“Em ơi, làm giúp anh/chị cái logo đẹp đẹp, giá sinh viên thôi nha!”
“500K, Chị ơi check ib”
“Bên em uy tín, chất lượng, 300K nhé”
“50K ok thì vào việc”
“Em làm miễn phí lấy kinh nghiệm ạ!”
Dòng tin quen thuộc
Vâng đó là thực trạng chung mà mình thấy trên mấy cộng đồng thiết kế freelancer facebook ở Việt Nam hiện tại, có thể một phần là do khả năng của mình còn kém và kiến thức hạn hẹp nên chỉ biết có vậy, “gió tầng nào sẽ gặp mây tầng đó” mà nhỉ. Tuy nhiên nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh tương tự thì mình rất mong thông qua bài viết này có thể tìm được sự đồng cảm và biết đầu tìm được cả sự đồng hành trên con đường gian nan sắp tới hehe.
Xuất thân từ một người tự học thiết kế, thật sự rất khó để có thể giữ bản thân đi theo con đường chính đạo. Mình đã từng nghe qua rất nhiều câu chuyện kiểu “Ê tao có đứa bạn học kinh tế chán quá, nên nó chuyển qua học mấy phần mềm rồi làm thiết kế trong công ty kia, lên mấy trang tài liệu miễn phí tải template về rồi sửa lại nội dung, lương sơ sơ cũng tầm 10 triệu chứ ít gì”. Và những câu chuyện về thiết kế, về phần mềm cứ thế truyền tai nhau, cứ chán việc thì chỉ cần bỏ tầm vài triệu với vài tháng ra học là thành nhà thiết kế rất gì và này nọ. Tự hỏi mấy người học Đại học mất chi tận 4 năm trời không biết nhỉ? Tuy nhiên có lẽ vấn đề này sẽ được mình nói đến ở một phần khác, hoặc nếu các bạn vẫn tò mò thì có thể xem thêm ở DAS, có anh Huy Tạ đã chia sẻ rất rõ về vấn đề này, mình sẽ để link phía dưới nhé.
Xuất thân như vậy nên quả thực tìm được một công việc ra hồn là cực kỳ khó, thường những người như mình sẽ chia ra hai nhánh chính, một là làm designer nội bộ cho một công ty nào đó, hai là làm freelancer trên facebook. Nếu làm cho một công ty, trách nhiệm của bạn sẽ là đảm nhiệm phần truyền thông cho công ty đó, làm những banner, poster, brochure quảng cáo sự kiện này kia, gọi là Marketing Designer thì phải. Còn làm freelancer thì sẽ tự do hơn, bạn sẽ làm trong những dự án khác nhau, đôi khi là mảng Marketing như đã nói ở trên, nhưng đặc biệt là bạn có thể làm trong một mảng khác là về thiết kế nhận diện thương hiệu, logo, namcard, thư mời,… gọi là Branding Idenity. Thật ra thì cũng có rất nhiều công ty chuyên về mảng nhận diện thương hiệu gọi là Branding Agency, nhưng thực sự nếu bạn không học thiết kế theo con đường chính đạo, xuất thân từ đại học hay có một mentor tài giỏi thì khả năng một người tự học vào được những Agency này là cực kì khó.
Bản thân mình thì thấy thực sự rất thích Branding, nhưng khả năng còn rất kém nên đánh chọn theo con đường freelancer facebook và dưới đây là một số bài học mình rút ra sau khi đắm chìm trong những câu chuyện, comment, đăng bài, bóc phốt của những group freelancer. Bài viết này không nhằm mục đích đả kích chê bai, mình chỉ muốn phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp để cải thiện nó tốt hơn thôi, mong là nhận được góp ý của mọi người nếu có gì sai sót hehe.

Định giá sản phẩm thiết kế.

Chỉ cần đọc vài bài thì cũng đủ thấy giá của những sản phẩm sáng tạo ở đây khá là thấp, hay phải nói là rất rất thấp và đương nhiên sản phẩm sẽ đi kèm với giá trị rồi nhỉ. Và mình tự hỏi tại sao mà mọi người có thể đề xuất một cái giá thấp đến vậy? Dao động từ 500K đến miễn phí là có thể sở hữu được một cái logo, tầm 250K là có một cái namecard hoặc các sản phẩm truyền thông khác.
Không như một ổ bánh mì thịt, định giá bằng tổng thành phần của nó với tiền lãi cộng lại, ổ bánh mì 3K, thịt 3K, tiền lời 4K, suy ra ổ bánh mì thịt 10K. 
Thế còn các sản phẩm sáng tạo định giá như thế nào? Máy tính ba mẹ mua cho 0K, phần mềm crack 0K, chất xám 0K, tiền điện thì chắc ít ai quan tâm, thế là cho ra đời một cái Logo 0K (miễn phí) để lấy kinh nghiệm? 
Ừa thì cũng hợp lý, nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến cảnh nếu đó là Logo cho một tiệm bánh mì, nhờ Logo đó mà tiệm bánh mì được người ta nhớ đến, ăn nên làm ra ông chủ tiệm thì ngày càng giàu, trong khi bạn thì chẳng có lấy một đồng, chỉ tích được kinh nghiệm là sau này nhất định phải lấy giá cao lên mới được. Trường hợp ngược lại là vì cái Logo của bạn quá giống một tiệm bánh mì khác, nên khi người ta ăn dù bánh mì ngon nhưng vẫn hay nhầm lẫn sang tiệm khác, thế là ông bán bánh mì phá sản, bạn rút được kinh nghiệm là mốt nên làm miễn phí để không phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình “Ông có cho tôi đồng nào đâu mà giờ kêu tôi bồi thường?”. Bên cạnh đó thì những sản phẩm giá 100K, 500K,…nếu áp vào một trong hai trường hợp trên lại càng không ổn, đôi khi còn đem lại hậu quả nghiêm trọng hơn “Tớ trả cậu TẬN 500K mà cậu làm tớ lỗ 50 củ rồi, giờ cậu tính sao đây”
Qua những mẫu chuyện chém gió trên, mình thấy thật sự không ổn nếu nhận giá rẻ, thế thì phải định giá nào cho đúng đây? Tình cờ mình biết đến Futur, một trang Youtube dạy về mảng kinh doanh trong thiết kế, và mình đã rút ra được cách định giá rất hay của Chris Do (Founder của The Futur), đó là định giá theo giá trị mà bạn mang đến cho khách hàng.
HD
Chris Do
Cụ thể giả dụ như vẫn là tiệm bánh mì đó nhờ bạn thiết kế logo, hãy xác định xem mục tiêu của ông chủ là mong muốn doanh thu tăng lên bao nhiêu, vì bản chất công việc của một nhà thiết kế không phải làm ra một cái logo chỉ cho đẹp mà logo đó sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của khách hàng, tác động trực tiếp đến trải nghiệm người dùng. Nếu ổng muốn doanh thu tăng lên gấp đôi, giả sử bình thường ổng bán được bánh mì cho 30 người khách, tổng số tiền lời một ngày sẽ là 40K, mục tiêu của ông là nâng tiền lời thêm 40K nữa là 80K, vậy là tổng doanh thu tăng lên trong 1 năm sẽ là 14,6 củ. Lúc này hãy mạnh dạng định giá sản phẩm của bạn bằng 10% doanh thu tăng lên là 1,4 củ. Nhưng đương nhiên ổng sẽ chỉ lời thêm 14,6 củ nếu mọi thứ xảy ra theo đúng như sự mong đợi và bạn hoàn toàn không thể đảm bảo được điều đó, nhiệm vụ của bạn là phải hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra không chỉ bằng công việc thiết kế mà còn là sự am hiểu người dùng, một kĩ năng mà ít người nào tự học về thiết kế để ý đến, đa số nghĩ chỉ cần đẹp thôi cũng đủ mệt rồi. Vậy là với một tiệm bán bánh mì nhỏ 10K/ổ thôi mà giá trị bạn mang đến có thể đến gần 1 củ, vậy những cửa hàng kinh doanh lớn hơn thì bạn nên lấy giá thế nào? Mình sẽ để bạn tự làm toán vậy.
Dĩ nhiên tất cả trường hợp ở trên chỉ có thể xảy ra khi bạn là người có kinh nghiệm chinh chiến lâu năm và phải thực sự tư tin vào khả năng của mình. Thế với những người cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm thì sao? Bản thân mình nghĩ là nên làm miễn phí.
Ầy khoan hãy chửi đã, đương nhiên bên cạnh những người tìm đến bạn vì mục đích kinh doanh (doanh nghiệp, cửa tiệm, shop online,…) còn có một thành phần khác mà những sản phẩm của bạn chẳng làm gì ngoài mục đích trang trí cả, đó là học sinh và những dự án phi lợi nhuận. Thiết kế logo cho một lớp học chẳng mang đến cho lớp đó đồng bạc nào, hay một dự án từ thiện phi lợi nhuận sẽ khiến bạn cảm thấy vui vì bản thân đã giúp ích cho xã hội, vừa tích lũy kinh nghiệm, không bị cay cú, vừa không ảnh hưởng đến lợi ích hay sự nghiệp của ai cả. Thế nên mình nghĩ đó là một lựa chọn khá sáng suốt.
Tiện ích tạo logo lớp trực tuyến theo phong cách galaxy
Nguồn Google

“Uầy nhưng mình thích thì mình định giá thấp thôi, làm gì nhau nào?”, mình tự hỏi có ai lại thích định giá thấp? Nếu người ta nhất quyết đòi mua ổ bánh mì bạn bán với giá 100 củ thì bạn có nói là “bánh mì này 10K thôi, đưa 100 củ tôi báo công an bây giờ!”. Định giá thấp vừa khiến bạn cảm thấy một là không tương xứng với những gì mình làm, hai là làm ra những sản phẩm gọi là “tiền nào của đó” vừa có hại cho bản thân và cả khách hàng của bạn nữa.
Tóm cái váy lại:
_ Sản phẩm sáng tạo nói chung không chỉ có mục đích trang trí mà nó còn góp phần trong việc phát triển kinh tế, tác động đến doanh thu của một cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức,…
_ Hãy định giá theo giá trị mà bạn mang đến cho khách hàng đối với những dự án kinh doanh.
_ Nếu muốn tích lũy kinh nghiệm, hãy làm miễn phí với những dự án cộng đồng, phi lợi nhuận.
_ Hãy làm giá rẻ nếu bạn thích thế!
Mình định viết thêm phần nữa về vụ bốc phốt này kia mà thấy thôi bài này cũng dài quá rồi, nên để lại một hôm nào khác vậy! Nếu bạn đã dành thời gian đọc đến đây thì mình thực sự rất biết ơn.
Bài viết này đến từ một người đang ở trong xóm nhà lá của ngành thiết kế, mình cảm thấy bản thân như một con ếch ngồi đáy giếng và thực sự không biết trên những tầng mây kia là như thế nào. Nhưng mình sẽ không chấp nhận ở đây mà sẽ cố gắng leo lên từng chút mỗi ngày, nếu bạn cũng cảm thấy đồng nhịp với mình, rất vui nếu được kết bạn, chia sẻ, giúp đỡ nhau để cùng phát triển
Mình xin cảm ơn và thân chào,
Dưới đây là những sản phẩm mình đã từng làm, rất vui nếu có thể mang đến cho bạn cảm hứng nào đó trong quá trình học tập và làm việc
Tài liệu tham khảo: