Từ “Trông Anh Ngược” ở nhan đề bài viết này được tôi cho vào ngoặc kép ý muốn trích dẫn lời của anti-fan chứ không phải lời của tôi, bởi tự hào mà nói rằng tôi chưa bao giờ hùa theo trào lưu này kể từ lần đầu tiên biết đến nó khoảng chục năm trước.
Bài viết này ra đời nhân vụ bê bối ở đại học Bách Khoa – một sinh viên Bách Khoa đứng dậy giễu cợt diễn giả Trương Anh Ngọc bằng biệt danh “Trông Anh Ngược” giữa hội trường trăm người – và như mọi bài viết khác, tôi mượn một sự kiện nhất thời để nói về những ý tưởng phổ quát hơn và lâu bền hơn.
Cụ thể ở đây là sự trỗi dậy của văn hoá Anti- fandom và sự độc hại của thứ văn hoá này trong xã hội văn minh.

I. BÊ BỐI “TRÔNG ANH NGƯỢC” Ở ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

Thứ Bảy, 27/5/2023, vừa qua nhà báo Trương Anh Ngọc (TAN) đến đại học Bách Khoa làm diễn giả một sự kiện. Buổi nói chuyện đến phần hỏi đáp thì có một nam sinh viên đứng dậy chào TAN bằng biệt danh “Trông Anh Ngược”, cả hội trường cười rú lên và ngay lập tức một bạn nữ sinh viên phải ra giật mic của thanh niên kia. Buổi nói chuyện tiếp diễn bình thường cho đến cuối buổi một nữ sinh của trường khác phải ra xin lỗi giúp nam sinh viên Bách Khoa ấy.
Cần nói rõ thêm, biệt danh “Trông Anh Ngược” không hề là lỗi nói nhịu nhất thời, mà toàn bộ sự việc này là một trò chơi khăm TAN đã được dàn xếp từ trước. Được biết, trước khi đỉnh điểm sự việc xảy ra thì rất nhiều sinh viên Bách Khoa đã mặc áo “Tin chuẩn chưa anh?” để dự hội thảo (nhưng sau đó bị bắt thay), bài nhạc của nhóm anti-fan TAN (được gọi là Cục ca) từng cất lên sau hội thảo.
Thảy điều này cho thấy trò chơi khăm ấy được rất nhiều sinh viên Bách Khoa tổ chức, nam sinh viên đang bị chỉ trích ấy chỉ là người làm lố nhất nên phải đứng mũi chịu sào mà thôi.
Vụ việc chơi khăm này vốn đã là cái nhọt văn hoá rồi, nhưng khi làn sóng chỉ trích nổ ra, chúng ta thấy thêm một cái nhọt khác nhức nhối hơn, nằm ở cách mà các anti-fan TAN vừa chửi rủa đồng đội của họ, lại vừa hợp lí hoá cho tất cả hành động anti của họ trên mạng.
Nhìn chung, luận điệu của anti-fan TAN là “Giễu cợt TAN trên mạng thì được, ngoài đời thì không được, và ‘trên mạng’ với ‘ngoài đời’ là hai lĩnh vực riêng biệt không liên quan nhau.”
Chỉ đến khi những luận điệu này được buông ra, chúng ta mới thấy rất nhiều vấn đề ở trong cộng đồng anti-fan TAN.
Thứ nhất, nhóm người này có tư tưởng tách biệt giữa chuyện trên mạng và chuyện ngoài đời như thể hai không gian ấy là hai thế giới riêng biệt mang hệ thống đạo đức khác nhau. Cụ thể, họ tự cho họ cái quyền rằng trên mạng được làm những việc xấu xí đến mức mà ở ngoài đời thì không được làm. Họ cho rằng ở ngoài đời thì không được giễu cợt TAN trước hàng trăm người, nhưng trên mạng thì được – chính xác là ở Facebook cá nhân của TAN – dẫu trên mạng lượt người tiếp cận phải lên đến hàng vạn.
Thứ hai, nhóm người này chọn TAN làm đối tượng để giễu cợt công khai trên mạng nhưng vẫn luôn coi chuyện ấy là bình thường, là giải trí, là buồn cười, và không có dấu hiệu nhận thức được sự độc hại trong hành động của mình, để có chăng có thể trở thành người tử tế hơn trong tương lai.
Thứ ba, rất thú vị, khi chuyện xấu của chính cộng đồng mình xảy ra, nhóm người này đã ngay lập tức rũ bỏ trách nhiệm, và cũng tức khắc phủ nhận tư cách thành viên anti-fan của nam sinh viên Bách Khoa kia. Bất chấp rất nhiều sự thật khách quan cho thấy nam sinh viên ấy chính là thành viên của nhóm anti-fan TAN (mang tên Cục phòng chống Thỏ Ngọc) bao gồm: (1) Liên tục sử dụng chỉ dấu riêng của nhóm này “Tin chuẩn chưa anh?” “Bạn Chỉnh ơi” “Trông Anh Ngược”; (2) Sử dụng Cục ca; và (3) Hợp tác với rất nhiều sinh viên khác để tạo nên trò chơi khăm có tổ chức này, chứ không phải bột phát đơn lẻ.
Ba vấn đề này cũng là chủ đề chính cho phần tiếp theo, ở đó tôi sẽ phân tích chúng bằng góc nhìn phổ quát hơn, cũng như cho thấy sự méo mó trong tâm lí các anti-fan trong thời đại mà văn hoá Anti-fandom trỗi dậy.

