Nếu tạm coi cái đầu tôi là một cái máy tính thì thơ Tố Hữu là một chủ đề chiếm một phần không ít không nhiều trong ổ cứng, nhưng mỗi lần load lên RAM thì tốn rất nhiều dung lượng RAM để xử lý, vì những chương trình xử lý khá phức tạp.
Một sự phức tạp khá tự nhiên là cảm giác “sai sai” về thời gian. Bây giờ là 2024, không phải 1974 hay 64. Có lẽ không nhiều người đồng trang lứa với tôi đọc thơ Tố Hữu, và việc nghĩ về thơ Tố Hữu một cách nhấc lên đặt xuống chắc càng hiếm hơn. Một sự phức tạp khác là một câu hỏi lớn luôn treo lơ lửng: đọc thế nào là hợp lý hợp tình? Nhìn mọi thứ với giọng điệu một chiều, khí thế hừng hực, khen ngợi như chữ nghĩa thánh hiền như cách thơ Tố Hữu được đọc lúc mới ra lò ư? Hay là phủ nhận, chê cười như một số góc nhìn sau này? Đọc thơ chỉ thấy thơ, chứ có thấy hoàn cảnh, thấy tác giả không? Nếu không thì có thiếu sót? Nếu có thì có ảnh hưởng đến cách nhìn về thơ?
Những bài viết về sự nghiệp chính trị và sáng tác của Tố Hữu, cũng như rất nhiều bình luận, nghiên cứu về thơ ông, đều không khó tìm, và cũng trải suốt từ 19-hồi đó cho tới giờ. Tôi chỉ xin kể về ông dưới góc nhìn của tôi, trước khi nhìn lại bản thân đã đọc thơ Tố Hữu như thế nào.
Chuyện về tác giả
Từ miền Trung ra Việt Bắc: thời thanh niên sôi nổi
Ông sớm đi theo tư tưởng cộng sản từ cuối những năm 30 và làm thơ từ năm 17 tuổi. Cho đến trước 1945, ông chưa có chức quyền, là một anh thanh niên giàu lý tưởng, hay viết thơ về những cảnh đời nghèo khổ, cảnh ngục tù thực dân, và hô hào bạn bè cũng cấp tiến như mình. Bài Dậy mà đi chẳng hạn, sau này đến thời Hát cho đồng bào tôi nghe để chống Mỹ ở miền Nam thì được phổ nhạc, và đến thời đầu những năm 2010 thì lớp tôi thỉnh thoảng dí điện thoại bật bài này vào tai một hai đứa ngủ trưa không chịu dậy. Ông cũng cứng cỏi bút chiến với những người mơ mộng chủ nghĩa. Có một anh giai bằng tuổi ông nhưng thay vì làm cách mạng thì lại đặt cho mình một bút danh mang họ Champa là Chế Lan Viên rồi than khóc về vương quốc đã khuất với những hình ảnh điên loạn, kinh dị. Năm 18 tuổi, anh Hữu làm một bài Tháp đổ để mắng thẳng mặt anh Vườn Lan, chê là lẩn thẩn, khờ dại, mộng ảo, vơ vẩn. Tới năm 21 tuổi, anh hạ giọng một tí, khi Qua cổ tháp cũng viết đôi dòng đồng cảm với họ Chế, hoài niệm về Champa ngày xưa, và kết rằng chạnh lòng tưởng nhớ thân nô lệ, mà hận cừu chung bỗng réo sôi!, tức là khóc Champa nhưng không quên Việt Nam cũng đang là một phần của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
Tới thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, quanh tuổi 30, trên Việt Bắc, Tố Hữu không còn là một nhà cách mạng vô chính phủ nữa mà đã trở thành một cán bộ phụ trách tuyên truyền. Những bài thơ về dân, về quân trong cuộc kháng chiến của ông dân dã, giàu tình yêu nước nhưng chưa nhiều lý luận về chủ nghĩa xã hội, trữ tình và “mềm” hơn những giai đoạn sau. Thậm chí có tác giả đương thời như Hoàng Cầm còn nhận xét là thơ Tố Hữu mềm quá (nghe ngược ngược nhỉ) so với thực tế của cuộc chiến, tô hồng thực tại. Cũng hình ảnh người lính Lên Tây Bắc, Tố Hữu thấy
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Còn chúng ta, hồi lớp 12, nếu không bỏ học trên lớp để ôn thi Học sinh giỏi Quốc gia, thì được thấy góc nhìn của Quang Dũng:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Anh lính của Tố Hữu khi về, cối lại vang rừng, chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân, sáo lại ái ân, đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca. Anh lính của Quang Dũng thì về đất với áo bào thay chiếu, trong tiếng sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Hay như Hà Nội những ngày khói lửa 46-47. Tố Hữu viết Giữa thành phố trụi, một bài thơ ít tiếng tăm, với một giọng man mác như Phan Vũ viết Em ơi! Hà Nội – phố về sau, với đường đá rát, đông lạnh ghê người, chiếc lá vèo rơi xuống cỏ, tường xiêu loét đỏ, mái gãy sườn đen. Còn nếu muốn tìm oanh liệt hào hùng thì phải hỏi Nguyễn Đình Thi. Người ra đi đầu không ngoảnh lại, nhưng vẫn không quên Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng – bùng cháy, khắp phố ta ơi! Vùng lên chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu.
