PHẦN MỘT

NGƯỜI HÀNH HƯƠNG

1102 - 1144

“Chiến đấu đi, ta khẩn nài ngươi, để cứu rỗi linh hồn của các ngươi!”
—Baldwin I, vua thành Jerusalem
ĐÓ LÀ một buổi sáng mùa thu tồi tệ ở Jaffa khi những người hành hương bước ra khỏi nhà thờ. Họ ngay lập tức bị cuốn vào đám đông dậm bước về phía biển, cùng một bản nhạc kinh hoàng: tiếng gỗ gào thét khi bị xé toạc, và, thật khó để nghe thấy trong tiếng gió hú và sóng dập, tiếng thét của những người đàn ông và phụ nữ kinh hãi đang vật lộn để sống. Một cơn bão dữ dội, mới tới vào ngày hôm trước, đã trở lên dữ dội trong đêm, và khoảng hơn ba mươi con tàu neo ngoài bờ biển dốc đứng của Jaffa đang bị những cơn sóng lớn hất tung lên. Con tàu lớn nhất và chắc chắn nhất đã bị kéo toạc khỏi neo, bị hất vào những tảng đá sắc nhọn và chỉ đậu vào bãi cát cho đến khi, theo lời của một người xem, tất cả đều bị “cơn bão xé nát”.
Đám đông trên bờ bất lực chứng kiến thủy thủ và hành khách bị cuốn trôi khỏi boong tàu. Một số người cố gắng nổi trên mặt nước bằng cách bám vào những cột buồm và cột buồm gãy, nhưng hầu hết không thoát khỏi cái chết. Người quan sát viết: “Vài người, khi đang bám, bị những tấm gỗ trên tàu xé toạc cơ thể.” “Vài người, những người biết bơi, tự mình lao vào những ngọn sóng, và do đó nhiều người trong số họ đã mất mạng.” Trên bờ, thi thể bắt đầu bị cuốn theo dòng nước. Số người chết cuối cùng là một nghìn người, và chỉ có bảy con tàu trải qua cơn bão mà không bị đắm. “Chưa ai từng chứng kiến sự khốn khổ nào lớn đến nhường vậy như sự khốn khổ xuất hiện vào ngày hôm ấy,” người hành hương viết. Đó là thứ Hai, ngày 13 tháng 10 năm 1102.
Người hành hương mà chúng ta đang mang ơn công viết đây là một người Anh tên Saewulf. Ông đã du hành trong vài tháng, rời Monopoli trên bờ biển Apulia (gót ủng của nước Ý hiện đại) vào ngày 13 tháng 7, một ngày mà ông mô tả là hora egyptiaca, vì theo quan niệm về chiêm tinh từ thời của các Pharaoh, người ta đã coi đó là ngày đáng nguyền rủa để bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng. Và điều ấy đã được chứng minh. Saewulf đã từng bị đắm tàu ​​trên đường từ Anh đến Đông Địa Trung Hải. Thật may là ông đã sống sót. Lộ trình tiếp theo của ông đưa ông đến Corfu, Cephalonia và Corinth, đi bộ qua Thebes đến Biển Aegean, sau đó đi về phía đông nam qua các đảo Cyclades và Dodecanese đến Rhodes. Ông ở trên biển thêm vài ngày để đến cảng Paphos của Síp, từ nơi đó, sau chính xác mười ba tuần, ông đã đi khoảng hai nghìn dặm, cuối cùng ông đến Jaffa, cảng chính của vương quốc Kitô giáo Jerusalem. Ông được đưa vào bờ chỉ vài giờ trước khi cơn bão chết người kia ập đến.
Bất chấp nhiều khó khăn và rủi ro khủng khiếp khi đi biển, Saewulf đã chứng kiến những điều tuyệt vời trong chuyến hành trình về phía đông khi ông và những đồng hành xuống tàu vài ngày mỗi lần để xin ở nhà người dân trên các đảo, mà ông thường gọi họ là người Hy Lạp. Ông đã quan sát các xưởng lụa ở Andros và đặt chân đến nơi từng là Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes. Ông ghé thăm thành phố Myra cổ kính với nhà hát hình bán nguyệt tuyệt đẹp và từng đến Finike, một thương cảng lộng gió do người Phoenicia xây dựng ở khu vực được dân địa phương gọi là “sáu mươi cánh vây” do biển động. Ông đã cầu nguyện tại lăng mộ của Thánh Nicholas và đi bộ tại Síp theo bước chân của Thánh Peter. Tuy nhiên, phần thưởng thực sự của ông lại nằm ở nơi xa hơn. Một khi cơn bão dịu đi, ông sẽ hướng đến thành phố quan trọng nhất trên trái đất: ông sẽ lên đường về phía đông nam đến Jerusalem, nơi ông dự định cầu nguyện tại mộ của Chúa Giêsu Kitô, Con Đức Chúa Trời và là đấng cứu độ nhân loại.
Với một Kitô hữu như Saewulf, người đã ngoan đạo tự nhận mình rằng “không xứng đáng và tội lỗi”, chuyến thăm đến Jerusalem là một hành trình cứu chuộc đến tới trung tâm thế giới. Thiên Chúa đã nói với nhà tiên tri Ezekiel trong Cựu Ước rằng Ngài đã đặt Jerusalem ở giữa các dân tộc, và Ngài không hề nói suông. Những bản đồ được sản xuất ở Châu Âu vào thời điểm đó cho thấy Thành Thánh là hạt nhân, xung quanh là tất cả các vương quốc trên trái đất, cả Kitô giáo và ngoại giáo, đều phát triển. Sự thật địa lý này cũng là một sự thật của vũ trụ học. Jerusalem được hiểu là một nơi mà thiên đàng hiển hiện, và sức mạnh của lời cầu nguyện được tăng cường bởi sự hiện diện của các di vật và di tích thánh. Nó không chỉ được nhìn thấy, mà còn được cảm nhận: một du khách có thể tự mình trải nghiệm những chi tiết thiêng liêng từ những câu chuyện trong Kinh Thánh, từ những việc làm của các vị vua trong Cựu Ước đến cuộc đời và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.
Đặt chân đến Jerusalem trên con đường xuất phát từ Jaffa, Saewulf sẽ vào thành phố bằng Cổng David, một cánh cổng kiên cố nằm trong những bức tường phòng thủ dày đặc của thành phố, được bảo vệ bởi một tòa thành lớn bằng đá được xây dựng trên tàn tích của một pháo đài do Herod dựng lên: vị vua được Kinh Thánh chép rằng đã giết mọi đứa trẻ ở Bethlehem nhằm giết chết Chúa Kitô sơ sinh. Phía đông nam thành phố là Núi Đền, với đỉnh vòm lấp lánh của Vòm Đá, mà Kitô hữu gọi là Ngôi Đền Của Chúa. Cạnh đó là Thánh Đường Hồi Giáo al-Aqsa, một công trình hình chữ nhật, rộng, thấp, có mái vòm, được xây dựng vào thế kỷ thứ 7 và trở thành một công trình cho Kitô giáo, làm cung điện cho vị vua Kitô của Jerusalem, một người lính giàu có tới từ Boulogne được gọi là Baldwin Đệ Nhất.
Ngoài Núi Đền, phía bên kia bức tường phía đông Jerusalem là một nghĩa trang, và xa hơn nữa là Gethsemane nơi Chúa Kitô đã cầu nguyện cùng các môn đồ, và là nơi Ngài bị Judas phản bội vào đêm chúng bắt ngài. Xa hơn, tọa lạc trên Núi Ôliu, là nơi Đức Giêsu dành nhiều tuần rao giảng, và từ nơi đó ngài đã lên thiên đàng. Saewulf viết trong nhật ký của ông rằng bản thân ông đã leo lên Núi Ôliu và nhìn xuống thành phố Jerusalem, xem xét những bức tường và ranh giới của thành phố đã được nới rộng trong thời gian bị người La Mã chiếm đóng.
Nơi linh thiêng nhất, và là mục tiêu thực sự của mọi Kitô hữu tới hành hương, nằm trong Jerusalem. Đó là Nhà Thờ Mộ Thánh, được Saewulf viết rằng “lừng danh hơn bất cứ nhà thờ nào, và điều này hoàn toàn phù hợp và đúng đắn, vì mọi lời tiên tri và điềm báo trên toàn thế gian về Đấng Cứu Độ của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô đều thực sự ứng nghiệm ở đó.”
Đó là một khu phức hợp hai tầng gồm các nhà nguyện và khoảnh sân liên kết với nhau, nhiều trong số đó là nơi tưởng niệm, và, theo nghĩa đen, được cho là để đánh dấu những địa điểm và sự kiện trọng tâm đã diễn trong Cuộc Khổ Nạn. Saewulf liệt kê như sau: phòng giam nơi giam giữ Đức Giêsu sau khi ngài phản bội; nơi tìm thấy một mảnh Thánh Giá; cây cột Ngài bị lính La Mã trói lại và đánh roi và “nơi Ngài bị ép mặc áo choàng màu tím và đội mão gai”, và đồi Calvary, nơi Chúa Kitô bị đóng đinh—tại đây Saewulf đã xem cái lỗ cắm cây Thánh Giá, cùng một tảng đá bị chẻ đôi, như Phúc Âm Matthew đã mô tả. Có những nhà nguyện dành riêng cho Mary Magdalen và Thánh John Tông Đồ, cho Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và Thánh James. Tuy nhiên, nơi quan trọng và ấn tượng nhất chính là ngôi mộ lớn ở góc tây nhà thờ, vì ở đây chính là Mộ Chúa: mộ của Chúa Kitô. Đây là hang động mà Đức Giêsu được chôn cất sau khi Ngài bị đóng đinh, trước ngày Phục Sinh. Bao quanh ngôi điện là những ngọn đèn dầu liên tục cháy và được lát bằng những phiến đá cẩm thạch: một nơi tĩnh lặng, thơm ngát để cầu nguyện và sùng kính. Không nơi nào trên trái đất hay trong lịch sử linh thiêng hơn nơi này với các Kitô hữu. Saewulf đã thừa nhận điều đó ngay trong dòng đầu tiên của cuốn hồi ký: “Tôi đang trên đường đến Jerusalem để cầu nguyện tại ngôi mộ của Chúa”. Đứng trước Mộ Chúa là phải mạo hiểm đến cái nôi của Kitô giáo, đó là lý do tại sao những người hành hương như Saewulf sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của họ để đến đó.
Hành hương là một thành phần trọng yếu trong đời sống một Kitô vào đầu thế kỷ 12, và đã như vậy gần một nghìn năm. Người ta đã du hành trên những con đường xa lạ để tới thăm đền thờ của các vị thánh và những địa điểm xảy ra những hành động nổi tiếng của Kitô giáo. Họ làm điều đó vì lợi ích của linh hồn: đôi khi để tìm kiếm sự cứu trợ thần thánh khỏi bệnh tật, đôi khi là sự đền tội để chuộc những lỗi lầm. Một số người nghĩ rằng cầu nguyện tại một ngôi đền nào đó sẽ đảm bảo họ được vị thánh đó bảo họ khi họ qua thế giới bên kia. Tất cả đều tin rằng Đức Chúa Trời nhân từ dõi theo những người hành hương, và bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ khiêm nhường và trung thành nào dám mạo hiểm đến trung tâm thế giới sẽ giúp Đức Chúa Trời có cái nhìn tốt hơn về họ.
Tuy nhiên, cuộc hành trình đầy hiểm nguy của Saewulf không chỉ do ông sùng đạo. Cuộc hành trình xảy ra rất đúng lúc. Mặc dù các Kitô hữu đã tới Jerusalem hành hương ít nhất là từ thế kỷ thứ 4, nhưng vùng đất này chưa bao giờ là một vùng đất hoàn toàn thân thiện. Trong hầu hết 700 năm trước đó, thành phố và khu vực xung quanh nằm dưới sự kiểm soát của các hoàng đế La Mã, các vị vua Ba Tư, các vị vua Umayyad và những nhà cai trị đế quốc Seljuq được gọi là beys (hay tiểu vương quốc). Từ thế kỷ thứ 7 cho đến cuối thế kỷ 11, Jerusalem đã nằm trong tay người Hồi giáo. Với những người theo đạo Hồi, đây là thành phố linh thiêng thứ ba trên thế giới, sau Mecca và Medina. Người Hồi giáo xác nhận đây là vị trí của al-Masjid al-Aqsa (Thánh Đường Hồi Giáo Furthest), nơi mà theo kinh Qur'an, nhà tiên tri Muhammad đã được đưa đến đây trong “Hành Trình Đêm”, khi thiên thần Gabriel đưa ngài từ Mecca đến Núi Đền, từ nơi đó họ cùng nhau lên trời.
Tuy nhiên, tình hình gần đây đã thay đổi kinh ngạc. Ba năm trước khi Saewulf du hành, một cuộc biến động đã xé toạc thành phố và vùng ven biển rộng hơn của Palestine và Syria, làm thay đổi hoàn toàn sự hấp dẫn và bản chất của cuộc hành hương với những người đàn ông và phụ nữ ở Tây phương Latinh. Sau một cuộc chiến tranh dai dẳng và gay gắt diễn ra từ năm 1096 đến 1099, phần lớn Đất Thánh đã được thu phục bởi những đội quân, tiền thân của Thập Tự Chinh thứ Nhất.
Một số chiến binh hành hương đã thực nhiều nhiều cuộc thám hiểm lớn từ Tây Âu đến Đất Thánh (đôi khi họ gọi đây là “Outremer”, dịch đơn giản là “nước ngoài”). Những người hành hương này được các nhà văn Kitô gọi chung là “người Latinh” hoặc “người Frank”, hoặc thuật ngữ “Ifanj” trong các văn bản Hồi giáo. Phản ứng trước lời kêu cứu trợ quân từ hoàng đế Byzantine Alexius I Comnenus, được hậu thuẫn bởi sự rao giảng nhiệt tình của Giáo Hoàng Urban II, những người đàn ông và phụ nữ này đã hành quân đến Constantinople đầu tiên và sau đó đến bờ biển Levant để chống lại những người Hồi giáo đang rình rập ở đó. Urban hứa hẹn, một cách hấp dẫn, rằng việc thực hiệp thập tự chinh sẽ giúp triệt giảm mọi khổ nghiệp của từng cá nhân—tức là hành động sai trái trong suốt một đời người có thể xóa sạch bằng một cuộc hành trình. Ban đầu, những người hành hương có vũ trang này không chỉ là một đám đông vô kỷ luật, bạo lực do những kẻ mị dân như linh mục người Pháp Peter Ẩn Sĩ cầm đầu, kẻ đã đưa những người đi theo vào cơn cuồng đạo, nhưng không thể trao cho họ cơn cuồng đạo đó một cách hợp lý hoặc có thể kiểm soát thôi thúc bạo lực của họ. Những làn sóng thập tự chinh sau đó được dẫn đầu bởi những nhà quý tộc từ Pháp, Normandy, Anh, Flanders, Bavaria, Lombardy và Sicily, được thúc đẩy bởi một ý thức thực sự chính đáng rằng nhiệm vụ của Kitô giáo là giải phóng Đất Thánh khỏi những những tên Hồi giáo đang chiếm giữ, và thêm phần hăng hái với thực tế Jerusalem và khu vực lân cận bị chia cắt về mặt chính trị và quân sự bởi nhiều phe phái thù địch lẫn nhau trong thế giới Hồi giáo. 
Những sơ hở ấy là chính trị, triều đại và giáo phái. Một bên là nhà Seljuq, xuất thân từ Trung Á, đã xây dựng một đế chế trải dài từ Tiểu Á đến dãy Hindu Kush, pha trộn giữa văn hóa Thổ và Ba Tư, và tôn trọng lòng trung đạo với vị vua nhà Abbas ở Baghdad, thủ lĩnh tinh thần của Hồi giáo Sunni. Trong hai mươi năm trước năm 1092, đế chế Seljuq được cai trị bởi Sultan Malik Shah I, nhưng khi ông qua đời, đế chế đã bị chia rẽ bởi bốn người con trai của ông tranh chấp gay gắt.
Đối địch với nhà Seljuq là cuộc chiến của nhà nước kế tục Fatimid, trung tâm nằm ở Ai Cập, với các nhà cai trị tuyên bố họ là hậu duệ Fatima, con gái của Muhammad. Từ giữa thế kỷ thứ 10, nhà Fatimid cai trị hầu hết Bắc Phi, Syria, Palestine, Hijaz và thậm chí cả Sicily, trung thành với nhà cai trị kế tục Shi’a ở Cairo. Vào cuối thế kỷ 11, đế chế Fatimid cũng tan rã, mất đi lãnh thổ và sức ảnh hưởng, thu hẹp trở lại vùng trung tâm Ai Cập. Sự cạnh tranh chính trị và tôn phái giữa nhà Seljuq và nhà Fatimid, cũng như trong chính đế chế Seljuq, đã gây ra một thời kỳ mất đoàn kết đặc biệt trong thế giới Hồi giáo. Như một trong những nhà biên niên sử của họ đã nói, các nhà cai trị khác nhau “luôn thù địch với nhau.”
Vì vậy các Kitô hữu trong Thập Tự Chinh thứ Nhất đã tận hưởng liên hoàn những chiến thắng sửng sốt. Jerusalem thất thủ vào ngày 15 tháng 7 năm 1099, một cuộc đảo chính quân sự đáng kinh ngạc đi kèm với những vụ cướp bóc và tàn sát dân Do Thái và Hồi giáo ghê rợn, họ bị chặt đầu chất thành đống trên đường phố, nhiều người bị chinh quân Kitô rạch bụng để lấy những đồng tiền vàng mà các chinh quân nghĩ là nạn nhân của họ đã nuốt để giấu vàng khỏi những kẻ xâm lăng. Các linh mục Chính Thống giáo Hy Lạp ở Jerusalem bị tra tấn cho đến khi họ tiết lộ vị trí của một vài thánh tích quý nhất của họ, bao gồm một mảnh gỗ từ Thập Giá Đích Thực, được gắn trong một món đồ thờ hình cây thập giá bằng vàng tuyệt đẹp.
Thập tự quân đã chiếm các thành phố lớn phía bắc là Edessa và Antioch, cùng các thành thị nhỏ hơn gồm Alexandretta, Bethlehem, Haifa, Tiberias và Jaffa. Các khu định cư ven biển khác bao gồm Arsuf, Acre, Caesarea và Ascalon vẫn nằm trong tay người Hồi giáo, nhưng họ đồng ý cống nạp để được yên bình, và cũng đã bị chinh phục đúng lúc. Một loạt các quốc gia Kitô giáo mới được thành lập dọc bờ biển Địa Trung Hải: bá quốc Edessa và công quốc Antioch ở phía bắc giáp với bá quốc Tripoli và vương quốc Jerusalem ở phía nam, tuyên bố quyền hành phong kiến trên toàn bộ khu vực—mặc dù quyền hành này được thực thi rất lỏng lẻo.
Với việc thiếu thốn điều kiện khi đến đây, quê nhà xa xôi và hào chống trong khí hậu không dễ chịu như vậy, công cuộc nắm giữ những vùng đất này của các Kitô hữu vẫn chưa hoàn thành. Vào thời điểm Saewulf hành hương đến Jerusalem, quân đội, tàu bè và tín hữu đến từ phương Tây đã giúp mở rộng các lãnh thổ chịu sự cai trị của vị vua thập tự quân đầu tiên của Jerusalem, Baldwin I. Nhưng họ ít người và bị đe dọa bởi nhiều kẻ thù từ bên ngoài, và việc chia rẽ nội bộ trong thập tự quân, bởi họ đến từ những vùng ở phương Tây nổi tiếng không dễ hợp tác với nhau.
Bởi thế vào mùa hè năm 1102, Saewulf nhận thấy ông đang ở tại một vương quốc Kitô giáo mới lập, nhỏ bé, thỉnh thoảng bị coi thường nhưng rất hiếu chiến ở phương Đông, nơi mà chính sự tồn tại của quốc gia này được những người nhiệt thành cho rằng đó là bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời đã “mở ra cho chúng ta thấy phước lành và lòng thương vô bờ của Ngài.” Những người Hồi giáo bị mất chỗ không ngạc nhiên khi nhìn thấy những thứ khác lạ. Họ gọi những người hàng xóm mới là sản phẩm của một “thời kỳ thảm họa” do “kẻ thù của Đức Chúa Trời” gây ra.
Trong sáu tháng tiếp theo Saewulf đã khám phá từng tấc đất của Thành Thánh và khu vực xung quanh, so sánh những điều ông chứng kiến với kiến thức ông đọc được từ Kinh Thánh và từ những người ở Jerusalem, bao gồm những thông tin được viết bởi một tu sĩ người Anh vào thế kỷ thứ 8 và nhà thần học được gọi là Bede Khả Kính. Saewulf kinh ngạc trước Đền Thờ Thiên Chúa, Nhà Thờ Mộ Thánh, Núi Ôliu và Vườn Gethsemane. Ông tới Nhà Nguyện Thập Giá, nơi du khách có thể từ dưới nhìn vào ban thờ lớn và nhìn thấy gốc của khúc cây được làm thành cây thập giá của Đức Giêsu, được bọc trong một chiếc hộp làm từ đá cẩm thạch trắng với một cửa sổ nhỏ để quan sát. Ông bị choáng ngợp bởi vẻ tráng lệ ông được chứng kiến. Về Đền Thờ Thiên Chúa, ông nhận xét rằng “ngôi đền cao hơn mọi ngọn đồi quanh đó, bên trong đó đẹp và hùng vĩ hơn mọi ngôi nhà và công trình gần đó.” Ông ngưỡng mộ rằng những tác phẩm điêu khắc huy hoàng và khả năng phòng ngự của thành phố. Ông được chứng kiến mọi thứ ông đọc từ Kinh Thánh: nơi Thánh Peter chữa lành người què và nơi Đức Giêsu vào Jerusalem “cưỡi trên một con lừa, khi lũ trẻ hát Reo vang trước Con Trai của David!”
Tuy nhiên, Saewulf thường thấy những đường hành hương quanh Jerusalem rất đáng sợ và không an toàn. Con đường mòn từ Jaffa vào đất liền thực sự rất mệt mỏi: một cuộc hành trình dài và khó nhọc trên một “con đường núi rất khó đi.” Sự bất ổn thường thấy của vương quốc thập tự chinh hiện rõ xung quanh. Các lữ khách Hồi giáo—Saewulf gọi họ là “dân Saracen”—đi khắp vùng nông thôn, sống trong hang động hốc đá, khiến đoàn hành hương sợ hãi “thức cả ngày lẫn đêm, luôn đề phòng có kẻ tấn công”. Đôi khi Saewulf và đoàn của ông sẽ nhìn thấy những hình bóng đáng sợ ở phía trước hoặc phía sau họ, dọa dẫm họ từ xa trước khi biến mất khỏi tầm nhìn của đoàn người. Họ bước đi trong sợ hãi, biết rằng bất cứ ai mỏi mệt và bị bỏ lại phía sau sẽ phải chịu một số phận khủng khiếp.
Ở khắp mọi nơi xác chết thối rữa dưới sức nóng. Một số nằm trên đường, một số nằm chệch ra, một số “bị thú dữ xé xác.” (Cáo vách đá, chó rừng và báo hoa mai đều có nguồn gốc từ vùng núi Palestine.) Những Kitô hữu này bị bạn đồng hành bỏ lại mà không được chôn cất tử tế, vì ở vùng đất nắng gắt này việc ấy không hề khả thi. “Ở đó có rất ít đất và đá, khó di dời chúng,” Saewulf viết. “Mà kể có đào đất được, ai lại ngu ngốc bỏ mặc anh em mà một mình đào mồ? Bất cứ ai đã làm việc này là đang đào một ngôi mộ không phải cho đồng đạo của mình mà là cho chính họ.”
Sáu dặm về phía nam Jerusalem ông tìm thấy Bethlehem “đã đổ nát hết thảy”, ngoại trừ tu viện lớn của Đức Trinh Nữ Maria, nơi có “máng cỏ mà con bò và con lừa đứng cạnh” khi Chúa giáng sinh, cùng một viên đá cẩm thạch được cho là chiếc bàn Đức Trinh Nữ đã diện kiến các nhà chiêm tinh. Xa hơn về phía nam là Hebron, cũng “bị tàn phá bởi dân Saracen”, nổi bật là nơi chôn cất của “các Thánh Tổ Phụ Abraham, Isaac và Jacob” cũng như “Adam, con người đầu tiên được tạo ra.” Đi về phía đông, ông gặp Biển Chết, “nơi nước sông Jordan còn trắng hơn và giống sữa hơn.” Ở phía bắc, cách ba ngày đi ngựa, ông đến thăm Nazareth, Biển Galilee và thành phố Tiberias, nơi Đức Giêsu đã làm phép lạ, bao gồm phép cho năm ngàn người ăn.
Các địa điểm linh thiêng tập trung hoàn toàn tại một nơi như này đã gây ảnh hưởng sâu sắc, và ông đã ghi chép chi tiết về tất cả, thậm chí ghi lại cả “mùi của balsam và những gia vị rất quý” đã lưu lại trong khứu giác khi ông đến thăm những ngôi đền đặc biệt nổi tiếng. Tuy nhiên, ông luôn ý thức được rằng ông đã băng qua những vùng đất đầy hiểm nguy để thực hiện những chuyến đi ngoan đạo của mình. Các nhà thờ và thị trấn nằm sụp đổ thành đống đổ nát đầy đá lởm chởm. Các tu viện khóc thương hàng chục anh em bị thảm sát vì đức tin của họ. Nỗi kinh hoàng cũ và mới hòa quyện. Đây là một nơi mà trong thời cổ đại Thánh Peter đã làm ướt mặt đất bằng những giọt nước mắt sau khi phản bội Chúa; gần đó có một nhà thờ vắng vẻ hơn vì sợ “lũ ngoại đạo” tụ tập ở bờ xa sông Jordan, “ở Ả Rập, nơi rất thù địch với những người theo đạo Chúa và ghét tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời.”
Vào cuối mùa xuân năm 1103, Saewulf đã đi xa nhất có thể và hoàn thành mục tiêu của mình hay của một người hành hương. Ông viết, “Tôi đã khám phá hết mức có thể các Điểm Thánh ở thành phố Jerusalem và thành phố gần đó, và tôn kính chúng.” Ông quay lại Jaffa và tìm kiếm một một nơi dừng chân trên một con tàu buôn đi về phương Tây. Song, sự an toàn của ông vẫn chưa được đảm bảo. Vùng biển mở về phía Cyprus bị tàu địch từ triều Fatimid Ai Cập tuần tra, được chỉ huy đủ các thành phố ven biển để giữ hạm đội trên biển hoạt động, luôn sẵn sàng bổ sung lương thực và nước uống. Không một con tàu Kitô nào dám thực hiện một cuộc hành trình dài ngoài đất liền vì sợ bị tấn công. Vào tháng 5, Saewulf lên một trong ba con tàu lớn được gọi là dromond, cùng đi về phía bắc, đi sát bờ biển, dừng lại ở các hải cảng thân thiện và đi nhanh qua những con tàu không thân thiện như thể cơn gió hoan nghênh họ và cơn gió nằm trong tay người lái tàu.
Khi đã đi được 75 dặm, lúc này các tàu dromond đang đến gần Acre, 26 tàu chiến Ả Rập xuất hiện. Đó là hạm đội của nhà Fatimid, khiến các tàu hoảng loạn. Saewulf quan sát, có lẽ xen lẫn chút bối rối, khi hai tàu dromond đi cùng điên cuồng chèo tới thị trấn Caesarea do Kitô giáo cai quản vì sự an nguy của họ. Tàu của Saewulf bị mắc kẹt. Kẻ địch tạo thành một vòng vây xung quanh, đứng ngay ngoài tầm bắn của nỏ, reo hò thích thú về lời hứa hẹn của phần thưởng trước mặt. Những người hành hương tự trang bị vũ khí cho một cuộc chiến và tạo thành hàng ngũ phòng thủ trên boong tàu. “Người của chúng tôi,” Saewulf viết, “đã sẵn sàng để chết vì Chúa Kitô.”
May mắn thay, màn thách chiến này đủ để khiến chỉ huy quân Fatimid phải suy nghĩ kỹ trước khi phát lệnh tấn công. Sau một giờ cân nhắc trong căng thẳng, người này quyết định chuyển sang những mục tiêu dễ dàng khác, hủy bỏ cuộc tấn công này và tiến vào những vùng nước sâu bên trong và ít kẻ dám phản kháng hơn. Saewulf cùng đoàn đồng hành đã ca ngợi Thiên Chúa và lên đường, băng qua Cyprus trong tám ngày sau đó, rồi quay trở lại bờ biển Tiểu Á, và tiếp tục dọc theo con đường cũ ông đã đi khi mới xuất phát. Cuối cùng họ đi về phía bắc qua Dardanelles hướng tới thành phố Constantinople vĩ đại, bản thân nơi này chứa đầy các thánh tích để quan sát và tôn kính. Trong suốt cuộc hành trình, họ bị hải tặc tấn công và bị mưa bão quăng quật. Khi Saewulf suy ngẫm về cuộc hành trình tột đỉnh trong đời, rời khỏi ngôi nhà an toàn của mình, ông trầm ngâm rằng điều duy nhất đã bảo vệ ông là hồng ân từ Thiên Chúa.
Saewulf chỉ là một trong số hàng nghìn người hành hương thực hiện chuyến hành trình tương tự đến Đất Thánh hậu Thập Tự Chinh Thứ Nhất. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới Kitô giáo: kể lại về vương quốc Kitô giáo Jerusalem, hẵng còn non trẻ và mong manh trong những thập kỷ đầu tiên, được tồn tại nhờ vào những người đàn ông đến từ Bồ Đào Nha, Flanders, Đức, Nga và thậm chí cả Iceland. Vì thực sự thì Đất Thánh là một chiến trường, nhiều người còn cảm thấy rợn tóc gáy. Biên niên sử Fulcher của Chartres ghi nhận vào năm 1101 rằng khi những người hành hương đến thăm Jerusalem, họ đi “rất rụt rè... qua giữa những tên hải tặc  thù địch và qua các cảng của dân Saracen, được Thiên Chúa chỉ đường.” Một nhà văn Nga được gọi là Daniel Trưởng Tu đã hành hương từ Kiev vào khoảng năm 1106 cho đến năm 1108. Ông cũng viết về con đường đáng sợ nối giữa Jaffa và Jerusalem, nơi “bọn Saracen băng qua và giết chết lữ khách,” và tiếc than về số lượng những địa điểm đáng giá “bị lũ ngoại đạo phá hủy”. Trên đường đến Hồ Tiberias, ông né tránh “lũ ngoại đạo hung dữ tấn công lữ khách ở các bến sông” và những con sư tử đi lang thang ở vùng nông thôn với “số lượng lớn”. Đi bộ trên con đèo cao hẹp giữa Núi Tabor và Nazareth mà không có ai bảo vệ, Daniel nguyện cầu cho sinh mạng của mình, khi được cảnh báo rằng dân làng địa phương “giết những lữ khách trong những ngọn núi khủng khiếp đó”. May mắn thay, ông sống sót trở về nhà ở Kiev với một mảnh đá nhỏ của ngôi mộ của Chúa Kitô, vốn được người giữ khóa đánh vỡ mảnh đá một cách lén lút và trao cho ông như một di tích.
Những người hành hương ở mọi lứa tuổi đều tính đến mức độ nguy hiểm nhất định từ du côn và lũ cướp. Song sự thù địch của người Hồi giáo sống trong và quanh các quốc gia thập tự chinh mới lập không chỉ đơn thuần là cơ hội. Những tổn thất mà dân của họ phải chịu kể từ sự xuất hiện lần đầu tiên của người Frank vào năm 1096 bị coi là đáng xấu hổ và bối rối—một dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời không hài lòng với sự chia rẽ trong thế giới Hồi giáo, và kêu gọi tất cả các tín hữu chung tay đứng dậy chống lại những kẻ xâm lược. “Những đội quân như núi, đến liên tục, trải dài từ vùng đất của người Frank,” viết bởi một nhà thơ người Syria Ibn alKhayyat vào trước năm 1109. “Lãnh đạo của những người theo thuyết đa thần đã lớn mạnh, vì vậy đừng bỏ lơ họ như một vườn nho và một vụ mùa!” Các nhà văn khác, ví dụ Ali ibn Tahir al-Sulami có tầm nhìn xa và thông thái, đã kêu gọi thống nhất thế giới Hồi giáo—người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập, hai phái Sunni và Shi'a—để tập hợp lại và tiến hành jihad, hay thánh chiến, nhằm “đoạt lại những gì [người Frank] đã cướp đi từ đất nước của người Hồi giáo [và] việc thể hiện đức tin Hồi giáo trong họ.”t
Cuộc phản công của các chiến binh jihad mà al-Sulami hy vọng đã không xảy ra—ít nhất thì nó không xảy ra ngay trong những năm đầu vương quốc Kitô giáo thành lập. Sự chia rẽ cay đắng vẫn tiếp diễn, khiến cho việc thể hiện một phản ứng nghiêm túc, lâu bền và hiệu quả với sự xâm chiếm là không thể. Tại mức độ chính trị cao và các hoàng tử xâu xé nhau, người Frank đã đến Jerusalem để ở. Song, cùng lúc đó, với các Kitô hữu đã mạo hiểm mọi thứ họ sở hữu, thậm chí cả mạng sống của họ, đi hàng nghìn dặm đường để ghé thăm các điểm thánh ở phương Đông, vương quốc Jerusalem là một nơi mà sung sướng và kinh hoàng phải trải qua cùng nhau và thường xuyên trong cùng một ngày. Jerusalem, như một nhà văn đã lưu ý, trích dẫn từ kinh Torah, là “một cái chậu vàng chứa đầy bọ cạp.” Khát khao trở nên dũng cảm khi đối mặt những nguy hiểm này đã tăng thêm sức hấp dẫn của một cuộc hành hương, vì họ cho rằng cần có khó khăn và thống khổ trong hành trình cứu chuộc linh hồn và xóa bỏ tội lỗi của người hành hương. Nhưng thay vào đó, phần lớn họ chỉ là một đống thi thể chất gọn lên nhau ở bên lề đường, với cổ họng bị rạch và da thịt bị xé ra từng mảnh. Khi các Kitô hữu bắt đầu sinh sống tại tân vương quốc ở trung tâm thế giới này, rõ ràng rằng họ sẽ cần được bảo vệ.
Đó là nơi câu chuyện về Hội Dòng Đền bắt đầu.