Khủng hoảng nợ công - cơn bão ập đến ngay sau đại dịch toàn cầu
Nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu đang trong trạng thái nguy hiểm, và hiện tại chúng ta vẫn đang đánh giá thấp những nguy cơ có thể xảy...
Nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu đang trong trạng thái nguy hiểm, và hiện tại chúng ta vẫn đang đánh giá thấp những nguy cơ có thể xảy đến. Một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu, với trung tâm là châu Âu, sẽ khiến thế giới - vốn đang phải chống chọi với những hậu quả do đại dịch COVID-19 để lại - càng trở nên bất ổn hơn. Hàng triệu người đã mất việc làm, và hàng nghìn tỷ đô la Mỹ đã bốc hơi khỏi nền kinh tế thế giới.
Điều đáng lo ngại là một cuộc khủng hoảng nợ sẽ góp phần khiến nền kinh tế càng lún sâu vào đợt suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại Suy Thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Từ 2010 đến 2012, châu Âu chao đảo trước một cuộc khủng hoảng nợ công. Những mắt xích yếu nhất của Liên Minh Châu Âu (Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, và Ireland) làm mọi cách để thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ.
Mọi chuyện phần nào được giải quyết khi Hy Lạp được phép tái cấu trúc (về cơ bản là được miễn) các khoản nợ công, cùng với việc Mario Draghi - người sau này trở thành chủ tịch Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) - phát biểu vào tháng 7/2012 rằng ECB sẽ "bằng mọi giá" đảm bảo các quốc gia còn lại không rơi vào cảnh vỡ nợ.
Giải pháp được đưa ra rất rõ ràng: Các quốc gia có mức nợ công vượt ngưỡng được nhận những gói cứu trợ từ ECB, thứ sau này được đảm bảo bằng trái phiếu chính phủ. Ngược lại, các quốc gia đó buộc phải cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm giảm sự lệ thuộc vào các khoản tín dụng của ECB. Giải pháp này nhanh chóng phát huy tác dụng. Sự tự tin tăng lên; rủi ro tài chính giảm xuống. Nhưng ít ai nhận ra giải pháp này hết sức mong manh: Nó phụ thuộc vào việc nền kinh tế phát triển ổn định, thứ sẽ biến mất khi một đại dịch ập đến.
Cũng giống như Hoa Kỳ, hầu hết các quốc gia Châu Âu đang phải trải qua một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu mới đây của Capital Economics, quy mô kinh tế năm 2020 (tính bằng tổng sản phẩm quốc nội - GDP) của Đức sẽ sụt giảm 8%, Pháp là 10%, Tây Ban Nha là 15%, Ý là 18% và Hy Lạp là 15%. Hầu bao của người tiêu dùng ngày càng thu hẹp, và thâm hụt ngân sách ngày càng bị nới rộng.
Thâm hụt ngân sách biểu thị chêch lệch giữa các khoản chi và khoản thu của Chính phủ. Nợ công chính là tổng các khoản thâm hụt ngân sách trong quá khứ. Cả thâm hụt ngân sách lẫn nợ công đã tăng đáng kể tại châu Âu cũng như Hoa Kỳ. Năm 2019, ngân sách Đức thặng dư tương đương 1% GDP; Năm nay, Đức sẽ thâm hụt ngân sách tương đương 8%, theo nghiên cứu của Capital Economics. Từ 2019 đến 2020, thâm hụt ngân sách của Pháp dự báo sẽ tăng từ 3% GDP lên 10% . Ý là quốc gia có mức thâm hụt ngân sách cao nhất, khi tăng từ mức 1.6% GDP của năm 2019 lên mức 15% của năm nay.
Sự kết hợp giữa khủng hoảng kinh tế và thâm hụt ngân sách sẽ khiến nợ công - vốn đã ở mức cao - nay sẽ càng tăng mạnh hơn. Captial Economics dự báo nợ công năm 2020 của Đức ở mức 73% GDP, của Pháp là 120%, của Ý là 180%, và con số ở Hy Lạp là 222%.
Liệu các khoản nợ công này có bền vững hay không? Rất khó để trả lời câu hỏi này một cách trực tiếp, vì không có một định nghĩa chính xác nào cho cụm từ "bền vững". Với hầu hết các nhà kinh tế học, một khoản nợ được coi là "bền vững" khi thị trường - các nhà đầu tư, thương gia - tiếp tục cho vay một cách tự nguyện. Họ tin tưởng rằng các khoản vay cũ có thể được chuyển đổi thành các khoản vay mới. Vậy nên, câu trả lời sẽ rất khác biệt giữa các quốc gia và bối cảnh khác nhau.
Dựa trên các yếu tố như mức lãi suất thấp, lịch sử hoàn trả các khoản vay trong quá khứ, hay mức lạm phát thấp - một vài quốc gia có thể vay mượn nhiều hơn các quốc gia khác. Dù tỉ lệ nợ công của Đức đang tăng, ít ai nghĩ rằng họ có thể vỡ nợ. Ngược lại, Ý và Hy Lạp đang đứng trên bờ vực của sự đổ vỡ.
Nếu các gói cứu trợ không thể được thực hiện, Ý nhiều khả năng sẽ phải "chia tay" với đồng Euro, qua đó kéo theo các quốc gia đang chìm trong nợ nần khác. Cần phải nhớ rằng Ý là nền kinh tế lớn thứ ba trong khối 19 quốc gia sử dụng đồng Euro, chỉ đứng sau Đức và Pháp.
Nhưng việc thiết lập một cuộc giải cứu không phải là điều dễ dàng, vì lượng tiền cần thiết sẽ vô cùng lớn - ở mức hàng nghìn tỉ Đô la - và bởi vì một dự luật mới được Toà Tối cao Đức thông qua có thể ngăn Đức tham gia vào cuộc giải cứu - nếu nó được thực hiện. Khi không có sự góp mặt của Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, các quốc gia khác chắc chắn sẽ trở nên e dè hơn.
Mức độ rủi ro sẽ là vô cùng cao. Các cấu trúc chính trị xã hội của xã hội hiện đại ngày nay dựa trên nền tảng kinh tế cho phép mọi người có một cuộc sống đầy đủ. Chúng ta đã luôn coi điều này là lẽ đương nhiên, mặc dù liên tục than phiền về những thiếu sót của nền kinh tế hiện đại.
Nhưng liệu những điều chúng ta cho là đúng có thật sự đúng đắn? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không còn có thể coi sự ổn định cơ bản này là lẽ đương nhiên? Đó chính là những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt.
Dịch từ bài viết "Why Italy’s debt matters for everybody" của tác giả Robert J. Samuelson, đăng trên The Washinton Post ngày 25/05/2020. Tiêu đề tiếng Việt do người dịch đặt.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất