Khi nhắc đến các giải pháp cho các vấn đề xã hội như giải quyết kẹt xe, gian lận trong thi cử, vấn nạn ô nhiễm, vấn nạn xả rác, giải pháp được nhiều người đồng tình nhất đó là: nâng cao ý thức của người dân. Nâng cao ý thức của người dân thông qua giáo dục, thông qua tuyền truyền, vận động, thông qua báo chí. Chúng ta hi vọng rằng bằng những hành động trên, chúng ta hi vọng những người trong cộng đồng sẽ trở nên tốt lên, sẽ được giáo dục, sẽ có ý thức và như thế các tệ nạn trong xã hội sẽ giảm hẳn đi.

Mặc dù đó là một cách giải quyết vấn đề lý tưởng nhưng dường như nó khá xa thực tế và mơ hồ. Nâng cao ý thức? Thế ý thức thế nào là thấp? Doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh thu hàng trăm tỷ một năm nhưng lại xả thải ra môi trường có phải là vì giám đốc doanh nghiệp đó có trình độ giáo dục, ý thức thấp? Cán bộ Đảng tham nhũng có phải vì cán bộ ý thức thấp? Mà nâng cao ý thức thì nâng cao đến lúc nào là đủ? Cao đến mức để không còn giám đốc công ty nhà nước nào tham nhũng hàng chục tỷ đồng? Và thật ra ý thức là gì?

Chúc bạn may mắn trên đường tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Có một cách khác để chúng ta giải quyết các vấn đề xã hội này. Chúng ta có thể coi rằng cả xã hội lớn này là một sân chơi và những người sống trong xã hội đó, bao gồm người viết bài này và người đọc bài này, đều là một người chơi trong xã hội này. Cách chúng ta chơi phản ánh luật chơi trong xã hội và đó, chính những luật chơi đó, là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề lớn trong xã hội này.

Tìm hiểu về luật chơi

Trước khi đi vào sâu vào tìm hiểu tại sao có thể coi xã hội này là một sân chơi, chúng ta hãy quay lại “Vấn đề lưỡng nan của người tù” nổi tiếng trong Lý thuyết trò chơi. Hẳn nhiều người đã quen với vấn đề người tù này nhưng mình vẫn sẽ nhắc lại vì nó sẽ làm sáng tỏ nhiều ý trong bài viết này.

Tóm gọn lại thì vấn đề người tù là như sau. Có hai kẻ cướp trong một băng cướp bị bắt, hãy gọi bọn họ là A và B. Cảnh sát cách ly 2 người ra 2 phòng thẩm vấn cách biệt nhau. Bây giờ cảnh sát cho mỗi người một lựa chọn: khai thông tin về người kia và thông tin về băng cướp hoặc không khai. Có bốn trường hợp sau có thể xảy ra:

- Người A khai và người B khai, mỗi người đều bị 4 năm tù.

- Người A khai và người B không khai, người A bị 2 năm tù, người B bị 6 năm.

- Người A không khai và người B khai, người A bị 6 năm và người B bị 2 năm.

- Người A và người B đều không khai, mỗi người bị 1 năm tù.

Trong trường hợp không được liên lạc với người B, người A phải làm gì? Nên khai hay không khai? Câu trả lời theo nhà toán học lỗi lạc Nash, người đã phát triển toàn diện lý thuyết này, thì người A luôn luôn nên khai. Vì khi người A khai thì trong tình huống tệ nhất, tức là B cũng khai, là cũng chỉ bị 4 năm tù. Còn tình huống tốt nhất là chỉ bị ở 1 năm. Nhưng nếu A không khai thì tình huống tệ nhất là anh ta phải ở 6 năm tù. Mặc cho tình huống tốt nhất nếu anh ta khai là anh ta chỉ bị tù 1 năm nhưng làm sao A có thể chắc rằng B sẽ không khai? Như vậy việc khai ra đồng bọn được gọi là chiến lược thống trị (dominant strategy).

Sở dĩ việc A nên khai được coi là chiến lược thống trị trong tình huống này vì trong lý thuyết trò chơi có một giả định là: “Con người luôn đặt lợi ích của mình lên trên hàng đầu.” Tức gần như 99% là B sẽ khai vì nó có lợi cho B nhất (cũng tương tự như A).

Liệu có những câu truyện tương tự như vậy trên thực tế? Câu trả lời là: có rất nhiều.

Hãy tưởng tượng bạn ở trong một khu phố nhỏ có cửa hàng tạp hóa, hạy tạm gọi đó là cửa hàng M, mở cửa từ thứ hai đến thứ 7 hằng tuần. Cuộc sống ở khu phố thật yên bình và chẳng có gì biến đổi. Thế rồi có nhiều người di cư đến đó ở và dần dần khu phố trở nên sôi động. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, một người khác đến và mở cửa hàng tạp khác ngay cùng trên con đường đó, tức cửa hàng N. Nếu bạn là chủ cửa hàng M thì bạn sẽ mở cửa luôn vào Chủ Nhật (CN) chứ? Hãy xét 4 tình huống sau:

- M mở cửa vào CN và N không mở cửa vào CN. Doanh thu của M tăng thêm 20% và có thể lấy được khách của N.

- M mở cửa vào CN và N mở cửa vào CN. Doanh thu mỗi cửa hàng tăng thêm 10%.

- M không mở cửa vào CN, N không mở cửa vào CN. Không có doanh thu tăng thêm.

- M không mở cửa vào CN, N mở cửa vào CN. M không có doanh thu tăng thêm và có nguy cơ mất khách của mình vào cửa hàng N.

Rõ ràng với phân tích như vậy thì tốt nhất là cửa hàng M nên mở bán vào CN, mặc cho điều đó có nghĩa là người chủ sẽ không có được một ngày nghỉ trong tuần.

Đây chính là điều đã xảy ra ở Hoa Kỳ vào kì nghỉ lễ vào năm 2014, khi hết nhà bán lẻ này đến nhà bán lẻ khác không muốn buông bỏ thị phần vào tay đối thủ, đã mở bán cạnh tranh quyết luyệt. Tờ International Business Times ghi lại rằng: “Các cửa hàng đang mở bán từ rất sớm, sớm chưa từng có.” Chuỗi siêu thị Macy quyết định mở cửa sớm hơn thường lệ 2 giờ đồng hồ, và Target lập tức bắt chước ngay. Kmart thì mở cửa lúc 6 giờ sáng vào ngày lễ tạ ơn và mở cửa liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ.

Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ việc mọi người đang theo đuổi “chiến lược thống trị” rất rõ ràng: các cửa hàng điện thoại giảm giá bán vào ngày Tết, các tour du lịch giảm giá vào kì nghỉ lễ, các trung tâm tiếng Anh giảm giá các khóa học hè.

Và khi một cá nhân ở Việt Nam tham gia vào nạn hối lộ, lối suy nghĩ của họ cũng là tương tự. Hãy tưởng tượng rằng bạn bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì tội lấn làn, bạn lại còn quên mang theo bằng lái, và đang đến chỗ hẹn với “gấu”. Bạn sẽ làm gì:

- Bạn sẽ không hối lộ và bạn gặp trúng anh cảnh sát liêm chính. Hậu quả: bạn bị lập biên bản, phải đóng phạt, bị tạm giam xe cho đến khi trình ra được bằng lái. Như vậy là tạch cuộc hẹn, lại còn khiến gấu rất tức giận nữa.

- Bạn sẽ hối lộ và gặp trúng anh cảnh sát liêm chính. Hậu quả: anh cảnh sát không nhận tiền, bạn bị lập biên bản, phải đóng phạt, bị tạm giam xe cho đến khi trình ra được bằng lái. Cuộc hẹn cũng bị hủy và bạn cũng bị gấu mắng cho một trận.

- Bạn sẽ không hối lộ và bạn gặp trúng anh cảnh sát “cần tiền bồi dưỡng”. Hậu quả: bạn bị làm khó dễ, cảnh sát không cho bạn đi, bạn có nguy cơ bị trễ hẹn, mà theo đúng luật thì còn có thể bị giam xe nữa.

- Bạn sẽ hối lộ và gặp trúng anh cảnh sát “cần tiền bồi dưỡng”. Hậu quả: bạn mất vài trăm ngàn đóng phạt nhưng vấn đề được giải quyết gọn lẹ trong 5 phút, anh cảnh sát nhắc nhở bạn đi cẩn thận. Thế rồi bạn lại đi tiếp đến chỗ hẹn với gấu, coi như “mất tiền xui”.

Trong tình huống này thì rõ ràng tốt nhất là nên lót tay cho anh cảnh sát. Bởi vì thực sự bạn không biết anh cảnh sát bạn đang nói chuyện là liêm chính hay không. Trong tình huống phải đi gấp gáp, rõ ràng tốt nhất là nên lót tay. Nếu ảnh không nhận thì mình cũng chẳng bị thiệt gì thêm cả, kết quả cũng vẫn thế. Còn nếu ảnh nhận thì thật là quá tuyệt vời! Cái kết quả của việc đút lót cho cảnh sát và được chấp nhận nó tốt hơn rất nhiều lần so với kết quả của việc chọn không đút lót.

Tuy nhiên trước khi đi tiếp vào vấn đề, mình muốn nói rằng bài viết này không phải đang áp dụng lý thuyết trò chơi vào thực tế xã hội. Bài viết này viết ra nhằm để chỉ ra rằng mọi người trong xã hội chỉ là đang sống theo những quy định, hay là luật chơi, trong xã hội đó và họ đang tìm cách “chơi” làm sao có lợi cho mình nhất hoặc chơi dễ nhất. Nếu ở một xã hội mà nhiều tham nhũng như Nga, Trung Quốc, Indonesia, VIệt Nam thì tức là trong xã hội đó, tham nhũng là chiến lược dễ nhất để sinh tồn trong xã hội đã. Còn nếu ở một xã hội như Thụy Sĩ, Thụy Điển nơi có chỉ số tự do cá nhân cao thì tức là ở xã hội đó, bảo vệ quyền tự do cá nhân là chiến lược sống tốt nhất.

Làm sao để biết cách nào là tốt nhất cho bản thân mình? Rất đơn giản, ta cân nhắc cái lợi và thiệt ta thu được từ hành động đó. Hãy xem trường hợp một vị quan chức làm giám đốc ở công ty nhà nước tham nhũng ở Trung Quốc. Để lên được giám đốc công ty nhà nước ở Trung Quốc, ông ta đã có một mối quan hệ chằng chịt với các quan chức lớn trong chính phủ, gia đình ông ấy cũng là 3 đời Đảng viên, lão thành cách mạng và tất nhiên ông ấy cũng là Đảng viên. Bây giờ công ty ông ấy thầy xây đường cao tốc. Vậy ông ta có động lực nào để lấy tiền tham nhũng không?

Nhìn qua thì có vẻ là không, vì là giám đốc thì ông ấy lương cao lắm rồi. Nhưng nếu ông ấy lấy thêm thì sao? Liệu ông ta có bị cảnh sát tóm cổ không? Khả năng cao là không. Bởi vì nên nhớ cảnh sát và tòa án là phụ thuộc vào Đảng, tức lãnh đạo Đảng sẽ chỉ đạo cảnh sát bắt ai, điều tra ai, chỉ đạo quan tòa phải xử quan tham thế nào. Cái đó là theo luật, tức là luật chơi của Trung Quốc như vậy. Và người thân của ông ấy làm trong lãnh đạo Đảng, tức khả năng ông ta bị bắt rất là thấp. Với nữa ông ta bị bắt hay không còn phụ thuộc vào số tiền anh ta ăn nhiều hay ít. Nếu anh ta ăn trắng trợn hàng triệu USD thì hẳn là sẽ dễ bị Bắc Kinh để ý, nhưng nếu anh ta chỉ ăn thêm 20, 30 ngàn USD thì sao. Số tiền đó thật là cỏn con và chẳng thấm vào đâu so với dự án hàng tỷ đô la.  Như vậy luật chơi trong chính trường Trung Quốc là:

- Nếu một người có chức quyền cao trong Đảng và quen biết thân thiết với những người có quyền có chức cao trong chính phủ thì kiểm soát được cảnh sát và tòa án.

- Nếu một người tham nhũng ở mức thấp thì sẽ dễ dàng bị bỏ qua.

Như vậy do luật chơi ở trong xã hội Trung Quốc mà đối với vị giám đốc ấy, mối quan tâm của ông ta không phải là mình có nên tham nhũng hay không mà là mình nên tham nhũng ở mức độ nào. Rõ ràng là cái lợi từ tham nhũng thì quá nhiều, vượt trội hẳn so với cái thiệt, mà dù có bị bắt đi chăng nữa thì cũng chỉ bị tù nhẹ và tài sản tham nhũng cũng đã được dành hết cho vợ con.

Dù cố ý hay vô ý thì tất cả chúng ta đều đang theo một luật chơi nào đó.

Nếu học sinh bước vô đại học không có tính sáng tạo, năng động, mơ hồ, thiếu kỹ năng sống thì đó là vì luật chơi của 12 năm học phổ thông, luật chơi đó có thể là của bộ giáo dục, của tỉnh hay của riêng gia đình, ép học sinh phải học vẹt, suy nghĩ 1 chiều, học thụ động. Bạn có thể khuyến khích con cái mình phải năng nổ, phải biết chủ động hỏi, sáng tạo nhưng nếu chúng viết văn, viết sử khác giáo viên, chúng sẽ có nguy cơ bị điểm thấp, bị la mắng, bị bạn bè trêu chọc. Nếu chúng năng nổ trong hoạt động ngoại khóa chúng sẽ khó đạt đủ điểm để học sinh giỏi. Bạn có thể thoải mái đương đầu với các luật chơi của xã hội nhưng liệu bán có dám liều lĩnh đặt cược tương lai con mình vào những giá trị riêng mà bạn tin tưởng? Liệu con bạn có chịu nổi sức ép của việc không tuân theo luật chơi?

Hoặc là về vấn đề nữ sinh bị xâm hại tình dục. Có bao giờ bạn thắc mắc rằng một cậu nhóc 14 tuổi ở Mỹ lại tìm đến cảnh sát để nhờ giúp đỡ sau khi bị Minh Béo xâm hại tình dục mà các nữ sinh, nam sinh Việt Nam lại chỉ im lặng hoặc lên confession cảnh báo cho nhau mà tránh? Chả lẽ các nữ sinh, nam sinh Việt Nam lại không biết nhờ cảnh sát? Không, không hẳn. Mình tin rằng họ biết họ nên nhờ cảnh sát, nhưng chỉ là họ nghĩ rằng việc nhờ cảnh sát thì không tốt bằng việc im lặng và chia sẻ ẩn danh trên mạng xã hội. Có thể luật chơi nào đó trong xã hội, được thiết kế bởi chính quyền và văn hóa lâu đời của Việt Nam, đã khiến người ta cảm thấy rằng hậu quả của việc lên tiếng nhờ cảnh sát thì tệ hơn là hậu quả của việc im lặng. Còn cậu bé 14 tuổi kia ở Mỹ thì cảm thấy ngược lại.

Muốn thay đổi xã hội? Hãy thay đổi luật chơi hoặc cuộc chơi.

Quay trở lại với vấn đề của người tù. Hãy giả sử rằng ông trùm băng cướp đó cũng là một người học Toán và ông ta rất rành về lý thuyết trò chơi này. Thế là ông ta đã nói với các thành viên băng cướp trước khi thực hiện phi vụ rằng ông ta có tay trong bên trong lực lượng cảnh sát và nếu đứa nào bị bắt mà khai thông tin về băng cướp hay đồng bọn thì gia đình đứa đó, gồm vợ con ông bà cha mẹ, sẽ được cho ngủ với giun. Lập tức kết quả cuộc chơi sẽ khác hoàn toàn. Lúc này thì chiến lược thống trị của hai tên cướp là tốt nhất thì nên im lặng (bạn thấy đấy, học toán rất có lợi cho tư duy).

