Tôi có 2 người bạn, gọi tạm là A và B. Đều là những thanh niên trong độ tuổi học và làm. Hai người nhìn bề ngoài có vẻ rất thân thiết và hợp tính cách nhau. A thường rủ B đi uống cafe những ngày cuối tuần hay mỗi lúc rảnh rỗi. Cuộc sống của cả hai không mấy khác biệt nếu không thật sự suy xét và nhìn nhận kỹ lưỡng.
A là một người hoạt bát, quảng giao. Đối với A, mối quan hệ rất có ý nghĩa trong cuộc đời của cậu ấy. Có lẽ vì cậu là một công chức nên A tích cực mở rộng mạng lưới quan hệ của mình. Mỗi lúc tan ca, A thường rủ mấy người bạn mới quen đi nhậu. Cứ sau mỗi tuần, A lại kết thêm được vài người bạn mới, hầu hết là đến từ bàn nhậu.
Trong những buổi chè chén đó, A là người chủ động bắt chuyện và thường là người nói nhiều nhất trong các buổi nhậu. Cậu hay kể về những trải nghiệm của bản thân, những thành thích đạt được trong cơ quan hay là nói về những dự định tương lai cho những người bạn mới nghe. Mọi người cũng rất hưởng ứng mỗi khi A phát biểu, sau những lời tâm sự đó, họ hứa hẹn đủ điều về sự hợp tác, giúp đỡ dành cho nhau rồi lại cụng ly và say sưa cười nói. Tuy nhiên, đôi lúc họ cũng bắt ép nhau uống thêm vài ly mặc dù người kia không thể uống được nữa. Câu cửa miệng của họ là: "Sao uống kém thế? Uống vậy sao sau này làm việc được?". Và cũng có đôi khi, trên bàn nhậu xảy ra những ý kiến bất đồng về quan điểm sống, A vẫn chấp nhận "dĩ hòa vi quý" để chiều lòng các bạn.
Một ngày, sếp của A cân nhắc giao một việc khó cho cậu hoặc người đồng nghiệp của cậu, việc đó có vẻ là hơi quá sức đối với A. Nhưng vì nghĩ rằng mình có thể hoàn thành bằng cách nhờ sự giúp đỡ của bạn bè nên cậu nhận việc.
Hôm sau, A bắt tay làm và nhận ra công việc khá nhiều và khó hơn mình nghĩ. A liên lạc với các mối quan hệ của cậu để xin giúp đỡ, nhưng tất cả đều bảo rằng đang bận. Gặp phải một khó khăn trong công việc mà bản thân cậu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm để hoàn thành như thế. Cậu vội vàng liên lạc với những người bạn kia để cầu cứu lần nữa, nhưng tất cả đều từ chối. Họ nói rằng họ cũng phải đang đối mặt với những khó khăn riêng mà bản thân họ cũng rất cực khổ để xoay sở trong công việc. Tất nhiên là có người nói thật, có người nói cho qua chuyện.
A sốt vó, không biết phải làm thế nào để hoàn thành công việc kia. Những người bạn mà A đã bỏ tiền túi ra chi trả cho các buổi nhậu để nhờ họ giúp đỡ khi cần thiết đều đã trở mặt cậu ấy. Rốt cuộc, A vẫn không thể hoàn thành được công việc và bị sếp khiển trách, đánh một dấu đen vào sự nghiệp thăng tiến của cậu ấy.
B là một người bạn của A. Đã là bạn thì chắc chắn cũng có "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". B cũng rất thích nhậu, B có đi nhậu với A nhưng tần suất ít hơn những người bạn mới của A.
B cũng là một người bạn của tôi, cậu cũng rất hay cafe và nhậu nhẹt với bạn bè. Nhưng khác A, B thường đi cafe cùng những người bạn cũ. Những người bạn đã quen nhau rất lâu năm và hiểu rõ con người, tính cách của nhau. Trong những buổi nhậu của B, không hề có một câu bắt ép uống khi người bạn khác không muốn. Mỗi khi thấy người khác có vẻ mệt, họ chủ động uống chậm hơn và gọi nhiều mồi ngon hơn để nhấm nháp, nhằm giảm thiểu hết mức có thể những lần "nâng ly". 
Khi nhậu, họ chỉ thường tâm sự về những câu chuyện họ đã trải qua gần đây, những áp lực về công việc, tình yêu, gia đình, sự nghiệp,... Đối với B, cậu không chủ động tìm kiếm mối quan hệ. Những người bạn, người anh, người thầy mà B gặp đều là thông qua công việc hay sở thích mà "nên duyên" với nhau. Họ vô tình gặp nhau và nhận thấy đối phương có một tần số giống mình. Kể từ đó, họ gặp nhau nhiều hơn, nói chuyện và chia sẻ với nhau nhiều hơn. B thường hạ cái tôi của mình xuống để xin lỗi đối phương mỗi khi họ phật ý nhau, hay B sẵn sàng chỉ ra lỗi lầm cho họ mỗi khi họ nói sai hay làm sai về điều gì đó, và đối phương cũng vậy. Cứ như thế, họ ngày càng thân thiết qua ngày tháng và trở thành bạn thân lúc nào không hay. Đó là cách mà B phát triển các mối quan hệ.
Một ngày, mẹ B bị bệnh nặng, bệnh viện thông báo số tiền chữa trị cho bà là rất lớn, vượt quá khả năng của cậu. Gia đình đã vay mượn ngân hàng hết mức có thể nhưng vẫn còn thiếu một khoản tiền nữa. Lúc này, B đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của một người bạn mặc dù rất ngại. Và tất nhiên, bạn của B hoàn toàn sẵn lòng cho cậu ấy mượn hết toàn bộ khoản tiền tiết kiệm mà cậu có. Không những thế, cậu bạn đó còn âm thầm liên hệ với những người bạn khác của B và họ đã cố gắng tích góp được số tiền nhiều nhất có thể để giúp đỡ B trong hoàn cảnh này.
Cuối cùng, mẹ B đã hồi phục và khỏe mạnh trở về nhà. Những người bạn của B đến hỏi thăm sức khỏe của bà và chúc mừng gia đình đã vượt qua một đại nạn.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phát triển mối quan hệ đúng nghĩa, đây là vấn đề của rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Hầu hết những bạn trẻ mới lớn hay lên đại học đều nghĩ rằng, phát triển mối quan hệ là phải giao lưu nhiều, gặp gỡ và chơi với nhiều người. Hay đại loại là kết bạn với họ, nhậu vài buổi và để lại một ấn tượng tốt về mình cho họ, vậy là ta đã có được một mối quan hệ để sau này nhờ vả.
Đó là một suy nghĩ cực kì tai hại. Thực chất, mối quan hệ bền vững không thể xây dựng trên một nền móng yếu kém như vậy. Đã là mối quan hệ, bản thân nó luôn mang tính 2 chiều. Có nghĩa là bạn phải có ích cho người đó, và người đó cũng mang lại giá trị cho bạn. Lúc đó mối quan hệ mới phát triển tốt và bền vững.
Nói về ví dụ của A, cậu bạn của tôi thực chất không có năng lực, nhưng lại nghĩ mình có thể nhờ vả vào người khác. Kết quả là không ai giúp đỡ cậu chỉ vì cậu trả cho họ vài bữa nhậu. Thực ra vài buổi nhậu đó chỉ là "chi phí làm quen" chứ A thực sự chưa hề mang lại giá trị cho họ. Điều đó đã dẫn đến việc A không thể nhờ họ làm giúp mình công việc sếp giao. Mối quan hệ mà A có chỉ là mối quan hệ xã giao, thậm chí là độc hại (tốn thời gian, tiền bạc, sức khỏe) chứ không được gọi là mối quan hệ bền vững.
Ngược lại, trong trường hợp của B. Cậu không thực sự chủ động tìm kiếm các mối quan hệ như A. Nhưng thực sự B lại là một bậc thầy về phát triển mối quan hệ. Mỗi khi gặp đúng người có cùng tần số với mình, B sẵn sàng dành thời gian của mình cho họ. Và nếu có làm điều gì sai, B cũng sẵn sàng hạ thấp cái tôi để của mình để xin lỗi, nhằm mục đích muốn cả hai có thể tiếp tục chơi thân với nhau.
Nếu A xem những buổi nhậu là công cụ để giúp mình phát triển mối quan hệ, thì B lại xem đó là cơ hội để bạn bè gặp nhau, tâm sự và giúp đỡ nhau nếu ai đó gặp khó khăn. Sự khác nhau trong suy nghĩ đó đã dẫn đến việc hai người có những mối quan hệ khác nhau hoàn toàn.
Chủ động tìm kiếm mối quan hệ là một việc đúng đắn, bản chất nó là một việc nên làm nhằm tìm ra những người có cùng tần số với mình để giao lưu, học hỏi,...Cái sai của A là chỉ xem những mối quan hệ đó như là một bàn đạp để đưa sự nghiệp mình đi lên. Suy nghĩ lợi dụng, nhờ vả các mối quan hệ là một điều sai trái và người sử dụng nó thực sự không thể tiến xa trong sự nghiệp như họ vẫn nghĩ.
Hãy xây dựng mối quan hệ như xây móng cho một ngôi nhà, móng có chắc thì nhà mới vững. Hãy để mỗi một mối quan hệ của mình là một viên gạch chắc chắn giúp cho ngôi nhà của bạn nghiêm trang và vững chãi. Sống với nhau bằng sự cảm thông, thấu hiểu và hết lòng chính là cách tốt nhất để phát triển một mối quan hệ bền vững, họ sẽ giúp bạn khi bạn khó khăn trong cuộc sống. Và mình tin là bạn cũng sẽ như vậy.
Hết.
(Đây là bài viết đầu tiên của mình trên Spiderum ^^ Rất vui được chia sẻ một chút kinh nghiệm sống nho nhỏ của mình đến cho mọi người. Nếu thích, mọi người hãy ủng hộ mình bằng cách like bài viết nhé. Thank you all.)