Hai bước ngoặt làm giọng thơ Tố Hữu thay đổi đáng kể, là Đại hội Đảng lần thứ 2 vào năm 51, khi Đảng ra công khai trở lại sau khi tự giải tán hồi 45, và chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ đây, thơ ông gắn chặt với con đường mà Đảng dẫn dắt, từ ý thơ đến giọng thơ, đến hoàn cảnh viết thơ, đến điểm nhìn của ông khi viết thơ. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên như một bản bố cáo về chiến thắng với quốc dân bằng những câu chữ bắt tai mà đến bây giờ vẫn là một kinh điển không thể thiếu mỗi khi nói/viết về chiến thắng đó:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên Chiến sĩ anh hùng Đầu nung lửa sắt Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt Máu trộn bùn non Gan không núng Chí không mòn!
Tiếp đó, Ta đi tới là một bức bản đồ Việt Nam thống nhất trong kỳ vọng của tháng 8 năm 54. Có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện trong thơ văn. Hai bài thơ trên đánh dấu sự bắt đầu của một phong cách mà tôi tạm gọi là “thơ thời sự” vì hai lý do. Thứ nhất là nó bám sát các sự kiện thời sự. Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, vì trước đó thơ Tố Hữu cũng theo sát các sự kiện. Lý do thứ hai là những bài thơ này mang một tính chính thống về mặt chính trị, là phát ngôn của phát ngôn viên chính thức của một đảng cầm quyền lãnh đạo một nhà nước vừa giành được độc lập, và đang từng bước thực hiện chương trình chính trị của mình. Những bài thơ từ đây về sau của Tố Hữu tưởng như được rút ra từ Thời sự 19h VTV1 vậy, nếu hồi đó có VTV1, không ở mục hoạt động của lãnh đạo thì cũng ở mục tin chính - sự kiện hay mục phóng sự về cuối chương trình.
Tháng 10 năm 54, Việt Bắc ra đời, kết thúc những năm tháng ở Việt Bắc, kết thúc một giai đoạn trữ tình chính trị đằm thắm như dân ca, kết thúc những ngày anh cán bộ tuyên truyền thực sự lăn lộn trong dân, trong quân. Một điều thú vị là bài thơ xoay quanh những tâm tình kẻ đi người ở, mình về mình có nhớ ta, nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy có một câu hỏi dành cho chính tác giả, là ông về, ông có nhớ chính bản thân ông thời ở rừng và trước đó không? Có ý kiến cho rằng Việt Bắc như đỉnh cao của thơ Tố Hữu, tôi nghĩ sẽ công bằng hơn nếu coi Việt Bắc là một bản lề của thơ Tố Hữu.
Hà Nội: thơ và bí thư
Về Hà Nội, ông tiếp tục phụ trách tuyên huấn và vào Ban Bí thư từ năm 58. Ông viết những bài ca ngợi công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, khen Liên Xô, ngưỡng mộ Trung Quốc, chia vui với Ba Lan. Tập thơ của giai đoạn này mang tên Gió lộng, làm tôi nhớ đến The Wind Rises của Hayao Miyazaki – đúng là gió của thời đại nổi lên thật. Đó là thời mà Huy Cận của sóng cuộn tràng giang buồn điệp điệp ngày nào giờ lên chùa Tây Phương đối thoại với 18 vị La Hán, và bảo các vị rằng hôm nay xã hội đã lên đường. Vừa đỏ tươi như trái tim chia ba phần, cho Đảng phần nhiều, phần cho thơ, và phần để em yêu, vừa được viết bởi một lãnh đạo văn hóa cao cấp, thơ Tố Hữu trở thành đệ nhị quốc thi, trải dài qua biết bao trang sách giáo khoa và đề thi của học trò và sinh viên thời đó, đúng theo tinh thần văn dĩ tải đạo. Con người trong thơ ông phải là những con người đi tới, hai cánh tay như hai cánh bay lên, ngực dám đón những phong ba dữ dội, chân đạp bùn không sợ các loài sên như trong Mùa thu mới. Giai đoạn này ông cũng cứng rắn với những văn nghệ sĩ không cùng quan điểm trong vụ Nhân văn – Giai phẩm, khởi đầu những năm tháng đày ải của họ, trong đó có Văn Cao, để rồi 32 năm sau năm 58, khi thời đại lộng gió Đổi Mới, hai người mới lại gặp nhau khi Tố Hữu đến thăm Văn Cao vào dịp Tết. Lúc này giọng thơ Tố Hữu đã trầm hơn nhiều, và có vẻ ông đã bắt đầu hiểu được Mùa xuân đầu tiên.
Trở lại những năm tháng hừng hực, thơ Tố Hữu đồng hành với cuộc kháng chiến chống Mỹ qua suốt các giai đoạn, từ những ngày đầu tiên với tuyên bố Trời chớp giật, tất đến ngày sét đánh! cho tới lúc Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta. Ở tuổi trung niên và ở vị trí lãnh đạo, Tố Hữu không lăn lộn trong chiến trường như lớp trẻ hơn như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, chỉ có đôi lần vào thực tế khu Bốn (Bắc Trung Bộ), và một lần vào nam theo đường Trường Sơn sau khi hiệp định Paris đã được ký. Bởi vậy, giống như hồi chống Pháp, Tố Hữu không nổi bật về thơ bút ký chiến trường, miêu tả những gian khổ lẫn anh hùng từ thực địa. Bài ca lái xe đêm của ông chỉ còn đọng lại trong tôi mỗi cái tiêu đề, không như Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Nhưng đây là lúc “thơ thời sự” của Tố Hữu phong phú nhất. Theo gương Bác Hồ, ông cũng viết một chuỗi các bài thơ xuân, nhưng thay vì khúc chiết bốn câu ba vần như thơ Bác, mỗi bài của ông như những báo cáo tổng kết chính trị - quân sự - kinh tế năm cũ và đường hướng năm mới. Rồi những bài thơ kể chuyện miền Nam khởi nghĩa, những tấm gương anh hùng như anh Nguyễn Văn Trỗi, mẹ Suốt, chuyện phản chiến ở Mỹ, sự ủng hộ của Cuba, v.v. Đặc biệt, bài Bác ơi! và trường ca Theo chân Bác như một điếu văn thứ hai truy điệu Bác Hồ, với những lời xúc động đến bây giờ vẫn được đọc lại như chưa từng cũ. Rồi 73 với Hiệp định Paris, 75 với chiến thắng và hòa bình, Tố Hữu viết một chuỗi các bài khải hoàn ca tưng bừng.
Từ năm 67, ở tuổi 47, Tố Hữu đã từng tự hỏi mình rằng làm bí thư hoài có bí thơ. Câu trả lời của ông lúc đó là nghề bí thư, đâu chỉ có chuyện giấy tờ, mà phải lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ, tim ông chưa cứng thành khuôn dấu, nên càng thấu nhân tình nên vẫn thơ. Nhưng ông được vào Bộ Chính trị từ Đại hội Đảng lần thứ 4 năm 76, và không biết có quan hệ nguyên nhân – kết quả ở đây không, nhưng từ đó thơ ông bí dần. Ông im lặng trong hai cuộc chiến tranh biên giới. Về chính trị, ông giữ chức tương đương với Phó Thủ tướng thường trực ngày nay, phụ trách kinh tế, góp phần tạo ra thời “đêm trước Đổi Mới”, “nhà thơ làm kinh tế”, cuộc cải cách giá – lương – tiền dẫn đến khủng hoảng tiền tệ, lạm phát trầm trọng. Ông trả giá bằng việc mất chức, nhưng bia miệng trong nhân dân thì không thể mờ nhanh. Về thơ, xin được trích bức thư của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gửi Tố Hữu cuối năm 86, trước Đại hội Đổi Mới:
Anh Tố Hữu ạ! Trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo. Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không tiền hô hậu ủng nữa. Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị, thì bài báo đối ngoại đầu năm tôi phải viết sẽ là bài "La mort d'un poète" (Cái chết của một nhà thơ).
Thập niên 90, lúc đã ngoài 70 và không còn chức quyền, ông viết những bài suy niệm hơn, có buồn, có tiếc, có nhớ, có yêu, nhưng không trở lại thời thịnh như trước được nữa. Nếu người ta cần tìm suy niệm, buồn, tiếc, nhớ, yêu, có bao nhiêu những trang thơ lời hát khác để tìm đến, thay vì thơ Tố Hữu thời suy, chưa kể cái tội với nồi cơm của nhân dân của ông. Ngay cả cách người đọc nhìn về thơ thời thịnh của ông cũng dần thay đổi, khi hòa bình, Đổi Mới, và kinh tế là mối quan tâm chính, thay vì khí thế của thời chiến hay những lý tưởng có phần ấu trĩ. Thơ ông vơi dần khỏi sách giáo khoa. Đến thời tôi đi học, trong 7 năm trung học tôi nhớ chỉ còn thấy Lượm, Khi con tu hú, Từ ấy, và Việt Bắc – tất cả đều nằm ở trước cái bản lề Việt Bắc. Trong đó, bài được các thầy cô nhấn nhá nhất là Việt Bắc, vì có khả năng nằm trong đề thi THPT QG. Nói như ngôn ngữ ngày nay, Tố Hữu đã bị cancel khá nhiều bởi chính nền chính thống mà ông từng là một tinh hoa trong đó.
Chuyện về độc giả
Vậy tai sao tôi lại đọc thơ Tố Hữu? Câu trả lời rất đơn giản, là vì ba tôi đọc thơ Tố Hữu cho tôi nghe từ bé. Thơ Tố Hữu đến với tôi trước nhất là qua truyền khẩu, như những truyện cổ tích, như những tiếng ru, theo nghĩa đen. Còn tại sao ba lại đọc thơ Tố Hữu cho tôi? Vì ba thuộc thế hệ cắp sách đến trường với Gió lộng thời đại, học đại học trên rừng sơ tán với những bài ca Ra trận, và cứng cáp ở thời Việt Nam, máu và hoa.
Hình của nước
Lần đầu tôi có khái niệm Tố Hữu trong đầu là mùa hè trước khi vào lớp 1. Đó là lần thứ hai tôi được đi tàu ra bắc về quê, và là lần đầu mà tôi có ý thức tương đối rõ ràng. Chuyến đi đó cũng định hình một tình yêu tàu hỏa mà gần 20 năm sau tôi mới tàm tạm hiểu được tại sao mình yêu tàu hỏa. Hãy để chuyện chi tiết về tàu hỏa sang lần khác, nhưng tàu hỏa liên quan với thơ Tố Hữu ở chỗ thấy tôi say mê ngắm cảnh bên đường và tìm hiểu địa lý dọc theo đường tàu, khi về lại Sài Gòn, ba đọc tôi nghe bài Ta đi tới và Nước non ngàn dặm. Hai bài thơ du hành đó quả là hợp với tâm trạng sau một chuyến xuyên Việt.
Ai đi Nam - Ngãi, Bình Phú, Khánh Hòa Ai vô Phan Rang, Phan Thiết Ai lên Tây Nguyên, Kông Tum, Đắc Lắc Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung Ai về với quê hương ta tha thiết Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng... ------- (Ta đi tới)
Anh còn lặn lội đường xa Sông Hương đành nhớ, chưa qua sông Bồ Phù Lai ba bến con đò Thanh Lương quê ngoại, câu hò còn chăng? Êm dòng Thạch Hãn đêm trăng Những lo ngược gió Tam Giang nặng chèo ------- (Nước non ngàn dặm)
Vậy là khi bạn bè đồng trang lứa chỉ biết đến đi nghỉ mát chỗ này chỗ kia, cùng lắm là về quê và chỉ biết quê mình, tôi đã được kiểm chứng cả thực nghiệm lẫn lý thuyết là từ bắc vào, sau Nam sẽ đến Ngãi, rồi Bình, rồi Phú, rồi Khánh. Tôi thấy thế. Loa trên tàu bảo thế. Bảng giờ tàu trên Cẩm nang đi tàu bảo thế. Thơ Tố Hữu bảo thế. Sông Bồ ở đâu – à gần sông Hương, tức là gần Huế, cái ga Huế màu đỏ. Thạch Hãn, Bến Hải, Cửa Tùng ở đâu – à Quảng Trị, tức là gần ga Đông Hà, cái ga màu xanh dương mà tàu SE3 xịn nhất bỏ qua không đỗ.
Cùng với tàu hỏa, thơ Tố Hữu giúp tôi định hình được Việt Nam từ lúc còn chưa biết viết chữ viết mà mới chỉ nguệch ngoạc chữ in. Những chỗ mà đường tàu bắc nam không tới nhưng Ta đi tới hay Nước non ngàn dặm nhắc đến, như nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát, chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca, hay thác Yaly chín tầng mây, Khe Sanh với trưa nồng gà gáy, coi như treo lại, một lúc nào đó sẽ đi.
Lời ru và cổ tích
Sau khi tôi đã biết Tố Hữu là một nhà thơ, tôi dần nhận ra là tôi đã nghe thơ ông từ lâu trước đó. Một bài ru mà tôi hay được ru từ hồi ba bốn tuổi là
Con ong làm mật, yêu hoa Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời. Con người muốn sống, con ơi Phải yêu đồng đội, yêu người anh em
té ra là thơ Tố Hữu, bài Tiếng ru. Nhưng ba đã chủ động sửa chữ đồng chí trong nguyên tác thành đồng đội khi ru. Đồng đội dễ giải thích hơn, còn đồng chí thì lớn dần con sẽ hiểu.
Khi ba kể chuyện Thạch Sanh, có kèm những câu
Ta đứng đây, lẫm liệt đường hoàng Như Thạch Sanh, khí phách hiên ngang Lưng đàn, tay búa, tay giương nỏ Chém Mãng xà vương, giết đại bàng.
Thơ ai đấy? Tố Hữu! Bài Theo chân Bác. Rồi chuyện Thánh Gióng ba kể cũng kèm những câu
Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân Cưỡi lưng ngựa sắt bay phun lửa Nhổ bụi tre làng, đuổi giặc Ân.
Lại thơ Tố Hữu! Lại bài Theo chân Bác! Rồi chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh:
Thế này chăng? Thuở xưa hoang dã Chàng Sơn Tinh thắng giặc Thuỷ Tinh Càng dâng nước, càng cao ngọn núi Chân Trường Sơn đạp sóng Thái Bình.
Còn ai vào đây nữa, Tố Hữu! Bài Việt Nam, máu và hoa. Đi kèm là một câu đố: đâu là nơi chân Trường Sơn đạp sóng Thái Bình? Chính là đèo Hải Vân mà tôi ngắm không biết chán từ cửa sổ tàu hỏa gần như mỗi hè.
Kể chuyện Bác Hồ
Năm lớp 2 của tôi xứng đáng được gọi là năm thơ Tố Hữu. Tôi nhận ra xứ tuyết Phần Lan cũng đọc thơ Tố Hữu, vì Noel năm đó ông già Noel tặng tôi một cuốn thơ Tố Hữu (gần) toàn tập khá dày, thay cho cuốn tuyển tập mong mỏng vốn có ở nhà. Thế là tôi tìm đọc ngay mấy bài quen tai – Ta đi tới, Nước non ngàn dặm, Theo chân Bác. Tới tháng 4, trường và quận có tổ chức hội thi kể chuyện Bác Hồ. Ở cấp trường, tôi kể chuyện Chiếc rễ đa tròn một mình và thắng, được chọn đi thi cấp quận. Tới cấp quận, cũng câu chuyện Chiếc rễ đa tròn nhưng trường chọn hình thức diễn hoạt cảnh, tôi vừa làm người dẫn chuyện vừa cùng mấy bạn đóng vai các em thiếu nhi đến thăm vườn của Bác. Ba tôi nhận vai biên kịch, và nhà biên kịch quyết định kết thúc câu chuyện bằng cảnh chú bảo vệ đố những bạn nhỏ đang vui chơi bên cây đa tròn có nhớ được đoạn thơ nào gợi nhắc đến câu chuyện Bác trồng cái rễ đa không. Bạn đầu tiên, cây văn nghệ của lớp, xung phong:
Anh dắt em vào cõi Bác xưa Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa Có hồ nước lặng sôi tăm cá Có bưởi cam thơm mát bóng dừa.
Bạn thứ hai, cũng là diện cây văn nghệ hạng nhì của lớp, tiếp lời:
Có rào dâm bụt đỏ hoa quê Như cổng nhà xưa Bác trở về Có bốn mùa rau tươi tốt lá Như những ngày cháo bẹ măng tre.
Chú bảo vệ khen hay, nhưng bảo chưa trúng. Thế là khoảnh khắc tỏa sáng chốt hạ được dành cho con của nhà biên kịch, cũng trích từ Theo chân Bác:
Và các em, có hiểu vì sao Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ Biển thường yêu vậy sóng xôn xao…
Quả là câu chuyện Chiếc rễ đa tròn thu về đúng một câu Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ! Sau này nghĩ lại tôi phát hoảng trước độ ngấm thơ Tố Hữu và tài tầm chương trích cú của ông biên kịch. Lần đó quận chấm chúng tôi được giải ba, hình như đội nào đó diễn cảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước được giải nhất, tôi cũng hơi ấm ức. Nhưng thôi ấm ức mà chi, vì có phải ai cũng được nghe giảng giải về sự hiếm hoi của chữ Và đứng ở đầu một câu thơ thất ngôn, có phải ai cũng được chỉ cách làm động tác tay diễn cảm để mô tả sóng xôn xao.
Như một vĩ thanh cho câu chuyện trên, vì thấy mọi con đường đều có thể dẫn tới bài Theo chân Bác qua những câu chuyện với ba, tôi cũng đọc bài đó rất nhiều, và cũng ngâm ngấm. Có lần cùng ba đến chơi nhà ai đó nhưng người ta đi vắng, tôi liền bảo chắc như thường lệ, Người đi vắng. Thế là ăn mắng vì cái tội vừa bất kính vừa gở mồm.
Đọc thơ không đọc đời
Vậy là thơ Tố Hữu đã dính vào tôi từ lúc tôi chưa biết gì về cuộc đời đủ thăng trầm khen chê của tác giả. Nói theo tác giả Bông của bài Nghe Nhạc Không Nghe Đời Tư Liệu Có Khó? gần đây, thời thơ ấu tôi đã đọc thơ Tố Hữu mà không mảy may đọc đời tư. Đọc một cách ngây thơ thấy sao hiểu vậy, chưa biết phân tích lý luận gì, coi thơ ông chỉ thuần kể và tả, như những truyện dân gian hay truyện thiếu nhi. Ơ, như thế té ra lại là một cách đọc thơ Tố Hữu khá thuận lợi vì hai điểm. Thứ nhất là không bị những chuyện người lớn về chính trị - kinh tế làm ảnh hưởng đến cảm nhận của mình về thơ, thứ hai là thơ Tố Hữu vốn được viết để đọc như vậy. Câu từ mộc mạc, không ẩn dụ sâu xa như thơ Đường, không chiêm nghiệm triết lý như nhạc Trịnh, không nói nước đôi, yêu là yêu tới cùng, thù là thù tới tận, chính tà phân minh không vùng xám. Nhiều thông điệp trong thơ ông như tình cảm với quê hương đất nước, khát khao cống hiến, ngưỡng mộ anh hùng đều là những điều mà một người đọc ít tuổi có thể tiếp xúc, còn việc gia giảm gọt dũa nó cho phù hợp, không lên gân, có lý trí, là việc của người đọc khi nhận thức cứng cáp dần lên. Cũng như truyện Tấm Cám, một em bé lần đầu nghe truyện chưa cần phải tranh biện ngay về hành động trả thù của Tấm. Lớn dần lên, em sẽ dần thấy được hành động đó theo nghĩa đen là sai, nhưng có thể thắc mắc tại sao tác giả dân gian lại lựa chọn như vậy? Và những truyện dân gian khác, của những nền văn hóa khác thì sao?
Không chỉ tắt đời tư mà nhiều lúc tôi còn tắt cả nội dung, chỉ để ý đến nghệ thuật khi nghĩ đến thơ Tố Hữu. Hồi lớp 9, cô dạy văn thét ra lửa của tôi từng bảo là phân tích thơ đi từ nghệ thuật tới nội dung. Tôi thấy nhận định này nửa đúng nửa sai. Đúng ở chỗ nghệ thuật câu từ nhiều khi dễ bắt vào đầu hơn nội dung thật, nhưng sai ở chỗ phải đi bẻ chữ mà phân tích như viết bài thi thì còn gì là cái thú đọc thơ. Nó phải ngấm từ trực giác, giống như một điệu nhạc thoáng qua vậy. Một người hiểu biết về ca dao có thể thấy những bài lục bát của Tố Hữu nghe êm ái như ca dao. Còn tôi không rành nhiều ca dao, dân ca trước khi nghe thơ Tố Hữu (vì từ quá sớm), nên dường như sau này khi nghe những đoạn lục bát khác, hay Truyện Kiều, tôi thỉnh thoảng nghĩ đến những đoạn lục bát của Tố Hữu để tìm chút đối chứng.
Mình về mình có nhớ ta? Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn? ------- (Việt Bắc)
Những đoạn thơ thất ngôn lại mang một sắc thái khác – một chút khuôn khổ hơn, nghiêm trang hơn. Như khi kể chuyện Mẹ Suốt chèo đò trên sông Nhật Lệ, ông lồng ghép vào những lời đối thoại tâm tình với mẹ, nên thể lục bát tạo cảm giác dân dã. Còn khi tưởng niệm Mẹ Tơm quá cố đã từng nuôi giấu ông thời tiền chiến, một vẻ thành kính và hoài niệm hiện lên:
Con đã về đây, ơi mẹ Tơm Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy Không sợ tù gông, chấp súng gươm!
Hai bài Bác ơi! và Theo chân Bác đầy trang trọng cũng theo thể thất ngôn. Còn song thất lục bát như trong Ba mươi năm đời ta có Đảng rất hợp với một bài diễn ca kể sử. Rồi những đoạn thơ tự do, tùy tâm trạng mỗi bài mà mang một vẻ. Mỗi dòng thơ có thể nghe như những câu reo vang trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, hay như một đường chổi quét nhè nhẹ trong đêm:
Những đêm hè Khi ve ve Đã ngủ Tôi lắng nghe Trên đường Trần Phú Tiếng chổi tre Xao xác Hàng me Tiếng chổi tre Đêm hè Quét rác... ------- (Tiếng chổi tre)
Vần điệu là một sự tài tình của Tố Hữu, và làm tôi để ý từ thuở còn học vần. Ông gieo vần rất trúng và không có vẻ cưỡng ép, một điều khá khó mà ai từng thử làm thơ theo niêm luật chắc đều trải qua. Như trong đoạn kể về song thân của Bác,
Cha đã đi đày, đau nỗi riêng Còn nghe tiếng gót nặng dây xiềng... Mẹ nằm dưới đất, hay chăng hỡi Xin sáng lòng con ngọn lửa thiêng! ------- (Theo chân Bác)
Gieo được cả 3 vần iêng, không bị biến thành iên hay gì đó khác! Tiếng Việt không biết có mấy khổ thơ như vậy. Năm xưa nếu Hồ Xuân Hương không thách làm thơ vần uông mà là vần iêng thì Tố Hữu đã thắng giòn. Còn trong vẻ chông chênh của núi rừng Tây Bắc, cả vần cả điệu ngang ngang giúp một đoạn thơ hợp với cảnh hơn
Lại những ngày đi, vắt với sương Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương Đêm mưa rình giặc, tai thao thức Mùa lại mùa qua, rét nhức xương. ------- (Lên Tây Bắc)
Một ví dụ nữa về việc thơ dính vào đầu tôi bằng âm điệu trước rồi mới tới nội dung là đoạn
Người trông gió bỏ buồm, chọn lúc Nước cờ hay, xoay vạn kiêu binh Lòng nhẫn nhục quyết không khuất phục Yêu hoà bình, đâu sợ chiến chinh! ------- (Theo chân Bác)
Tôi ấn tượng với vần uc tái đi tái lại, nghe có vẻ nặng nề vất vả, nhưng hồi bé tôi không hiểu tại sao lại có một đoạn kể về Bác Hồ như vậy. Chính nhờ cứ lâu lâu tua lại đoạn thơ với cái vần đặc biệt trong đầu mà sau này tôi mới nhận ra nó nói về thời 45-46, khi Bác Hồ định trồng những cây tre ngoại giao đầu tiên, đã đạt được những thành tựu bước đầu như hòa Pháp để đuổi quân Tưởng về nước, đã đề xuất một Việt Nam độc lập thuộc Liên hiệp Pháp, nhưng sự cố chấp của Pháp và kém thức thời của Mỹ đã làm những cây tre đó không lớn được và gần 50 năm xung đột kéo theo, về quân sự, chính trị và thương mại, để rồi đến bây giờ hàng tre mới được trồng lại và đang xanh tốt.
Tuy câu từ nhiều khi mộc mạc như vè, không ẩn dụ, nhưng thơ Tố Hữu thỉnh thoảng cũng có những hình ảnh làm tôi liên tưởng tới một thời gian hoặc không gian khác. Về liên thời gian,
Áo chàm đưa buổi phân ly Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...
tuy không nhắc đến rừng nhưng tự trong đầu ta đã có hình ảnh của rừng Việt Bắc, và bởi thế, quang cảnh có nét từa tựa
Người lên ngựa, kẻ chia bào Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
như Thúy Kiều tiễn Thúc Sinh. Một đằng xanh màu áo chàm, một đằng đỏ màu lá phong.
Còn về liên không gian, lần đầu thấy logo của chính phủ Pháp với bà Marianne, hiện thân của đất nước, với làn tóc bay nhè nhẹ trong gió, tôi thoáng nghĩ tới
Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ… ------- (Mẹ Suốt)
Đọc đời không đọc thơ
Không ai có thể đọc mãi truyện cổ tích khi lớn lên. Từng bước, tôi tiến dần tới góc nhìn về Tố Hữu và thơ ông như đã kể ở phần Chuyện về tác giả. Người ta có thể phê phán Tố Hữu là giáo điều, hết thời, làm khổ văn nghệ sĩ, phá hoại kinh tế đất nước. Với cá nhân tôi, vì may mắn không trải qua những thời đó, cũng không bị chương trình nào gò ép phải tụng thơ Tố Hữu suốt thời đi học, tôi không có mối ác cảm trực diện với Tố Hữu khi biết về cuộc đời ông. Tôi coi thơ và sự nghiệp Tố Hữu là một phần của lịch sử, gắn với hoàn cảnh cụ thể lúc đó, nên nhìn vào đó để hiểu thêm lịch sử, và nhiều khi không nghĩ đến khía cạnh văn học nhiều bằng khía cạnh lịch sử. Kiểu như “à, hồi đó có sự kiện/vấn đề này, nó là như thế này, và quan điểm chính thống đương thời về nó là như thế này.” Cách nhìn này khá phù hợp với bản chất thơ thời sự của Tố Hữu.
Ví dụ như từ Ta đi tới, ta có thể nghĩ đến bối cảnh chính trị ngay sau Hiệp định Geneva và động lực viết một lời kêu gọi Việt Nam thống nhất, vận động ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước non ngàn dặm đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp sau Hiệp định Paris nhưng trước mùa xuân 75, khi Mỹ không còn tham chiến trực tiếp, chiến sự giảm bớt (nên Tố Hữu mới vào Nam bằng đường Trường Sơn được), miền Nam vẫn chủ yếu thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhưng nhiều vùng đã nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bài ca mùa xuân 1961 với yếu tố kinh tế là chủ đạo, là góc nhìn lạc quan của một lãnh đạo văn hóa về miền Bắc thời đầu tập thể hóa, xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sau này mô hình kinh tế đó diễn tiến như thế nào, lịch sử đã trả lời. Tuy mùa xuân 61 chiến tranh chưa lan rộng, nhưng đến Tấm ảnh đầu năm 67 với o du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu thì Hanoi Hilton đã đông khách làng bay, và dù thời đó, bối cảnh đó, Thù muôn đời muôn kiếp không tan là tinh thần chính thống, nhưng giờ đây, khi Trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời, đã có những thằng Mỹ lênh khênh ngày ấy được dựng bia tưởng niệm ở chính nơi từng phải bước cúi đầu để ghi tạc công lao giúp tan sương, vén mây.
Không đọc cả thơ và đời tác giả
Thế thì đọc cái gì? Đọc bản thân và những người đọc khác. Không chỉ là chiếc cầu nối với nhiều kỷ niệm tuổi thơ, thơ Tố Hữu còn làm tôi nghĩ đến thời 1960 ở miền Bắc với một thế hệ lớn lên trong thơ Tố Hữu, với cơ cực, chiến tranh, sơ tán lên núi rừng, khổ có mà vui cũng có. Điểm nhìn này cũng có nét giống như cách Nguyễn Tuân nhìn về thời Nho học qua tập truyện Vang bóng một thời, một sự trân trọng những nét xưa cũ. Chuyện kể rằng mới xuân 61 Tố Hữu hô hào
Đi ta đi! Khai phá rừng hoang Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng? Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy? Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều? Hỡi những người trai, những cô gái yêu Trên những đèo mây, những tầng núi đá Hai bàn tay ta hãy làm tất cả! Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai Khói những nhà máy mới ban mai... ------- (Bài ca mùa xuân 1961)
thì đến năm 62, học sinh lớp 7 đã phải phân tích đoạn đó trong một kỳ thi học sinh giỏi văn. Cùng với bao nhiêu bài giảng, đề thi, bài phê bình trên báo chí đương thời, thơ Tố Hữu trở thành một thứ văn hóa đại chúng được chỉ định từ trên xuống, ngấm vào trong lời ăn tiếng nói và trong suy nghĩ của nhiều người trẻ. Nhiều học sinh sinh viên cũng hăng hái làm thơ, và đọc thơ của họ nhiều khi ta thấy có phong vị thơ Tố Hữu trong đó. Thơ ca nói chung và thơ Tố Hữu nói riêng trở thành một chất keo văn hóa gắn kết bạn bè, và nhiều người đã đem văn hóa thơ này theo suốt đời, thành chuyện kể cho đời sau, chuyện hàn huyên đời mình, và là ngôn ngữ để giãi bày tâm tư những dịp đặc biệt, chẳng hạn như ngày tốt nghiệp đại học, ngày mình góp sức tổ chức một đêm hội xuân xa quê nhưng đến lúc hội diễn ra thì mình đã trên máy bay vì công việc, hay ngày họp lớp, mừng nhau mạnh khỏe. Lúc đó, thơ cũng như một món ăn trong bữa tiệc, đôi lúc ta để ý đến nó, nhưng đôi lúc việc cùng ngồi ăn với nhau đã là một niềm vui.
Có lẽ người đọc thơ Tố Hữu nổi tiếng nhất của những năm gần đây là cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một đại diện tiêu biểu của thế hệ thanh niên 60. Lúc là một biên tập viên trẻ mới ra trường, ông rút gọn luận văn tốt nghiệp của mình thành một bài báo nghiên cứu văn học, về Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu. Đọc bài báo của ông, ngoài những so sánh, liên tưởng phong phú tới ca dao, dân ca, tôi thấy một sự ưu ái với giọng thơ lục bát, với tập thơ Việt Bắc, và đặc biệt là bài Việt Bắc. 53 năm sau khi bài báo đó xuất bản, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 21, ông lồng vào bài phát biểu của mình những khúc ngâm Việt Bắc mượt mà nhưng pha chút dí dỏm. Không biết mình trong Việt Bắc có chung thủy với ta hay không, nhưng người đọc bài thơ đã chung thủy sắt son với bài thơ. Bởi lẽ đó, có một sự viên mãn khi những ngày qua, từ truyền thông chính thống tới người dân đã dùng chính những lời thơ Tố Hữu mà lúc sinh thời ông tâm đắc để tiễn biệt ông – những lời trang trọng nhất nói về Bác Hồ, lần đầu tiên được nhân dân phong tặng cho một người xứng đáng khác. Bài viết này cũng là lời chào của một người đọc thơ Tố Hữu đời sau kính gửi đến bậc tiền bối đã nhập tâm thơ Tố Hữu trọn đời.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này