Tương tự với trường hợp hai cửa hàng bán cuối phố. Để đảm bảo rằng mình có thể được nghỉ ngơi vào ngày Chủ Nhật mà không sợ đối phương giật khách, hai vị chủ cửa hàng có thể tạo ra luật chơi mới là nếu ai bán hàng vào Chủ Nhật thì phải chi một nửa số doanh thu cho cửa hàng còn lại. Trên thực tế điều này được áp dụng ở Wall Street. Các nhân viên giao dịch chứng khoán, vàng hay bất cứ loại hình tài chính nào ở Wall Street đều bị yêu cầu dừng giao dịch ở một thời gian nhất định trong tuần. Tất cả các công ty đều ký thỏa thuận không để nhân viên làm việc sau giờ nhất định, ngay cả khi họ đã về nhà. Nếu họ không làm điều này thì các nhân viên Wall Street sẽ giao dịch 24/7 vì tin tức toàn cầu sẽ liên tục ảnh hưởng lên giá cổ phiếu các công ty trên sàn, và một nhân viên sẽ không dám ngủ vì anh ta sợ đối thủ cạnh tranh sẽ thức lúc anh ta ngủ và canh thời điểm giá thuận lợi mà mua bán. Tức là mọi người sẽ làm việc đến chết.

Tương tự như vậy, để tránh trường hợp hối lộ công an giao thông, ở các quốc gia phát triển tiền phạt luôn phải đóng qua ngân hàng chứ không đóng trực tiếp. Công an chỉ có lập biên bản. Đây là thay đổi cách chơi, từ đóng tiền mặt sang chuyển khoản.

Nhìn rộng ra về việc tham nhũng. Chúng ta khi nghe tin về tham nhũng ở Hàn Quốc hay Nhật Bản hoặc Mỹ thì dễ dàng nói rằng: “Ở đâu cũng có tham nhũng”. Nói như thế tức là chúng ta đang lờ đi những nguyên tắc thiết kế xã hội để chống tham nhũng ở các quốc gia khác nhau. Vấn đề lớn là tham nhũng ở đâu cũng có, cho nên các nhà ban hành luật đã nhận ra rằng họ phải thiết kế luật pháp, xã hội không phải nhằm mục đích tiêu diệt tham nhũng mà đầu tiên là giảm thiểu tham nhũng đến mức tối đa và nếu tham nhũng xảy ra thì kẻ tham nhũng sẽ bị trừng phạt, bất luận về số tiền tham nhũng hay địa vị kẻ đó. Các luật chơi được thiết kế ra nhằm tiệt trừ tham nhũng bao gồm: hạn chế giao dịch số tiền lớn bằng tiền mặt, kiểm soát chặt tài khoản ngân hàng, lực lượng phòng chống tham nhũng độc lập về chính trị không thuộc đảng phái nào hết, lực lượng cảnh sát độc lập với chính trị, bảo vệ người tố cáo tham nhũng và trừng trị thật nặng người tham nhũng. Nói cách khác, nó khiến người ta tham nhũng khó hơn.

Việc thiết kế luật chơi như vậy thì chính quyền đã chặn đứng ý định tham nhũng từ bên trong. Đối với những người có ý định tham nhũng, họ sẽ cân nhắc rằng: “Mình cũng muốn tham nhũng lắm nhưng rốt cuộc thì tốt nhất là nên tránh xa tham nhũng.” Như vậy dù một người dù có ý thức thấp vẫn dễ nhận thấy rằng cái thiệt của tham nhũng thì lớn hơn cái thu lợi được rất nhiều.

Ngoài ra đôi lúc việc thiết kế luật chơi không chỉ là những văn bản, quy định mà còn là việc xây dựng, thiết kế xã hội. Nếu bạn đã qua các nước phát triển thì hẳn bạn sẽ thấy không ai dám vượt đèn đỏ. Lý do lớn nhất đó là họ đã thiết kế đường làm sao để ai cũng thấy rằng nếu họ vượt đèn đỏ thì 99% là họ sẽ bị tai nạn. Sẽ chẳng ai dám vượt đèn đỏ nếu khi đèn xanh bật lên, các xe từ chiều kia phóng đi với vận tốc 60 km/h. Đây không chỉ là lý thuyết suông. Hãy xét về trường hợp cao tốc ở Đức và Mỹ theo lời kể của một kỹ sư công trình từng làm việc ở Mỹ.

Theo thống kê thì so với cao tốc ở Mỹ, có rất ít tai nạn xảy ra trên đường cao tốc ở Đức, mặc dù cao tốc ở Đức cho phép xe 4 bánh được phép đi với vận tốc 250km/h hoặc thậm chí 300 km/h, cao hơn rất nhiều lần so với cao tốc ở Mỹ. Lý do?

Ở Đức, nếu chính quyền nhận thấy khúc đường nào có nhiều tai nạn, họ sẽ gửi kỹ sư đến để sửa lại đường, chỉnh lại độ cong, làm thêm kính, gắn thêm biển báo hiệu, thay đèn, nâng cấp mặt đường. Nói chung là họ sẽ làm đủ mọi cách để đường đi trở nên an toàn hơn. Họ đang thiết kế lại trò chơi sao cho an toàn hơn cho mọi người.

Còn ở Mỹ, nếu chính quyền thấy khúc đường nào hay xảy ra tai nạn, họ sẽ gửi cảnh sát đến đấy và bắt đầu bắt và phạt những người gây tai nạn hoặc người đi phạm luật. Dần dần chỗ đó sẽ thành nguồn cung tài chính cho lực lượng cảnh sát địa phương.

Như vậy có sự khác nhau giữa triết lý thiết kế của người Đức và người Mỹ. Người Mỹ có văn hóa đặt nặng trách nhiệm cá nhân: tôi thiết kế đường như vậy, anh đi có an toàn hay không là do ý thức của anh, trách nhiệm của anh, đừng có đổ lỗi lên tôi. Còn ở Đức, người kỹ sư thiết kế công trình phải nghĩ thật kỹ về dự án sắp tới, phải tiên đoán xem sau này thiết kế đó có gây ra khó khăn gì cho người dùng không, nếu có thì phải sửa làm sao để thiết kế của công trình đó trở nên logic, hợp lý, và thuận tiện cho người dùng.

Giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn

Thay đổi luật chơi để giúp xã hội tốt đẹp hơn vẫn đang xảy ra thường xuyên ở Việt Nam. Ví dụ như việc mở cửa giao thương với quốc tế đã tạo ra một luật chơi mới là ai có tiếng Anh tốt thì sẽ có cuộc sống dễ dàng hơn với người không biết ngoại ngữ. Có ngoại ngữ khiến người Việt dễ tiếp xúc với tri thức, công nghệ quốc tế để quay lại giúp cộng đồng. Tuy vậy tại sao trình độ tiếng Anh của người Việt hiện nay còn rất yếu nếu nhìn theo mặt bằng chung. Liệu bạn có thể tìm ra được nguyên nhân, hay có những luật chơi ngầm nào đang khiến học sinh không hoc tốt được tiếng Anh? Sau khi xác định được nguyên nhân rồi thì bạn có thể thiết kế ra một dự án mới để giúp người học?

Như vậy nếu bạn cảm thấy không hạnh phúc, không hài lòng với xã hội mình đang ở, hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu rằng luật chơi ở nước mình là gì và mình có thể làm gì để giúp thay đổi luật chơi đó, để mọi người có thể chơi một cách trung thực, an toàn hơn và giúp xã hội phát triển hơn.

Tuy vậy điều này không có nghĩa là bỏ qua mảng giáo dục người dân về nếp sống văn minh, hiện đại. Tuy nhiên vấn đề của biện pháp này đó là kết quả thu được rất mơ hồ (làm sao bạn đo được ý thức của một người?) và đó là biện pháp lâu dài cho 10 năm, 20 năm, trong khi có những vấn đề rất cần thay đổi ngay lập tức. Chúng ta cần phải dùng hàng loạt các biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề của xã hội, và một trong các biện pháp hữu hiệu nhất là hãy thiết kế lại luật chơi trong xã hội này.

Bài viết trên sử dụng nguồn từ tài liệu, trang tin tức sau:

Algorithms to live by

Why are there so few car wrecks on the German autobahn?

Nhiều nữ sinh chấp nhận bị quấy rối tình dục để giữ việc làm