Vào tháng 10 năm 2020, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, một trong những huyện miền núi nghèo nhất ở tỉnh Quảng Nam. 19 người chết, 21 người mất tích và vô số người khác bị thương, nhiều nhà hảo tâm và các tổ chức khi đó đã "động lòng" (nói cách khác là nhận được sự cầu cứu từ huyện) gửi hàng tấn đồ cứu trợ, chi tiền ra để giúp khôi phục lại nhà ở, kiếm công ăn việc làm cho người dân địa phương và cứu giúp những nạn nhân bị cô lập do mắc kẹt bởi hệ thống giao thông đã bị phá hủy trầm trọng sớm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì quá nghèo mà khi gặp nạn huyện lại phải (cầu viện) đến sự cứu trợ của những mạnh thường quân hay thậm chí là cả tỉnh cho những việc phải-tự-làm như vậy. Trước đó vào tháng 5 cùng năm, huyện đã góp thêm vào khoản tiền hơn 14 tỉ đồng để xây dựng và cải tạo lại tượng đài Khâm Đức, nhưng chẳng rõ vì lý do gì mà khi được tu bổ lại từ năm 2017, hứa hẹn đến tháng 8 năm 2020 sẽ hoàn thành mà từ đó đến tận giờ nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, đống nguyên liệu cứ chất đầy hết chỗ này rồi chỗ khác, gây cản trở giao thông cho người dân. 
Quang cảnh hiện trường sau đống đổ nát từ trận lở đất
Cũng nói thêm, tính ở thời điểm dự án cải tạo được bắt đầu, tượng đài mới chỉ tồn tại chưa đầy... 7 năm. Với tiến độ chậm chạp như hiện nay, khó có thể chắc rằng cái "dự án cải tạo" này sẽ sớm được hoàn thiện và tượng đài đi vào hoạt động trở lại. Thế nhưng, không chỉ ở riêng huyện Phước Sơn, nhiều huyện nghèo khác cùng tỉnh cũng đều sở hữu riêng cho mình mỗi nơi một tượng đài tầm chục tỉ đồng: tượng đài chiến thắng Núi Thành huyện Núi Thành; tượng đài chiến thắng Mậu Thân 1968 tại huyện Tam Kỳ; tượng đài chiến thắng Đồng Dương tại huyện Thăng Bình, v.v.. Đáng nói, hầu hết các huyện trên đều nghèo và cũng phải trải qua những "trận đòn roi" từ sạt lở đất đến bão lũ cùng thời điểm mà xã Phước Sơn phải chịu.
Vấn nạn về việc xây tượng đài "quá lố" không phải là hiện trạng mới gặp mà đã diễn ra một cách dai dẳng từ lâu. Lý do cho việc xây dựng những tượng đài như vậy được cho là nhằm "tuyên truyền giáo dục cách mạng" người dân để luôn tưởng niệm công lao của những bậc anh hùng xa xưa và mài dũa lòng tự hào về đất nước. Tuy nhiên, chi phí để "tuyên truyền giáo dục" ấy cũng không hề "dễ thở". Tính ra một tượng đài rẻ nhất cũng phải mất gần tận... 8 tỷ đồng; nhưng thường những công trình giá "hời" như thế sẽ phải tu sửa và cải tạo lại rất nhiều lần, như vậy có khi chi phí bảo trì còn lớn hơn cấp số mũ so với chi phí ban đầu xây dựng. Chưa kể ở thời công nghệ hiện đại như bây giờ, có thể dễ dàng tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước bằng mạng xã hội, bằng truyền thông, hoặc bằng lan truyền khẩu hiệu, những câu chuyện truyền cảm hứng trong xã hội,... vô số các cách khác nhau. Trớ trêu thay, điều đó cũng không ngăn nổi việc ngay cả thời dịch khó khăn như hiện nay, vẫn có hàng chục "cái tượng đài" được dựng lên dù vắng tanh không một bóng người thăm quan.
Tượng đài có trị giá hơn 1.400 tỷ đồng, được xây tại Sơn La - Một trong những tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn

"[...] về mặt chuyên môn thì cần phải nói rõ Việt Nam không có lịch sử hay truyền thống xây dựng tượng đài." - Trích lời Kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng trong một buổi phỏng vấn về phong trào xây tượng đài hiện nay ở Việt Nam, ông tiếp lời: "Trước năm 1930, ở Việt Nam không ai nói đến tượng đài. Chỉ sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, nước ta mới bắt đầu học và bắt đầu xây tượng đài, theo cách của Liên Xô, Trung Quốc. [...] Cần biết hệ thống tượng đài ở Liên Xô, Trung Quốc vốn chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền, phô trương. Trong khi bản chất của tượng đài không phải là tuyên truyền, phô trương; đây là một vấn đề học thuật phải được nghiên cứu, bàn luận nghiêm túc... Tượng đài đã có lịch sử cả hàng ngàn năm, nó không phải để sử dụng vào những mục đích trên mà để tôn vinh một vẻ đẹp nào đó, một chiến thắng nào đó hoặc một cá nhân nào đó."
Vậy vì sao giờ đây người ta lại xây dựng nhiều tượng đài, mà lại to, lại hoành tráng, biến tướng đến thế? Ông trả lời: "Chỉ hơn 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam mới bắt đầu có phong trào 'ganh đua' xây dựng tượng đài. Nhiều địa phương hiện nay đều đang rất cố để đua nhau xây tượng đài, càng hoành tráng, to nhất, oai nhất thì càng tốt. [...] Họ thắc mắc vì sao nơi khác xây được tượng to, hoành tráng thế? Vì sao địa phương mình lại không thể xây được cái tượng đài to hơn, hoành tráng hơn? Thậm chí không chỉ các tỉnh thành, mà cả các quận, huyện, xã... cũng đua nhau làm tượng chủ yếu bằng tiền ngân sách nhà nước." Chốt lại, ông nhận xét: "Thực chất việc đua nhau xây tượng đài hiện nay là thể hiện tính sĩ diện của các quan chức địa phương."
Ra là vậy, mặc cho mưa gió bão bùng thế nào, nhiều người vẫn muốn phải có một tượng đài thật to, thật đẹp để sánh vai với... anh hàng xóm bên cạnh, chứ cũng chẳng phải để "giáo dục lòng yêu nước" như từng rêu rao.
Thế nhưng, nếu lấy trường hợp của huyện Phước Sơn ra làm ví dụ, liệu 14 tỷ có phải là quá nhiều? Trong khi người dân đang vật lộn kiếm từng xu lẻ để nuôi bản thân và gia đình qua ngày, 14 tỷ từ ngân sách nhà nước vốn có thể trích ra để xây dựng nhà ở định cư, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ người nghèo vượt qua cơn bĩ cực,... giúp huyện phát triển, "vượt nghèo thoát khó"... bao nhiêu tiền vào việc "tốt" đó, sao không chi mà cứ phải chi vào việc xây dựng tượng đài?
Lại lấy trường hợp tại tỉnh Hòa Bình ra để mà nói, 11 tỷ, cho 11 chữ in hoa có nội dung "ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI". Lúc đó cũng là vào tháng 8, tháng 9 năm 2020, khi Việt Nam tiếp tục bước vào đợt dịch thứ hai, bị phong tỏa cách ly trên diện rộng, người dân điêu đứng khó khăn vì bị chặn không cho ra khỏi nhà. Thường trực Tỉnh ủy, người chủ trương xúc tiến dự án, thời điểm đó thậm chí còn nhận định rằng: "[Việc xây dựng biểu ngữ] có ý nghĩa thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục về công lao của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; đồng thời nhằm tạo cảnh quan đẹp khu vực đồi Ông Tượng, góp phần tạo điểm nhấn cho thành phố Hòa Bình."
Công trình còn lắm sự dang dở, chưa biết khi nào sẽ tiếp tục xây dựng
Giáo dục đâu thì chưa thấy, vậy mà sau khi bị phát giác, dự án vẫn tiếp tục được thi công một cách lén lút dù trước đó đã có cảnh cáo rằng sẽ có sạt lở nếu "cố" xây dựng. Bác Hồ cả một đời đều tôn cao lối sống cần-kiệm-liêm-chính, hẳn sau khi thấy cảnh này chắc sẽ rất đau lòng.
Nói cho cùng, việc xây dựng tượng đài không phải chỉ đơn thuần là để "giáo dục cách mạng" hay so bì với các nơi khác mà còn là cái "bánh vẽ" để con người ta lao vào xâu xé, tranh giành nhau. Biết rằng xây dựng một công trình để giáo dục lòng yêu nước là tốt; nhưng trong khi người dân còn đang nghèo, cần cứu trợ để vượt qua khó khăn, thì việc làm này lại không chỉ thể hiện sự vô tâm, vô trách nhiệm mà còn cho thấy một sự hời hợt trong nhân cách và mỹ thuật.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa cũng đã công bố kế hoạch xây dựng tượng đài "Con tàu tập kết" sẽ được khởi công từ quý III năm 2021 với tổng kinh phí là 255 tỷ đồng, trong khi mới chỉ vài ngày trước đó, đã có một ca tái dương tính sau khi "xuất cách ly" ra ngoài, trung tâm của tỉnh - thành phố Thanh Hóa có nguy cơ sẽ phải phong tỏa cách ly trên diện rộng một lần nữa. 
Thứ hoành tráng được tạo ra giữa những thứ lạc hậu nghèo nàn sẽ không giúp người ta sống và giàu lên được. Cũng như vậy, một tượng đài sẽ thật đẹp khi được đặt ở nơi xứng tầm với nó, còn nếu chỉ xây cho có rồi đặt bừa ở một nơi đồng không mông quạnh, thì nó cũng không khác gì một đống rác tái chế, có thể dễ dàng hư hỏng bất cứ lúc nào.
@Nguyễn My

Tham khảo