Trong chúng ta chắc hẳn nhiều người biết bơi và từng học bơi. Mặc dù thủa nhỏ, sống trong bụng mẹ mấy tháng trời, sau đó dù chưa biết nói, biết đi, nhưng khi xuống nước, một đứa trẻ sơ sinh cũng có thể bơi được, do trước đó đã quen với môi trường nước trong bụng mẹ, rồi chúng ta quên đi khi lớn lên.
Cơ thể chúng ta vốn không phải dễ chìm, nếu biết thả lỏng, bình tĩnh hít thở đều, chúng ta cũng dễ dàng nổi trên mặt nước. (Với người viết thì vẫn chìm từ từ, chắc do nặng xương) 
Và khi chúng ta học bơi, cũng được chỉ dạy rằng phải làm thế này, thế kia. Chúng ta cũng nhìn người khác bơi ra sao, phải quẫy tay chân thế nào v.v... Nhưng mặc dù biết tất cả những thứ đó, khi xuống nước sâu, chúng ta vẫn có thể chết chìm. 
Vậy là chúng ta phải luyện tập, bởi biết qua ý thức không thôi không đủ, nó khác xa so với trải nghiệm thực tế. Và sau khi luyện tập siêng năng và thành thục, chúng ta cũng bơi được. Nhưng khi chúng ta đem những gì mình đã trải nghiệm chỉ lại cho người khác, nó cũng giống y chang những gì người khác nói với ta lúc học bơi. Và dù chúng ta giảng ra sao, người nghe những cái đó cũng không phải bơi được ngay nếu không rèn luyện. 
Cũng vậy, cuộc sống là một đại dương mênh mông, là một bể khổ, và chúng ta thì trầm luân mãi trong bể khổ đó. Rồi có một người tìm ra cách bơi, và ông ta bơi giỏi, nên sau đó ung dung tự tại trên đại dương. 
Thiền chính là việc chúng ta rèn luyện cách để ung dung tự tại được như vậy. Trong Thiền, chúng ta hiểu được bản chất của sự vật, tư tưởng, rồi sau khi thấu hiểu triệt để, chúng ta không còn mê lầm, đau khổ nữa, tức là đã học bơi xong, dù có sóng đến đâu cũng có thể lướt ung dung. 
Hiện tại, theo sự hiểu biết của người viết, chúng ta có 3 cách Thiền, gọi đơn giản là Thiền Định, Thiền Quán, và Thiền Mặc Chiếu. 

Thiền Định 
Đơn giản ở cách Thiền này, người tu tập chọn lựa một đề mục và chú tâm vào đó. Hiệu quả đem lại là sẽ khiến tâm trí an tĩnh, thân thể an lạc, tăng sức tập trung. 
Cách này phù hợp với những người sơ cơ, bởi nó đơn giản, không đòi hỏi trí tuệ gì nhiều, và ai cũng có thể theo được. 
Trong các tôn giáo khác cũng sử dụng những hình thức tương tự, như đọc kinh, cầu nguyện v.v... cốt người hành đạo tập trung vào một chủ đề chuyên nhất, khi đó không nghĩ ngợi nhiều, nên tạm tránh được các áp lực, chỉ cần có lòng tin là đủ. Tịnh Độ Tông cũng dựa trên điều này, cốt để người tu hành chuyên chú đọc kinh. Đến khi nào có thể chuyên chú được, tâm không lăng xăng nghĩ tưởng, khi chết có thể tái sinh vào các kiếp sống tốt hơn, có trí tuệ hơn để tiếp tục tu hành. 
Nhưng cách này hạn chế ở việc chỉ tập trung vào Định, mà không chú trọng vào Tuệ. Nên khi xả thiền, hoặc quay vào cuộc sống thường nhật, mọi thứ dễ trở lại trạng thái cũ, lại phiền muộn như trước. Nên sau khi Định, phải đến Tuệ.

Thiền Quán
Thiền Quán tập trung thẳng vào việc thực tập để thực chứng bản chất của mọi hiện tượng, các sự vật bên ngoài và của tư tưởng. Và đến khi thấu hiểu rốt ráo, cũng có nghĩa là giác ngộ. 
Cách Thiền này chính vì đi thẳng vào vấn đề, nên là cách khá tuyệt đối. Nhưng cũng chính là cái khó khăn của nó. Bởi nếu không đủ Định lực, khi quán sát mọi thứ, sẽ dễ bị lôi theo các tư tưởng lúc nào không hay, khó chuyên chú được. Giống như dẫu đã nghe hiểu rằng Hổ là dữ, song nếu không được chuẩn bị kỹ càng mà xông thẳng vào hang hổ, ắt sẽ bị tiêu vong. 
Cách này phù hợp với những người đã tu tập một thời gian, đặc biệt là đã có Định lực nhất định, sau đó tiến hành qua tu Tuệ sẽ dễ dàng hơn. Còn những người sơ cơ, không đủ trí tuệ hiểu về bản chất sự vật, khó theo được do không biết phải quán sát thế nào. 

Thiền Mặc Chiếu 
Mặc dù nói Định Tuệ là riêng biệt, nhưng chúng vốn chỉ là hai mặt của một đồng xu. Nếu Định lực đủ cao, khi đủ duyên sẽ chợt tỏ ngộ bản chất, tức có Tuệ. Còn Tuệ đủ vững và lòng tin mạnh mẽ, ắt cũng sinh ra Định lực. 
Thiền Mặc Chiếu là kết hợp cả hai cách, tức Định Tuệ song tu. Nhưng xét theo cách thức, thì lại ngược lại với cả hai cách trên. Bởi ở đó, người tu tập không tập trung vào bất cứ một chủ đề nào, cũng không quán sát bất cứ thứ gì, mà chỉ đơn giản là ngồi thiền. 
Nếu hai cách trên là chọn lựa để chú tâm hoặc phân tích một những chủ đề nào đó, thì Mặc Chiếu lại cố gắng không chú tâm vào bất cứ gì. Cách này cũng có cái khó, bởi nó quá đơn giản, nhưng con người lại phức tạp, không phải ai cũng có thể ngồi và chỉ ngồi mà thôi.
Nếu ở trong một căn phòng, trong căn phòng có nhiều đồ đạc, và một con khỉ tinh ranh hay quấy phá. Người tập Định sẽ chọn một đồ vật nào đó để chú ý vào đó, và mặc kệ con khỉ. Người tập Quán sẽ cố gắng hiểu các đồ vật trong phòng và cả con khỉ. Nhưng người theo Mặc Chiếu thì chẳng để tâm vào bất cứ cái gì trong phòng, kể cả con khỉ, dù nó có làm trò gì đi chăng nữa, họ chỉ để tâm vào chính căn phòng thôi. Nhưng vì con khỉ và mọi thứ khác đều ở trong căn phòng, nên người tu tập cũng nhận thức được tất cả, chỉ là không chú tâm riêng vào một cái gì. 
Nhưng sau cùng, việc Thiền tập không phải là để đạt được cái gì, bởi vốn chẳng có gì để đạt đến. Thiền tập không phải để thành Phật, bởi chúng ta vốn đã có sẵn đầy đủ Phật tính, và Thiền là để nhận ra điều đó, Thiền là để thể chứng Phật tính của mình.

Nhưng bởi chúng ta vốn bị tâm lý nhị nguyên, phân biệt, quy Ngã (tức tự quy về cái Tôi) làm mê lầm nên không nhận ra bản chất của chính mình. Giống như việc ai trong chúng ta cũng có mũi, nhưng chúng ta không tự nhìn thấy được cái mũi của mình, nên cứ mãi đi tìm ở nơi khác. Và Thiền là để chúng ta dừng lại, hít thở, và nhận ra rằng chúng ta vốn đã vẹn toàn tự bao lâu nay mà không biết vậy.