GIÁ XĂNG VÀ GIÁ THỊT
Rất nhiều bạn thắc mắc vấn đề tại sao xăng tăng thì hàng hóa tiêu dùng tăng ngay, mà xăng giảm nửa tháng vẫn chưa thấy các mặt hàng...
Rất nhiều bạn thắc mắc vấn đề tại sao xăng tăng thì hàng hóa tiêu dùng tăng ngay, mà xăng giảm nửa tháng vẫn chưa thấy các mặt hàng và dịch vụ cơ bản giảm giá (Tạm bỏ qua yếu tố dịch bệnh vì chuyện này xảy ra với cả những mặt hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch). Mình thấy không chỉ trong group chúng ta, mà nhiều group khác cũng vậy. Vì thế minh xin nêu quan điểm chia sẻ với các bạn về câu chuyện này.
Thử hình dung bạn đang kéo chiếc xe bằng sợi dây thừng (dây chão). Khi dây căng, bạn đi về phía trước thì xe sẽ tiến về trước cùng bạn ngay lập tức.
Nhưng nếu bạn thôi kéo mà đi lùi vài bước thì xe có lùi theo ngay không? Trên thực tế là không, nó sẽ đứng im tại chỗ. Chỉ đến khi nào bạn đi lùi đủ xa, dây lại căng về phía sau thì xe mới quay đầu và lùi.
Tác động của giá xăng (hay bất cứ loại tư liệu sản xuất cơ bản nào) đến vật giá tiêu dùng cũng vậy. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy những lần đầu xăng tăng (hồi hơn chục ngàn / lít), nó chưa tác động ngay lập tức vào hàng hóa, vì người ta luôn có một biên độ an toàn trong sản xuất cho các biến động giá đầu vào, và người kinh doanh vẫn cố khắc phục được, nó như trường hợp ta đã kéo mà dây thừng còn hơi chùng.
Nhưng đến một độ nào đấy, các nhà sản xuất đã dùng hết biên độ chi phí cho giá xăng, mà xăng vẫn tăng tiếp thì buộc lòng họ phải tăng giá bán. Lúc đó dây đã chuyển sang căng. Và kể từ đây, xăng lên bao nhiêu, hàng hóa sẽ lên theo bấy nhiêu với một tỷ lệ tương ứng. Hàng hóa nào có giá xăng đóng góp nhiều trong sản xuất, vận chuyển sẽ tăng nhiều, hàng hóa nào ít cần xăng dầu sẽ tăng ít. Ví dụ như giá tên miền .vn chẳng hạn, trong mấy năm vừa qua nó không tăng mà còn giảm nhẹ (vì nó cần rất ít xăng :D)
Giờ giá xăng mới giảm vài hôm, như cái dây chùng xuống chút ít, làm sao hàng hóa có thể giảm ngay được. Giá chỉ thực sự giảm nếu xăng giảm nhiều và giảm đủ lâu (như dây kéo ngược về sau). Khi đó quy luật cung cầu sẽ đẩy giá các mặt hàng đi xuống theo.
Một kịch bản khác là mai kia giá tăng trở lại, thì chúng ta vẫn được lợi ở chỗ giá các mặt hàng không đẩy theo ngay, mà lại đến khi dây căng mới tiến lên. Ví dụ xăng 20K -> giá thịt 100K. Xăng còn 10K, giá thịt vẫn 100K. Nếu mai kia xăng lên lại 20K, giá thịt thường vẫn chỉ ở 100K. Cho đến khi giá xăng lên 22K lúc đó giá thịt mới lên tiếp.
Trên góc độ kinh doanh, khi giá giảm người sản xuất trước hết phải giữ lại một khoảng an toàn cho chi phần phí xăng, sau khi đã trích đủ và thoải mái rồi, họ mới có thể bắt đầu giảm giá. Đó là lý do vì sao mỗi khi xăng giảm, chúng ta thấy phải mất một vài tháng để giá cước taxi, vé máy bay giảm theo. Nhưng cũng không nhiều vì mấy năm qua xăng hầu như chỉ giảm nhẹ, rồi lại tăng mạnh. Như một sợi dây căng liên tục, thỉnh thoảng mới dãn ra chút xíu.
Đặt giả sử giá xăng giảm lâu và giảm nhiều (dây kéo lùi căng), lúc đó các bạn sẽ thấy kịch bản ngược lại là hễ xăng giảm thêm thì các dịch vụ vận tải, hàng không lại đua nhau giảm giá để hút khách, vì mình không giảm đối thủ sẽ giảm trước. Và lúc đó xăng lên họ cũng sẽ không tăng giá ngay đâu, vì biên độ của họ còn hy sinh được như cái dây đang chùng vậy.
Như vậy, các bạn không nên thắc mắc vì sau xăng tăng thì hàng hóa tiêu dùng tăng ngay, mà xăng giảm thì hàng hóa không chịu giảm liền. Vì nó còn phụ thuộc sợi dây đã căng theo chiều đó hay chưa, cũng đừng nghĩ đó là người bán tham lam hay vụ lợi, vì tất cả sẽ được thị trường điều tiết. Khi giá cả diễn ra như thế, nghĩa là nó nên như thế.
Hy vọng ý kiến của mình sẽ giúp các bạn cảm thấy vấn đề dễ hiểu hơn đôi chút. Chúc mọi người ở nhà an toàn! :D
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất