Trong những ngày cuối năm, Sử Talk mong muốn chia sẻ những câu chuyện nhẹ nhàng xưa cũ về ngày Tết và về năm Tân Sửu, để tham lam kéo dài những ngày xuân hiện tại bằng cách kết nối với những ngày xuân quá khứ. Câu chuyện dưới đây là câu chuyện mở đầu!

CHUYỆN ÔNG CÔNG ÔNG TÁO
“Gió đông lướt nhẹ cành mai,
Trời trong một cõi mắt ngài khô chưa.
Lâu rồi oan trái ngày mưa,
Nhà ai ấm lạnh chuyện xưa thành thần.”
Chuyện ngày xưa, ngày mà cái mùi tóc bạc của bà còn vương ngọn gió chiều cuối năm lãng đãng mùi nhang cận Tết.
Chuyện ngày xưa, chuyện của miếng xôi vị rắc mè bóng mướt rượt, của chén chè trôi nước gừng nồng nồng cúng ông Cà ràng ngày 23 tháng Chạp, vẳng tiếng bà vẫn gọi “Cúng ông Táo xong rồi, bây kêu sắp nhỏ vô cho tụi nó mần li chè, dứt cục xôi ấm bụng con.”. Rồi nội lại lui cui xếp áo quần hai ông một bà, cá chép tiền vàng, đặng đốt để ông Táo còn lên Trời hầu bẩm.
Lửa bén giấy tiền, cuộn cuộn trôi đi, cuộn đi cả những bầu trời xanh trong nhất, những câu chuyện xa xôi nhất, những ký ức biền biệt nhất, những nụ cười thân thương nhất.
Nay còn đâu.
Này hỡi, người trai viễn xứ, người mong ước gì, nhớ nghĩ gì.
Nay lại là 23 Chạp. Phố, người ta ngoài đường xôn xao quá, ai cũng đốt vàng đỏ rực một góc sân. Ràng rạc qua màn lửa đỏ hồng cả mặt, khói xộc lên cả mắt là thứ gì cay cay lắm. Tôi lại mở đào Bạch Tuyết nghe cải lương ca sao mùi quá “…Mỗi lần thấy bông Ô Môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An, là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ tới dáng người vợ nhỏ chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời Tỉnh Long Hồ…”.
Bỗng lại nghe giọng bà bên tai, “Tết này tụi bây cho tiền vé nó về chưa? Sao tụi bây còn chưa cho nữa. Cho liền đi. Cháu của tao, tao còn gặp được mấy lần.”
Lại nghe về chuyện bà kể cái ngãi Táo quân
Chuyện hai ông một bà, tích cũ người xa hầu ai cũng biết. Tục dị cũng nhiều, ở Tàu ở Ta mấy phiên mấy lược. Tựu lại cũng là câu chuyện người vợ đảm đương bị xô đuổi ra khỏi nhà, tạo được cơ ngơi với chồng mới, chồng cũ ăn chơi rồi cũng thành hành khất, đến xin nhà mỗ nọ gặp vợ cũ thẹn quá đâm đầu vào than mà chết. Người vợ vì nghĩa cũng đâm đầu chết theo. Người chồng mới cũng đi theo cùng vợ. Vì ngãi lớn mà ba người được Trời phong Táo thần.
Táo quân cỡi lý ngư về trời
Nhưng bà tôi không chỉ dừng ở đó. Bà không kể về một ông thần luôn theo dõi con cháu để coi nó có ngoan hư gì không đặng mà đêm hôm cuối năm leo ống khói chun vô nhà cho quà, hay phạt đánh; mà bà hay nói về cái lẽ hiếu đễ, cái ăn thủy ở chung của những người đàn bà như bà Táo: tảo tòng thế đức, khổn phép an gia. Cũng chính như những bực phụ tòng nước Nam ta từ ngàn xưa đã vậy, thờ chồng dạy con, tiết khang nghĩa đảm.
Nhưng người kể chuyện đó giờ trời xanh xa thẳm biết đường nào mà nghe lại bây giờ. Hồi còn nhỏ, thì tưởng là chuyện nhạt như chén nước trà nguội, năm nào cũng nghe, nghe rồi lại chán, ai dè lớn rồi, đi vài đường rồi thì bỗng muốn nghe lại, muốn thấy lại bóng dáng, muốn được lại người xưa, muốn ăn miếng mứt dừa trong ngọt chuyện bà chuyện cháu, muốn thắm lại ngọn lửa chái bếp nồi bánh tét mà trong tiếng cười ngây cười ngất tới một hai giờ sáng. Mà vời vợi, mà dằng dặc, mà biền biệt quá.