II. SỰ TRỖI DẬY CỦA VĂN HOÁ ANTI-FANDOM

Tuy bây giờ cả fandom và anti-fandom đều phổ biến ngang nhau, nhưng trong khi fandom là thứ văn hoá đã có từ rất lâu, thì anti-fandom là thứ vô cùng mới mẻ. Việc nhiều người cùng ghét một thứ gì đó không phải là anti-fandom, anti-fandom chỉ hình thành khi nhiều người có chung lòng thù ghét tụ tập lại để hành động phục vụ cho lòng thù ghét ấy. Hiện tượng này mãi những năm 2000 mới được ghi nhận, và một trong những bê bối sớm nhất của nó là vụ anti-fan đầu độc Yunho của nhóm TVXQ vào năm 2006 ở Hàn Quốc.
Đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về anti-fandom để có thể đưa ra một định nghĩa cụ thể, nhưng tôi sẽ dẫn định nghĩa về fandom của học giả truyền thông Henry Jenkins, và lấy đó làm cơ sở phát triển định nghĩa tạm chấp nhận được về anti-fandom ở bài viết này.
Theo Jenkins, fandom là “Những người theo dõi tận tuỵ với một nguyên bản truyền thông, những người tích cực tương tác với sản phẩm ấy để xây dựng ý nghĩa và cách diễn giải của riêng họ ngoài thông điệp ban đầu. Trong khi người tiêu dùng thông thường coi nguyên bản ấy là hàng dùng một lần, thì fans sẽ cosplay các nhân vật họ yêu thích, viết fan-fiction, đăng lí thuyết của riêng họ lên mạng, và thậm chí tạo ra các tiểu văn hoá mới dựa trên sản phẩm nguyên bản.” [1]
Như vậy, anti-fandom có thể được hiểu với các đặc điểm:
1. Những người theo dõi tận tuỵ một đối tượng truyền thông (tôi sửa từ “nguyên bản” của Jenkins thành “đối tượng” cho dễ hiểu). 2. Trái với fan nuôi dưỡng tình yêu cho đối tượng, anti-fan nuôi dưỡng lòng thù ghét, trong một số trường hợp có thể chỉ là lòng khinh thường (trái ngược với lòng ngưỡng mộ ở fan). 3. Anti-fan cũng tích cực tương tác với đối tượng và diễn giải theo ý mình, nhưng khác biệt là với thái độ ngược lại: tương tác để xúc phạm và diễn giải theo hướng chế nhạo đối tượng.
Có thể nói văn hoá anti-fandom đại diện cho ý tưởng về cái ác thuần khiết – làm ác chỉ để tìm niềm vui. Bây giờ đã có lí thuyết, chúng ta đi đến giai đoạn phân tích thực kiện.
Vấn đề thứ nhất của nhóm anti-fan TAN là họ cho rằng chuyện trên mạng và chuyện ngoài đời là hai thứ tách biệt, và được quyền cư xử trái ngược nhau mà không cắn rứt lương tâm. Sẽ rất khó hiểu nếu chúng ta lí giải bằng sự kiện đời thường, bởi trước giờ chúng vẫn liên quan mật thiết: Kiếm tiền/công việc trên mạng đều có thể mang lại lợi ích ngoài đời; Xúc phạm sếp/khách hàng trên mạng đều có thể dẫn đến mất việc ngoài đời; Thậm chí pháp luật đã có điều luật ngăn cấm và xử phạt hành vi xấu trên mạng, v.v. Có lẽ tôi không cần đưa dẫn chứng thêm nữa.
Sự phi lí của nhóm anti-fan nói trên chỉ có thể giải thích một cách hợp lí nhất bằng các lí thuyết xã hội học. Chẳng hạn, theo nhà lí thuyết văn hoá Stuart Hall, khi con người giao tiếp qua máy tính họ có thể cảm thấy rằng đối phương “ít có tính người hơn” và thế giới ba chiều của chúng ta khi thu vào thế giới hai chiều trên màn hình máy tính, người ta có cảm giác như thể “con chó trong phim sủa được chứ không cắn được” [2], và đó chính là nguyên nhân để nhóm anti-fan TAN xây dựng hai hệ thống đạo đức cho hai thế giới khác nhau.
Trong thâm tâm, khi lên mạng họ tự coi nhau là những “con chó trong phim” với mức độ nguy hiểm giảm mạnh, chỉ sủa được là cùng nên không lo TAN bị cắn. Còn ngoài đời họ tự động nhìn mọi người với con mắt có nhiều tính người hơn, họ vừa ý thức được TAN và họ là con người nên cần tử tế với nhau hơn, họ cũng vừa ý thức được ở ngoài đời thì “con chó” trong bản chất họ rất nguy hiểm vì cắn được.
Vấn đề thứ hai của nhóm anti-fan TAN là họ thiếu nhận thức để tự ý thức được điều tôi trình bày bên trên, nên một khi đã lên mạng là họ lại tự động coi mình là “con chó trong phim” với đạo đức hoàn toàn khác với con người ngoài đời. Điều này lí giải tại sao sau tất cả những rao giảng đạo đức dành cho nam sinh viên Bách Khoa kia, nhóm anti-fan TAN vẫn duy trì trò đùa ác trên mạng như trước.
Nói rõ một chút về nguồn gốc trò đùa này. Tất cả xuất hiện muộn nhất cũng phải từ gần chục năm trước, thời kì đầu nó bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa một số fandom bóng đá với TAN, họ gán cho anh ta biệt danh “Chị Thỏ Ngọc” cùng vô số trò chơi khăm khác như chụp còm. Xuất thân từ cộng đồng bóng đá nên dễ hiểu vì sao trào lưu này ngu ngốc, bầy đàn, và độc hại đến thế, bởi ba đặc điểm trên cũng chính là tính cách của một bộ phận không nhỏ fan bóng đá.
Sau đó trò chụp còm lan rộng cả ra ngoài cộng đồng bóng đá với mức độ độc hại giảm đi, chính vì thế mà nó được người ngoại đạo đón nhận. Tuy nhiên người ngoại đạo lại muốn tìm một lí do hợp lí cho hành động chơi khăm TAN, nên bắt đầu từ đây tính cách sính nước Ý và thích khoe khoang của TAN được dùng làm lí do một cách khiên cưỡng.
Sở dĩ tôi nói nó khiên cưỡng bởi nó không giải thích thấu đáo được hành động chụp còm của anh ta, những còm hay được chụp không liên quan gì đến hai tính xấu trên, và có thể chụp còm của bất kì ai cũng thay thế được. Nếu cứ sử dụng lí do của người ngoại đạo, thì TAN dường như chỉ bị chọn ngẫu nhiên để bị troll. Ngay đến tính cách sính ngoại và thích khoe của anh ta cũng là thứ phổ biến ở người Việt, chứ không có gì đặc trưng.
Lưu ý, tôi không ngụ ý rằng tính sính ngoại và khoe khoang của TAN là tốt. Nếu ai thấy xấu thì hoàn toàn có thể tạo dư luận để phản đối. Tuy nhiên hành động chụp còm và chế tên của TAN hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong việc phản đối hai tính cách trên, nó đơn giản là một trò đùa vô tri và có phần độc ác.
Cách gọi “Chị Thỏ Ngọc” đã có từ 2017 và nguồn gốc của nó phải từ quãng 2013.
Cách gọi “Chị Thỏ Ngọc” đã có từ 2017 và nguồn gốc của nó phải từ quãng 2013.

Phải trình bày chi tiết như vậy để thấy rằng trò đùa này vốn có nguồn gốc độc hại, và khi lan rộng tuy đã bớt độc hại nhưng nó trở nên ngẫu nhiên, nhảm nhí, và nói chung là vô nghĩa. Nguyên nhân cho sự phổ biến của nó nằm ở sự vô tri của cư dân mạng, những “con chó trong phim” hồn nhiên đùa cợt về đời tư của người khác mà không cần biết họ có đồng ý hay không.
Để rộng đường dư luận hơn, tôi có tìm được một số ảnh chụp còm cho thấy TAN không thích trò đùa của anti-fan, nhưng mặt khác anh ấy cũng dùng một trong những trò đùa đó (ở mức nhẹ nhàng) để làm content cho chính mình. [3]
Những điều này được đưa ra để phục vụ các phân tích sâu hơn. Chẳng hạn anti-fan có thể chia hai nhóm là độc hại (những anti bóng đá ban dầu) và nhẹ nhàng (những anti ngoại đạo về sau) và TAN có thể chỉ chấp nhận nhóm sau. Hoặc TAN hài lòng với trò đùa đến từ bạn bè (như Đinh Tiến Dũng) và bản thân, chứ không hài lòng với các anti-fan xa lạ. Hoặc TAN tự giễu cợt bản thân bằng chính vũ khí của anti-fan như một cách giảm nhẹ sức công kích của chúng. Hoặc đơn giản là TAN bất chấp để kiếm tiền.
Vấn đề thứ ba của nhóm anti-fan TAN là họ xây dựng bản sắc cá nhân dựa trên đánh giá chủ quan của mỗi người. Điều này thường có kết cục là dẫn đến hỗn loạn khi nhóm nhỏ này phủ nhận nhóm nhỏ khác, và rốt cuộc một nhóm lớn bị tách ra thành nhiều nhóm nhỏ để duy trì thứ bản sắc mà các nhóm nhỏ cho là đúng. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi nhóm ban đầu đủ lớn và mâu thuẫn đủ gay gắt, một điều hiếm gặp ở các nhóm anti-fan ô hợp và tự phát như vậy.
Dựa trên những gì những người tự nhận là anti-fan chân chính tuyên bố, thì dường như bản sắc của Cục phòng chống Thỏ Ngọc là “Những người coi TAN là trò hề trên mạng nhưng không như thế khi ở ngoài đời”. Đây là thứ bản sắc rất trái ngược với tâm lí tự nhiên của con người, do đó rất khó duy trì, và thậm chí tôi nghi ngờ về sự tồn tại trong thực tế của bản sắc này.
Chúng ta có thực kiện là việc giễu cợt TAN ở hội thảo của Bách Khoa được tổ chức bởi một nhóm đông chứ không hề là một cá nhân đơn lẻ, trong khi đó thực kiện về những người tự nhận là thành viên Cục đi offline mà tử tế với TAN thì chưa thấy. Và giả sử nếu có hiện tượng ấy thì hẳn TAN cũng sẽ không thấy khó chịu với Cục nữa mới phải, vì lúc này Cục trở thành fandom mất rồi.
Tôi đồ rằng sự thật là nhóm anti-fan TAN đang bị loạn trí vì trải qua bất hoà nhận thức. Họ bắt đầu anti trên mạng để cho vui bằng sự vô tri, nhưng không ngờ được hậu quả nghiêm trọng ngoài đời. Vậy là khi chuyện xảy ra, họ biện minh cho nhóm của mình bằng một loạt các tuyên ngôn tự mâu thuẫn, trái với tâm lí con người, đi kèm với tính ngô nghê không thể che giấu.
Có lẽ việc dễ thấy nhất, đó là hành động anti của họ độc hại và là căn nguyên cho mọi bê bối, thì họ lại không đủ trí năng thấy được.

III. SỰ MÉO MÓ NHÂN CÁCH CỦA VĂN HOÁ ANTI-FANDOM

Văn hoá fandom là một nét đẹp, nơi người ta tụ tập lại để cùng tôn vinh nhau, một mối quan hệ đôi bên cùng thắng, cả người hâm mộ lẫn được hâm mộ đều có lợi, chính vì vậy mà mô hình cộng đồng này đã tồn tại từ rất lâu.
Văn hoá anti-fandom đại diện cho ý tưởng về cái ác thuần khiết – làm ác chỉ để tìm niềm vui. Nó là khối ung nhọt của xã hội hiện đại, nó nổi lên như tác dụng bị lỗi trong thời kì truyền thông phát triển. Ở xã hội cũ, khi ghét bỏ nhau người ta thường tìm cách tránh gặp nhau và do đó hiếm khi lòng thù ghét là lí do để gắn kết được mọi người. Nhưng ở thời kì bùng nổ truyền thông, mọi người hoàn toàn có thể gắn kết với nhau chỉ bằng cách đưa ra một ý tưởng, và thù ghét đơn giản là một trong nhiều ý tưởng được đưa ra ấy. Rồi sau đó người ta dễ dàng tìm được nhau nhờ nút search, và tụ tập nhờ nút join.
Khác với bản sắc nhóm được gắn kết bằng tình yêu hoặc lòng ngưỡng mộ, nơi đối tượng chính cảm thấy dễ chịu khi gia nhập với fan; lòng thù ghét và sự khinh thường chỉ có thể gắn kết những kẻ thù ghét (hater) lại với nhau, trong khi đó đối tượng chỉ cảm thấy phiền hoặc sợ anti-fan, và không bao giờ dám gia nhập nhóm. Thứ mô hình nhóm này độc hại từ bản chất, không chỉ bởi lòng thù ghét là thứ không nên nuôi dưỡng, mà còn bởi trớ trêu ở chỗ nó tồn tại được vốn nhờ ở sự tồn tại của đối tượng, giả sử đối tượng chết đi theo đúng ý muốn của anti-fan, thì lập tức anti-fandom ấy cũng chết theo.
Ở cấp độ nhẹ hơn khi anti-fandom chỉ khinh thường đối tượng và tìm cách để chơi khăm họ, như những gì một bộ phận sinh viên Bách Khoa đã làm, thì điều này cho thấy vấn đề khác. Đó là lòng tự trọng của anti-fan rất thấp. Biết rằng luân lí xã hội này không ủng hộ sự thù ghét, mọi hành động thù ghét nổ ra sẽ được dập tắt ngay lập tức. Đây chính là điều xảy ra với nam sinh viên Bách Khoa, cậu ta bị giật mic ngay lập tức để ngăn chặn hành động chơi khăm. Có nghĩa là mọi điều anti-fan cố gắng làm là gây tổn thương chút ít đến đối tượng, còn bản thân phải trả giá cao hơn nhiều.
Điều này lí giải cho hành động đeo bám của anti-fan mà bất cứ ai nổi tiếng một chút trên mạng cũng từng gặp phải. Các anti-fan mất công theo dõi đối tượng nhiều ngày chỉ để chờ một cú đánh lén, sau đó bị block. Rồi lại tạo tài khoản mới, đeo bám, đánh lén, bị block. Cứ như vậy vĩnh viễn. Họ không tôn trọng người khác đã đành, nhưng họ còn không tôn trọng cả bản thân họ.
Nói tóm lại, văn hoá anti-fan dường như là một tác dụng phụ đầy lỗi của thời đại truyền thông, nơi những kẻ bệnh hoạn tụ tập với nhau vì mục đích tàn phá đối tượng và chính nhóm của mình, như thể một cuộc tự sát văn hoá điên rồ và mù quáng.

Tài liệu tham khảo

[1] media-studies. “Henry Jenkins and Fandom.” Media Studies, 12 Mar. 2022, media-studies.com/fandom/. [2] Hall, S. (1980/2008). Encoding/decoding. In N. Badmington & S. Thomas (Eds.), The Routledge critical and cultural theory reader (pp. 234–244). London, New York: Routledge. [3] https://www.facebook.com/reel/3154616421507920
TORNAD
31/5/2023