Với "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" ("The Unwomanly Face of War"), Svetlana Alexievich là nhà văn đầu tiên của Belarus được trao giải Nobel Văn học (năm 2015). Xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên nặng kí, Alexievich trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học thứ 112 trong lịch sử "vì lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta" (theo trích dẫn của giải thưởng). (Nguyên văn tiếng Anh: “for her polyphonic writings, a monument to suffering and courage in our time”). 
Với mình, đây là 1 trong 3 tác phẩm viết về đề tài chiến tranh mà mình yêu thích nhất (cùng với Chiến tranh và hòa bình Lev Tolstoy, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh). Tác phẩm này là tập hợp rất nhiều những câu chuyện về những trải nghiệm đau thương đầy mất mát của những người phụ nữ trong chiến tranh thế giới thứ II.

Bằng việc trao giải Nobel văn học năm 2015 cho Svetlana Alexievich, viện Hàn lâm Thụy Điển đã mở ra một hướng đi mới, phá vỡ những quan niệm ràng buộc trước đây, khi trao giải thưởng cho một tác giả không có sáng tác tiểu thuyết. Thứ nhất, theo các quan niệm trước đây, thường chỉ có những nhà văn có sáng tác tiểu thuyết thì mới được trao giải Nobel Văn học. Thông lệ mới chỉ bắt đầu xuất hiện khi năm 2013, “bậc thầy của truyện ngắn hiện nay” – tác giả Alice Munro (người Canada) chuyên viết truyện ngắn, đã được xướng tên ở giải Nobel Văn học. Ông Bjorn Wiman, biên tập viên văn hóa của báo Thụy Điển Dagens Nyheter đã có những nhận xét về cách viết văn đặc biệt của bà Alexievich rằng: “Tác phẩm của bà ấy nằm trên ranh giới giữa tiểu thuyết và phim tài liệu, một thể loại chưa từng được trao giải”. Thứ hai, chiến thắng của Svetlana Alexievich cũng đồng thời đánh đổ một thành kiến tồn tại rất nhiều năm rằng chỉ có văn học hư cấu mới có giá trị. Là một phóng viên chuyên viết báo, thành công của Alexievich trong Nobel 2015 cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trước Alexievich, ta thấy rằng đã có nhiều tác giả của tác phẩm phi hư cấu được nhận giải. Tuy nhiên, Alexievich không phải tác giả phi hư cấu đầu tiên giành giải Nobel Văn chương. Năm 1902, Theodor Mommsen, sử gia và nhà viết tiểu luận Đức cũng được điểm tên trên danh sách những tác giả đoạt giải Nobel Văn học. Ngoài ra còn có Bertrand Russell, triết gia Anh, năm 1950; Winston Churchill, nhà chính trị đồng thời là Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, năm 1953. Nhưng đã hơn nửa thế kỷ từ khi các tác phẩm phi hư cấu được lọt vào giải thưởng văn học cao nhất, Gay Talese (sinh năm 1932), nhà văn Mỹ thậm chí than rằng “Nhà văn phi hư cấu chỉ như dân hạng hai”. 
Gần 30 năm trước khi Svetlana Alexievich đạt giải Nobel Văn học năm 2015, nhà văn Nguyên Ngọc đã biết và thực hiện dịch cuốn sách của Svetlana Alexievich vào năm 1987 từ bản tiếng Pháp. Đến năm 1989, khi bà sang thăm Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc đã có dịp tiếp xúc với bà. Khi đó, Svetlana cho biết, bản tiếng Việt mà Nguyên Ngọc dịch mới chỉ là một phần trong cuốn sách của bà. Đến năm 2016, Nguyên Ngọc lại tiếp tục công việc dịch thuật những phần đã không được đăng trong 20 năm về trước để đưa cuốn sách đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam. Theo ông, giá trị lớn nhất mà tác phẩm mang lại chính là “từ bỏ loại văn học của những thứ to tát, lên gân giả tạo về chiến tranh (và về cuộc sống nói chung), để đến với văn học của cuộc sống thực, trần trụi. Và nhân bản”. Đồng thời, Nguyên Ngọc cũng đánh giá cao cách hành văn sáng tạo của nữ tác giả: “Một trong những sáng tạo của Svetlana Alexievich là phát hiện ra tầm quan trọng của lời nói (hay tiếng nói – la voix) của con người trong đời sống. Bà bảo trước nay văn học đã bỏ quên một khu vực mênh mông vô cùng sinh động và quan trọng của đời sống con người, là tiếng/lời nói của con người”. 
Alexievich đã phỏng vấn hàng trăm trong số hàng triệu phụ nữ Nga tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ II với nhiều vai trò khác nhau, bao gồm lính bộ binh, những tay súng bắn tỉa, bác sĩ, y tá, đầu bếp, thợ giặt, cáng thương, trinh sát, cơ trưởng,... Họ là những cô nhóc lớn lên trong chiến tranh,  bối rối trong chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên mà không có mẹ ở bên, khóc lóc vì sợ chết, để rồi được một người lính già thương tình giải thích cặn kẽ. Họ là những người thiếu nữ xinh đẹp và mộng mơ, tham gia chiến tranh với tinh thần hăng hái, mang theo cả một vali socola, hay kéo nhau cả đám hít lấy hít để mùi trên người một cô bạn vừa trở lại sau chuyến về thăm nhà... Họ không phải những anh hùng lừng danh và được "tẩm hương". Họ chỉ là số phận rất bình thường trong vô số những cuộc đời đầy mất mát khác của chiến tranh. Một cô gái chấp nhận ở cùng một người đồng chí là cấp cao nhất trong binh đoàn, chỉ vì ám ảnh việc phải trở thành vợ của tất cả những người lính cùng chiến tuyến. Một bà cụ tuổi gần đất xa trời, mỗi ngày đứng bên khung cửa sổ, tập hắt nước sao cho xa nhất có thể, chờ ngày quân Đức đi ngang và sẽ làm chúng bị thương bằng cách hắt nước sôi qua cửa sổ. Một người mẹ đang mang thai, người ôm một quả mìn ngay bụng, chỗ trái tim đứa con tương lai của cô ấy đang đập. Những cô gái mơ mộng nhắc lại những vở kịch yêu thích, nói về Anna Karénina, về tình yêu và thi ca khi họ bị tra tấn trong xà lim và chờ ngày tử hình. Khi chiến tranh kết thúc, khi tiếng súng đạn thôi không vang nữa, phụ nữ phải lao đầu vào một cuộc chiến tàn khốc khác. Có những người ám ảnh chiến tranh đến mức không thể chặt thịt gà hay nhìn thấy máu. Có những người sợ hãi tiếng máy bay.... Họ phải cố gắng che giấu đi giấy tờ trong quân đội và giấy chứng nhận thương tật, đơn giản chỉ vì họ mong muốn một lần được kết hôn. Một người đàn ông trở về sau cuộc chiến, dù có mất một chân thì anh ta vẫn là một anh hùng, là một nhân vật có thể lấy làm chồng. Nhưng đối với những người phụ nữ, mất đi một cái chân, hay một cánh tay,… nghĩa là số phận họ đã thay đổi, số phận một người đàn bà…
Tác phẩm hoàn toàn có thể làm thành một bộ phim lay động người xem bằng sự thật và những xúc cảm “con người” nhất, về số phận của những người phụ nữ đã đi qua cuộc chiến. Trong "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ", ta được lắng nghe những nhân chứng kể chuyện, ngoài ra, người dẫn chuyện luôn đặt mình vào bối cảnh câu chuyện, với những cảm xúc thật nhất, nhằm kết nối những người phụ nữ với nhau để họ cùng bộc lộ chính mình, góp chung một ký ức lớn về cuộc chiến tranh đã qua.
 Chiến tranh nói chung, chưa bao giờ mang "khuôn mặt của phụ nữ". Vì nhắc đến chiến tranh, ta thường nghĩ ngay về những chiến tích hùng hồn, những bom đạn và thuốc súng, những người đàn ông xông pha trận mạc. Và khi những người phụ nữ phải tham gia chiến tranh, họ buộc phải giấu đi "tính nữ" của mình, họ buộc phải gồng mình mạnh mẽ như nam giới, tự bản thân tước bỏ đi thiên tính của phái nữ, những bản năng rất đỗi "đàn bà". Chiến tranh khi mang khuôn mặt phụ nữ sẽ không chỉ là sự bỡ ngỡ với mùi thuốc súng, là nỗi lo sợ khi phải đối diện cái chết mà còn là những chuyện rất “bản năng” của đàn bà, là những nỗi thèm: thèm sống, thèm yêu, thèm tiện nghi, thèm được yên bình tận hưởng tiếng chim hót thay vì tiếng súng kinh hoàng, thèm "mùi" của gia đình, thèm một đứa con.… 
Người phụ nữ khi tham gia chiến tranh phải bỏ ra sự cố gắng cũng như chấp nhận hy sinh rất nhiều lần so với người đàn ông. Nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần mà họ phải gánh chịu thì không từ ngữ nào có thể diễn tả. Có những nỗi đau ám ảnh họ suốt quãng đời còn lại, kéo dài tận sau chiến tranh. Đối với những con người tội nghiệp ấy, bước vào một cuộc chiến tranh đã khó, bước ra khỏi nó còn khó khăn hơn gấp trăm lần. Chiến tranh, dẫu muốn nói gì thì nói, là hủy diệt con người, hủy diệt sự sống. Trong khi bản chất của người phụ nữ, chức năng của họ, là sinh ra sự sống, sinh ra con người. Bản thân một người phụ nữ chính là một vị thần ban tặng sự sống, một thiên thần bảo hộ sự sống đó, vì thế không ngoa khi nói 'Người phụ nữ' và 'sự sống' chính là hai cụm từ đồng nghĩa. Bằng cách nhìn và khám phá độc đáo, Svetlana đã buộc chiến tranh đối mặt với cái đối nghịch tuyệt đối của nó, vạch trần toàn bộ tính chất phi lí, phi nhân đạo của nó.
Cùng chúng tôi có một nữ điện báo viên. Cô vừa sinh dậy. Đứa bé còn rất nhỏ, phải cho bú. Nhưng người mẹ không đủ ăn, thiếu sữa, và đứa bé khóc. Bọn SS ở rất gần... Với cả chó. Nếu chúng nghe được, thì chúng tôi chết hết. Cả đội. Ba chục người.... Cô hiểu không? Chúng tôi có một quyết định.... Không ai dám truyền đạt lệnh của người chỉ huy, nhưng tự người mẹ đoán ra. Cô nhận đứa bé địu trên người xuống nước và giữ hồi lâu... Đứa bé không còn rống lên nữa. Nó đã chết. Và chúng tôi không ai dám ngước mắt lên nữa. Về phía người mẹ, và về bất cứ người nào trong chúng tôi..." (Trích "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ")
Đọc "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ", ta nhớ về những "Và nơi đây bình minh yêu tĩnh", "Bến không chồng", "Họ đã trở thành đàn ông", những số phận phụ nữ trong và sau chiến tranh, về những mất mát mà họ phải chịu đựng.  Alexievich đã tạo ra đặc trưng riêng biệt cho chính mình: như một nhân chứng cho những nhân chứng không-có-tiếng-nói trong xã hội. . . . Trong thời kỳ hậu chiến, khi giới báo chí phải chịu nhiều áp lực - dễ bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền, khích động, và 'nhiều sự kiện khác' - sức mạnh của tài liệu văn học được nêu bật hơn bao giờ hết trong tác phẩm của bà. Alexievich đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình, trở thành một người thư ký trung thực, một nhà trị liệu tâm lý, một đôi tai khổng lồ lắng nghe vô vàn những câu chuyện, vốn đã bị che giấu từ rất lâu sau hào quang của chiến thắng của những người đàn ông, nơi những người phụ nữ náu mình trong im lặng. Và ở đây, một cuộc chiến tranh "nữ" với những màu sắc riêng, mùi vị riêng, nguồn sáng riêng, không gian riêng, và cảm xúc riêng của nó, đã được tự do lên tiếng.