Các cơ chế của Tâm
Tìm hiểu các cơ chế giúp chúng ta hiểu ra những cái sâu sắc về bản thân mình và sau này là các vấn đề khác nữa.
Tìm kiếm sự thoả mãn và cảm giác an toàn là bản năng của một sinh vật có ý thức. Tâm lý của chúng ta cũng thế, nó có bản năng là phòng vệ để duy trì sự an toàn của mình.
Trong video này mình sẽ nói về 4 cơ chế phòng vệ cơ bản và 3 cơ chế hơi phức tạp một chút nhưng rất hay, nó giúp chúng ta hiểu ra những cái sâu sắc về bản thân mình và sau này là các vấn đề khác nữa.
Mọi người hãy xem và đối chiếu với chính mình để xem các cơ chế này nó có đúng hay không nhé.
1. Từ chối và dồn nén (Repression and Suppression)
Từ chối và dồn nén là việc lờ đi hoặc chủ động loại bỏ ký ức hoặc thông tin gây khó chịu ra khỏi ý thức, ta cố quên nó đi, vì không thể chịu được mà.
Lúc đó ý thứ đã đẩy thông tin vào vô thức và thi thoảng nó sẽ nhảy ra khi được khơi gợi lại. Bị trigger ấy.
Một ví dụ của cái này là chúng ta không dám nhìn nhận một sự thật nào đó về bản thân. Khi mình làm một chuyện không tốt, ta có thể biện minh cho hành động đó, hoặc là quên nó đi, không nghĩ đến việc mình có sai hay không, hoặc có nhưng lờ đi. Như thế sẽ khiến chúng ta có thể lặp đi lặp lại hành vi đó mà không thay đổi được.
Một ví dụ khác là chúng ta không dám nhìn vào thực tế sự việc. Ví dụ người yêu của bạn là kẻ bạo hành, nhưng đồng thời anh ta cũng rất yêu thương bạn vào một số thời điểm. Vì yêu sâu đậm mà bạn lờ đi những lần bạn bị anh ta đánh đập, và bạn cứ chịu đựng và khổ sở trong mối quan hệ đó không thoát ra được.
Cố tỏ ra là mình ổn nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng.
2. Chuyển Dịch Cảm Xúc (Displacement)
Chuyển dịch cảm xúc nghĩa là trút sự bất mãn, cảm xúc và ý định bốc đồng của ta lên người khác hoặc vật nào ít đe dọa ta hơn. “Giận cá chém thớt”. Cái này dễ hiểu nhỉ, cha mẹ trút giận lên con cái do công việc stress, vân vân…
3. Hành Động Bốc Đồng
Một người xoay sở với căng thẳng bằng cách thực hiện hành động thay vì dối diện và suy ngẫm về cảm xúc của mình.
Bố đánh con chẳng hạn. Người bố không đủ kiên nhẫn với người con và cũng không đủ mạnh mẽ để đối diện và kiểm soát cơn giận của chính mình. Đấm đứa con một cái, thế là giải toả cảm xúc.
4. Thoái Lui (Regression)
Thoái lui là việc chúng ta quay về hành xử như thời kỳ mà mình thấy an toàn và bảo vệ thông thường là thời thơ ấu. Lúc đó hầu hết mọi người đều được che chở sát sao và chiều chuộng. Trẻ em vui chơi thoải mái không cần lo nghĩ gì, nhận được nhiều tình cảm của mọi người. Được gọi là “cắm chốt” ở thời thơ ấu.
Hoặc là đóng vai người bị bệnh khi họ cắm chốt ở khoảng thời gian họ mắc bệnh hay tai nạn nào đó, khi đó được quan tâm và chăm sóc, cảm thấy an toàn, hành động như vậy thể hiện thông điệp là "Tôi bị bệnh, hãy chăm lo bảo vệ tôi, ….". Thậm chí cơ thể còn thể hiện ra là bệnh thật để phản ánh năng lượng tiêu cực đó, kiểu tâm bệnh ấy, đó cũng là 1 cách để tâm thần báo hiệu rằng nó đang không ổn. Ai nghiên cứu về luân xa sẽ hiểu nhiều về cái này nha.
Miễn sao hành vi đó kêu gọi sự bảo vệ của người khác và giảm nhẹ sự đau đớn cho bản ngã.
Nói chung là các cơ chế vừa rồi đều nhằm mục đích giảm nhẹ đau đớn và duy trì sự an toàn, thoải mái.
Còn các cơ chế sau đây không đơn thuần như vậy. Chúng ta bắt đầu với cơ chế phóng chiếu nhé.
5. Phóng chiếu [ngoại chiếu] (projection)
Phóng chiếu là một cơ chế rất phổ biến và tự nhiên. Quá trình phóng chiếu xuất hiện khi một người phóng chiếu ham muốn và đặc điểm trong vô thức của mình lên một người hay đối tượng bên ngoài có điểm tương đồng với nội dung vô thức của người phóng chiếu.
Khi là trẻ sơ sinh, đứa bé có thể phóng chiếu một cách vô thức quyền uy tuyệt đối và tri thức tuyệt đối lên cha mẹ của chúng. Cha mẹ trở thành các vị chúa. “Bố có thể làm mọi thứ! Bố là người giỏi nhất trên thế giới!”, “Mẹ biết mọi thứ và có thể làm mọi điều kì diệu. Mẹ yêu con vô điều kiện”. Nhưng trên thực tế không có cha mẹ nào biết tất cả mọi thứ và không như các vị thần được tôn sùng, tuổi thanh thiếu niên chúng ta thường nhận ra điều này và thậm chí chuyển sang coi cha mẹ là không biết gì… (một kiểu phóng chiếu khác). - Murray Stein, Jung’s Maps of the psyche.
Đây là phóng chiếu tự ngã, nguyên mẫu của sự viên mãn, đủ đầy, quyền năng bên trong vô thức tập thể.
Khi chúng ta yêu đương, hầu hết đều phóng chiếu nguyên mẫu anima (nữ hồn) hoặc animus (nam hồn) của bản thân lên bạn trai hoặc bạn gái của mình. Tính âm và tính dương này là hai cặp đối lập làm nên sự sống này, và có bên trong vô thức tập thể của tất cả mọi người không trừ một ai. Là hai nguyên mẫu trong nhiều nguyên mẫu chúng ta sẽ tìm hiểu sau nhé.
"Người đi, một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ." - Những giọt lệ, Hàn Mặc Tử.
Vì khi phóng chiếu, đối tượng bên ngoài sẽ đại diện cho nội dung bên trong tâm thức, chúng ta thấy người yêu của mình như một phần của mình vậy.
Ngoài Tự ngã, anima/animus Bên trong vô thức còn có shadow, những khao khát bên trong bị lãng quên, những phức cảm của riêng cá nhân mình…
6. Phóng chiếu nội chiếu (introjection)
Nội Chiếu ngược lại với ngoại chiếu.Ngoại chiếu xảy ra khi một người phóng chiếu cảm xúc hoặc đặc điểm của chính mình lên người khác. Nội chiếu xảy ra khi một người biến niềm tin của người khác vào nội tâm của mình.
Một đứa trẻ nội chiếu khi mà nó tự nguyện chấp nhận, đồng nhất quan điểm của bố mẹ thành quan điểm của nó mà không cần biết quan điểm đó có đúng hay không.
Chúng ta tường nội chiếu quan điểm của những người được cho là hiểu biết, uy tín thành quan điểm, niềm tin của bản thân mà không suy xét nhiều về tính thuyết phục của nó.
Một người công nhận quan điểm của thầy cô mình sau khi suy xét những lập luận thuyết phục thì không phải là nội chiếu.
Tại sao chúng ta lại làm thế? Khi trẻ em vô thức tiếp thu các đặc điểm của cha mẹ vào chính mình, nó đã tự trấn an bản thân rằng một số khía cạnh của cha mẹ đang có ở bên để tiếp tục che chở cho nó khi cha mẹ không có mặt ở đó.
Ngày nhỏ mình cũng từng tự động coi một vài quan điểm, cả thái độ nữa của người lớn thành của mình luôn, chẳng may tư tưởng đó rất tiêu cực, sau lên đại học rời xa môi trường cũ, dần dần mình mới nhận ra và sửa lại.
Cái sự nội chiếu này có thể khiến chúng chú ý đến niềm tin, sự hài lòng của người khác hơn là nhu cầu của bản thân. Thời thiếu niên chúng ta dễ làm theo lời bố mẹ vô điều kiện để làm hài lòng bố mẹ mà không quan tâm đến thực sự mình có yêu thích việc đó hay không.Khi đứa trẻ có người bố bạo hành và chửi rủa, và nếu nó nội chiếu thì có thể nó sẽ tin những lời chửi rủa tiêu cực đó là sự thật về bản thân nó và hình thành mặc cảm tự ti dù thực tế điều đó không đúng.
Ngược lại mặt tích cực của nội chiếu, đứa trẻ có thể nội chiếu những xu hướng tính cách, hành vi tốt ở cha mẹ.
7. Sự phân ly tâm thần
Sự phân ly về tâm thần là khi ý thức suy yếu, bị kiểm soát hoặc chìm đắm vào một nội dung nào đó. Lúc đó, ý thức gián đoạn, không thể trí nhớ, tri giác, cảm xúc, mất kiểm soát về hành vi, lúc đó chúng ta còn không biết rõ mình đang làm gì, đang cảm thấy gì. Vì thế mà sau đó họ không ghi nhận ký ức này.
Ví dụ, khi lái xe ý thức chúng ta hướng về 1 câu chuyện nào đó hay nghĩ về một ai đó và lái xe một cách tự động, không nhớ rõ những chi tiết xuất hiện trên đường cho đến khi có tình huống nghi hiểm thì bỗng mình lại tỉnh táo lại và điều khiển cái xe. Đó, Sự phân ly này được gọi là sự phân ly phi bệnh lý không gây ra vấn đề gì cả, trừ khi bạn suy tư sâu quá mà ko phản ứng kịp khi đi trên đường.
Còn khi khi phân ly một cách mất kiểm soát thì mình như bị một luồng tinh thần nào đó kiểm soát, đó chính là con rồng trong vô thức đấy, nó vọt lên chiếm quyền kiểm soát ý thức và bản ngã.
Đó là khi ai đó hành như như một người hoàn toàn xa lạ, họ cũng có thể nghe thấy âm thanh lạ trong đầu, thậm chí nhìn thấy cách hình ảnh lạ nữa. Tâm lý lâm sàng gọi là các biểu hiện của rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, bị điên, vân vân.. còn một số người gọi là vong nhập, vong tác động, vong điều khiển, vong trêu…
Những cái này đều đều đến từ vô thức hết.
Bởi vì sao?
Bởi vì trong quá trình phân ly, các cấu trúc ở vùng trí nhớ nằm sâu trong não hoạt động bình thường nhưng dường như bị ngắt kết nối với các vùng vỏ não cao hơn chịu trách nhiệm về suy nghĩ và lập kế hoạch (1).
Giống như trong trạng thái thôi miên, các vùng vỏ não cao hơn ngắt kết nối với một phần phía sau của não có liên quan đến khả năng tự nhận thức về bản thân (2).
1. Vesuna S, Kauvar IV, Richman. Deep posteromedial cortical rhythm in dissociation. 2020.
2. Jiang H, White MP, Greicius MD. Brain activity and functional connectivity associated with hypnosis. Cereb Cortex 2017.
Những người mà kiểu rối loạn nhân cách họ đâu kiểm soát được đâu, có những việc họ không muốn, nhưng không thể kiểm soát nổi, đặc biệt là việc làm người khác tổn thương. Mình có biết những người bạn mà lúc bị rối loạn họ tỏ ra rất là đáng ghét, nhưng sau đó họ lại khóc một mình.
Sự phân ly này liên quan đến cái được gọi là phân mảnh linh hồn, nó lại dẫn tới các vấn đề tư tưởng liên quan đến linh hồn. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau nhé! Một vấn đề có tính triết học.
8. Làm việc với vết thương
Khi chúng ta bị tổn thương hay sang chấn, đây là 3 cách chúng ta phản hồi lại. Trong đó cách thứ 3 là cái đích cần đi tới.
- Tái diễn viết thương: đó là trở thành nạn nhân của vết thương, bị tổn thương sâu sắc, tủi thân, tự ti, đau khổ, mất động lực sống, suy đét.
- Kìm nén vết thương: không chịu đựng nữa, trả thù, cuộc đời là một cuộc chiến và tao sẽ đè bẹp người khác để chiến thắng, chúng ta cần đánh bại quỷ dữ…
- Thăng hoa vết thương: nhận ra mọi khó khăn, tổn thương là cơ hội để bản thân rèn luyện trở nên mạnh mẽ hơn, độc lập hơn, hiểu biết hơn, yêu thương hơn, trắc ẩn hơn. Đồng thời hiểu rằng những người đang đi gây tổn thương cũng từng bị tổn thương, và chưa kiểm soát được những chi phối từ vô thức đó của mình.
Việc chúng ta xem xét các cơ chế của tâm lý nhằm đối chiếu, nhận thức và từ đó hiểu bản thân hơn. Nhờ vậy mà chúng ta có thể chuyển hoá những thành phần tiêu cực trong vô thức để có một nội tâm lành mạnh và cuộc sống an lạc hơn.
Việc tự ý thức, nhận biết và kiểm soát vô thức của chính mình tương đồng với cái gọi là chánh niệm. Hành trình ý thức nhận biết, tích hợp các nội dung trong vô thức được Jung gọi là thành toàn tự ngã (Cá thể hoá). Chúng ta không cần trở nên hoàn hảo, mà trở nên toàn vẹn. Chúng ta sẽ có bài riêng về hành trình này. Và cả các thành phần trong vô thức nữa.
Nên nhớ rằng cùng một hoàn cảnh nhưng tâm lý của mỗi người có thể phản hồi khác nhau, ở trên chỉ là cái để mình tham khảo thôi. Mong rằng những nội dung vừa rồi giúp bạn hiểu bản thân hơn như nó đã giúp tôi vậy!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất