Chẳng ai còn xa lạ với Milo được sản xuất bởi Nestle. Sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên cả thế giới, trở thành thức uống đại trà, doanh thu rơi vào khoảng dưới 5 triệu USD mỗi năm tại Australia. Nhưng để có được những cốc sữa Cacao ấy, mấy ai biết nó đã từng được làm ra bởi sức lao động của trẻ em trên các cánh đồng thuộc Ghana và Bờ Biển Ngà. Phải cho tới năm 2001, Nestle mới ký thỏa thuận để loại bỏ lao động trẻ em, nhưng cho tới tận 2018, họ vẫn chưa đạt được các mục tiêu đã cam kết. Họ thừa nhận “nguy cơ lao động trẻ em” trong chuỗi cung ứng của mình không thể loại bỏ hoàn toàn, và họ vẫn chỉ đang “cố quyết tâm giải quyết vấn đề”. 
Nestle không phải đơn vị duy nhất sử dụng lao động trẻ em, bên cạnh đó vẫn còn các công ty lớn khác như nhãn hiệu thời trang H&M, công ty thuốc lá Hoa Kỳ Philip Morris, thậm chí là Apple và Microsoft. 
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy năng lượng, nguồn tài nguyên vô tận và tiềm năng phát triển khổng lồ, đáng lẽ với sự phát triển như vậy thì cuộc sống con người càng được cải thiện, nhưng sự phát triển ấy lại kéo theo một tình trạng đáng lo ngại, đó là bóc lột sức lao động ở trẻ em, đặc biệt là trong công nghiệp và xây dựng. Và điều đó đang gieo rắc những hạt giống của sự đau khổ và bất công trong tương lai của chúng ta.
Thông qua bài viết của tác giả Gekki, chúng ta hãy cùng có một cái nhìn toàn cảnh về bóc lột sức lao động ở trẻ em, bao gồm hiện trạng, nguyên nhân, hệ quả và cách hạn chế. 

Như nào là bóc lột sức lao động ở trẻ em ? 

Luật pháp của mỗi nước một khác. Nhưng xét theo Bộ Luật Lao Động Việt Nam 2012, độ tuổi lao động hợp pháp là từ 15 tuổi trở lên và thanh thiếu niên từ 18 tuổi mới có hành vi dân sự đầy đủ. Khi trẻ em bị buộc phải làm việc trong môi trường lao động không an toàn, thiếu sự bảo vệ, và không được trả công xứng đáng, chúng bị tước đoạt quyền học tập, quyền chơi đùa và quyền phát triển toàn diện của mình, ấy là bóc lột sức lao động trẻ em. Tệ hơn là sự đánh đập và việc xâm hại tình dục luôn xảy ra song song với vấn đề này. 
Trên toàn thế giới có 168 triệu lao động trẻ em (theo UNICEF), hơn một nửa trong số này làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phân nửa trẻ em tham gia lao động không được đi học, trong đó có tới 1.4% chưa bao giờ đến trường ( khoảng 2,6 triệu không biết chữ và chưa từng được tiếp xúc với giáo dục ). 
Điều này không chỉ xảy ra bên ngoài môi trường xã hội mà thậm chí có thể xảy ra ngay ở bên trong môi trường gia đình. Tôi biết sẽ có người phản đối rằng “gia đình lao động thì nó giúp có gì sai“, đúng vậy, em ấy giúp không sai. Tôi muốn ví dụ một gia đình mở nhà hàng nhỏ thì một đứa trẻ sẽ làm bồi bàn hoặc phụ bếp giúp gia đình thì hẳn đó là đứa bé rất ngoan, chuyện đó là điều đáng khen nhưng nếu đứa trẻ đó “phụ giúp” đến mức không có quyền đi chơi, đến trường thì đấy chắc chắn là bóc lột sức lao động trẻ em trong môi trường gia đình. 

Hậu quả của việc lạm dụng lao động trẻ em

Đối với trẻ em

Lao động trẻ em có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, thậm chí tử vong. Nó có thể dẫn đến tình trạng nô lệ và bóc lột về mặt tình dục hoặc kinh tế. Và trong hầu hết mọi trường hợp, nó khiến trẻ em không được đi học và chăm sóc sức khỏe, bị buộc phải lao động từ khi còn nhỏ, trẻ em bị mất đi quyền được học tập và trải nghiệm.
Vào ngày 29/9/2021, Bộ Công an giải cứu 23 lao động trẻ em trong 2 xưởng may ở TP.HCM. Theo khai báo của những đứa trẻ thì chúng phải làm các công việc như may công nghiệp, cắt chỉ tại các cơ sở may từ 12 – 14 giờ/ngày, cụ thể từ 6h sáng đến 11h trưa và từ 14h chiều đến 23h đêm. 
Điều đáng nói là các cháu bé có khai báo với trinh sát bộ Công an là, ăn không đủ no, thường bị chủ dùng thước đánh vào lưng do làm việc không đạt yêu cầu. Trong 23 cháu bé thì có 5 trường hợp không chịu đựng nên bỏ trốn lang thang xin ăn. Tại xưởng có 2 quản lý nam thường xuyên có hành vi thiếu đúng đắn với thân thể các bé gái và đe dọa nếu nói với người khác thì sẽ đánh các em.  
Những đứa trẻ đối mặt với rủi ro và nguy hiểm cao do thường làm việc trong môi trường nguy hiểm, không đảm bảo an toàn lao động. Thậm chí các em tiếp xúc với các chất độc hại, làm việc trong điều kiện vật lý căng thẳng, thiếu bảo hộ, gây tổn thương cho sức khỏe và tính mạng. Các em thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục, kỹ năng và đào tạo, khiến cho khả năng tương lai của các em bị hạn chế và tạo ra sự chênh lệch trong phát triển trí tuệ và tính cách. 

Đối với xã hội

Hậu quả của việc lao động trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà còn tác động mạnh mẽ đến xã hội nói chung. Việc sử dụng lao động trẻ em với mức lương rất thấp hoặc thậm chí không lương tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường lao động. Vấn đề lạm dụng sức lao động ở trẻ em cũng thách thức rất nhiều các tổ chức xã hội bảo vệ quyền của trẻ em và là câu hỏi lớn cho trật tự an ninh quốc gia. 

Nguyên nhân vấn đề này từ đâu ? 

Việc lạm dụng sức lao động từ trẻ em xảy ra có nhiều nguyên nhân. 
Đầu tiên cần nói đến tác động của gia đình lên những đứa trẻ. Gia đình đang trong hoàn cảnh nghèo đói và khó khăn kinh tế thường không có đủ khả năng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho con cái. Điều này buộc trẻ em phải tìm kiếm công việc để kiếm tiền và đóng góp vào thu nhập gia đình. Các bậc cha mẹ thiếu thời gian và sự quan tâm, giáo dục và kiến thức cho trẻ em, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về quyền của trẻ và khả năng nhận biết những công việc không an toàn hoặc bất hợp pháp. Điều này làm cho trẻ em dễ dàng trở thành nạn nhân của bóc lột sức lao động. 
Một nhân viên của cơ quan giám sát lao động Trung Quốc (CLW) đã từng đóng giả nhân viên làm việc tại nhà máy Shinyang, nơi sản xuất linh kiện điện thoại ở Đông Quảng, Quảng Đông, Trung Quốc và công bố về vấn nạn lao động trẻ em tại nơi đây.
Được biết, trong nhà máy này, công nhân đa số đều là các em nhỏ tuổi khoảng 14 - 15, vừa học xong cấp 2 đã rời xa quê hương để đi kiếm sống. Các em đều có hợp đồng lao động từ 3 - 6 tháng với tiền công là 1,2 đô la (khoảng 30 - 50 nghìn đồng) một giờ, thời gian làm việc từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, mỗi ngày các em đều bị ép làm thêm 3 giờ, điều đáng nói là các em không được công ty mua bảo hiểm cũng như không được trả tiền tăng ca.
Đáng buồn hơn là có một số gia đình có quan niệm sai lầm về vai trò của trẻ em rằng trẻ em cần phải làm việc để học cách tự lập và giúp đỡ gia đình nên đã dẫn đến việc gia đình khuyến khích hoặc chấp nhận việc trẻ em tham gia vào các công việc không phù hợp với tuổi tác và không an toàn. Và đôi khi bạo lực gia đình góp phần tác động đến tâm lý những đứa trẻ, đẩy chúng ra xa khỏi vòng tay cha mẹ, dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng. 
Thứ hai, nhìn từ góc nhìn xã hội cũng sẽ thấy rất nhiều lý do khiến cho sự lạm dụng sức lao động của trẻ em xảy ra. Trước hết cần nói đến là áp lực từ ngành công nghiệp và thị trường: Sự cạnh tranh và áp lực từ ngành công nghiệp và thị trường làm tăng nhu cầu sử dụng lao động trẻ em. Khi giá cả cạnh tranh và yêu cầu giảm chi phí sản xuất, các doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm những nguồn lao động rẻ nhất, trong đó dĩ nhiên là có cả trẻ em. Trung Quốc là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, vì vậy vấn đề cạnh tranh trong các ngành công nghiệp rất cao. Các nhà tư bản Trung Quốc đã nhận ra rằng việc lợi dụng trẻ em mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho họ. Những đứa trẻ bị cha mẹ chúng bán cho các công xưởng rất dễ bảo, chúng không có ai để dựa dẫm cũng không thể phản kháng, những đứa trẻ ấy như những con cừu ngoan ngoãn, chăm chỉ mang lại lợi ích cho chủ.  Theo thông tin năm 2021, mức lương tối thiểu hàng tháng tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến là khoảng 35$ nhưng hầu hết các em nhỏ làm việc chỉ nhận 12$. 
Sự thiếu quyền lợi và bảo vệ pháp luật cho trẻ em là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến bóc lột sức lao động. Khi không có hệ thống pháp luật mạnh mẽ và quyền lợi của trẻ em không được bảo vệ đúng mức, việc lạm dụng và khai thác trẻ em trở nên dễ dàng và không bị trừng phạt. 
Tiếp theo, xã hội còn tồn tại sự chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội lại là một môi trường thuận lợi cho bóc lột sức lao động trẻ em. Sự phân hóa giàu nghèo làm cho một phần xã hội có thể tận dụng sự đáng thương và dễ kiểm soát của trẻ em để khai thác lợi ích kinh tế của họ. 
Cuối cùng, các vấn đề kinh tế và chính trị của một quốc gia có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho bóc lột sức lao động trẻ em. Sự bất ổn kinh tế, thất bại của hệ thống giáo dục và thiếu quản lý từ phía chính phủ đều là các yếu tố xã hội góp phần vào tình trạng này. Bangladesh là đất nước có sự chênh lệch giàu nghèo rất cao. Hệ thống giáo dục chỉ dành cho tầng lớp trung lưu trở lên và tầng lớp nghèo đói thậm chí còn không có đủ tiền ăn chứ không cần nói đến tiền đi học. Trẻ em nghèo ở đây thay vì được dạy rằng hãy cố gắng học tập thì các em lại được dạy rằng lớn rồi phải đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ở Bangladesh, các khu ổ chuột có rất nhiều trẻ em đã đi làm thuê khi mới 12, 13 tuổi. Vì vậy, khi bạn nhìn vào mác áo của mình và thấy dòng chữ Made in Bangladesh, rất có khả năng chiếc áo đó được tạo ra từ 2 bàn tay của một đứa trẻ. 

