Nếu có thể nói ngắn gọn về sự khác biệt của 2 nền văn hóa Đông - Tây thì chỉ cần 1 câu : "Đông chủ toàn, Tây chủ biệt". Người phương Đông nói về cái gì cũng muốn liên hệ với những thứ xung quanh, suy rộng ra, thậm chí là nói theo kiểu "ý tại ngôn ngoại" tức là nói 1 thôi nhưng phải nghĩ...10. Người nghe, người đọc ở phương Đông mặc nhiên phải đặt mình trong một nền văn hóa phong phú, liên quan nhiều tầng lớp cổ kim, nhiều thành phần rối rắm, phức tạp. Đặc điểm của nền văn hóa Phương Đông có những cái lợi gì thì xin không nói. Ở đây chỉ nói đến sự bất cập mà người phương Đông phải gặp. Đó là sự lạc lối và khó nắm bắt được cái trọng tâm, những giá trị đích thực mà người viết muốn gởi gắm.
Ở phương Tây thì ngược lại, dù là triết lý cao siêu hay kiến thức phức tạp đến đâu cũng phải liệt kê các yếu tố cấu thành một cách cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, định lượng được, so sánh được. Theo trường phái phương Tây, nếu bạn không nói ra thì người ta sẽ nghĩ là bạn không biết, hoặc không rõ về những điều bạn chưa nói. Theo cách nói của phương Tây thì câu "Thơ cao hơn mọi nhận thức về thơ" là...đáng thất vọng ! Bởi vì thơ là do chính một con người cụ thể làm ra, nên cái tầm thật sự của thơ phụ thuộc vào cái tầm của người làm ra bài thơ đó.
Vậy thế nào là thơ hay ?
1/ Thơ là giai điệu của ngôn từ
Đã là thơ thì dù theo phong cách nào, thể loại nào cũng đều phải chú ý đến vần, nhịp, thậm chí là luật bằng trắc trong tiếng Việt. Tất cả những yếu tố đó như tạo thành giai điệu của ngôn từ. Thơ mà đọc không xuôi, không suông, vần nhịp không ăn khớp sẽ lập tức làm nản lòng người đọc. Vậy thì làm sao truyền được cảm xúc cho người đọc ? Bạn thử liên tưởng tới một bản nhạc, dù lời nhạc có hay ho đến đâu mà giai điệu quá tệ thì người ta sẽ không nghe hết bài, không muốn nghe đến lần thứ hai.
Chính vì vậy mà có sự phân biệt giữa văn xuôi và văn vần. Bởi vì cách diễn đạt giữa 2 thể loại này rất khác nhau.
Vấn đề vần nhịp trong thơ quan trọng đến nỗi nó xem như là yếu tố đầu tiên, tiên quyết để phân biệt người biết làm thơ. Giống như bạn đi thi vào trường thanh nhạc, khi thử giọng mới cất lên vài câu hát, là người ta đủ biết bạn có khả năng trở thành ca sĩ hay không. Vấn đề vần nhịp này không hề đơn giản, có nhiều người viết văn không tệ nhưng viết vài bài thơ thì tự thấy là...không nên viết nữa !
Dù vậy, nếu muốn người ta vẫn có thể luyện tập để có được yếu tố cơ bản này. Người làm thơ phải thật sự làm chủ được ngôn ngữ mà họ sử dụng để làm thơ : thông thạo ngữ pháp để có thể diễn đạt của một ý bằng nhiều cách khác nhau rồi từ đó chọn ra một cách thích hợp cho bài thơ của mình ; vốn từ phong phú để có thể chọn lựa cho phù hợp với vần điệu trong bài thơ. Chính vì vậy mà có thể gọi nhà thơ bậc thầy của ngôn từ (master of words).
Tuy nhiên, là một bậc thầy về ngôn từ cũng chưa đủ để là một nhà thơ. Bởi vì nếu quá tập trung và bị chi phối quá nhiều vào luật của vần nhịp thì người làm thơ sẽ bị gò bó, trói buộc để rồi không thể nói hết ý mà mình muốn, không thể nào chuyển tải cảm xúc đến cho người đọc. Vấn đề này rất dễ thấy ở những hạn chế trong các thể loại thơ cổ , bởi thế nên các nhà Thơ Mới mới ra đời.
2/ Thơ là loại hình TRÍ TUỆ CẢM XÚC
Làm thơ là buộc phải có cảm xúc, chuyển tải thành công cảm xúc đến người đọc. Mà điều này tuyệt không đơn giản. Trước tiên, cảm xúc đó phải rõ ràng, cảm xúc có thể thay đổi từ vui sang buồn trong một bài thơ nhưng nó buộc phải được diễn đạt một cách rõ nét, không được hời hợt, bâng quơ. Người đọc phải cảm nhận được cảm xúc thật sự của người làm thơ trước khi có thể đồng cảm rồi hưởng ứng, nâng cảm xúc lên và lưu giữ lại cảm xúc đó. Không vui mà ráng làm bài thơ vui, không buồn mà giả bộ buồn, không đồng cảm với thế thái nhân tình mà muốn nói lên cảm xúc đó thì rõ ràng là việc làm quá sức.
Người làm thơ trước tiên nên có trí tuệ cảm xúc. Dẫu có đau buồn cũng không nên quá bi lụy, tiêu cực. Dẫu có vui sướng cũng phải biết tiết chế để bật ra được cái triết lý nhân quả nào đó.
Thơ là sự thấu hiểu cảm xúc, không phải chỉ cảm xúc của chính nhà thơ mà còn của người đọc. Dẫn dắt cảm xúc của người đọc đã là hay. Gợi mở suy nghĩ, giúp người đọc nắm giữ và làm chủ được cảm xúc của chính họ còn hay hơn nữa.
3/ Thơ là sự cô đọng, súc tích triết lý nhân sinh
Thơ hay không chỉ có cảm xúc mà cần phải có gì đó đọng lại để suy tư, khai mở tâm hồn cho người đọc. Giá trị cuối cùng và quan trọng nhất của một bài thơ nằm ở điều này.
Thật khó và gần như không thể viết ra được vài câu thơ hay đến...bất hủ. Bởi vì rõ ràng chỉ với vài câu thơ khó có thể nói lên gì nhiều, khó để người đọc công nhận người tác giả này có thể...nghĩ tới mức đó ! Cần có hẳn một bài thơ hoàn chỉnh để nêu bật ra được cái ý tứ, cái triết lý nhân sinh của tác giả. Chỉ khi đó, người đọc mới nhận ra và công nhận một vài câu trong bài thơ đó có giá trị tổng kết, hàm chứa giá trị triết lý nhân sinh.
Hầu như rất ít nhà thơ nào chỉ viết vài bài thơ mà trở thành bất hủ. Bởi vì người đọc cần phải thấy được cả quá trình phát triển nhận thức hay cái tầm nhân cách của tác giả mới có thể liên hệ và nhận ra những giá trị mà tác giả mang đến. Những nhà thơ trẻ, mới xuất hiện dù có nhập tâm, trau chuốt đến đâu cũng khó nhận được sự đồng điệu hoàn toàn của người đọc. Nhà thơ đó cần có thời gian để trải nghiệm và chứng tỏ được tầm vóc , kiến thức , nhân cách của mình qua các bài thơ trước khi được độc giả thực sự đón nhận đúng giá trị. Có khi, sau khi nổi tiếng, nhà thơ đó được độc giả phát hiện nhiều giá trị trong những bài thơ đầu tiên đã bị chìm vào quên lãng lúc trước.
Bởi thế, nhà thơ không thể nằm ngoài quy luật của văn học nói chung : "Văn là Người". Người phải lớn, hiểu biết, sâu sắc, rồi mới có thể cho ra đời những bài thơ đúng tầm của mình. Mà theo năm tháng, con người chắc chắn sẽ già đi chứ chưa chắc đã lớn lên.
Vậy thơ thế nào là hay ? Mỗi người nên tự có câu trả lời riêng cho mình.
Phải chăng cần đạt được "cảnh giới " : Dễ đọc, Bay bổng và Sâu sắc thì đã là thơ hay ?