Một cách nghĩ về trầm cảm
“Sự phù phiếm của tồn tại được hé lộ trong toàn bộ những dạng thức mà nó thể hiện: trong cái vô hạn của không - thời gian và trong...
“Sự phù phiếm của tồn tại được hé lộ trong toàn bộ những dạng thức mà nó thể hiện: trong cái vô hạn của không - thời gian và trong cái hữu hạn của kiếp người; trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi đương thời, hình thức duy nhất của thực tại; trong cái ngẫu sinh và tương đối của vạn vật; trong sự biến thiên liên tục chứ không hề cố định; trong những khao khát không bao giờ được thỏa mãn; trong những bất mãn của nỗ lực tranh đấu suốt cuộc đời.”
Arthur Schopenhauer
Arthur Schopenhauer
“Có rất ít sự giao nhau giữa chân lý và “thực tại” của xã hội. Xung quanh chúng ta là những sự kiện giả tạo mà dựa vào đó chúng ta điều chỉnh nhận thức của mình một cách sai khác đi để xem những sự kiện này là hợp lí và thành thực, thậm chí là đẹp đẽ nữa. Trong xã hội loài người, cái thực bấy giờ hiếm khi còn cư ngụ ở hiện thân của sự vật, mà ở ngoài cái hiện thân cùa sự vật. Nhưng nếu chúng ta nhìn thế giới trong cái sự thật bị ruồng bỏ ấy, những thực tại của xã hội mà chúng ta đang thấy sẽ trở nên vô cùng xấu xí, cái vẻ hào nhoáng kia cũng sẽ không còn.”
R.D.Laing
R.D.Laing
Một ngày nọ, gã đàn ông 35 tuổi thức dậy và bỗng cảm nhận sâu sắc một xáo trộn mơ hồ, một cảm giác bứt rứt khó chịu và có thể là cả sự u sầu ảm đạm nữa. Gã đồ rằng tâm trạng này là do những khó khăn trong công việc và những đổ vỡ trong tình cảm. Nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, trôi qua mà thứ cảm xúc bất ổn và bất kham này vẫn đeo bám không thôi. Thói quen ăn uống và nghỉ ngơi của gã bắt đầu bị xáo trộn nhẹ. Gã không còn hào hứng với việc tham gia vào những hoạt động mà gã từng thích thú nữa. Gã dần thu mình lại và phiền não hơn.
Gã nhìn ra thế giới và thấy chán ghét nhiều thứ quanh mình: sự bất công xã hội, sự tầm thường hóa của văn hóa đại chúng, sự lãnh đạm của những người xung quanh, sự chuyển mình chậm chạp của xã hội. Gã ước rằng mọi người quan tâm nhiều hơn đến những ý tưởng và các vấn đề thực sự hơn là việc họ trông như thế nào hay là họ có bao nhiêu tiền. Đôi khi, gã tự hỏi liệu mình có đang trở nên một người lập dị, gàn dở, bất đắc chí hay không. Gã tự nhắc chính mình (và cũng là tự trấn an) rằng gã có một công việc, có quỹ hưu trí 401K, có một hoặc hai người bạn và có một gia đình.
Sáu hay bảy tháng gì đó trôi qua, và cái cảm giác gây mất ổn định này biến thành sự tuyệt vọng sâu sắc. Gã thấy chẳng có gì trong cuộc sống này có thể lấp đầy hay thậm chí làm giảm bớt sự vô vị của nó. Các mối quan hệ của gã, phần lớn, đều nhạt nhẽo và tạm bợ. Gã gần như bị thuyết phục rằng cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả; và bắt đầu manh nha ý định tự kết liễu cuộc đời.
Liệu gã đàn ông này có nên bắt đầu dùng Prozac hay Zoloft, thuốc chống trầm cảm? Liệu hắn ta có cần trải qua nhiều năm trị liệu tâm lý để xác định vấn đề của mình không? Liệu gã có nên trông đợi sự cứu rỗi từ những nhà tâm linh tự lực hay lời tư vấn của các linh mục?
Những chuyên gia hẳn sẽ khăng khăng đó là bệnh lí và cần được chẩn đoán. Những nghi vấn về khuynh hướng di truyền với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, về những thay đổi trong môi trường sinh hoạt và trong các mối quan hệ hiển nhiên sẽ được những bác sĩ tâm thần và những nhà tâm lý học đặt ra.
Và cũng không có lí do gì để bác bỏ những giải pháp về dược học cả. Dược phẩm đã vượt qua một loạt các kiểm định ngặt nghèo và phải tuân theo nhiều chỉ dẫn sử dụng mới được phép lưu hành ở thị trường mà. Chúng được xem xét bởi nhiều các tài liệu đánh giá ngang hàng, được kiểm tra ở những nghiên cứu mù đôi, và giám sát cẩn trọng trước khi được đưa vào sử dụng. Những ghi chép về hiệu quả của thuốc trầm cảm như Prozac từ lâu đã được thực hiện và nhiều trong số đó đã ghi nhận những cải thiện đáng kể trong đời sống tâm lý của người dùng. Cuộc đời của một gã đàn ông từng cố chết bằng cách cắt cổ tay hay tự hạ độc rất có thể sẽ được cứu vớt bởi lithium, fluoxetine hay những chất ức chế enzym MAO.
Cơ sở lập luận tàn bạo này đã chấm dứt mọi thảo luận xa hơn về các nguyên nhân tưởng chừnng không liên quan của trầm cảm. Tại sao những khác biệt nhỏ nhặt về bệnh lý học xã hội lại phải được xem xét đến đối với một gã đàn ông chỉ đơn thuần là muốn giảm bớt chứng trầm cảm của mình? Nếu giải pháp có thể được tìm thấy ở một phác đồ điều trị bằng thuốc hàng tháng, thì cần gì phải bàn luận thêm nữa? Tại sao phải lung lạc trong mê cung của những diễn giải phân tâm học kia chứ? Tại sao phải đặt nghi vấn ngược lại xã hội và tìm kiếm một sự thay đổi bất khả thi ở thế giới khách quan? Tại sao phải mở rộng ra những phương pháp trị liệu thay thế khác?
Những câu hỏi này có sức mạnh của riêng chúng, nhưng lại không tiên liệu được những nhận định không ngờ nhất: trầm cảm không hẳn là những thứ xấu xa cần tiêu trừ khỏi tâm trí hay là một bệnh lý cần chạy chữa bởi thuốc men; rằng nó có thể chỉ là biểu hiện của nỗi bi quan đầy triết tính, một phản ứng tự nhiên đối với môi trường xã hội và các tình huống đời sống của một người. Hãy thử nghĩ rằng nếu ‘trầm cảm’ được định nghĩa một cách không miệt thị, thậm chí tích cực như sau:
“Trầm cảm, trong phần lớn các biểu hiện của nó, là một mối hoài nghi lành mạnh rằng (i) Cuộc sống có lẽ không mang một mục đích hay ý nghĩa gì cả, và/hoặc (ii) thế giới mà chúng ta tạo ra, cái hệ thống xã hội này, thực chất không đáng để một người phải tham gia vào. Và mục tiêu của chúng ta không phải là tiêu trừ nó mà là thuần hóa nó và chung sống với nó.”
Khái niệm như thế hẳn sẽ bị chế nhạo bởi các chuyên gia và những người có chuyên môn ở bất cứ đâu, sẽ bị tuyên bố là sai trái và vô trách nhiệm ngay lập tức. Tuy nhiên, tuyên ngôn trên đây khai hóa trạng thái trầm uất và nhìn nhận một cách đúng đắn rằng câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống có thể là một câu hỏi quan trọng nhất mà một con người nên hỏi, và một câu trả lời tiêu cực như trên cho nó chí ít cũng được phép tồn tại như bất kì các khẳng định có phần ngây thơ nào khác về mục đích của tồn tại. Cụm từ “trong phần lớn các biểu hiện của nó” nói lên rằng vẫn có một số trường hợp trầm cảm cần được can thiệp kịp thời bởi trị liệu dược lý; chẳng hạn khi có nguy cơ cao về tự tử, nhằm trấn áp quyền tự chủ giả định của đối tượng và trì hoãn bất cứ phương thức chữa trị nào khác.
Có hai lợi ích khác của tuyên ngôn trên: Một là, nó củng cố một quan điểm được ghi nhận rộng rãi rằng trầm cảm đôi khi có thể là dấu hiệu về trạng thái giao thoa tâm lý tương tự như của những thiên tài. Những trết gia như John Stuart Mill, William James, và cả Friedrich Nietzsche đã chịu đựng những nỗi thống khổ cùng cực của chứng trầm cảm. Một tốp các nghệ sĩ và nhà văn nổi tiếng cũng chịu số phận tương tự, trong đó có Edgar Allen Poe, William Blake, Mark Twain, Wolfgang Mozart, Charles Dickens, Vincent Van Gogh, T.S. Eliot, Ernest Hermingway, và Sylvia Plath. Hai là, nó khẩn cầu những tâm hồn phản tư tự xem xét ý nghĩa của những trải nghiệm sống và thử thách năng lực chiếu cố của họ đối với những cách nghĩ quá đơn giản về trầm cảm. Nó cũng kích thích họ cân nhắc liệu một trạng thái tâm lý trầm cảm phải chăng cũng phần nào lí tính và được lí giải một cách khách quan?
Hai đoạn trích dẫn đầu bài này có tính minh họa. Schopenhauer nhận thấy bản chất cốt lõi của tồn tại là hão huyền và vô nghĩa, và Laing cũng thấy tương tự về xã hội hiện đại. Những câu nói của Laing bao hàm những tham chiếu đến “thực tại xã hội” và “chân lý bị ruồng bỏ”; điều này có thể hàm ý rằng ý nghĩa thực sự của cuộc sống có thể bị che đậy đi bằng những tác nhân xã hội cụ thể đã được cải tạo. Những quan điểm của Schopenhauer có thể bị cho là bi quan, thậm chí mang khuynh hướng chủ nghĩa hư vô, mặc dù không như những nhà hư vô chủ nghĩa, ông cho rằng ý chí bị dày vò của con người có thể tìm thấy sự bình yên nơi những nguyên tắc tinh thần nghiêm ngặt (như đức tin Phật giáo chẳng hạn). Laing, nhà trị liệu tâm lý cấp tiến, tên tuổi gắn liền với nhiều trường phái hiện sinh, cụ thể là của Heidegger và Sartre và Ludwig Binswanger. Ông kịch liệt lên án liệu pháp sốc điện khi điều trị chứng tâm thần phân liệt, và với một số thành tựu của mình đã đấu tranh cho những phương pháp thay thế khác. Ông quan niệm mục tiêu của trị liệu tâm lý không phải là hướng bệnh nhân đến lề thói chung của cộng đồng mà là hướng đến sự siêu việt:
"Năng lực tư duy của chúng ta, ngoại trừ phục vụ cho những thứ mà chúng ta lầm tưởng là lợi ích của bản thân và phù hợp với lẽ thường, bị giới hạn một cách thảm hại. Kể cả năng lực nghe, nhìn, chạm, ngửi, nếm cũng bị che phủ bởi những bức màn bí mật khiến việc loại bỏ hết các hoạt động học tập ngay từ thưở ban đầu trở thành điều kiện tiên quyết để một người có thể tri nhận thế giới một cách tươi mới với sự ngây thơ, thành thực và yêu đời."Laing, The Politics of Experience (2967)
Môi trường sống của chúng ta vừa có thể mở rộng, vừa có thể thu hẹp những khả năng phát triển tinh thần và trí tuệ. Trong cuốn The Politics of Experience, Laing đã dẫn ra một đoạn văn trong nghiên cứu có tên Encounters của Erving Goffman:
“Có vẻ như không có một tác nhân nào mang đến một thế giới quan sinh động cho một người hiệu quả bằng sự hiện diện một người khác, hoặc chỉ là một ánh nhìn, một cử chỉ, hay một sự chú tâm của ai đó, cũng đủ làm co quắp cái thực tại nơi chúng ta ký thác.”
Cả quan điểm bi quan lẫn quan điểm hiện sinh đều không nhất thiết xem trầm cảm như là một tật bệnh của trí não con người. Trên thực tế, một người bi quan và một người hiện sinh có thể đồng tình với nhau rằng bản thân thế giới này mới thực sự là nhiễu loạn, và những lề thói xã hội thực chất mới là triệu chứng bệnh lý, và cảm giác tuyệt vọng, hoang mang, lạc lõng hay vô định có thể hết sức thông thường ở những ai đặc biệt thông minh và ưa quan sát. Một con người trầm uất theo đó có thể nhìn thấy những điều mà người khác không thấy được, có thể có một cái nhìn sắc bén vào sự bất thường của văn hóa hiện đại, có một cảm quan tinh tế về cái thiện và cái đẹp. Do đó, việc buộc dùng thuốc chỉ làm mờ đi nhãn quan của họ, làm suy giảm sự nhạy bén của tri giác, và thủ tiêu khuynh hướng truy tầm ý nghĩa cuộc đời của chính họ.
Giá trị thực tiễn của quan điểm bài viết này là gì? Đó là phương pháp trị liệu đúng đắn nhất và tốt nhất có thể nằm ở việc xem xét kỹ lưỡng bản thân các điều kiện hoặc trạng thái tâm lý, với mục tiêu chính yếu là thấu hiểu được đối tượng, chứ không phải những liệu pháp chữa trị đơn thuần hay các phương án cải hóa dành cho đối tượng; nằm ở việc xác định nguyên nhân đâu đó trong sự suy thoái và chuyển mình của các mối quan hệ xã hội, nhận thức rằng một số những bậc vĩ nhân cũng từng trải qua trầm cảm, và không có một loại dược phẩm thần kì nào đủ hiệu quả để diệt trừ những căn bệnh trầm kha trong văn hóa và trong xã hội hiện nay.
Tim Ruggiero viết
Trịnh Nhật Tuân chuyển ngữ
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất