Bài viết này mình viết về mục đích của Thiền tập, theo hướng thực dụng nhất có thể. 
Mặc dù đã có viết sơ sơ về tính chất cơ bản của Thiền ở bài Thiền là gì ?  nhưng nay mình muốn nói thêm về tính chất của nó, theo hướng thực dụng. 
Thiền thực chất là để chúng ta có cơ hội trở lại cái tâm bình thường của mình. Giống như một xô nước, nếu chúng ta bình thường hoạt động, cái xô nước sẽ bị xáo động liên tục, và nước trong xô không thể nào lặng yên được. Và Thiền là ở đó, chúng ta đặt cái xô nước xuống một chỗ, để nước trong xô được yên lặng trở lại, các cặn trong nước cũng được lắng xuống, và nước cũng trở nên trong hơn. Và đó là cái tâm bình thường của chúng ta. 
Tâm thức của chúng ta có nhiều khả năng, khả năng nhận biết, suy luận, tưởng tượng, ghi nhớ, .v.v... Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta quá mải mê nghĩ tưởng, và nhiều khi tạo ra những sự xung đột, khổ đau, ... trong tâm thức. Và đa phần là bởi cơ chế hoạt động nhiều sự xung đột của chính tâm thức chúng ta, sự phân biệt, sự quy Ngã hay vị kỷ của chính tâm thức. 
Bởi khi chúng ta có sự phân biệt, và cụ thể là sự phân biệt cho cái Tôi, cái của Tôi, thì khi đó có sự ngăn cách. Mà có sự ngăn cách tức có sự mâu thuẫn, xung đột. Và hễ có xung đột, mâu thuẫn, thì có sự khổ đau, cho mình, hoặc cho người khác. Và Thiền là để chúng ta reset lại tâm thức của mình. 
Thiền giúp chúng ta quay trở lại cái trạng thái cơ bản nhất của tâm thức, là khả năng nhận biết, với tính linh hoạt, và rỗng rang của nó. Ở đó, tâm thức chỉ đơn thuần nhận biết những gì đang diễn ra, mà không phân biệt, không đánh giá, không nghĩ tưởng, không định danh... bất cứ gì. Ở đó, chỉ đơn thuần có cái biết, và cái được nhận biết, chứ không có Tôi, có Anh, có tiếng chim hót, hay có hoa hồng, hoặc mùi hương trầm. Mà chỉ có đối tượng, có tiếng động, có mùi hương... nghĩa là chỉ có nhận biết đơn thuần. 
Tác dụng của việc rèn luyện Thiền, giúp tâm thức giảm đi cơ chế vị kỷ của nó, giảm đi tính phân biệt, giảm đi những nghĩ tưởng vô ích. Hay nói cách khác, giảm tính tham sân si của chúng ta. ^_^ Và nếu áp dụng cả trong cuộc sống, tức thiền trong mọi hoạt động thường ngày, bằng cách tập trung trở lại với những gì đang diễn ra mà không phân biệt, định danh, đánh giá.v.v... thì tâm thức ta cũng yên lặng như nó vốn thế. 
Thiền không phải là chúng ta ức chế suy nghĩ, hay kiểm soát suy nghĩ, mà chỉ đơn giản là để nó tĩnh lặng lại. Và rồi sau đó tùy theo tình huống, ta có thể sử dụng tâm thức của mình một cách hợp lý, vừa phải, và không bị nó lôi kéo. Ta trở nên tự do hơn với những gì đang diễn ra, chứ không bị bó buộc phải chạy theo một ý tưởng nào, nếu không cần thiết. 
Bởi tâm thức chúng ta vốn cực kỳ linh hoạt (trừ khi bạn có bệnh) rỗng rang, trong sáng (nghĩa là không vị kỷ) và tự do. Nhưng chỉ bởi cơ chế vị kỷ, nó tạo ra nhiều mâu thuẫn, và bị đắm chìm vào những rắc rối kèm theo. Cho nên, chúng ta vốn đã có sẵn tính chất an lạc, có sẵn khả năng yên an, và việc cho mình cơ hội quay lại với cái tâm bình thường an nhiên đó, cũng đồng nghĩa rằng ta đã giác ngộ, đã thành Phật. 
Cũng giống như chúng ta ai cũng có cái mũi của mình, nhưng vì không nhận ra, chúng ta cứ mãi đi tìm cái mũi cho bản thân. Nhưng nếu chúng ta không lăng xăng nữa, không náo động nữa, ngồi xuống, và hít thở từ tốn. Thì dù ta vẫn không thấy mũi của mình, nhưng ta sẽ nhận ra tính chất của nó, sẽ nhận ra ta vốn có mũi từ bao đời rồi. 
Vì thế, tọa Thiền, là không làm gì cả, không làm gì một cách tuyệt đối, ở đó ta rũ bỏ mọi thứ, kể cả ý nghĩ "ta phải rũ bỏ mọi thứ". Chỉ có SỰ NHẬN BIẾT về những cái ở đây, lúc này mà thôi. 
Và Thiền trong cuộc sống, là giữ được cái tâm vắng lặng đó, hoặc đơn giản là luôn luôn quay về với sự nhận biết về cái ở đây, lúc này. Về những cái đang hiện tiền, trước mắt, và hành động một cách tùy duyên, tùy tính, tùy thời, tùy ngộ.