Hồi tóc bà còn chạm vào má tôi ngày xưa tôi còn về sớm quê ăn Tết, thì ngày 23 Chạp, cha tôi hay sai tôi ra phố thuốc bắc trên Vĩnh Thanh Vân để mà mua giấy hai ông một bà, cá chép, rồi bông cúc bông huệ cúng ông Cà ràng, dân xứ tôi kêu vậy để nói về ông Táo. Phố xá xung quanh Vĩnh Thanh Vân toàn là nhà cổ mấy đời. Tôi còn biết nhà ông Lam Phương ở gần Nghĩa An Triều Châu Hội Quán. Cạnh đó Hải Nam Hội Quán, Quảng Đông Hội Quán hồng rực một góc đường, trầm hương phưởng phất, nơi mà người Hoa Minh Hương phụng thờ Huyền Thiên Bắc Đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân. Mùi đản sâm, tam thất, nhân trần, huỳnh sơn, kỷ tử, hồng hoa, bạch truật, đinh lăng, sinh ký, tử tắc quy, nồng đậm chen chen khắp phố. Cạnh đó dãy nhà bán thuốc Nam ta bán mía lau, rễ tranh, mã đề, ngãi cứu, rau răm, tía tô, cỏ mực, dành dành, sống đời, hương tỏa mát ngọt dịu dàng quyện vào nhau. Kìa kìa, đoàn sư sãi khất thực trong lòng thành phố khoan thai đậm vàng cả góc đường. Xứ này tới lạ, sao mà hiền lành quá, nghĩa tình quá, nhơn hậu quá, rộng lượng quá vậy đa.  
Gốc dân nào tới nước Nam ta cũng vậy sao, cùng một lối đi về mà cũng thành một lòng, chung một mối, hít một trời khí, uống một dòng Đông Hải, da bọc máu đào, hải hào một dạ.
Bởi vậy đó chuyện hai ông một bà, ăn ở nhơn hậu thủy chung, “hai ông mà vẫn một bà được” đâu phải là lạ lẫm lắm đa!
Chuyện tích thì cũ xưa, nhưng lề thói thì đã thật. Chẳng phải rành rành xứ này người ta sống ái tình như vậy sao. Tích xưa, gây cho con người gần gũi con người, dâng cho chúng ta niềm hi vọng, phả hồn chúng ta nỗi ước mơ làm lại quê hương, làm đẹp quê hương, làm đoàn tụ quê hương, làm rạng rỡ quê hương.
Nó chân phương mà hào sảng, bình dị nhưng thâm trầm. Còn đó nền tảng cho một thứ bậc cao trong xã hội. Thứ bậc của phong hóa cổ xưa. Của niệm tư thánh lễ, của phong hồ vạn bực, của tình tự dân tộc, của lãng mạn dân tộc, của cao thượng dân tộc, trong thi ca chan chứa tình người, trong tiểu thuyết tràn trề nhân bản, trong âm nhạc nâng hồn cao xa.
Bóng người xưa đi tạo cõi, có như bóng bà tôi vun vén cho cái nhà này ngót bảy chục năm nay.
Tiền nhơn, người ở đâu, hay là hồn người bảng lảng trên bực thềm của Sắc Tứ Tam Bảo Tự hay anh linh hiển hiện trong đợt khói chiều tựa hồ khói súng năm nào. Người ở đâu để một đời kỷ niệm mai vàng hé nở. Mai vàng cười với người. Mừng cho anh hào áo vải tay gươm giết giặc, vui cho thôn phụ đoàn viên, để hôm nay ngạo nghễ về dưới chân người, để biểu sách rằng còn cỏ nước Nam, thì còn đất Nam, còn biển Nam, còn Trời Nam, mà hơn hết là còn dân Nam vậy.
Còn người trai xa xứ, nên về không, về thì còn kịp hay không?
Về rồi, bóng cũ còn hay không?
Hỡi người xa xứ, mau về đi, còn gì mà tiếc.
 
Viết bài : Vĩnh Quang
Hình ảnh : Nguyễn Thành Huy