Võ gậy là một loạt các môn võ thuật mà sử dụng công cụ đơn giản dài, thon tròn, thẳng thừng... nói chung là "gậy" để chiến đấu như trượng, côn, gậy ngắn, dùi cui - baton... bao gồm cả loại gậy kali/escrima, bổng, roi... Một số kĩ thuật cũng có thể được sử dụng với một chiếc ô, thậm chí mô phỏng hay áp dụng với một thanh kiếm, dao găm vẫn được tra trong bao của nó...
 Bō là "gậy" trong tiếng Nhật, loại ~1,8 m.
Mặc dù nhiều hệ thống kĩ thuật chiến đấu của võ gậy nhằm mục đích sử dụng để tự vệ và phòng thủ nếu bị tấn công khi được trang bị vũ khí nhẹ. Những hệ thống khác như Kendo, Arnis, Gatka hay Single-stick đã được phát triển như những phương pháp huấn luyện an toàn thay cho các loại vũ khí lạnh sắc bén nguy hiểm.
Do đó, ngoài các hệ thống  đánh gậy thuần túy như Canne de Combat của Pháp hay Bataireacht của Ireland, hoặc theo đúng nghĩa "gậy" của nó, như trong Silambam (tiếng Tamil), Bō (tiếng Nhật) hay Quarterstaff (tiếng Anh)... Võ gậy còn đơn thuần là một phần của một bài huấn luyện đa dạng bao gồm các loại vũ khí khác nhau, chiến đấu tay không, nơi những vũ khí bằng gỗ này dùng để huấn luyện sơ bộ trước khi thực hành những vũ khí lạnh nguy hiểm hơn, như một số môn võ học khác cũng bao gồm võ gậy: Bartitsu, Thiếu Lâm với gậy côn ("Gun" trong tiếng Trung) hoặc võ cổ truyền Việt Nam với các bài đánh gậy côn - 1 trong 18 vũ khí của hệ thống Thập bát ban vũ khí...
Những nền văn hóa khác nhau sẽ có phong cách võ gậy khác nhau (bên trái gồm Canne de Combat, Quarterstaff và Arnis; bên phải gồm Bō và "Gun").
Quay trở lại với chủ đề bài viết, tại sao mình nói "võ gậy là võ thuật của người du hành"? Dĩ nhiên, ý mình nói ở đây nhấn mạnh vào mặt lịch sử, gậy sẽ là công cụ thiết yếu đi kèm của những người du hành trong lịch sử, bởi:
1. Được dùng làm gậy leo núi, gậy chống đi bộ: những người du hành họ thường di chuyển ở những địa hình không bằng phẳng, "trèo đèo lội suối"... Một cái "chân chống thứ 3" là không thể thiếu cho những chuyến du hành xuyên ngày được.
2. Họ là những người "ôn hòa": bởi những người du hành thường là những nhà sư, du mục, người hành hương, nhà truyền giáo... Họ sử dụng gậy để tự vệ chống lại những kẻ cướp, trộm vì chúng không gây nguy hiểm chết người lại tương đối an toàn... Đó cũng là lí do hình ảnh của võ gậy thời trung đại thường được khắc họa với những nhà sư Thiếu Lâm, những môn võ tinh thần như Aikido...
3. Dễ kiếm mà không cần phải bảo dưỡng, lại đa di năng: kiếm một cây gậy là cực kì dễ dàng. Khác với những thanh kiếm cần phải định kì đem ra thợ rèn mài dũa hay đánh bóng lại, thì chỉ cần vào rừng, đẽo gọt đi chút là ta có cây gậy vừa ý với 2 đầu tù. Hơn nữa, nó có thể được dùng để dựng lều, dựng cột xà để treo đồ... trong sinh hoạt của họ.
4. Do sự phân chia tầng lớp xã hội: những người du hành này trong lịch sử thường được xếp vào thân phận thấp như nông dân, có nơi rất thấp kém! Việc để trang bị được các loại kiếm thì chỉ có tầng lớp quyền thế quý tộc, chiến binh mới có. Mang những vũ khí lạnh bên mình như vậy cũng bị cấm bởi luật pháp thời đó. Do đó, gậy sẽ được dùng chủ yếu bởi người tầng lớp thấp nghèo, cũng là lựa chọn tốt nhất mà những người du hành có.
Các 'phượt thủ" hiện đại dùng gậy leo núi. 
Dĩ nhiên! Võ gậy không chỉ dành riêng cho những người du hành, chúng có những áp dụng, đối tượng... khác nhau. Rất nhiều kĩ thuật võ gậy được dùng như công cụ huấn luyện thay cho những vũ khí lạnh: để mô phỏng kiếm thuật như Single-stick, Kendo... (bạn không nghe nhầm, Kendo chính là một môn võ gậy thuần túy do cây shinai của môn này mang tính chất của "gậy" hơn là "kiếm"). Với chiều dài tương đương, không có gì lạ khi gậy được dùng để huấn luyện sử dụng các vũ khí như giáo mác, súng trường gắn lưỡi lê...
Hình ảnh, văn hóa đại chúng của châu Á - Tôn Ngộ Không và Gậy Như Ý không hề xa lạ với chúng ta. 
Tuy võ gậy được biết đến nhiều hơn ở châu Á với các phong cách võ gậy cực kì đẹp mắt mạnh mẽ mà Thiếu Lâm và Wushu hiện đại thể hiện, uyển chuyển dứt khoát của những môn Bō và Jō của Aikido Nhật Bản. Hay ở Đông Nam Á, phong cách đoản côn Eskrima và Arnis của Philippine cũng cực kì phổ biến... Nhưng võ gậy châu Âu cũng không hề kém cạnh, chúng cũng phong phú và khá phổ biến, nhất là những võ gậy thời kì cận đại.
Võ gậy: Côn -"gun" Trung Hoa và gậy Jō Nhật Bản.

Võ gậy Arnis.
Điểm dễ phân biệt giữa võ gậy châu Âu với châu Á đó là võ gậy với trượng dài châu Âu thường dày, lớn với kĩ thuật trông khá thô bạo! Các loại võ gậy ngắn như gậy baton lại thường có nét giống với kiếm thuật châu Âu.

Thời kì Trung cổ - Phục hưng châu Âu, các môn võ trượng dài cực kì phổ biến nhưng như đề cập từ trước, chúng được sử dụng chủ yếu bởi những nhà du hành hoặc được dùng như công cụ huấn luyện thay cho vũ khí lạnh. Từng vùng khác nhau có những phong cách khác nhau (tuy vậy chúng thường không có tên rõ ràng): ở Đức với những đòn đánh dài, đâm chọc mạnh mẽ; Scottland có kĩ thuật luôn hướng gậy phòng thủ/tấn công ở trung tâm; Pháp với những đòn phản công, cú vung vòng xoay... Ngoài ra còn có Quarterstaff của Anh, Jogo do Pau của Bồ Đào Nha, Juego del Palo của Tây Ban Nha...
Quarterstaff thời Trung đại.
Võ gậy của Pháp, được phát triển dựa trên phương pháp Joinville.
Thế kỉ 18-19, các môn võ gậy ngắn, đoản côn được dùng nhiều hơn và rất phổ biến trong giới quý tộc châu Âu bởi gậy chống đi bộ là phụ kiến ko thể thiếu với bộ Âu phục kiểu complete (com-lê) đuôi tôm và mũ top-hat thể hiện đẳng cấp của quý ông châu Âu, để dễ hình dung, hãy nhớ tới hình ảnh danh hài huyền thoại Charlie Chaplin (Sác-lô). Một thời kì quyền thuật và võ gậy tự vệ cực kì phổ biến! Có thể kể ra vài môn võ gậy như Single-stick của Anh, Canne de Combat của Pháp, Palcaty của Ba Lan và nhất là Bartitsu - môn võ của quý ông Anh quốc...
Phong cách võ gậy của Bartitsu (sự hồi sinh của Bartitsu gắn liền với sự quan tâm tới tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes).
Trải qua lịch sử có bề dày và rộng khắp nhiều nền văn hóa như vậy! Ở thời kì hiện đại, võ gậy vẫn sẽ là một môn võ tự vệ tốt nhất với vũ khí, an toàn hơn so với các loại dao găm và hiệu quả hơn so với các loại côn nhị khúc.