Nhu cầu nuôi thú cưng tại Việt Nam ngày một lớn cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế cũng như giao thoa văn hóa thế giới. Tuy nhiên dạo qua một vòng các khu đô thị mới phát triển và đặc biệt là các khu chung cư cao tầng có thể nhận thấy một điều đó là các cơ sở hạ tầng cho việc chung sống với thú cưng vẫn chưa được phát triển đồng bộ và theo kịp với nhu cầu của xã hội.
Nguồn: Pexels
Nguồn: Pexels
Nguyên nhân đầu tiên có thể phải kể đến đó là văn hóa đã ăn sâu trong mỗi người Việt Nam thuộc các thế hệ cũ về cơ bản vẫn chưa thực sự coi chó mèo như những người bạn thực sự. Một phần do cuộc sống mưu sinh và rất nhiều vấn đề còn phải lo khác khiến chúng ta chưa có thời gian quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi động vật nói chung và thú cưng nói riêng.
Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là thực tế các nhà phát triển bất động sản và các khu dân cư mới vẫn chưa quan tâm đến việc thiết kế các sản phẩm bất động sản, các khu dân cư thân thiện với thú cưng. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận thức rõ đó là một nhu cầu thiết yếu cần phải có trong một xã hội hiện đại.
Thực trạng tại Việt Nam có thể thấy đa phần đang chọn phương án an toàn khi không quản lý được đó là "cấm". Mà điều đặc biệt càng các chung cư cao cấp thì lại càng cấm mạnh do phản ánh của cư dân cũng như sự bế tắc của ban quản lý.
Cấm chó mèo ở các khu chung cư cao cấp
Cấm chó mèo ở các khu chung cư cao cấp
Nếu các bạn thử tìm kiếm trên Google sẽ thấy rất nhiều các bài báo có thiên hướng cổ vũ cho việc cấm chó mèo tại chung cư. Từ việc nhỏ nhưng lông chó, lông mèo, đến việc vệ sinh, chạy chơi của thú cưng, tất thảy đều "cấm". Thiết nghĩ đó không hẳn là một giải pháp triệt để, và cũng là nỗi đau của một bộ phận khách hàng có nhu cầu.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể nhìn qua các nước phát triển và đặc biệt các nước châu Âu, Mỹ,... nơi có văn hóa coi trọng thú cưng đặc biệt là chó mèo để học hỏi cách tiếp cận của họ với vấn đề này như thế nào. Qua đó có thể rút ra các bài học và lựa chọn giải pháp phù hợp đem áp dụng vào thực tế xã hội Việt Nam. Đó chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý tích cực từ phía người dân cũng như một bộ phận lớn khách hàng có nhu cầu nuôi thú cưng.
Ở hầu hết các đất nước phát triển trên thế giới đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, nơi có văn hóa coi trọng thú cưng và nhu cầu cao, việc này không mới. Có rất nhiều các nhà phát triển bất động sản đã coi thú cưng là một tiêu chí cần phải có trong kế hoạch phát triển của mình. Ngay từ giai đoạn lên kế hoạch họ đã cần tính đến số lượng thú cưng dự kiến cũng như các diện tích, quỹ đất cần thiết cho các trang thiết bị và khu vực công viên chuyên dụng dành cho thú cưng.
Tham khảo hướng dẫn của thành phố Toronto Canada, có thể rút ra một số điểm trong quy hoạch phát triển các khu đô thị thân thiện với thú cưng ở ba cấp độ như sau.

1. Cấp độ khu vực lân cận (Neighborhood Scale).

a. Thiết kế và lập kế hoạch cho các tiện nghi dành cho thú cưng như một phần của quá trình phát triển các khu dân cư mới để giảm thiểu việc sử dụng quá mức các không gian công cộng của khu phố.
b. Cung cấp đủ tiện nghi cho vật nuôi để hỗ trợ đầy đủ số lượng vật nuôi dự kiến của quá trình phát triển. (cần ước lượng số lượng vật nuôi trong quá trình phát triển dự án).
c. Ở những khu vực có công viên và không gian mở ở mức trung bình trở lên, các tiện nghi dành cho thú cưng vẫn nên được cung cấp để hỗ trợ quần thể thú cưng phát sinh của khu mới phát triển nhằm giảm thiểu việc sử dụng quá mức các tiện nghi hiện có.
Theo các nghiên cứu thì cần có các không gian mở, công viên thân thiện với thú cưng cách khoảng dưới 15 phút đi bộ từ vị trí khu vực dân cư là khoảng cách phù hợp. Các công viên này cần có các không gian để thả xích thú cưng (chó mèo) cho chạy nhảy tự do.

2. Cấp độ tòa nhà (Building scale)

Trong phạm vi từng đơn nguyên hoặc một cụm đơn nguyên, cần thiết kế các khu vực chuyên dụng cũng như bố trí các diện tích sàn phục vụ cho các tiện ích như sau:
a) Khu vực đi vệ sinh (Pet Relief Areas)
Bao gồm các khu vực trong nhà (Indoor Pet Relief Area) và ngoài nhà (Outdoor Pet Relief Area). Các gợi ý thiết kế có thể tóm tắt trong các ý sau:
+ Có trang bị túi chứa phân và các thùng rác.
+ Có trang bị các cột cứu hỏa hoặc tương tự (thu hút chó theo tập quán của chúng), các khu vực có rải sỏi.
+ Đặc biệt cần được bố trí vệ sinh thường xuyên.
+ Diện tích tham khảo trong khoảng 5m2.
Một khu vực đi vệ sinh trong phạm vi tòa nhà được thiết kế riêng cho chó.
Một khu vực đi vệ sinh trong phạm vi tòa nhà được thiết kế riêng cho chó.
b) Các khu vực thả xích thú cưng (Pet Off-leash Area)
Thú cưng luôn có nhu cầu được thả chơi tự do không bị ràng buộc bởi xích và không gian đóng của căn hộ.
Khu vực thả xích thú cưng trên mái tòa nhà
Khu vực thả xích thú cưng trên mái tòa nhà
c) Trạm tắm rửa cho thú cưng (Pet Wash Station)
Tạo các khu vực thuận tiện và dễ tiếp cận để tắm rửa và chải lông cho vật nuôi để hỗ trợ sức khỏe của động vật và con người, đồng thời giảm hư hỏng cho các tòa nhà.Trạm tắm rửa thú cưng, còn được gọi là “spa thú cưng”, cung cấp một khu vực để chủ sở hữu rửa và tắm cho động vật của họ. Với một phòng riêng biệt, các tiện ích bổ sung như chậu lớn, máy sấy, và bàn chải lông có thể khiến những tiện nghi này trở thành một lựa chọn hấp dẫn và đáng mơ ước hơn khi so sánh với phòng tắm của một căn hộ bình thường.
Phòng tắm dành riêng cho chó mèo tại một khu chung cư.
Phòng tắm dành riêng cho chó mèo tại một khu chung cư.

3. Ở cấp độ căn hộ (Unit Scale)

Khuyến nghị bố trí trong phạm vi mặt bằng căn hộ một khu vực riêng biệt cho thú cưng có bao gồm khu vực tắm rửa chải lông, đồng thời để chậu cát cũng như các thiết bị dành riêng cho thú cưng khác. Sử dụng các đồ nội thất hiện đại thân thiện với thú cưng.
Khu vực được thiết kế dành riêng cho thú cưng.
Khu vực được thiết kế dành riêng cho thú cưng.
Nội thất thân thiện với thú cưng.
Nội thất thân thiện với thú cưng.
Nhu cầu nuôi thú cưng đặc biệt là chó mèo tại các chung cư tại Việt Nam thực sự là rất lớn và đang là một nỗi đau của các khách hàng khi vướng phải sự cấm cản của người dân cũng như chính những ban quản lý khu đô thị do chưa có những quy định và chế tài xử lý cho nhu cầu thiết yếu này. Những gợi ý nhỏ trên đây có thể là bước đầu để các nhà phát triển bất động sản có thể tiếp cận và đưa đến cho khách hàng những sản phẩm phù hợp giúp một bộ phận lớn khách hàng có thể thỏa mãn được mong muốn chính đáng của mình.