta nói thánh nhân đãi kẻ khù khờ là thế. Lúc trưởng thành, trải qua sóng gió của cuộc đời, mình thấy câu truyện ấy ý nghĩa và thật hay biết nhường nào.
Bây giờ nhìn lại xã hội hiện đại của chúng ta, còn mấy cô gái vẫn tự tay đan áo cho chồng cho con nữa? Những bà vợ mà mình biết (qua bạn bè và đồng nghiệp), nếu không mắng nhiếc luôn mồm, mấy ông chồng ăn không ngồi rồi, lười làm việc nhà, thì cũng đã là dịu dàng lắm rồi. Con người hiện đại của thế hệ chúng ta, vội vã và ít ỏi thời gian hơn ngày xưa nhiều lắm, rất – rất rất nhiều lắm.
Mình còn nhớ khi mình còn nhỏ, tất cả áo len trong nhà của 3 bố con đều được làm ra từ đôi tay mẹ. Trong tủ quần áo lúc nào cũng có mấy cuộn len to đùng, tròn xoe, kèm với những chiếc que đan. Cuộn màu hồng, màu đỏ để đan áo cho mẹ và em gái, màu xanh, màu đen là đan áo cho bố và mình. Cho đến bây giờ mình vẫn còn giữ chiếc áo ấy, cho dù nó đã bị thủng mấy chỗ do tàn đóm bay vào. Mỗi lần xờ vào sợi len trên chiếc áo, cảm giác như được chạm vào đôi tay của mẹ, thỉnh thoảng khi không đi đâu, mình cũng mặc lại, cảm giác như thể được mẹ ôm ấp trong những ngày thơ bé. Hơi ấm từ chiếc áo, như vẫn còn đây tình cảm nồng nàn của mẹ, nó lưu giữ lại tấm lòng thân thương không bao giờ phai nhạt.
Những ngày còn nhỏ, mỗi khi gió heo may về, mẹ lại đem cuộn len ra đan, đôi tay mẹ thoăn thoắt chuyển qua chuyển lại giữa các que đan, khiến cuộn len tròn cứ lăn mãi. Những lúc như thế, mình rất thích cuộn tròn trong lòng mẹ ôm nghịch cuộn len, mà tưởng tượng xem mẹ sắp đan ra thứ gì. Có khi mẹ đan chiếc mũ len mới cho em, có khi là đôi găng tay mới cho mình, có khi là chiếc áo cho bố. Dáng vẻ của mẹ lúc ấy chăm chú, dịu dàng và ấm áp biết bao. Mỗi khi tết đến, mấy bố con lại được trang hoàng lại bằng những sản phẩm mới của mẹ. Mình mặc chiếc áo mới, chạy ra đường đầy xác pháo, trong lòng hãnh diện lắm. Những khoảnh khắc ấy vẫn còn ghi lại sâu đậm trong trí nhớ của mình.
Có phải ngày xưa, con người ta sống chậm, nên mỗi một phút giây đều thật đáng nhớ, mỗi một tình cảm đều thật ý nghĩa, đáng trân trọng hay không? Mình cũng không biết nữa?
Mình như hiểu thêm về câu truyện ấy, ông trời tạo ra rét tháng 3 không phải chỉ vì thương con gái, không phải là thiên vị người thân. Mà như muốn nhắn nhủ thế gian, hay trân trọng và khắc ghi tình cảm thiêng liêng của người phụ nữ trong gia đình, của người vợ, người mẹ. Thứ tình cảm tuy lặng lẽ, giản dị, gần gũi mà đáng quý, đáng nâng niu biết bao. Nó sưởi ấm cuộc sống thường nhật, nuôi dưỡng tâm hồn con người, và gắn kết cá nhân trong xã hội bởi vòng tròn gia đình. Vì những tình cảm ấy, mà ông trời sẵn sằn biến đổi quy luật của tự nhiên để ra tay phù trợ.
Cái lạnh của tháng ba – rét nàng Bân – mang trong mình sự dịu dàng của thời tiết, sự ngọt ngào của hương hoa bưởi và những cây trái đang mùa trổ bông. Với người miền Bắc, nó có chút nhắc nhỏm con người hoài niệm về tình cảm đẹp đẽ. Khi hoa bưởi rụng hết, khi nắng vàng dần lên, là lúc đợi chim quyên cất tiếng kêu. Những lúc ấy mình sẽ lại nhớ tới bài Nắng mới của Lưu Trọng Lưu:
“Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác, gà trưa gáy não nùng, Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại những ngày không. Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời Lúc người còn sống, tôi lên mười; Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.”
Khán Vân hiên, Chùa Mễ Trì Thượng
Mùa hoa bưởi - 15/03/2025
Thanh Phong


Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất