Góc nhìn của một học sinh về việc chép phạt: Đã đến lúc thầy cô nên dừng lại…
Mình khá bức xúc khi nghe được chuyện, học sinh chỉ vì không học bài mà bị bắt chép phạt bài Tây Tiến đến 10 lần, mà bài đấy cũng 15...
Mình khá bức xúc khi nghe được chuyện, học sinh chỉ vì không học bài mà bị bắt chép phạt bài Tây Tiến đến 10 lần, mà bài đấy cũng 15 mặt chứ đâu có ít. Làm một phép toán đơn giản 10x15 = 150 mặt rồi, thử hỏi chép phạt như thế thì bao giờ mới được ngủ? Vì thế, bài viết này chia sẻ góc nhìn của một học sinh đã từng trải qua việc chép phạt và lí do vì sao chúng ta nên chấm dứt hành vi kỉ luật phản khoa học và phản giáo dục này.
1. Pháp luật Việt Nam quy định điều gì?
Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [1]
Như vậy, ngay cả trong văn bản chính thức của Bộ Giáo dục, chép phạt đã là một điều không đúng quy định, vì thế giáo viên không có quyền được áp dụng hình phạt này đối với học sinh.
2. Khoa học nói gì về điều này?
Có lẽ 2 thứ cơ bản mà giáo viên muốn khi áp dụng hình phạt này lên học sinh là: Một là nhắc nhở học sinh cần có thái độ nghiêm túc hơn trong việc học. Hai là muốn học sinh nhớ kiến thức lâu hơn để không phạm sai lầm trong tương lai.
Đối với ý đầu tiên, chép phạt là một sự hành hạ cả về thể xác và tinh thần. Cảm giác khó chịu và mệt mỏi khi phải chép phạt là điều mà ai đã từng trải qua sẽ hiểu rõ. Kiến thức phổ thông đối với những bạn học sinh trung bình – khá như mình đã là quá nặng, quá nhiều mà đôi khi chúng ta không thể nào nhớ hết được đống kiến thức dày đặc đó. Đôi khi, việc quá tải là điều xảy ra thường xuyên và học sinh như chúng mình cũng chẳng thể nào kiểm soát được, nhưng thầy cô lại không hiểu điều đó. Có lúc cơ thể đã quá mệt rồi, nhưng vẫn ráng chụm 5 cái bút lại để mà chép cùng lúc, vì nếu chép không đủ ngày mai sẽ bị phạt gấp đôi, gấp ba. Từ đó lại nảy sinh ra tâm lý ghét bỏ và ân hận giáo viên, mất động lực học tập và có trường hợp một nữ sinh đã tự tử vì bị bắt chép phạt [2].
Đối với mong muốn giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn, có thể giáo viên đã hiểu sai trong việc này. Kiến thức được lặp đi lặp lại trong một thời gian ngắn sẽ được lưu trữ trong trí nhớ ngắn hạn, nhưng để sử dụng lâu dài thì đòi hỏi một biện pháp học tập hiệu quả hơn. Nghiên cứu của Hermann Ebbinghaus chỉ ra rằng, kiến thức được lặp lại trong một thời gian trải dài sẽ được tiếp thu hiệu quả hơn và được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn. Đây gọi là phương pháp Spaced Repetition [3]. Như vậy, chúng ta sẽ không nhớ kiến thức lâu hơn trong một khoảng thời gian ngắn, mà việc kiểm tra kiến thức định kỳ là một biện pháp hiệu quả hơn rất nhiều.
3. Đôi ba lời kết.
Mình không phản đối việc phạt học sinh vi phạm kỷ luật, vì đây là điều cần thiết để học sinh nhận thức được lỗi lầm và trách nhiệm của bản thân. Nhưng chép phạt lại không phải là một hình phạt phù hợp vì học sinh đến trường là để được giáo dục, chứ không phải để cảm thấy tồi tệ khi xem việc học như một gánh nặng. Nền giáo dục Việt Nam đã và đang tốt hơn từng ngày, vì vậy trách nhiệm của một người làm giáo dục là một điều càng phải nâng cao hơn bao giờ hết.
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất