Trong thế giới đầu tư tài chính, các quyết định mà ta liên tục đưa ra không chỉ được định hình bởi dữ liệu và phân tích mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những thiên hướng tâm lý mang tính bản năng của con người. Việc hiểu rõ những thiên hướng này không chỉ giúp bạn đọc nhìn nhận đúng hơn về hành vi của bản thân mà còn giúp cải thiện khả năng ra quyết định chuẩn xác trong đầu tư, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Bài viết này sẽ phân tích chi tiết những thiên hướng tâm lý nguy hiểm đang cực kì phổ biến trong suy nghĩ của đại đa số nhà đầu tư đang tham gia trên thị trường, nhằm cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về cách mà những thiên hướng tâm lý này đang khiến vô số nhà đầu tư thua lỗ như thế nào
THIÊN KIẾN XÁC NHẬN
Nếu độc giả đã từng học về tâm lý, bạn hẳn đã nghe qua thiên kiến xác nhận. Thiên kiến xác nhận mô tả rằng con người chúng ta một khi đã tin tưởng điều gì đó thì sẽ luôn tìm kiếm thông tin để củng cố niềm tin vốn cố của bản thân và sẽ từ chối lắng nghe hoặc nhắm mắt bỏ qua những thông tin mang tính phủ nhận niềm tin trên. Về cơ bản, tất cả chúng ta rất ghét phải thừa nhận là bản thân đã sai, chúng ta sẽ luôn cố chấp níu giữ niềm tin vốn cố của bản thân mặc dù rất nhiều thông tin và bằng chứng xuất hiện cảnh báo là những gì mà chúng ta đang tin không phải là chân lý của thế giới.
Trong đầu tư, lỗi tư duy này thường xuất hiện như sau. Vì một cách nào đó, một cổ phiếu rơi vào tầm ngắm của chúng ta, có thể là qua một bài báo phân tích nào đó hoặc do 1 người quen phím hàng. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu về cổ phiếu đó và thấy nó có vẻ ổn, có thể sẽ là một cổ phiếu có thể sinh lời tốt. Chúng ta bắt đầu tìm điểm mua hợp lý và sau khi đã sở hữu một số lượng cổ phiếu nhất định, đó cũng là lúc thiên kiến xác nhận bắt đầu xuất hiện. Chúng ta sẽ tìm những người nói với chúng ta rằng đó là một công ty tốt, và nếu như có ý kiến trái chiều xuất hiện, chúng ta sẽ tranh cãi gay gắt hoặc thậm chí là coi người đó là một kẻ ngu dốt không hiểu tí gì về công ty. Chúng ta tích cực tìm kiếm các bài báo phân tích vẽ ra một tương lai màu hường cho công ty, nhưng sẽ không bao giờ tìm kiếm các bài phân tích giải thích tại sao công ty đó lại là một công ty kém chất lượng. Sau một khoảng thời gian, tất cả những gì mà ta thấy là thông tin mang tính củng cố niềm tin về viễn cảnh tươi sáng của công ty, đơn giản là vì chúng ta chưa bao giờ tìm kiếm hoặc cố gắng lắng nghe những thông tin mang tính phủ nhận niềm tin trên. 
Thậm chí là sau khi cổ phiếu đã rớt giá thê thảm, ta vẫn mù quáng tin rằng tất cả chỉ là tạm thời, cổ phiếu không sớm thì muộn sẽ bật tăng lại khi mọi người nhận ra rằng công ty mà ta đang nắm giữ tốt như thế nào. Người viết đã thấy lỗi tư duy này ở rất nhiều nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm đang tham gia thị trường, đó cũng là lý do vì sao các bạn mãi rơi vào vòng xoáy thua lỗ, thiên kiến xác nhận đã làm cho chúng ta không còn có khả năng phân biệt được giữa đâu là thực tế và đâu là điều mà chúng ta muốn tin.
HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER
Một lỗi tư duy quan trọng khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả đầu tư chính là Hiệu ứng Dunning-Kruger, được lấy từ tên từ 2 nhà tâm lý học đã khám phá ra hiệu ứng này là David Dunning và Justin Kruger. Hiệu ứng này mô tả rằng trong bất kỳ một lĩnh vực bất kỳ, người nào càng có ít hiểu biết thì họ càng tự tin về trình độ của bản thân trong khi những chuyên gia lâu năm trong ngành thì lại luôn hoài nghĩ về trình độ thật sự của mình. Nói theo ông bà ta thì đó chính là “thùng rỗng kêu to”, người càng thiếu hiểu biết thì họ lại càng tự tin với số lượng kiến thức ít ỏi mà họ có được.
Trong đầu tư, lỗi này thường bắt gặp nhiều nhất ở thế hệ nhà đầu tư F0 mới tham gia vào thị trường, những người thường rất tự tin về khả năng kiếm tiền của mình trên thị trường trong khi những nhà đầu tư lâu năm thì luôn sẵn sàng chấp nhận một thực tế rằng họ có thể thua lỗ bất cứ lúc nào khi tham gia đầu tư chứng khoán. Vấn đề ở đây không chỉ là kiến thức mà là trải nghiệm thực tế, những nhà đầu tư F0 chưa từng trải qua các phiên bán tháo kinh hoàng sẽ không thể nào hiểu được thị trường có thể tàn nhẫn đến mức nào, nếu không quản trị rủi ro cẩn thận thì lợi nhuận tích lũy trước đó có thể bốc hơi trong nháy mắt, một bài học mà những nhà đầu tư lâu năm đã hiểu quá rõ.
Rất nhiều thống kê đã chỉ ra rằng hơn 90% những người tham gia đầu tư chứng khoán đều thua lỗ, đây là một sự thật mọi nhà đầu tư nghiêm túc cần phải ghi nhớ. Cho dù bạn đang nghĩ như thế nào thì người viết cũng chắc chắn là để đầu tư có lãi khó hơn bạn nghĩ rất nhiều. Để có thể tồn tại lâu dài trên thị trường thì điều quan trọng là phải luôn sẵn sàng học hỏi, không bao giờ được có tâm lý chủ quan khinh địch, và điều quan trọng nhất là phải gia tăng trải nghiệm thực tế khi tham gia đầu tư trên thị trường. Trong đầu tư, luôn có những bài học mà không sách vở nào có thể chỉ cho chúng ta ngoại trừ trải nghiệm thực tế về cách thức thị trường hoạt động.
TỰ TIN THÁI QUÁ
Tự tin thái quá là một hình thái đặc biệt của hiệu ứng Dunning-Kruger, khi mà nhà đầu tư bắt đầu cho rằng mình sở hữu những kỹ năng thánh thần mà không ai khác có được, đặc biệt là những người đã từng thành công (có thể là do may mắn hoặc không) trong một vài phi vụ trong quá khứ và nghĩ rằng họ có thể nhân rộng sự thành công này ra tất cả các ngành nghề khác trên thị trường. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng đã từng nói “Ai cũng có vòng tròn chuyên môn của riêng mình. Điều quan trọng không phải là vòng tròn đó to như thế nào, điều quan trọng là không bao giờ được phép bước ra khỏi vòng tròn đó”. Người viết có một người quen, là một bác sĩ rất giỏi, và vì có chuyên môn tốt nên anh ta phân tích các công ty liên quan đến ngành dược rất tốt. Nhưng sai lầm lớn nhất là người đó nghĩ rằng chỉ bởi vì mình là một bác sĩ giỏi, mình có thể giỏi trong tất cả những lĩnh vực khác. Trường hợp này khá đặc biệt vì ở đây có một sự pha trộn nguy hiểm giữa những thiên hướng tâm lý khác nhau như bước ra ngoài vòng tròn chuyên môn, tự tin thái quá, cũng như thiên kiến xác nhận. Sau đó anh ta bắt đầu tìm mua những công ty nằm ngoài chuyên môn của bản thân và kết quả không thể tránh khỏi là thua lỗ nặng nề đơn giản vì anh ta đã đánh giá quá cao năng lực của bản thân. 
Cho dù bạn có thật sự giỏi ở một lĩnh vực nào đó thì điều đó không đồng nghĩa là bạn có thể giỏi trong mọi lĩnh vực. Như Warren Buffett cũng đã nói, lĩnh vực hiểu biết của bạn rộng đến đâu không quan trọng, điều quan trọng là biết rõ ranh giới đó nằm ở đâu và không bao giờ bước ra ngoài vùng đó. Hiểu rõ năng lực của bản thân cũng là một loại kỹ năng quan trọng, đừng bao giờ quá tự tin về sự hiểu biết của bản thân, hãy luôn biết rằng bạn có thể sai bất cứ lúc nào khi tham gia đầu tư trên thị trường.
CHI PHÍ CHÌM
Chi phí chìm là một khái niệm trong kinh tế - tài chính mô tả hiện tượng nhà đầu tư tiếp tục rót vốn thêm vào các khoản đầu tư đang thua lỗ nặng nề chỉ vì họ đã bỏ ra một lượng tiền vốn khá lớn và mong muốn được về bờ, thay vì tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế có tiềm năng lợi nhuận tốt hơn. Theo định nghĩa thì chi phí chìm là những chi phí đã bỏ ra, những khoản tiền đã chi tiêu và mất đi và vì thế không nên được xem xét để làm cơ sở đưa ra quyết định.
Ngụy biện chi phí chìm xuất hiện trong đầu tư khi nhà đầu tư cân nhắc về những yếu tố không thể thay đổi được trong quá khứ, và dùng nó để làm cơ sở đưa ra quyết định đầu tư. Trong trường hợp này là số tiền đã thua lỗ và thời gian chờ đợi dài hơi khi nắm giữ cổ phiếu đang trong đà đi xuống với mong muốn được về bờ. Khi lỗ ngày càng chồng lỗ, vì quá tiếc số tiền vốn ban đầu và thời gian chờ đợi, họ liên tục trung bình giá xuống cổ phiếu (DCA), nhưng càng trung bình giá thì thua lỗ càng chồng chất, điều này đặc biết đúng với các cổ phiếu penny sặc mùi đầu cơ trong thị trường giá xuống. Mặc dù người viết không phủ nhận DCA có một số lợi thế nhất định với những ai có khả năng phân tích tốt và nguồn vốn lớn, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân thì những người có thể sử dụng DCA một cách chính xác thường rất hiếm, đa phần nhà đầu tư DCA những mã cổ phiếu rác không đáng để DCA và sau đó luôn hối hận vì đã không dứt khoát cắt lỗ sớm hơn!
Ngụy biện chi phí chìm dẫn đến việc tiếp tục mất thêm tiền, thời gian hoặc không thể tối ưu cơ hội đầu tư khác tốt hơn bởi vì nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong nỗi ám ảnh phải phục hồi số tiền vốn đã thua lỗ thay vì tập trung tối ưu lợi nhuận có thể kiếm được trong tương lai. Thay vì suy nghĩ về những sự kiện hoặc quyết định không thể thay đổi trong quá khứ, thời gian và nguồn lực của những nhà đầu tư thông minh sẽ được tối ưu hơn nếu họ tập trung vào những quyết định có thể tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận trong tương lai. Một cách thẳng thắn thì quyết định đó mới là đầu tư thời gian một cách đúng đắn