Những đứa trẻ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời

Hai đất nước đang có tình trạng bóc lột sức lao động của trẻ em thuộc diện báo động là Trung Quốc và Bangladesh. Sau đây là một trong những thông tin về tình trạng của hai quốc gia này.

Trung Quốc

Theo báo cáo của Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO), có khoảng 3 triệu trẻ em ở Trung Quốc đang tham gia lao động bất hợp pháp, trong đó có nhiều trường hợp bị bóc lột, đánh đập, khai thác sức lao động và xâm hại tình dục. 
Trẻ em thường bị tuyển dụng để làm việc trong các ngành công nghiệp như dệt may, sản xuất điện tử, xây dựng và nông nghiệp. Chúng thường phải làm việc trong môi trường nguy hiểm với mức độ làm việc cao, mức lương thấp và thậm chí là không có lương. Hệ thống kiểm soát và giám sát về quyền bảo vệ trẻ em ở Trung Quốc còn hoạt động không hiệu quả. Các quy định về độ tuổi lao động và quyền lợi của trẻ em không được tuân thủ đầy đủ và việc trừng phạt xử lý các vấn đề vi phạm vẫn còn rất hạn chế. 
Đặc biệt các vùng nông thôn và các khu vực đô thị phát triển nhanh của Trung Quốc (Tứ Xuyên, Quảng Đông, Hồ Bắc, Thanh Đảo, Tứ Khách) là nơi có tỷ lệ bóc lột sức lao động trẻ em cao. Điều này thường xuất phát từ nghèo đói, thiếu giáo dục, sự bất bình đẳng kinh tế cho các khu vực này. 
Bên cạnh đó sự gia tăng nhu cầu lao động trong các ngành công nghiệp sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bóc lột sức lao động của trẻ em ở Trung Quốc. Năm 2016, truyền thông Trung Quốc từng chấn động với thông tin một thiếu niên 14 tuổi làm việc 11 tiếng đồng hồ qua đời đột ngột. Vụ việc đã khiến lao động trẻ em một lần nữa trở thành vấn đề cấp bách cần được các cơ quan chức năng vào cuộc. 

Bangladesh

Bangladesh cũng đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về việc bóc lột sức lao động ở trẻ em. Các ngành công nghiệp chủ chốt như ngành may mặc, xử lý da, xây dựng và nông nghiệp, khai thác gỗ thường tuyển dụng trẻ em làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, không an toàn, ngoài ra điều kiện kinh tế kém phát triển và cơ sở hạ tầng yếu kém cũng dẫn đến tình trạng ảnh hưởng sức khỏe nặng nề, thậm chí tử vong cho các trẻ em nhỏ lao động ở đây. 
Điều đáng ngạc nhiên là các bậc cha mẹ, người dân coi đây là một việc hết sức bình thường, các công ty đa quốc gia cũng thường đặt các nhà máy sản xuất tại Bangladesh để tận dụng nguồn lao động giá rẻ này. Theo các số liệu chính thức của ILO cho thấy, cứ 5 em ở độ tuổi từ 10 đến 17 là có một em phải làm việc thay vì đến trường. Có khoảng 7000 nhà máy không bị chính quyền kiểm soát về mức độ an toàn, các tòa nhà không có lối thoát hiểm và không có dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Theo số liệu thống kê của tổ chức UNICEF, có khoảng 1 triệu trẻ em từ độ tuổi từ 10 - 14 làm việc tại các xưởng quần áo. Với khối lượng công việc khổng lồ, hàng ngàn đứa trẻ chỉ có thể ăn uống, tắm rửa bên trong nhà máy. Vấn đề vệ sinh đã kéo theo rất nhiều dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm.
Không có một con số cụ thể nào về việc tử vong do lao động ở trẻ em nhưng theo một số báo cáo của Tổ chức Lao Động Quốc Tế ước tính hàng năm có khoảng 7,5 triệu trẻ em trên toàn cầu chết do tai nạn lao động, thương tích và bệnh tật liên quan đến công việc. Đây là một con số ước tính và con số này có thể cao hơn rất nhiều so với thực tế. Các ngành công nghiệp nặng như dệt may, nông nghiệp, khai thác khoáng sản thường được xác định là những ngành có tỷ lệ tử vong cao. Các khu vực đang phát triển như Châu Phi và Châu Á có tỷ lệ lao động tử vong cao hơn so với các nước phát triển. Ngoài tử vong, các em còn phải đối mặt với những vấn đề khác như thương tật vĩnh viễn, suy dinh dưỡng, tổn thương tâm lý và mất đi cơ hội học tập, phát triển. 

Biện pháp chống bóc lột trẻ em

Nếu hỏi câu hỏi như làm thế nào để chấm dứt việc bóc lột sức lao động ở trẻ em, quả là câu hỏi khó cho cơ quan chức năng bởi đây không phải vấn đề thay đổi một cá nhân mà đòi hỏi cả xã hội chung tay cố gắng. 
Một số biện pháp chống bóc lột trẻ em dạng “đao to búa lớn” có thể kể đến như :
– Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt và hiệu quả hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh, có thuê lao động trẻ em như: Có trách nhiệm liên hệ với cơ sở có uy tín, tạo điều kiện cho các em được học nghề, sau đó có việc làm phù hợp với sức khỏe của mình… Cần tăng cường phát hiện, có các biện pháp ngăn chặn, xử lý thích hợp với những cá nhân, tổ chức có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế, lợi dụng trẻ em đi lang thang… để trục lợi.
– Chúng ta nên hướng nhiều hơn đến việc xây dựng pháp luật. Ngoài việc nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cần bổ sung quy định không cho phép trẻ em tham gia lao động trong môi trường không phù hợp với trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần, cả từ góc độ pháp lý và đạo lý. Muốn pháp luật bao quát, không bỏ sót và tránh “lách luật”, cần quy định những tiêu chí cụ thể về những tác động của công việc đối với trẻ em. Tức là lấy trẻ em làm chủ thể để đánh giá tác động.
– Chúng ta không chỉ thực hiện các biện pháp chống bóc lột trong nước mà phải có sự hợp tác quốc tế để ngăn chặn bóc lột trẻ em, phối hợp tốt với các tổ chức quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em như UNICEF. Bằng việc thực hiện phương pháp tiếp cận toàn diện để bảo vệ trẻ em Việt Nam, UNICEF đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc đảm bảo đầy đủ các dịch vụ ngăn chặn, nhận biết và can thiệp sớm trong buôn bán người và bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, chuyển tiếp nạn nhân tới các cơ sở hỗ trợ và phục hồi chức năng.

Outro

Nhưng không phải ai cũng có khả năng để thực hiện những biện pháp “to lớn” đã kể ở trên. Mỗi cá nhân cũng có thể hành động để có thể hạn chế và ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động ở trẻ em. Ngay ở Việt Nam vẫn có rất nhiều các tình trạng lạm dụng, tiêu biểu như những kẻ gian tận dụng trẻ con để ăn xin, bán hàng rong, thậm chí là vận chuyển hàng cấm trái phép. Ở trong những tình huống trên, nếu các bạn thực sự quan tâm đến những đứa trẻ đang bị lợi dụng, đừng mua hàng hóa của chúng mà hãy liên hệ tới đường dây của Tổng đài Bảo vệ trẻ em Quốc gia 111 vì thế hệ trẻ tương lai của đất nước và của thế giới.