Mở bài

Elvis Presley, Ray Charles, the Beatles, the Rolling Stones, the Doors, the Who, Led Zeppelin, Eric Clapton, Jimi Hendrix, David Bowie, Elton John, Billy Joel, Michael Jackson, Nirvana, ... đây là một danh sách ngẫu nhiên và chắc chắn là không đầy đủ về những nghệ sĩ solo và band nhạc lớn của thế kỉ trước. Họ có rất nhiều tác phẩm để đời, và để lại ảnh hưởng sâu rộng tới việc định hình xu thế âm nhạc đại chúng từ thời đại của họ cho đến tận bây giờ. Đây cũng có lẽ là ấn tượng đầu tiên mà đa số mọi người sẽ hình dung tới khi nghĩ đến những cái tên này. Tuy nhiên, những con người vĩ đại kể trên đều có những nhược điểm, đó là việc lạm dụng chất kích thích, rượu, hoặc có thể là ngoại tình, có con rơi, hành hung, hoặc với một số người cá biệt thì là tất cả những điều kể trên. Mặc dù vậy, họ vẫn được mến mộ, âm nhạc của họ vẫn sống theo năm tháng, và nhiều thế hệ nghệ sĩ đã và đang coi họ là những nguồn cảm hứng để noi theo. Vậy có lẽ để trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề thì việc tách riêng âm nhạc của một nghệ sĩ ra khỏi đời tư của họ là điều hiển nhiên và dễ làm?
Trước khi đi sâu hơn vào câu hỏi này, xin được nói rõ rằng tác giả không cổ xuý cho những thói hư tật xấu được nhắc tới ở đầu bài, và cũng không cổ vũ ai làm theo những tật xấu đó. Mục đích của bài viết này là để nói về việc chúng ta, với tư cách là khán giả và người tiêu thụ sản phẩm âm nhạc, có thể lựa chọn việc yêu thích tác phẩm của một nghệ sĩ cho dù họ có những mặt trái mà ta không đồng tình.

Câu chuyện 1: George Harrison và Something

Trước hết, mình xin lấy một ví dụ cụ thể, đó chính là câu chuyện đằng sau bài hát Something của The Beatles, do George Harrison - em út của band chắp bút viết tặng người vợ đầu Patti Boyd của mình. Một bản tình ca bất hủ, vừa nhẹ nhàng thủ thỉ như lời bộc bạch của một chàng trai nhút nhát, lại vừa tràn đầy nhiệt thành khi đoạn chorus vang lên - John Lennon coi đây là bài hay nhất trong cả album Abbey Road của nhóm, và ông hoàng nhạc swing Frank Sinatra đã ca ngợi đây là bài hát về tình yêu hay nhất mà lời không có một chữ "yêu" nào.
Tuy nhiên, dù George có viết ra bài hát "sến" như vậy nhưng cuộc hôn nhân của ông với Patti thì lại vô cùng sóng gió. George vụng trộm với nhiều người và rồi họ li hôn khi George đang chìm sâu trong cocaine, với đỉnh điểm là sau khi George ngoại tình với vợ của Ringo Starr - tay trống của Beatles và cũng là người George thân nhất trong band. Còn với Patti, ngay sau khi li hôn George bà cũng đã chuyển tới sống cùng và rồi cưới Eric Clapton - một guitarist huyền thoại và cũng là ... bạn rất thân với George (bản thân Eric Clapton cũng đã si mê Patti từ lâu, và đã không hề giấu giếm việc đó thông qua việc sáng tác Layla, một bản rock cực cháy với chiếc riff rất mượt). Tua nhanh tới thời hiện đại, Something vẫn là một trong những bài hát được yêu thích nhất của Beatles, và cũng là một minh chứng cho một giai đoạn rất đẹp trong chuyện tình George-Patti.
George Harrison và Patti Boyd (credit: Alamy)
George Harrison và Patti Boyd (credit: Alamy)

Câu chuyện 2: Eric Clapton và Tears in Heaven

Để tiếp nối cho câu chuyện thứ nhất, mình sẽ nói về nguồn gốc của Tears in Heaven - một bài hát nổi tiếng của Eric "Slowhand" Clapton, người đã cưới vợ bạn trong câu chuyện kể ở trên. Được Clapton viết để tưởng nhớ đứa con đã mất do tại nạn từ khi còn rất nhỏ của ông, Tears in Heaven thực sự là một bài hát gây thổn thức với mình (và có lẽ với nhiều người nữa). Lần đầu tiên mình được nghe bài hát này là một buổi trưa hè lớp 8, và dù lúc đó chưa biết đến bi kịch đằng sau, cách đi giai điệu da diết cùng lời ca quá đỗi personal của Clapton vẫn khiến mình buồn man mác cả ngày hôm ấy (sau này khi đọc được backstory thì mình lại sang chấn thêm một lần nữa).
Mỗi khi Spotify của mình ngẫu nhiên nhảy đến Tears in Heaven, dĩ nhiên mình sẽ không tự nhiên nghĩ tới việc Clapton cũng từng có một quãng thời gian đen tối dài, khi ông từng nghiện ma tuý và rượu, dẫn tới rất nhiều scandal về hành xử không đúng mực trên sân khấu và những phát ngôn kì thị người da màu. Đây cũng là một sự trớ trêu (hay với một số người thì là sự phản bội) khi mà tư duy âm nhạc và phong cách chơi guitar của Clapton chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nhạc blues của B. B. King, Muddy Waters, hay Robert Johnson, những nghệ sĩ da màu mà ông ngưỡng mộ tới mức tôn thờ.

Bàn luận về mối liên hệ giữa tác phẩm và đời tư

Hai câu chuyện kể trên chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ có thể tìm thấy trong âm nhạc đại chúng, và có cùng điểm chung mà mình muốn nhắc tới, gồm hai vế:
(1) Những bài nhạc hay có thể được viết ra từ những cảm xúc thành thật hay góc nhìn riêng của người sáng tác ở một thời điểm nhất định, và vì thế tạo ra sự kết nối sâu sắc với người nghe thông qua cảm xúc cụ thể được truyền tải trong đó, nhưng chúng ta không cần (và có lẽ không nên) khái quát hoá toàn bộ con người họ chỉ từ một bài hát đó. Thường khi một bài hát được sáng tác ra nó đánh dấu một trạng thái tinh thần và tâm tính nhất định của nhạc sĩ ở thời điểm đó. Nhưng con người thì luôn thay đổi và tâm tính không bao giờ đứng yên.
(2) Nếu một nhạc sĩ có góc khuất trong đời sống cá nhân thì chúng ta không cần phải (và cũng không nên) phủi đi những cảm xúc đẹp mà những tác phẩm họ đã mang đến. Cũng giống như luận điểm đầu tiên, những góc khuất có thể chỉ xảy ra trong một giai đoạn nhất định, khi họ mất kiểm soát với cuộc sống của bản thân, vì vậy sẽ là không công bằng với những tác phẩm của họ khi chúng bị đánh đồng với sự tiêu cực đến từ những thứ mà chúng không đại diện.
Vậy nghe nhạc có nên nghe đời tư hay không? Như hai bài hát được nhắc tới ở trên, có lẽ chưa cần biết tới câu chuyện đằng sau thì chúng đều đã rất hay rồi. Cái hay của âm nhạc là mỗi người có thể tìm thấy câu chuyện của riêng mình trong cùng một bài hát, mà chẳng câu chuyện nào giống nhau cả. Điểm chung của hai bài hát là mỗi bài xoay quanh một màu sắc cảm xúc rất rõ ràng mà ai ai cũng trải qua, nhưng theo cách của riêng mỗi người.
Nếu dừng lại ở đây thì ta có thể nghe nhạc không cần biết đời tư. Tuy nhiên, việc biết được rằng George viết Something để tặng vợ lại làm cá nhân mình thấy thích thú với nó hơn rất nhiều, cũng như việc biết thêm về lí do của Tears in Heaven lại càng làm mình mê hơn, hiểu rõ hơn về từng câu chữ và cách chơi acoustic guitar của Clapton trong bài. Quan trọng hơn nữa là, việc biết thêm về những góc khuất khác trong đời tư của hai nhạc sĩ không ảnh hưởng gì đến việc mình yêu thích hai bài hát đó cả.
Hiểu một cách hình tượng thì những bài hát được viết dựa trên cảm xúc hay góc nhìn cá nhân của nhạc sĩ giống như một cầu nối giữa khán giả tới thế giới nội tâm của người viết vậy. Tuy nhiên, mỗi bài hát là một chiếc cầu chỉ dẫn tới một hòn đảo trong thế giới nội tâm bao la đó thôi. Trên hòn đảo đó là những gì mà người viết cảm thấy thoải mái để chia sẻ với ta trong bài hát đó, và nó cho chúng ta cơ hội để nhìn mọi thứ qua lăng kính của họ. Vì vậy, sẽ là tốt cho cả hai bên nếu như ta tôn trọng thế giới riêng của họ và không cố gắng bước tới những nơi họ không muốn ta tới. Nói một cách tường minh hơn thì theo ý kiến cá nhân mình, nhạc và đời tư đôi khi không thể tách rời, nhưng các mảng đời tư khác nhau thì có thể có biên giới, và mỗi bài nhạc chỉ gắn với một miếng ghép nhỏ tạo nên con người nhạc sĩ đó.

Cái tôi của người nghệ sĩ và những cám dỗ

Như mình đã nói ở mở bài, có vẻ như giữa người nghệ sĩ và những cám dỗ khi họ nổi tiếng như rượu, chất kích thích, và những cuộc tình bên lề luôn có một mối lương duyên khó dứt. Đây thường là nguồn cơn cho sự xuống cấp hay sa đoạ của họ. Trong nhiều trường hợp, nó dẫn tới những sự chấm dứt đầy bi đát, để rồi vẫn còn đó nỗi buồn và sự tiếc nuối về cách mà những Led Zeppelin, The Who hay Nirvana phải dừng lại đột ngột. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ví dụ về việc người nghệ sĩ có thể thoát ra khỏi vòng xoáy và quay trở lại là chính mình. Đó cũng là câu chuyện của chính George Harrison và Eric Clapton kể trên. George Harrison về sau đã tìm được bình yên bên người vợ thứ hai Olivia, còn Clapton sau khi buông lời phân biệt chủng tộc trên sân khấu khi không tỉnh táo lúc đang say thuốc cũng đã có cơ hội sửa sai.
Nói như vậy cũng để thấy rằng nếu sự vụ tương tự như của Clapton xảy ra ở ngày nay tại phương Tây, nơi sắc tộc là vấn đề rất nhạy cảm, thì sự nghiệp người nghệ sĩ đó chắc chắn sẽ chấm dứt ngay lập tức. Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay và đặc biệt là ở những nước Á Đông, mỗi khi bê bối đời tư của một nghệ sĩ bị hé lộ thì với phong cách đưa tin tập trung vào yếu tố giật gân, lại được cộng hưởng với tốc độ lan toả thần tốc thông qua các page và diễn đàn, những làn sóng chỉ trích luôn là rất mạnh mẽ. Hơn thế nữa, có vẻ như chúng ta thường bao dung với những nghệ sĩ phương Tây khi họ làm sai, những con người ở xa lắc xa lơ, nhưng lại rất hà khắc với chính đồng bào mình? Trước sự cay nghiệt và giễu cợt của đám đông, nơi mà ngàn người thì có một ngàn lẻ một ý kiến, đúng là thật khó để bất cứ ai trong cuộc có thể lên tiếng mà không nhận thêm chỉ trích
Nghe thế giới xung quanh nói gì Nếu muốn thế giới nghe ta Nhưng thân ta xa lạ Nhưng thân ta sa đọa quá — Drama Queen - Vũ Đinh Trọng Thắng
Khi bạn là người nổi tiếng, thì bạn không còn là con người nữa, bạn trở thành thần, thành thánh - đó là những gì đám đông mong chờ. Có thể khi mới bắt đầu bạn sẽ rất mộng mơ, bạn tràn đầy ý tưởng và ca từ cứ thể nhảy từ trong đầu xuống trang giấy và lên những dây đàn. Bạn viết nhạc thật tự nhiên về cách bạn nhìn thế giới này, về những gì mình yêu, mình ghét, hay về những cảm xúc lưng chừng ở giữa. Nhưng khi mọi thứ lớn quá nhanh và đến quá nhiều cùng một lúc, áp lực sẽ đến một cách tự nhiên cùng với cái tôi đang phình to dần lên. Lúc này đối với nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là Rock n' Roll, lối sống bản năng lệ thuộc vào cảm xúc, khi hoà cũng nỗi sợ thất bại, sẽ rất dễ dẫn tới việc sa vào các cách không lành mạnh để duy trì sự hưng phấn. Như Keith Richards - guitarist của The Rolling Stones và là một nửa của cặp đôi sáng tác vĩ đại Jagger-Richards - từng thổ lộ, trong suốt hai thập niên 60-70, sử dụng chất kích thích hàng ngày là cách duy nhất để ông có thể tỉnh táo để đương đầu với áp lực của việc phải liên tục viết nhạc, thu album, bên cạnh việc cháy hết mình trên sân khấu với những chuyến lưu diễn triền miên. Tất nhiên là chẳng có ai trực tiếp ép ông phải làm vậy, nhưng có lẽ một khi đã vào guồng quay bánh xe thì thật khó để bước ra mà không bị nó cán mất.
Có một điều đáng nói nữa đó là với một nghệ sĩ thực thụ thì bên cạnh việc muốn tác phẩm của mình được nhiều người yêu thích, có lẽ việc được thể hiện và giãi bày cái tôi của bản thân là thứ họ luôn khát khao hơn cả. Để có thể sống với nghề làm nghệ thuật, việc cân bằng giữa thị hiếu và cái tôi bản thân luôn là vấn đề đau đáu với rất nhiều nghệ sĩ. Việc này lại càng khó với người làm nghệ thuật độc lập (indie) và đặc biệt hơn nữa là ở Việt Nam. Còn nếu bạn cương quyết đi con đường riêng của mình như Van Gogh, có thể bạn sẽ phải đánh đổi bằng việc lúc sinh thời sẽ sống trong nghèo túng và với tâm thần bất ổn - một lí do lớn cho việc vì sao nghệ sĩ lại hay trầm cảm.
Khắp xung quanh Đang chê cười Lối đi này Đầy cheo leo Không ai biết Không ai dắt Không ai theo — Khắp Xung Quanh - Vũ Đinh Trọng Thắng
Có lẽ cũng rất khó để nghệ sĩ đòi hỏi sự cảm thông của khán giả, vì trong mắt của đám đông, họ - những nghệ sĩ hào nhoáng này - đang sống cuộc đời trong mơ: được mến mộ, được sống với đam mê thì còn gì bằng nữa? Nhưng có lẽ chúng ta cũng hay quên rằng họ cũng là con người, và con người thì luôn có giới hạn.
Một điều nữa có thể ta không hay nghĩ tới đó là những nghệ sĩ này không chỉ sống cho họ, mà còn sống cho người hâm mộ. Họ đang sống đúng với đam mê và nhiệt huyết của mình, với một sự tự do bộc lộ bản thân mà nhiều người ao ước nhưng không thể hoặc không dám làm. Và lí do số đông không thể làm theo có lẽ cũng chính là lí do vì sao chúng ta lại kì vọng ở họ nhiều như vậy. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nên có sự bao dung cho những người đang mang trọng trách "sống hộ" người khác. Sự bao dung không nằm ở việc dung túng cho việc làm sai (họ đã bị trừng phạt khi những bê bối đã làm họ mất đi quá nhiều thứ rồi), mà ở việc mở lòng khi họ muốn được trở lại là chính mình một lần nữa. Bước đầu tiên có lẽ như lời tiên tri nọ
Ngẩng mặt lên mà thấy kẻ thù nó đứng trong gương đây này — Kẻ Thù - Vũ Đinh Trọng Thắng
Việc này lại làm mình có một chút liên tưởng đến nhân vật Tyler Durden trong Fight Club (Spoiler Alert). Trong phim, nhân cách thứ hai Tyler Durden là tất cả những gì mà nhân vật kể chuyện (The Narrator) ước mình có thể trở thành - một kẻ đứng ngoài vòng xoáy xã hội và miễn nhiễm với nỗi lo cơm áo gạo tiền, được sống tự do mà không bị gò bó bởi luật lệ hay định kiến. Nhưng rồi cuối cùng thì mọi thứ đã đi quá xa khi Tyler Durden nắm kiểm soát quá lâu đã và The Narrator đã phải vật lộn để tìm lại bản ngã của mình.
Trong phim là vậy, và ngoài đời thực cũng thế. Để có thể vừa là chính mình lại vừa có thể theo đuổi những ý tưởng nghệ thuật và hoài bão, David Bowie đã từng tưởng tượng ra rất nhiều nhân cách thay thế. Từ Ziggy Stardust, Aladdin Sane, đến Thin White Duke, Bowie đã không ngừng hoá thân vào các nhân cách khác nhau như một cách để thoát khỏi bản ngã của thực tại và cho phép mình làm những thứ táo bạo và điên dồ hơn. Điều này giúp Bowie liên tiếp cho ra được nhiều album với tính thể nghiệm rất cao, nhưng cũng làm ông mất dần kiểm soát cuộc sống của mình. Đỉnh điểm là giai đoạn Thin White Duke, khi Bowie sa vào cơn nghiện cocaine. Tuy nhiên, cũng thật trớ trêu khi đó cũng là giai đoạn ông làm nhạc năng suất nhất, cho ra đời Station to Station - một trong những album hay nhất sự nghiệp của ông (và cũng là album của Bowie mình thích nhất).

Kết

Những mẩu chuyện về George Harrison, Eric Claption, Keith Richards, David Bowie, hay Tyler Durden mà mình nhắc tới ở đây cũng là những ví dụ để mình nói lan man về mối liên hệ giữa tác phẩm với cái tôi và đời tư của người nghệ sĩ. Để kết lại, mình xin được nhắc tới một đoạn trích rất buồn trong Babylon (2022) - bộ phim về sự trác táng của Hollywood trong những năm 1920s - thời kì mở đầu của phim có tiếng (sound films). Trong phim, Jack Conrad (Brad Pitt thủ vai) là một ngôi sao điện ảnh bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Vì mệt mỏi với guồng quay chóng mặt của showbiz, nơi có thừa sự sa đoạ và khan hiếm tình bạn chân thành, ông đã tìm đến cái chết như một cách giải thoát cho bản thân
It's okay. I've been the luckiest bastard in the world.
Jack Conrad (Babylon)
Đôi khi những người dành cả đời để mang đến niềm vui hay sự chữa lành cho bao nhiêu người lại chính là những người khao khát niềm hạnh phúc đó nhất. Hãy mong rằng những người vẫn đang phải vật lộn để tìm lại bản ngã đó sẽ sớm trở lại là chính mình.
Rơi, rơi, rơi cho vỡ thêm một lần Vỡ, vỡ, vỡ cho nát tan một lần Tan, tan, mong sao sẽ quen dần dần Quay về, quay về, nâng niu vết thương này Thức dậy, thức dậy, thay ta lúc sang ngày Lại là một người mới ra đời Rồi một ngày sẽ thấy nó đẹp tuyệt vời — Nứt - Vũ Đinh Trọng Thắng