Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Trong nghệ thuật kể chuyện, có một thuật ngữ gọi là The Übermensch Conundrum.
Übermensch là một khái niệm do triết gia người Đức Friedrich Nietzsche đề ra. Übermensch là hình mẫu con người thượng đẳng, hoàn hảo tột cùng, mục tiêu phát triển tối thượng của nhân loại. Ngày nay, Übermensch hay được dịch là Superman, tức Siêu nhân, thế nên The Übermensch Conundrum cũng hay được gọi là The Superman Conundrum (Bài toán Siêu nhân).

Superman - một trong những hình mẫu kinh điển nhất về Übermensch bất khả chiến bại
Bài toán này sẽ xuất hiện nếu có một tác phẩm nào sử dụng một nhân vật quá hoàn hảo và/hoặc mạnh mẽ. Không thể cứ để nhân vật tằng tằng công phá mọi vật cản được, vì như thế truyện sẽ rất chán, nhưng cũng không thể để nhân vật lao đao vì một vấn đề không đủ tầm, bởi nếu thế thì sao còn gọi là Übermensch được? Bài toán này đặc biệt dễ gặp trong SFF, bởi lẽ cả Sci Fi lẫn Fantasy đều cho phép các tác giả vượt ra ngoài khuôn khổ thế giới thật để xây dựng lên các nhân vật phi thường.
Có một số cách mà các tác giả hay sử dụng để giải bài toán ấy. Một là "đóng khung" bản chất Übermensch của nhân vật vào một phương diện duy nhất, cho nhân vật ấy chỉ Übermensch từ một góc độ nhất định, còn đâu thì là người thường.
Ta có thể nhìn vào 2 Übermensch trên 2 hệ quy chiếu khác nhau: Superman trong truyện tranh của DC, và Artemis Fowl trong bộ truyện cùng tên của Eoin Colfer. Superman thường được thể hiện là một Übermensch về sức lực, giải quyết mọi vấn đề bằng cách đấm chết cụ nó luôn. Artemis thì ngược lại, là một Übermensch về đầu óc, giải quyết mọi vấn đề bằng cách nghĩ chết cụ nhà nó. Nhưng nếu bảo Superman đi chữa bệnh ung thư cứu bạn gái, hay bắt Artemis leo cột điện bắt cóc khỉ, thì lập tức ta sẽ có một xung đột thú vị, bởi vì cả Superman lẫn Artemis đều không thể Übermensch chết cụ vấn đề được. Nói cách khác, phương án này về cơ bản gạt bỏ hoàn toàn yếu tố Übermensch, bắt nhân vật phải giải quyết một vấn đề không hề liên quan đến thế mạnh của mình, hoặc nếu có liên quan cũng chỉ theo cách gián tiếp.

Superman trong "Superman: Peace on Earth," suy ngẫm về thất bại của mình khi phải đối mặt với một kẻ thù không đấm chết được: nạn đói.
Cách thứ hai là để cho Übermensch có một điểm yếu chết người nào đó, và xây dựng xung đột xung quanh điểm yếu ấy.  Điểm yếu này có thể chia làm 2 dạng: yếu điểm về thể chất và yếu điểm về tính cách.
Về phần thể chất, ví dụ kinh điển nhất phải kế đến chính là một Übermensch mang tên Achilles trong thần thoại Hy Lạp, với toàn thân bất tử nhờ được mẹ ngâm trong sông Styx dưới địa ngục, nhưng cái gót chân không nhúng nước nên sẽ chết nếu bị bắn trúng. Tương tự với Achilles là Siegfried, người hùng trong trường ca Nibelungenlied của Đức, bất tử nhờ tắm máu rồng, nhưng vì lúc tắm bị một chiếc lá rơi lên vai, thành ra nếu đánh trúng cái điểm đấy thì sẽ chết.

Achilles, chiến binh bất bại của Hy Lạp, quỵ ngã khi bị mũi tên của Paris bắn trúng gót chân.
Về tính cách thì ta có Light Yagami trong Death Note, với sự ngạo nghễ cao ngất trời, khiến cho Light trở nên mù quáng đến mức thậm chí còn không nghĩ được đến trường hợp mình sẽ thua. Tôn Ngộ Không (Überaffe?) thì mắc cái tính rất thích làm trò khỉ, nghịch phá ba lăng nhăng, và lắm khi coi thường đối thủ.

Tôn Ngộ Không, một nhân vật thần thông quảng đại nhưng bị mắc tật hay làm... trò khỉ.
Còn một cách khác hơi cục súc nhưng cũng có thể đem ra sử dụng, đó là tạo ra một vật cản cùng hệ quy chiếu, nhưng mà khổng lồ đến độ ngay cả Übermensch cũng không thể giải quyết nổi. Nó về cơ bản là ngược lại của phương án 1, để cho Übermensch tung toàn lực ra xử lý, nhưng rốt cuộc không thể vượt qua được và phải tìm một con đường khác.
Ví dụ điển hình nhất có lẽ sẽ là cuộc chiến giữa người Ellimist và Crayak trong series Animorphs, 2 Übermensch ngang tầm Chúa. Khi tung toàn lực ra hòng tiêu diệt lẫn nhau, cả 2 khiến cho vũ trụ trở nên nát như tương mà vẫn cứ chết tắc mãi, rốt cuộc đành phải đình chiến và chuyển sang chơi một "ván cờ" cực kỳ phức tạp với các giống loài trong vũ trụ.

Crayak, một tạo vật với khả năng phá hủy toàn vũ trụ, nhưng phải chấp nhận tự kìm bản thân lại cùng với địch thủ của mình, người Ellimist.
Nhìn chung, bất luận có sử dụng phương thức nào, mục tiêu chính của tác giả khi giải bài toán The Übermensch Conundrum là vừa phải duy trì ấn tượng rằng nhân vật ấy thực sự là Übermensch - một con người ưu việt tột bậc - nhưng cũng vừa phải tạo ra được những xung đột hấp dẫn để phát triển cả mạch truyện lẫn nhân vật. Quan trọng là phải biết cân bằng giữa hai yếu tố, không thì rất dễ biến Übermensch thành Mary Sue, hoặc biến câu chuyện trở thành ngớ ngẩn.
-----
Xem bài viết gốc tại: