Tôi đã đọc trọn bộ 4 quyển về Dr. Hannibal Lecter của Thomas Harris, và tôi thực sự thích nhân vật này (nhiều người sẽ cho rằng việc đánh giá cao một kẻ tâm thần thế này hơi bệnh hoạn, nhưng tôi sẽ giải thích tại sao ngay bây giờ).
Tôi thích cách nhân vật này được xây dựng, hắn không phải là một kẻ có siêu năng lực đặc biệt, không phải 1 người bất kỳ nào được người khác nhét vào tay viên thuốc màu đỏ để nhìn thấy chân diện mục của xã hội… KHÔNG, hắn là một người rất đỗi bình thường theo những tiêu chuẩn xã hội nơi hắn ẩn thân (trước khi hắn bị phát hiện bởi Will Graham) và có phần còn được tôn kính với những thành tựu trong lĩnh vực của hắn. Nhưng sau lớp da uyên bác và quyến rũ, đó là một con quái vật thực sự, tạo ra bởi chính con người. Hắn là quái vật Frankenstein hoàn hảo, không có một vết dao kéo, chắp nối nào.


Đọc thêm:

Hắn làm tôi thực sự phải tự đặt câu hỏi về cách hắn cười ngạo nghễ và nhổ toẹt vào những khái niệm về đạo đức (của nhân loại) trong tôi. Tôi xin mượn lời của Lawrence Kohlberg – nhà tâm lý học người Mỹ nổi tiếng với lý thuyết về các giai đoạn phát triển đạo đức để tạm làm rõ những bậc thang của đạo đức con người mà phương Tây đã đặt tên được.
– Mức phát triển đầu tiên, giai đoạn tiền quy ước (pre-convention): Các cá nhân ở giai đoạn này không dùng các quy ước xã hội để định hướng cho ứng xử của mình. Nhu cầu và lợi ích của người khác chỉ được xem xét nếu nó đem lại lợi ích cho bản thân. (Mức này phổ biến ở trẻ em nhỏ, nhưng cũng có ở cá biệt 1 số người lớn).
– Mức phát triển thứ hai, giai đoạn quy ước (convention): người ta có khả năng suy ngẫm vượt ra khỏi mối quan tâm trước mắt về lợi ích cá nhân. Người ở mức này coi những quy ước cộng đồng là chuẩn mực đạo đức. Động cơ của họ là để có một hình ảnh đẹp trong mắt người khác (Phần lớn người trẻ sẽ dừng ở mức này).
– Mức phát triển thứ ba, giai đoạn hậu quy ước (post-convention): người ở mức này coi luật lệ và quy định là cần thiết và hữu ích nhưng vẫn linh hoạt. Họ hành xử theo niềm tin cá nhân thế nào là lẽ phải. Người ờ mức 3 và mức 1 nhìn ở bên ngoài thì giống nhau nhưng bản chất không giống, mức 1 hành xử để mình có lợi nhất, mức 3 hành xử theo nguyên tắc đạo đức của mình để lương tâm không lên án (Chỉ có rất ít cá nhân trong xã hội đạt đến mức này).
Một cá nhân tiến từ mức 1 lên mức cao hơn không phải đơn thuần nhờ những lời học vẹt các giáo điều mà phải nhờ “Khủng Hoảng Nội Tâm”. Khi thấy bất an với quan điểm của mình, khi thấy nó không trả lời được cho tình huống và trải nghiệm mới gặp, họ phải tìm cách giải quyết xung đột và qua đó đạt được tầm nhận thức mới.
Hannibal Lecter cũng trải qua khủng hoảng nội tâm, và hắn cũng nhảy vọt 1 bước tiến vô cùng lớn để leo lên đỉnh của kim tự tháp săn mồi. Hắn đã trộn lẫn mức 1 và mức 3 với nhau. Hắn vừa hành xử theo lợi ích, vừa hành xử theo quy tắc riêng, và đáng sợ là, hắn không còn cái gọi là lương tâm để cắn rứt hay lên án. Hắn không phải bạo chúa, không phải sát nhân, không phải kẻ điên loạn, hắn đơn giản chỉ là kẻ ăn thịt… tất cả những động vật khác ngoài hắn.
Nếu để các bác sĩ tâm lý có nhiều kinh nghiệm trên đời đánh giá, Hannibal chắc chắn là một kẻ mắc bệnh Rối loạn nhân cách phản xã hội (ASPD). Để có thể chính thức chẩn đoán Lecter bị mắc ASPD thì phải dựa trên bằng chứng của bệnh Rối loạn đạo đức (Conduct Disorder) trong quá khứ cho đến trước khi hắn 15 tuổi. Bệnh rối loạn đạo đức được tả là người bệnh có các hành vi công kích, gây hấn, phá hoại, lừa dối và xâm phạm các luật lệ. Bệnh này được dùng làm kim chỉ nam để xác định bệnh ASPD khi trưởng thành. Nói cách khác, để chẩn đoán một người mắc ASPD thì người đó phải được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn đạo đức khi còn đang tuổi vị thành niên, nghĩa là trước 15 tuổi. Và bệnh ASPD cũng là bệnh duy nhất trong các bệnh rối loạn nhân cách có một bệnh khác được xác định khi còn nhỏ để làm tiền đề chẩn đoán. Mắc bệnh rối loạn đạo đức không hẳn lúc nào cũng dẫn đến rối loạn nhân cách phản xã hội, nhưng mắc rối loạn nhân cách phản xã hội nhất định cũng sẽ mắc rối loạn đạo đức khi còn nhỏ. Người mắc ASPD ít khi nào tự đi khám chữa bệnh. Họ không có động lực cũng như không thể thấy được những hệ quả từ các hành vi phản xã hội của họ mang lại. Trong trường hợp của Dr. Lecter, hắn là người mắc bệnh loạn thần kinh nhân cách nhưng hoạt động cấp cao. Điều này có nghĩa hắn có thể che dấu hành vi bất bình thường của mình trong một số trường hợp xã hội nhất định và giữ hình ảnh mình một cách tích cực trong khi đằng sau thì phạm tội ác rùng rợn. 
Còn nguyên nhân và cách thức để tạo ra một con quái vật như thế này thì các bạn hãy tìm đọc Hannibal Trỗi dậy. Tôi sẽ chỉ bật mí một cái tên: Mischa Lecter.


Đọc thêm:

Tôi tin rằng những con quái vật như Lecter là hoàn toàn có thể xuất hiện ngoài đời thật, chứ không chỉ trong trí tưởng tượng của Thomas, và nếu một ngày chúng ta chẳng may gặp phải hắn, cách tốt nhất có lẽ là cầu nguyện mình không gặp hắn vào giờ ăn!
Minh Hiếu
19/06/2020.