Thấy mình phù phiếm không?
Vì sao người ta hành xử như muốn chứng minh mình là một sinh vật tiến hóa lùi đội lốt con người? Vì sao người ta không chịu nhận ra những gì mình làm ngày hôm nay sẽ quay trở lại với mình vào ngày mai?
Đã qua lâu rồi cái thời mà tôi cứ luôn bất mãn với con người và thế hệ mình (hoặc trẻ hơn mình).
Tôi cũng chẳng còn gắt gỏng vì những chuyện như vì sao người ta lại hành xử như thế? Vì sao người ta để rác ngay trên nắp thùng rác mà không chịu để vào trong? Vì sao đã có nhắc nhở không vất giấy vệ sinh vào bồn cầu ở nhà vệ sinh chung mà người ta vẫn làm thế để cho nó bị tắc?…
Vì sao người ta hành xử như muốn chứng minh mình là một sinh vật tiến hóa lùi đội lốt con người?
Vì sao người ta không chịu nhận ra những gì mình làm ngày hôm nay sẽ quay trở lại với mình vào ngày mai?
Thế nhưng sự phù phiếm của thế hệ vẫn luôn thành công khiến tôi cảm thấy bực tức theo một cách nào đó. Nhiều khi, ngay cả việc những người phù phiếm đó ấn thích bài viết của tôi trên ins cũng đủ để khiến tôi thấy khó chịu.
Đúng thế, hôm nay chúng ta sẽ nói về cái phù phiếm này.
*
Ngày hôm nay đi nói chuyện với bạn bè ba câu về cuộc sống thường ngày, nhưng hóa ra sự phù phiếm ở gần chúng ta đến mức nó dễ dàng len lỏi vào câu chuyện của chúng ta chỉ sau ba câu mào đầu.
Chúng tôi nói về cách người trẻ yêu nhau, cách người trẻ sống, cách người trẻ tiêu sài… như thể đắp trang sức lên người mình cho bằng (hoặc cao hơn) người khác. Thì cứ coi như là chúng tôi đang ngồi phán xét chính mình đi, chẳng quan trọng. Chúng tôi lại lấy đó làm vui, vì ngày mai chúng tôi sẽ có cớ để tự nhắc nhở mình sống khác đi.
*
Thế hệ này làm tôi thấy hài hước.
Những dung túng quá đà cho những triệu chứng tâm lý được tạo ra bởi áp lực từ xã hội và gia đình khiến người trẻ thấy như mình được quyền buông thả.
Quan điểm “nhận thức rõ về bản thân” đang đi ngược lại mục đích của nó và người trẻ trở nên ngộ nhận về vị trí của mình. Nhận thức tự dưng trở thành “nhận ngủ”, mặc kệ bối cảnh, sống bất cần và tưởng thế là hay.
Rồi thì khủng hoảng tuổi 20 – 30 – và 40 sẽ đánh gục Gen Z khi niềm tin vào bản thân của họ hao hụt nhanh như những giá trị phù phiếm họ đắp lên người.
Nhu cầu giải trí “nhanh hơn – gọn hơn – ăn liền hơn” đã khiến chúng ta thôi suy ngẫm. Hay nói cách khác là SỢ suy ngẫm, sợ cái trống rỗng, đau đáu và trăn trở mà suy ngẫm đem lại.
Văn hóa đọc đi lên đồng nghĩa với việc nó đang chuẩn bị đi xuống. Khi chúng ta đọc mà không trả lời được câu hỏi “đọc để làm gì?”, đó là khi chúng ta phải đi "đọc" lại mình.
Sớm thôi, thế giới này cũng sẽ trở nên ghê rợn như 451 độ F với những con người có đầy đủ giác quan nhưng chẳng để làm gì.
Và thế là mình tình nguyện tiến hóa lùi. Và càng tiến hóa lùi, chúng ta lại càng tự coi mình là trung tâm của vũ trụ, như cái thời mà người ta cho rằng Trái đất là trung tâm của ngân hà.
Tôi cũng thấy hài hước ở chỗ mà mình cứ hô hào “bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ Trái đất khỏi loài người”, nhưng vì sao không ai thấy rằng chúng ta phải bảo vệ mình khỏi đồng loại trước tiên.
Trong cuốn “Siêu hình tình yêu, Siêu hình sự chết” tôi từng đọc, tác giả cho rằng thiên nhiên có một ý chí riêng, và ý chí của nó là lưu tồn các giống loài. Vì thế mà việc chúng ta tạo ra nhựa, tạo ra bom nguyên tử hay mọi chất độc khác đều là mục đích của thiên nhiên để khiến loài người phải chọn ra những cá thể trội nhất, có thể tồn tại lâu nhất. Và chúng ta đang làm tốt phần việc của mình. Tóm gọn một chút, chúng ta chẳng cần bảo vệ thiên nhiên, chúng ta cần chung sống hòa bình với nó.
*
Đã lâu rồi tôi không bất mãn với thế hệ này và trở nên gắt gỏng. Nhưng hôm nay, những câu chuyện về nước hoa và những loại mùi của chúng ở bàn bên khiến tôi phải tự “ngửi” lại chính mình xem điều mà mình đang theo đuổi, đang làm có ý nghĩa gì.
Tôi cũng mong là mình chưa quá bốc mùi, chưa phải lúc này. Mong rằng đó chỉ là câu chuyện khi mà tôi “xuống lỗ”. Và khi đó thì tôi cũng chẳng cần quan tâm mình mùi gì.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất