“Thiếu chút nắng”
Nếu bạn nhìn đủ sâu, bạn sẽ thấy âm nhạc; trái tim của thiên nhiên là âm nhạc ở khắp nơi. – Thomas Carlyle
Một buổi tối đi làm về, tôi buông thả bản thân trên chiếc giường cứng nhắc. Đưa mắt nhìn trần nhà, trắng đục màu sơn bị ố, một vài vệt đen trên trần nhà, những vết loang lổ màu vàng. Thuê được một căn phòng trọ giá rẻ sẽ khiến bạn yên tâm về tài chính, nhưng thuê được một căn phòng tốt mới khiến bạn yên tâm để thư giãn.
Mở cửa sổ ra, nghe tiếng xe cộ,
"leng keng",
ngoài đầu ngõ đang đi thu rác, lười chả buồn đi đổ rác, để mai vậy;
“mày nấu cơm chưa”,
“vừa đi làm về à”,
“ôi, lại có cả nghìn ca, sợ quá”,…
Cách,
kẹttt,
Mở cửa sổ ra nghe chút âm thành Hà thành, hít hà mùi hương thành phố, ở đây không nhìn thấy trăng được, nhưng cũng đủ nhìn thấy chút nắng vào ban ngày.
Chéo phòng trọ của tôi là ngôi nhà 6 tầng, sáng sớm nắng không ghé chơi được. Buổi sáng, xung quanh chỗ trọ tôi, ông lão cố gắng đẩy cửa sổ ra thật lớn, để đón nhận một chút khí trời, hít thở, hít thở. Còn người trẻ, họ thường đóng kín cửa, họ không thích cái nắng của thiên nhiên ghé vào, họ ghét cả sự giao tiếp với hàng xóm,… có lẽ vì sự trái ngược đó, mà người trẻ lại thích ở nơi đông đúc nhộn nhịp, còn khi về già họ lại cần thiên nhiên hơn.
Có ai không ngỡ ngàng, sung sướng bởi sự phong phú, tươi đẹp, sinh động của thiên nhiên. Từ ngày dịch bệnh căng thẳng, phải giãn cách, họ thấy thiếu nhiều hơn. Thiếu lương thực, thiếu không gian sống, thiếu giao tiếp,… Nhưng tôi nghĩ, sự thiếu thốn nhất là thiếu thiên nhiên.
Bước chân ra ngoài đường, tôi đã thấy một điều gì thật lạ. Hình như, đây là mùi cỏ, mùi của đất, mùi của thiên nhiên. Tôi hít thật sâu, cảm nhận trọn vẹn bầu không khí ấy. Dường như vị nắng đã lan tỏa đâu đây. Nắng đậu trên nhành cây, trên mái hiên hay trên bàn tay tôi đang mở rộng. Bầu trời ở quê vẫn thật là đẹp, nó không nhiều sương mù như ở Hà Nội, cũng không nhiều tiếng xe ù ù bên tai, cái tiết trời mùa hạ nóng nực, nhưng tôi vẫn cảm nhận được làn gió mồ côi đến.
Thật khó để định nghĩa chính xác sự thiếu thốn đó là gì, trông nó ra sao, định mức như thế nào. Nhưng tôi cảm nhận rất rõ sự thiếu thốn thiên nhiên trong người.
Trong phong thủy, nếu bát tự khuyết Mộc, người ta thường cố gắng bổ sung Mộc bằng cách: chỉ cần đặt trong nhà thật nhiều Mộc, làm cho tráng vượng, tượng gỗ, tủ gỗ, vòng gỗ, cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng gỗ.
Bây giờ tôi khuyết nhiều thứ quá. Theo bản năng, tôi cố gắng tìm cách lấp đầy chúng để cán cân được cân bằng lại. Thiếu thiên nhiên, tôi cố gắng mở cửa thật nhiều, thi thoảng nghe tiếng con Hắc réo lên vì sự buồn tẻ, đón chút nắng cho căn phòng trọ nhỏ, chút nắng ấy nhẹ lắm, dường như phải nhìn thật kĩ mới có thể cảm nhận.
Ngắm chiếc lá đung đưa theo chiều gió, như nàng thiếu nữ còn ngại ngùng ngó qua làn mây. Bật một chút nhạc, nghe tiếng nước róc rách, tiếng chim hót,… tưởng tượng rằng như tôi đang ở trong thiên nhiên.
Dịch bệnh khiến chúng ta có nhiều thời gian trầm ngâm về bản thân hơn. Khi trong những hoàn cảnh như thế này, ta dần sẽ hiểu hơn: thực ra cái gì mới là quan trọng. Những thứ hằng ngày chúng ta thấy nó bình thường, sự tồn tại của chúng ta đều là sắp đặt, không có gì là bình thường cả, tất cả đều có giá trị. Quay về với thực tại, thiên nhiên quá quan trọng với chúng ta, với tôi: không khí, nước, cây, lửa, bầu trời,…
Tiếng ve sầu kêu rân ran, hay tiếng dế, tiếng côn trùng, tiếng nhái... kêu vào ban đêm.
Những âm thanh ấy hòa quyện vào nhau thành một bản hòa tấu rộn ràng của đêm khuya.
Sau giai đoạn khó khăn này, ta lại được di chuyển tự do, rồi ta lại thấy thật thừa.
Quên đi cảm giác đầy tâm sự thiếu thốn.
Với riêng tôi, khoảnh khắc chuyển từ quá khứ sang thực tại thực sự là kì diệu. Cảm nhận được rằng, những kỉ niệm vẫn còn vấn vương, những niềm vui nỗi buồn cũ vẫn thấp thoáng đâu đây. Nhưng cũng tự lòng mình phải biết rằng, cần hướng đến những điều mới mẻ, cần nỗ lực, cần cố gắng cho tương lai nhiều hơn. Hay nói đúng hơn, đó là chúng ta không được bám vào quá khứ để sống, mà nhìn vào thực
tại, lựa chọn sống thật hữu ích, cố gắng lấp đầy, cân bằng cuộc sống. Quá khứ chỉ là thứ chúng ta nhìn lại, chứ không phải là thứ để học tập theo.
Bạn biết không, cuộc đời của chúng ta là hữu hạn, chẳng biết sẽ còn mấy lần được sống trong khoảnh khắc ấy nữa. Hãy cứ yêu lấy hiện tại, để biết rằng xung quanh mình có thiên nhiên, cuộc sống, có những hạnh phúc giản đơn mà chân quý như vậy.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất