Đã bao giờ bạn tự hỏi ý nghĩa, sứ mệnh của cuộc đời mình là gì chưa? Trong cuộc sống, đã bao nhiều lần bạn thức dậy mỗi sáng và nghĩ về mục đích cuộc đời mình? Cá nhân mình tin rằng đã có rất nhiều người ở đây có những câu hỏi như vậy và bản thân mình cũng không phải ngoại lệ. Vậy, các bạn sẽ nghĩ sao nếu mình nói rằng cuộc sống thật ra chả có ý nghĩa quái gì. Tất cả những thứ gọi là “mục tiêu cả cuộc đời”, “sứ mạng”, và vân vân, về bản chất, chỉ là một mớ hỗn độn, không có bất cứ một trật tự nào. Ngay cả đến sự tồn tại của chúng ta, thực chất, cũng chỉ như một hạt cát trong cái vũ trụ mênh mông rộng lớn này. Thế thì chúng ta sống để làm gì?
    Xuyên suốt lịch sử, đã có rất nhiều nhà triết học đi tìm mục đích của cuộc sống. Họ là những người theo chủ nghĩa hiện sinh - Existentialists (mình tạm dịch như vậy). Rất nhiều trong số họ quan niệm rằng cuộc sống, vũ trụ thực chất là một vòng tròn vô tận. Mọi thứ về bản chất là một hình xoáy trôn ốc, xoay vòng và cao dần lên qua năm tháng. Những nhà hiện sinh tin rằng ý nghĩa thật sự sẽ được sinh ra vào một lúc nào đó khi cái vòng tròn “vật chất và phản vật chất” này đạt đến một mức độ nhất định (Eternal Return). Không biết mọi người thế nào chứ mình thì thấy cái học thuyết này nó sai sai thế nào. May thay, mình không phải là người duy nhất thấy vậy. Trong thập niên 1950s và 60s, cũng có một nhà hiện sinh thấy rằng cái việc đi tìm ý nghĩa của sự sống qua các “vòng tròn” phát triển lịch sử có vấn đề, tên ông là Albert Camus. Camus đi ngược lại hoàn toàn với những định nghĩa cơ bản về thuyết tồn tại (Existentialism) và cho rằng vũ trụ là hiện thân của sự hỗn loạn. Ông đề ra một học thuyết về sự vô lý (Absurdism). Trường phái về sự vô lý của Camus nhấn mạnh một thực tại tàn nhẫn rằng loài người đang sống trong một thế giới tràn đầy sự phi lý và vô nghĩa. Camus cũng khẳng định sự thật rằng cả vũ trụ về bản chất là vô nghĩa, trôi nổi, và biến động không theo một quy luật nào cả. Camus nêu tất cả điều trên trong bài luận văn “Truyền thuyết về Sisyphus”. Nếu ai từng đọc thần thoại Hy Lạp thì có thể đã nghe đến người đàn ông cả gan đánh lừa cái chết, Sisyphus. Cũng chính vì vậy mà Sisyphus phải chịu một hình phạt khủng khiếp: Dành toàn bộ từng ngày trong phần đời còn lại của mình để đẩy một hòn đá lên đỉnh núi rồi lại nhìn nó lăn xuống vào cuối ngày, sau đó tiếp tục lặp lại hành động này vào ngày hôm sau. Camus tin rằng sự “vận động vòng tròn” của cuộc sống, như cách mà các nhà hiện sinh khác đề cập đến, là vô nghĩa và con người cũng chỉ đang làm các hành động tương tự Sisyphus mà thôi. Hằng ngày, con người làm việc học tập thật hăng say để đạt đến một mục đích cao cả nào đó để rồi hoặc là không đạt được đến hoặc là đến khi đạt được rồi thì nhận lại sự hụt hẫng. 
Sisyphus và thuyết Vô lý
    Tư tưởng về sự phi lý của sự sống đã từng được đề cập đến rất nhiều bởi các nhà văn lừng danh của thế kỷ 20, tiêu biểu là Samuel Beckett. Ai thích đọc văn học nước ngoài giai đoạn từ sau Thế chiến thứ hai cho đến chiến tranh Việt Nam thì có lẽ đã biết đến câu chuyện được chuyển thể thành kịch nổi tiếng “Đợi chờ Godot” của Samuel Beckett. Các nhà xuất bản Việt Nam thường đưa cuốn truyện này vào khu vực sách để học tiếng Anh cho trẻ nhỏ vì nó rất dễ đọc và không có một plot nào cụ thể. Cả câu chuyện xoay quanh 2 ông nào đó tên Vladimir và Estragon đứng chầu chực một ông Godot (và ông Godot không bao giờ xuất hiện).Tuy nhiên, chính cái sự dễ đọc và lan man của câu chuyện là thứ tạo nên ý nghĩa cho nó. Beckett cố tình tạo ra chúng để tái khẳng định niềm tin của ông vào học thuyết “phi lý” của Camus. Beckett tin rằng cái thực tại chúng ta đang sống chỉ là một phiên bản nâng cấp của cái thực tại mà các nhân vật trong truyện đang sống mà thôi.   
    Tuy nhiên đó chỉ là những học thuyết chung chung của một vài nhà triết học về ý nghĩa cuộc đời mà thôi, nó sẽ không có tác động gì nếu không thể áp dụng vào thực tế. Vậy nên, cần trở lại với câu hỏi mình đã nêu ở đầu bài viết: “Sứ mệnh cuộc đời bạn là gì?”. Sẽ có người nói rằng sứ mệnh của họ là kiếm được thật nhiều tiền, học được thật nhiều điều, tạo ra cho cuộc sống những tác phẩm để đời, và vân vân. Vậy, mình xin phép đưa ra một câu hỏi nữa mà mình cũng vẫn tự hỏi: “Mình sẽ làm gì sau khi hoàn thành sứ mệnh cuộc đời?”. Mình sẽ chết? Hay mình phải tự tìm một sứ mệnh mới? Mà với cá nhân mình và có thể là rất nhiều người, sứ mệnh cuộc đời sẽ không thể là một mục tiêu ngắn hạn như mua được một cái nhà, một cái xe mà phải là cái gì đó kéo dài trong hàng chục năm và thiêng liêng hơn một chút. Chính bởi thế mà có thể sẽ rất khó để có 2,3 mục đích sống trong cùng một đời người. Suy cho cùng, có mấy người thật sự đạt được mục đích sống của cuộc đời, và dù đạt được, có rất nhiều thứ đã phải mất đi để bù lại. Những thứ mất đi đó đôi lúc là quá lớn và hoàn toàn có thể khiến con người ta rơi vào những trạng thái trầm cảm nặng. Ta vẫn thấy không ít câu chuyện về những vụ tự sát của những nhân vật tưởng như có tất cả nhưng không có niềm vui sống đó thôi. Khi đứng trên đỉnh cao danh vọng, chắc gì đã hạnh phúc? Khi nắm trong tay cả một pho tàng kiến thức nhân loại, chắc gì đã có thể mỉm cười vào cuối ngày? Với cá nhân mình, mình tin vào việc hưởng thụ từng giây phút trong cuộc sống hơn là đánh đổi hạnh phúc và niềm vui để vươn tới mục đích của cuộc đời. Nhưng tất nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt, đây chắc chắn không phải lý do để hút chích thả phanh và phá hoại toàn bộ cuộc sống của bản thân cùng những người xung quanh.  
P/S: Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình thoi, có rất nhiều người vẫn hướng tới mục tiêu của cuộc đời họ và cũng đồng thời rất enjoy đời sống hằng ngày. 

Nguồn tham khảo
Plant, Bob. “Absurdity, Incongruity and Laughter.” Philosophy, vol. 84, no. 327, 2009, pp. 111–134. JSTOR, www.jstor.org/stable/20533173. 
Durán, Richard. “‘En Attendant Godot’ or 'Le Suicide Philosophique': Beckett's Play from the Perspective of Camus's ‘Le Mythe De Sisyphe.’” The French Review, vol. 82, no. 5, 2009, pp. 982–993. JSTOR, www.jstor.org/stable/25613747.