Ý tưởng cho bài viết này được nảy ra khi tôi đang trên đường từ trường về, sau khi hoàn thành học phần Giáo dục thể chất 3, cũng là học phần thể chất cuối cùng tôi cần học tại Ngoại thương. Ngẫm lại những gì mình đã trải nghiệm sau 3 học phần thể thì cũng thấy: thì ra môn học tưởng chừng là “phụ” này cũng đem lại nhiều điều mà tôi nghĩ có thể chia sẻ với các bạn được.
Mừng trở lại với Vịt đang lớn, và đây là những gì tôi rút ra được sau những học phần thể chất tại “trường F giấu tên”
Trước khi vào bài thì các bạn cũng cần biết rằng FTU dạy thể chất gồm những gì:
Thể 1: Aerobics Thể 2: Khiêu vũ (gồm 4 điệu: Chachacha, Rumba, Beebop, Bachata) Thể 3: Cầu lông hoặc Bơi (tôi chọn Cầu lông)
Okay, giờ thì vào bài viết nào

Cái gì cũng cần phải có thời gian

Thực ra muốn học tốt, làm tốt cái gì cũng cần dành ra thời gian để luyện tập, trau dồi. Giáo dục thể chất không phải ngoại lệ, nhưng yêu cầu ở mức độ cao hơn.
Đối với các học phần thông thường trên giảng đường khác, các bạn hoàn toàn có thể đến lớp hoặc không, nghe hoặc không, ghi chép hoặc không, thậm chí trong suốt học phần, nếu giảng viên dễ tính không điểm danh, thì khỏi đến lớp luôn cũng vẫn ok. Miễn là đến lúc thi, các bạn nắm và làm được phần kiến thức được ra trong đề thì vẫn cứ là qua môn. Thế nên mới có chuyện chúng ta có thể cả kì không nghe cái chi hết, đến cuối kỳ, còn 1 2 tuần trước thi thì mới bắt đầu rục rịch tìm tài liệu, tìm slide để đọc, được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Tất nhiên là tùy người, nhưng lại bảo không đúng đi :)))
Thế nhưng điều này không đúng đối với thể chất. Đây không phải bộ môn chỉ liên quan nhiều tới bàn giấy, mà là bộ môn liên quan đến sự vận động vật lý của cơ thể. Nó yêu cầu thực hiện nhuần nhuyễn các động tác, kỹ thuật được yêu cầu trong từng học phần. Và để duy trì thuần thục được những động tác hay kỹ thuật ấy, việc duy trì tập luyện liên tục để chúng ta có “muscle memory”, biến những thứ “khua tay múa chân” thành những động tác chuẩn là yêu cầu hàng đầu. Giống như việc trước đây khi đánh cầu lông, 10 quả thì may ra 1, 2 quả bạn sẽ phát được đường cầu cao, thẳng, còn sau luyện tập thì bạn cứ vung tay là cũng được 7, 8 đường cầu đẹp. Vì thế, khi học thể chất, việc không đến lớp để tập mà chỉ tập theo sau hoặc gần thi mới tập thì không thể nào hoàn thành được học phần. 3 học phần thể chất là 3 lần tôi thấy nhiều bạn khi không đến lớp thường xuyên, hoặc có đến nhưng không dành thời gian luyện tập thì động tác thô, xấu hoặc không nhớ động tác, với các học phần aerobics và khiêu vũ thì không bắt được nhịp nhạc, và khó nhất là học phần cầu lông - học phần yêu cầu kỹ thuật và thể lực cao nhất, thì các bạn không đánh được quả cầu theo ý mình, thậm chí không phát nổi cầu sao cho chuẩn. Những điều trên là lý do mà “môn phụ” này cũng khiến không chỉ sinh viên trường F, mà nhiều sinh viên các trường khác cũng thấy ám ảnh không kém, và tạch âu cũng là thường :)))

Quản lý thời gian - quản lý đồng tiền

Không biết trường các bạn ra sao, còn ở Ngoại thương, thể chất là học phần không bao giờ thiếu điểm danh. Giảng viên luôn dành ít nhất 15 phút trước khi bắt đầu học tập, giảng dạy để điểm danh, đếm không thiếu một ai có mặt trong lớp, thậm chí đôi lúc còn điểm danh lại. Do vậy, việc “bùng” mà vẫn đủ điểm danh gần như là không thể.
Tất nhiên là bộ môn vẫn tạo điều kiện cho các bạn nghỉ trong tầm hạn cho phép, ở đây là 25% số buổi (3/10 buổi hoặc 5/20 buổi). Thế nên bạn muốn nghỉ thế nào cũng được, miễn là vẫn còn trong tầm hạn, nhưng vẫn mất điểm danh, không kể lý do gì, trừ những việc rất đặc thù như phải tham gia việc quan trọng trong trường hoặc bị tai nạn/ốm dài ngày.
Với một bộ môn đặc thù về vận động, và không phải ai cũng có khả năng vận động tốt, thì điểm chuyên cần là một “cứu cánh”. Không chỉ là 10% trọng số điểm tổng kết, nó còn là tiêu chí để giảng viên cân nhắc “vớt” các bạn. Cũng dễ hiểu thôi, khi mà một lớp học đến 100 - 150 người, cộng với việc môn học này nếu không luyện tập thì chắc chắn khó mà đạt yêu cầu, thì tiêu chí đánh giá thái độ dễ thấy nhất, khách quan nhất giảng viên có thể có chính là việc điểm danh của các bạn. Nếu điểm tổng kết của các bạn ở mức “ngưỡng cửa thiên đường” như 4.9, 4.95 (môn thể của chúng tôi đạt 5 điểm tổng là qua môn), thì điểm chuyên cần tốt sẽ tạo được thiện cảm cho giảng viên, kiểu “ừ thì nó cũng đã cố gắng rồi mà khả năng nó có vậy thì thôi. tạo điều kiện cho cháu nó qua”, còn không thì “ùi nó có tập tành gì đâu, được thế là tốt rồi, cho học lại cho lành”. Và cũng không thiếu trường hợp phải học lại vì chuyên cần quá yếu, không thể vớt lên được nữa, hoặc đơn giản là vì không đi học thật, nên không thể thực hiện động tác đủ chuẩn để qua môn.
Chính vì thế, quản lý quỹ nghỉ và việc đi học, lúc nào cần nghỉ và tập luyện ra sao để bù đắp được vào chỗ điểm danh bị mất cũng là một bài toán cần phải cân nhắc, vì tạch thì không chỉ mất tiền mà còn mất thêm một thời gian nữa để luyện tập, chuẩn bị thi lại, hoặc tệ hơn là học lại, trong khi chỗ thời gian và tiền đó nếu trong kỳ mình chịu khó, mình cố gắng thì đã có thể kết thúc được luôn, không phải làm lại trong đau khổ nữa.

Làm cái gì cũng làm cho chuẩn

Tập luyện là yếu tố quan trọng, thế nhưng tập đúng động tác là yếu tố quyết định hoàn thành học phần. Các bạn có thể nhảy như vũ công hoặc đánh cầu như vận động viên chuyên nghiệp, điều đó rất tốt và là lợi thế không nhỏ cho các bạn. Thế nhưng khi đã vào bài kiểm tra, thì động tác phải đúng như những gì bài thi yêu cầu.
Tôi đã chứng kiến nhiều người suýt hoặc đã trượt môn mà vẫn băn khoăn: “Sao đánh tốt thế rồi mà thầy vẫn kêu trượt là thế nào?” Hay có cả những giai thoại theo kiểu “Bạn tao nó nhảy cho CLB mà tạch thể 2”. Nó cũng giống như câu chuyện đề làm văn yêu cầu phân tích Sóng, và bạn làm 14 trang thấm đẫm nước mắt về Chiếc thuyền ngoài ra, thì ra đảo là đúng. Điều tương tự với học phần, đặc biệt là thể 3: khi mà các bạn được yêu cầu đánh cầu thấp tay thì lại đánh cao tay, yêu cầu đánh cao tay thì lại đánh thấp, hoặc đánh cầu lao, thậm chí là đánh như thi đấu, khiến đồng đội đỡ không nổi, rồi cả 2 cùng tạch :)))))
Thể chất là học phần để rèn luyện là chính, cũng như mang tính đồng đội cao, chưa đến mức để thi đấu, càng không phải để triệt hạ nhau. Vì thế, nếu muốn động tác chuyên nghiệp một tí thì chơi vui với nhau thôi, không ai phàn nàn gì. Nhưng muốn qua môn thì hãy cứ bình thường như những gì được học nhất có thể.

Kỷ luật là sức mạnh

Như đã nêu ở trên, việc nghiêm túc đến lớp và tập luyện đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành học phần này. Và để duy trì được một tinh thần tập luyện tốt, thì kỷ luật chính là một trong những yếu tố quyết định.
Lấy đơn giản là việc chống lại cơn buồn ngủ khi đi học vào các ca 6h45 sáng. Nếu không có ý thức tự giác và “tinh thần thép” thì thôi, ngủ tiếp đi, điểm danh miss một buổi cũng có sao đâu. Vài lần như thế, và đến một ngày đẹp trời bạn bị gạch khỏi danh sách lớp vì nghỉ quá buổi. Điều này là không hiếm tại các lớp thể chất.
Đấy là việc đi học, còn việc tập luyện, nếu đến lớp nhưng chỉ là điểm danh cho xong, sau đó bỏ lên khán đài ngồi đến hết giờ, thì thực ra cũng ok thôi, không ai nhắc nhở gì bạn đâu, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất học tập của bạn. Vì thế, giữ được việc tập luyện đều đặn, vào khuôn mẫu và không để sự lười làm ảnh hưởng chính là sức mạnh của sự kỷ luật.
Và sự kỷ luật đó không chỉ dành riêng cho bạn và chỉ bạn phải duy trì điều đó một mình đâu, vì

Bạn sẽ không là gì nếu không có đồng đội

Tất cả các học phần thể chất đều yêu cầu các bạn có partner hoặc team để tập luyện và hoàn thành học phần cùng nhau. Bạn và partner cần xây dựng sự đồng điệu và hài hòa trong các động tác, kỹ thuật trong suốt quá trình học để đạt kết quả tốt nhất. Và việc khi đang học mà partner của mình không đến lớp nữa (có thể do trượt vì miss điểm danh, trượt giữa kỳ hoặc những lý do khẩn cấp), rồi phải tìm, ghép cặp và phối hợp lại với nhau từ đầu thì thực sự không dễ chịu chút nào.
Với tôi, partner không chỉ là người cùng tập hết các động tác để qua môn đơn thuần. Đó là một người mà tôi “hợp vibe”, tìm được tần số chung, sự đồng điệu trong cả chuyển động cũng như cảm xúc. Tôi may mắn khi các học phần thể chất đều được bắt cặp với những người bạn cùng khối, có quen biết nhau, và hơn hết là các bạn ấy “hợp tính”. Chúng tôi tập luyện có trách nhiệm với nhau, có tác phong chuẩn với nhau, rất ít khi cao su hay đổi lịch bất ngờ. Các bạn ấy, cũng như bản thân tôi, gần như không than phiền hay tỏ ra khó chịu với việc luyện tập, thay vào đó chúng tôi cố gắng giúp nhau tốt lên hết mức có thể. Và chúng tôi qua môn trong tâm thế của những người chiến thắng, không nuối tiếc. Thực sự là may mắn khi được cùng team và ghép cặp với những người bạn như thế. Nếu không có teammate và partner tốt, các bạn ấy không dành thời gian, công sức và trách nhiệm cho mình, thì chắc chắn tôi dù có cố gắng luyện tập kỹ thuật cá nhân tốt đến mấy cũng bay màu thôi.

Kết

Giáo dục thể chất mới nghe thì tưởng chỉ cần đến điểm danh, khua tay múa chân thì cũng qua. Thực tế thì bộ môn này dễ để hoàn thành, khi bạn có tinh thần, kỷ luật, trách nhiệm và những người đồng đội tốt, cùng nhau cố gắng để qua môn. Và tôi tin những gì đã nghiệm ra được từ những tháng ngày cùng nhau nhảy aerobics, cùng nhau đếm những điệu chacha, beebop, cùng chỉnh cho nhau từng đường cầu cũng sẽ giúp tôi ít nhiều trong những công việc sau này.
Còn bạn? Bạn đã qua môn thể chưa? Và nó có “ám ảnh” như người ta hay đồn không. Chia sẻ cho tôi biết ở dưới comment nhé.
Đây là Vịt đang lớn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.