Thấy gì từ phản ứng cư dân mạng về cái chết của Nữ Hoàng Anh
Sự qua đời của Nữ hoàng Anh Elizabeth là một trong những sự kiện nóng hổi và thu hút nhiều sự chú ý nhất trong mấy ngày gần đây. Đáng buồn thay, việc lại bị những kẻ cực đoan ở Việt Nam lợi dụng để kích động thù hận.
Sự qua đời của Nữ hoàng Anh Elizabeth là một trong những sự kiện nóng hổi và thu hút nhiều sự chú ý nhất trong mấy ngày gần đây. Ngoài cơ số người bày tỏ sự thương tiếc hoặc chí ít là sự tôn trọng với sự ra đi của người đứng đầu hoàng thất Anh, cũng có không ít những người không tiếc lời chửi rủa mạt sát Nữ hoàng.
Cá nhân người viết không có quá nhiều liên hệ với Nữ hoàng nên tôi cũng không đến mức quá phải đau buồn hay thương xót. Với cá nhân tôi thì sự ra đi của bà với sự ra đi của Fidel Castro hay như vài tuần trước thì là diễn viên Olivia Newton-John cũng chẳng có mấy khác biệt, tôi không quá thương cảm nhưng tôi tôn trọng họ và tôn trọng cảm xúc của những người xót xa cho họ. Nó cũng giống như chuyện bà già hàng xóm của bạn mất thôi, có thể bạn chưa từng tiếp xúc với bà bao giờ, nhưng ít nhất thì cũng hãy thể hiện sự tôn trọng bởi đấy là phép lịch sự tối thiểu. Bạn chả cần phải khóc thương nhưng ít nhất thì cũng đừng cười cợt và dùng những từ ngữ tục tĩu về họ. Bạn không tôn trọng lãnh tụ nước khác nhưng khi người nước khác có cái nhìn, bình luận thiếu thiện cảm về lãnh tụ nước mình thì lại giãy nảy, một sự mâu thuẫn trớ trêu biết bao.
Đáng buồn thay, nhiều kẻ còn lợi dụng cái chết của người phụ nữ 96 tuổi làm công cụ để kích động thù ghét với lý do lý do là “ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam 2 lần”. Bạn không ưa phương Tây, chả có vấn đề gì cả. Nhưng bạn không ưa phương Tây nên bạn dùng tin giả, tin ngụy tạo, tin xuyên tạc để đả kích thì là một câu chuyện khác. Dành cho mệnh đề “Nữ hoàng ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam hai lần”, thật buồn cười khi nhiều người không để ý đến sự vô lý ở mốc thời gian. Mốc thời gian được ghi nhận trên chính sử, Pháp xâm lược Việt Nam lần đầu tiên, vào năm 1858. Trong khi đó, Nữ vương Anh Quốc Elizabeth II sinh năm 1926. Bạn thấy sự vô lí rồi chứ? Lần thứ hai, theo chính sử, năm 1945 Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Lúc này, Elizabeth II vẫn là một công chúa và không có bất kỳ phát ngôn tương tự nào được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông lẫn tư liệu từ Việt Nam. Nữ vương Elizabeth II đăng quang vào ngày 02/06/1953, khi đó Chiến tranh Pháp - Việt Nam đã dần đi đến hồi kết. Một luận điểm nữa là sự kiện Douglas Gracey mở đường cho Pháp tái chiếm Việt Nam vào tháng 9/1945, nên Nữ hoàng phải “chịu trách nhiệm”. Cũng tương tự như trên , khi đó Nữ vương Elizabeth II chưa đăng quang. Cáo buộc Nữ hoàng ủng hộ xâm lược nhưng lại chẳng đưa ra tư liệu lịch sử nào chứng minh, cũng chẳng có phát ngôn công khai thể hiện lập trường nào được dẫn ra mà chỉ toàn những lời chửi rủa miệt thị sáo rỗng, đáng thương thay.
Một điểm đáng nói nữa là đã có sự mập mờ trong việc quy kết trách nhiệm của chính phủ Anh và của Nữ hoàng Anh. Theo Luật Vương thất, Nữ hoàng hay Vua phải trung lập về chính trị. Vương thất Anh Quốc không can thiệp vào chính trường, không tỏ rõ thái độ chính trị. Trên thực tế, quyền lực chính trị tại Anh Quốc thuộc về Quốc hội và Chính phủ với trung tâm là Thủ tướng, bậc Quân chủ là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa và không có thực quyền, bởi vì Anh Quốc là một quốc gia theo chế độ Quân chủ lập hiến. Buồn cười hơn nữa khi có những người suy diễn kiểu “không lên tiếng phản đối là ủng hộ Pháp xâm lược”, hình như những người này tư duy nhị nguyên nặng đến nỗi mà với họ, khái niệm “trung lập” không hề tồn tại
Từ câu chuyện cái đàn được cho là ăn cắp từ Iraq đến cái meme Nữ hoàng ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam 2 lần được chia sẻ rộng rãi mới thấy, khả năng tự kiểm chứng thông tin của đa số người dùng mạng xã hội quả là đáng quan ngại. Đúng là khi ở trong cái bong bóng của sự thù hận thì những thứ vô lý đến nực cười cũng trở thành sự thật không thể chối cãi. Việc còn nghiêm trọng đến nỗi không biết bao nhiêu người phải đứng ra giải thích cặn kẽ. Nhưng mà tiếc lắm thay, xem ra lời giải thích của ngài thứ trưởng đáng kính có khi cũng chả đáng tin bằng mấy tay tiktoker, facebooker thiếu kiến thức nhưng có thừa ngạo mạn và thù hận đâu.
Một điểm tôi thấy cũng khá nực cười là những chỉ trích cực đoan khi có người gọi Nữ hoàng là “bà tôi”, là “Người”. Với tôi thì gọi “Người” cũng giống như người Công giáo gọi chúa Jesus thôi, hay ai đó gọi Lenin thôi, đơn giản từ “Người” đơn giản là để chỉ người đáng kính trọng, đáng ngưỡng mộ, vậy thôi. Câu chuyện từ “bà tôi” thì còn trớ trêu hơn nữa. Buồn cười thay không ít cá nhân chỉ trích việc dùng từ “bà tôi” nhưng vẫn “Cr7 anh tôi”, “Curry anh tôi”, “Faker” anh tôi ngọt xớt.
Tạm chốt lại, bạn ghét phương Tây chả có vấn đề gì cả. Con người yêu ghét ấy là lẽ thường tình ở đời, nhưng mà vì ghét mà dùng tin giả để chỉ trích thì cũng chả khác gì bạn ghét người yêu cũ nên đi đặt điều cả, thảm hại lắm. Đấy có lẽ là sự khác biệt lớn nhất giữa những anti chân chính và những anti não tàn. Hãy anti một cách có học thức!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất