Thế giới của kẻ nghĩ nhiều
Một trong những bộ đôi cùng nhau mang lại sự hủy diệt có lẽ là nhạy cảm và suy nghĩ nhiều....
Một trong những bộ đôi cùng nhau mang lại sự hủy diệt có lẽ là nhạy cảm và suy nghĩ nhiều.
Suy nghĩ có khiến chúng ta tốt hay tệ hơn không? Chắc chắn có, vì đây là một điểm đặc biệt khiến chúng ta có thể tư duy, giao tiếp, sáng tạo, phát triển,...
Trước có đứa em bảo mình là anh nghĩ nhiều vậy chắc cũng khó khăn khi gặp vấn đề nào đó nhỉ.
… Phải thừa nhận là đúng :))
Nếu cuộc sống mình ổn thì không sao (đương nhiên), nhưng mỗi khi gặp vấn đề về công việc, tình cảm thì không biết đi ra đường nào.
Thời xa xưa thì suy nghĩ sẽ được sử dụng để dùng những kinh nghiệm của mình và người đi trước, nhằm đưa ra các quyết định cho hiện tại mà tốt với tương lai.
Tuy nhiên nó chỉ dừng lại ở các yếu tố cơ bản như ăn uống, nhà ở, sự an toàn.
Nhưng ở thời điểm hiện tại thì sự chuẩn bị này bao hàm cực kỳ nhiều yếu tố. Cộng thêm với khối lượng thông tin khổng lồ dẫn tới độ phức tạp càng tăng cao.
Mình dễ thấy bản thân chưa làm đủ tốt với những hành động trong quá khứ. Trong tương lai không đủ theo kịp với sự phát triển của xu thế. Còn ở hiện tại thì chưa làm hài lòng được những kỳ vọng của người xung quanh.
Các dòng suy nghĩ đan xen lẫn nhau không biết đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc.
Nguồn dinh dưỡng của sự nhạy cảm và tính nghĩ nhiều là số lượng và chất lượng của thông tin.
Sự nhạy cảm là khả năng phản ứng với các yếu tố xung quanh. Đây cũng là một bản năng của con người để nhận biết và đưa ra hành động phù hợp nhằm đạt được điều mong muốn (đó có thể là cảm xúc vui vẻ, sự công nhận hay sự an toàn)
Khi có mạng xã hội thì các yếu tố kích thích đến với mình rất nhiều và cực kỳ nhanh. Điều này khiến cho mức độ nhạy cảm của chúng ta ngày càng cao nhằm để xử lý nhiều thông tin một lúc.
Và sự nhạy cảm này trực tiếp bổ sung thêm nhiều dòng suy nghĩ hơn so với thông thường (hay còn gọi là tự suy diễn).
Thêm vào đó tính chất đa dạng từ các nguồn thông tin mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày cũng tạo tiền đề cho việc chúng ta suy nghĩ nhiều về quá khứ, lo âu về tương lai, mất kết nối ở hiện tại.
Thực tế thì ngày xưa chúng ta không tiếp xúc với nhiều thông tin đến vậy nên … thành ra cũng chả có trước có sau gì để nghĩ cả.
Không phải bây giờ chúng ta không nên tiêu thụ thông tin vì đây là điều bắt buộc. Nhưng hầu hết các nguồn thông tin trên mạng xã hội dễ tiêu thụ và nhanh chóng cho nên chúng ta không có nhìn thấy được bản chất hay nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề.
Chính điều này dễ sinh ra sự phán xét và đánh giá bề nổi của hầu hết các vấn đề mà chúng ta tiếp nhận trong cuộc sống. Cho nên những dòng suy nghĩ vừa đan xen, vừa không có đầu có cuối đã được hình thành.
Và đó là điều khó có ai tránh được ngay từ ban đầu.
Nếu mình đã vượt qua được những thời điểm đấy rồi thì mình có thể tự tin bảo với người khác rằng hãy tha thứ cho bản thân, tập trung vào hiện tại, bớt dùng mạng xã hội và đừng quan tâm tới suy nghĩ của người khác.
Nhưng điểm mấu chốt ở đây là khi ở trong cơn bão mấy ai biết được đường nào mới nên đi.
Có lúc thì mình vượt qua được (trong ngắn hạn) bằng những cách trên hoặc thử thêm nhiều cách khác như thiền, viết ra suy nghĩ, lao vào làm việc, tập thể dục, trò chuyện với người khác,... Nhưng cuộc sống không lúc nào đoán trước được, nhất là những lúc xảy ra mâu thuẫn suy nghĩ.
Có thể tha thứ cho bản thân trong quá khứ nhưng liệu làm vậy mình có học được thêm?
Có thể tập trung vào hiện tại nhưng liệu làm vậy mình còn động lực cố gắng?
Có thể đừng quan tâm người khác nhưng với người quan trọng với mình thì sao?
Rồi mình nhận ra được rằng: Không có 1 câu trả lời tuyệt đối cho mọi tình huống.
Nhưng rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Có lẽ thời gian mới là liều thuốc chữa lành cuối cùng. Trong quá trình đó mình có thể sử dụng 7749 cách để cảm thấy ổn hơn phần nào, nhưng rồi qua thời gian mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.
Có lẽ phải trải qua nhiều khó khăn rồi chúng ta mới tin được rằng thời gian dần dần sẽ làm lành vết thương.
Nhạy cảm, nghĩ nhiều, thiên về cảm xúc,... không dễ gì để chặn những dòng thác này lại. Đôi khi mình càng cố chặn thì mình càng dễ đuối sức hơn.
Dù bất kỳ cách nào bạn làm giúp bản thân dù chỉ một ít đi chăng nữa thì cũng hãy làm. Dù là sự lười biếng, ăn đồ ngọt hay xem phim thức khuya đi chăng nữa.
Không ai trải qua một hoàn cảnh giống y hệt với ai cả vì nó không chỉ phụ thuộc vào vấn đề, mà còn liên quan tới cả các quy luật tự nhiên hay cả cuộc đời của người đó từ trước tới bây giờ nữa.
Chúng ta làm thói quen xấu để hồi phục thì liệu chúng ta có quay về với một bản thể tốt hơn không?
Thực ra người đã hỏi câu hỏi này thì họ sẽ vượt qua được. Còn những người chưa vượt qua được thì mình nghĩ chỉ đơn giản họ cần thêm thời gian thôi hoặc họ sẽ gặp một người nào đó giúp họ.
Hoặc cũng có thể họ cần thêm một (và nhiều) cuộc đời nào đó khác để học tiếp.
Nếu mình không ôm ấp lấy những lúc mình không tốt thì sao mình có thể đến được những lúc mình tốt hơn được.
Chuyện suy nghĩ nhiều hay nhạy cảm với mình không phải là một căn bệnh mà đó đơn giản là con người mình. Liệu mình có yêu bản thân mình không?
Khi mình biết yêu tính cách nghĩ nhiều hay sự nhạy cảm của bản thân thì lúc đó mình mới biết cách nào để đối xử với nó phù hợp. Cách nào mới khiến 2 điều đó trở thành thế mạnh của bản thân.
Chúng ta khi biết yêu điều xấu (cả mình và người khác) thì có lẽ lúc đó chúng ta mới biết thế nào là yêu bản thân (và người khác) thật sự.
Hoặc có lẽ định nghĩa xấu tốt cũng chỉ là do chính bản thân chúng ta gắn lên.
Có lẽ tự nhiên đang coi mỗi người là một phần của nó, và cũng đang yêu chúng ta như chúng ta là.
Ai nói trước được sau này.
Khi mọi thứ đã đủ đầy nơi đây.
Chúc bạn một ngày bình an.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Bạn đọc thêm các bài viết của mình ở đây nha:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất