“Cuộc chiến tranh của những người phụ nữ có ngôn ngữ riêng của nó. Đàn ông náu mình đằng sau các sự kiện, chiến tranh thu hút họ, cũng như hành động và sự đối kháng tư tưởng, trong khi phụ nữ cảm nhận chiến tranh qua xúc cảm.” (Trích từ nhật kí của tác giả)

Đây là một cuốn sách phi hư cấu, ghi lại kí ức của khoảng 200 nữ cựu chiến binh Liên Xô (cũ) từng đi qua cuộc chiến Xô – Đức trong Thế chiến II. Tác giả Svetlana dường như chỉ là người tìm kiếm những câu chuyện, kết nối chúng và kể lại. Chiến tranh, trong hồi ức của những người phụ nữ ấy không phải là chiến thắng vinh quang, không phải là huân chương danh giá, mà với họ, chiến tranh là những sự thật trần trụi đến ám ảnh. Bước ra từ cuộc chiến tranh vệ quốc, họ bước ngay vào một cuộc chiến riêng tư khác dai dẳng hơn – với dấu vết của chiến tranh hằn lên trong tâm thức và cuộc đời họ.
Họ đã từng là những cô gái 15, 16 tuổi tự nguyện xin ra chiến trường, thậm chí có người không đủ tiêu chuẩn đã trốn vào những chiếc xe chở lương thực để có thể được ra mặt trận. Họ hăng hái ra đi, bởi đó là lí tưởng của cả một thế hệ, cả một thời đại. Giữa mưa bom bão đạn, họ vẫn là những cô gái với thiên tính nữ: mang theo một vali chứa đầy socola khi nhập ngũ, nhất định không đi ra ngoài với mái tóc ướt vì như thế không thanh lịch, thèm được quàng một chiếc khăn màu đỏ hay muốn đi một đôi giày cao gót… Nhưng chiến tranh, đã lấy đi của họ sự nữ tính từ những gì sơ đẳng nhất: cắt đi mái tóc dài, mặc quân phục của nam giới, không được trang điểm, không đủ đồ lót, mất kinh hay không có ham muốn tình dục. Sau chiến tranh, có người đã giấu đi hết giấy chứng nhận và huân chương bởi “Chúng không giúp tôi lấy được chồng”.
Trong số họ có xạ thủ bắn tỉa, phi công, chiến sĩ súng máy nhưng để lại nhiều ấn tượng nhất với mình là các cô y tá với những câu chuyện ám ảnh đến rùng rợn. Bởi, trong cuộc chiến họ luôn đứng ngay ở ranh giới mong manh nhất giữa sự sống và cái chết của hàng triệu binh lính. Kí ức của họ là máu, là nỗi đau và là cái chết. “Hết người này đến người khác họ chết trước mắt chúng tôi, còn chúng tôi, chúng tôi chỉ có thể nhìn họ chết”. Chiến tranh, là những xác chết nằm giữa cánh đồng lúa mì, là những chiếc mũ nồi đen trôi nổi trên dòng kênh biển, là người mẹ tự tay dìm chết con mình để nó không phát ra tiếng khóc… và rất nhiều câu chuyện mà chính người trong cuộc cũng không bao giờ muốn nhớ về.
Mình luôn tự hỏi, lịch sử ghi lại những sự kiện hay các con số thống kê, nhưng có ai ghi lại lịch sử tâm hồn của những con người trong cuộc chiến, nhất là người phụ nữ?
Thế nhưng, nếu chỉ có chết chóc, đau thương và bất hạnh, nếu chỉ súng đạn, máu và nước mắt, thì cuốn sách này đã không khiến mình phải khóc và nghĩ về nó nhiều đến thế. Văn học Nga bao giờ cũng rất nhân ái. Đúng thế, giữa nỗi đau, là tình người. “Tình yêu là sự kiện cá nhân duy nhất ta biết đến trong chiến tranh. Tất cả những cái khác đều là tập thể. Kể cả cái chết”. Họ động lòng trắc ẩn khi thấy một lính Đức bị thương đang hấp hối, và họ băng bó cho chính kẻ thù của mình. Họ xót xa khi thấy một con ngựa bị thương hay một con lợn rừng chảy máu. Họ hạnh phúc khi nhìn thấy một chú mèo hoang. Ngay cả “kẻ địch” cũng buông súng quay đi khi nhận ra trước mặt họ là một cô gái. Những người trong cuộc chiến, họ chiến đấu cho lí tưởng, họ buộc phải giết đồng loại, nhưng vẫn có những khoảnh khắc, lí tưởng không thể thắng nổi nhân tính con người.
Với những cô gái ấy, hòa bình không phải là khi mọi người bắn lên trời và ôm hôn nhau, mà là khoảnh khắc họ nghe thấy tiếng vĩ cầm vang lên. Không phải tiếng súng, tiếng la hét hay tiếng khóc, mà là tiếng vĩ cầm.
Tên cuốn sách là “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” nhưng dường như câu chuyện của những người phụ nữ ấy, lại chính là mảnh ghép tạo nên “khuôn mặt” chân thực nhất của chiến tranh. Một cuốn sách khám phá chiến tranh bằng con mắt nhân bản, nhân đạo, nhân ái và nhân văn.
Phần cuối cuốn sách, Svetlana Alexievich đã viết thế này:
“Tôi đặt cho họ những câu hỏi về cái chết và họ nói với tôi về sự sống. Và cuốn sách của tôi, là một cuốn sách về sự sống, chứ không phải về chiến tranh. Một cuốn sách về niềm khát khao sống…”
Điểm: 4,5/5