Trong “giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” nhà văn trẻ Hiền Trang có viết một truyện, mà ở thế giới đó, con người có thể bán tất cả những thứ mình có, tâm hồn, khát vọng và cả những giấc mơ. Có một chàng trai đến cửa hàng để bán dần những thứ ấy, cho đến khi chàng bán thứ cuối cùng mà mình có là: những giấc mơ, thì cô gái làm dịch vụ thu mua đã phải lòng chàng. Yêu một ai đó, chỉ vì biết giấc mơ của họ, ngoài ra không biết gì cả, tưởng chừng là một điều Đẹp và phi lý nhất.
Sơn Táp cũng đã tạo tác ra một mối tình như thế, đó là những con người không biết gì về nhau, không có chút liên quan, nhưng chỉ vì họ có cùng “tần số”, cùng những thứ rất mơ hồ, kiểu như “cùng một giấc mơ”. Nên họ thấu cảm nhau rất nhanh, mà không cần một lời nào được nói ra.
Nàng, cô gái Mãn Châu mới lớn trong những năm 30, cả đất nước Trung Hoa và người con gái đều đang vùng vẫy để thoát khỏi những hủ tục,tăm tối, đi làm cách mạng và tìm hạnh phúc cho mình. Nàng, bản lĩnh, tự tin, thông minh,nhạy cảm, và hiện đại. Nàng lao vào mối tình đầy bản năng với những người con trai đang say mê lý tưởng cách mạng. Để rồi vỡ mộng cay đắng, và tự vật lộn với những hậu quả của mối tình ấy
Chàng, đến từ Nhật Bản với mục đích chinh phục Trung Hoa, với quá khứ đầy ám ảnh về một nước Nhật thiên tai cùng với khát vọng chinh phạt, và tham vọng bá chủ. Chàng  lao vào những chuyện ân ái với các gheisa và các cô gái điếm Trung Hoa.
Họ không có gì để nói với nhau, ngoài việc cùng mê cờ vây. Họ ngồi đánh cờ với nhau trên quảng trường công cộng, , và hiểu nhau qua những ván cờ,  mà không nói với nhau một câu nào. Chưa từng nói gì với nhau cả. 
Liệu có thể chết vì một người, chỉ vì đã từng chơi những ván cờ vây trong im lặng? Chỉ vì đã trót biết giấc mơ của người đó? Chỉ vì 1 vẻ đẹp thoáng nhìn qua, đã chạm vào trái tim và khơi dậy những khao khát thầm kín nhất?
Văn hóa Trung Hoa, và văn hóa Nhật rất hay tạo ra những câu chuyện tình yêu đẹp đến phi lý và siêu thực, bởi có vẻ họ rất tin vào “cái Đẹp”