Như tiêu đề của bài viết: Thay đổi cách bạn xem bóng đá, chúng tôi - những người làm về phân tích mong muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn từ tổng quan đến những kiến thức chuyên sâu. Những nội dung giàu tính logic sẽ được diễn đạt một cách dễ hiểu nhất về chiến thuật, chuyên môn để các bạn đọc, không chỉ là các Fan bóng đá có cái nhìn sâu sắc hơn, thú vị hơn về bộ môn được coi là môn thể thao vua của thế giới.
Pep Guardiola diễn giải về sơ đồ chiến thuật tại Munich.
Nguồn cảm hứng từ đâu?
Khi xem một trận bóng bất kỳ, đôi khi trong một tình huống chúng ta chỉ tập trung vào trái bóng - Nghĩa là những diễn biến xoay quanh nó như cầu thủ đang giữ bóng, cầu thủ tranh chấp, hay tiền đạo chạy chỗ mà quên đi mất trong một trận đấu là sự làm việc của 22 cầu thủ trên sân, nghĩa là bao gồm cả vai trò của những cầu thủ xung quanh. 
Ví dụ cụ thể như thế này:
Trong trận Barca vs Porto, ở phút 85 Messi nhận đường chọc khe, anh rê bóng qua 2 hậu vệ đối phương rồi tung ra một cú cứa lòng, bóng không may chạm vào cột dọc rồi bật ra nhưng ngay lập tức, Suarez đã kịp thời đệm bóng vào lưới do trước đó anh đã ở một vị trí thuận lợi mà không bị ai theo kèm. 
Trong pha lên bóng này, chúng ta thường chỉ để ý vai trò của Messi, Suarez, hay hơn nữa là người đã thực hiện đường chọc khe cho Messi. Tuy nhiên có bao giờ bạn để ý hay thắc mắc một điều, liệu những cầu thủ khác của Barca xung quanh dù chẳng chạm bóng, họ có đóng vai trò gì không? Nếu có, liệu có bao nhiêu người bạn nghĩ đã tham gia và góp phần vào pha tấn công dẫn đến bàn thắng trên?
Từng bước chạy của các cầu thủ trên sân đều có mục đích. Một tình huống triển khai tấn công đôi khi có sự tham gia của 5 hoặc 7 người, thậm chí hơn, họ có thể không trực tiếp chạm bóng, những đóng góp lại rất nhiều. 
Tiếp theo đây, các bạn sẽ được thấy một số kiểu mẫu phối hợp nhóm kinh điển, được áp dụng ở những đội bóng lớn và đang rất thành công. Cùng phân tích một trận đấu nghẹt thở trong toan tính giữa Leeds United của Marcelo Bielsa và Manchester City với Pep Guardiola trong trận đấu tại vòng 4 Premier League. Trận đấu được nhiều người nhận định là 2 HLV đã ném hết những chiến thuật cũng như triết lý bóng đá của họ ra ngoài cửa sổ.

Đội hình ra sân.
Man city: 4/3/3 với De Bruyne và Foden trong vị trí tiền vệ công, trong khi Mahrez chơi cao nhất nhưng thực tế trong vai trò 9 ảo. 
Leeds: 4/1/4/1 với Phillips quen thuộc nắm vai trò cầu nối giữa hàng thủ và hàng công. Đáng chú ý bên trên, 2 cầu thủ hộ công ở giữa sân là Klich và Roberts, 2 tiền đạo cánh, trung phong là Bamford.
Đội hình ra sân của 2 đội.

Hiệp 1: Đội nhập cuộc tốt hơn là đội có bàn thắng trước.

Để hiểu Man city nhập cuộc tốt hơn như thế nào, trước tiên hãy nói về cách họ triển khai lên bóng, tận dụng sự linh hoạt của Foden và De Bruyne để khai thác điểm yếu trong hệ thống pressing của Leeds. Hãy cùng làm rõ:
Leed Pressing.
Phía cao nhất có 4 người pressing trực tiếp gồm: Trực diện khung thành có Bamford - gây áp lực lên 2 trung vệ của Man City, Roberts kèm Rodri - tiền vệ thấp nhất của Man city; Áp lực 2 bên được đảm bảo bởi Costa và Alioski.
Foden và De Bruyne chơi khá cao và lần lượt bị theo kèm bởi Phillips - người chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ bên phía Leeds và sự lùi về cua Klich để áp sát và hạn chế những pha bóng tạo đột biết sở trường của De Bruyne bên phía MC.
Hệ thống pressing của Leeds.
Cách Man City khai phá hệ thống pressing của Leeds ở khu vực trung lộ với Sự linh động của các tiền vệ.
Một cách tổng thể: Như đã nói ở trên, khi Leeds tổ chức tranh cướp bóng( Pressing) thì khu vực trung lộ của họ có sự xuất hiện của 2 người: Phillips và Klich - với vai trò là kèm Foden và De Buyne( cũng chính là 2 tiền vệ công của Man City). Tận dụng chính sự kèm cặp này, Foden và De Bruyne thường chủ động di chuyển không bóng nhằm chia cắt sợi dây kết nối của Phillips và Klich, nhằm tạo khoảng trống ở khu vực giữa sân.
Trong một diễn biến khác thì bộ đôi bên phía MC cũng thường xuyên thu hút Phillips và Klich về 1 phía nhằm tạo ra khoảng trống nhất định ở khu trung tuyến, để Rodri hay 2 hậu vệ biên là Mendy và Walker có thể đột phá rê bóng hoặc tung ra những đường chuyền vào khu vực này. Thông thường bóng sẽ được được chuyền cho Mahrez - người đá vị trí 9 ảo, sẽ thường xuyên lùi thấp để nhận bóng khi khoảng trống khu vực trung tâm được các đồng đội tạo ra.
Tổng thể cách Man city phá vỡ sự liên kết ở tuyến tiền vệ của Leeds.
Hãy xem video dưới đây và chú thích để thấy một số cách tiêu biểu mà các cầu thủ của Pep phối hợp với nhau để tạo ra khoảng trống:
1) Foden và De Bruyne giãn cách 2 bên, Mendy đột phá vào trung lộ, Mahrez lùi nhận bóng. 
2) Foden và De Bruyne giãn về giữa sân để tạo khoảng trống lớn hơn ở cánh.
Dưới đây là những hình ảnh thực tế trên sân:
Kiểu 1
Kiểu 2
Bàn thắng: Man city có được lợi thế sớm nhờ bàn thắng sau pha cut inside và dứt điêm vào góc xa khung thành rất đẳng cấp của Sterling. Nhưng có lẽ ít ai để ý rằng tình huống dẫn đến pha ghi bàn của Sterling có sự đóng góp rất lớn của Foden và De Bruyne.
Foden, De Bruyne và Sterling giãn cách các cầu thủ của Leeds, giúp Mendy có thể tung ra một đường chuyền trực diện cho các tiền đạo cao nhất. Trước đó, Mendy thực hiện một pha đột phá từ cánh vào trung lộ quen thuộc, như rất nhiều những tình huống anh và các đồng đội làm trong trận này.
Những cách lên bóng này được áp dụng không chỉ riêng khu vực cánh trái của Mendy và nó được triển khai một cách tương tự bên cánh phải của Walker trong rất nhiều tình huống. Đồng thời là khu vực giữa sân của Rodri cũng có nhiều cơ hội nhận bóng đột phá xộc thẳng vào trung lộ mỗi khi không phải nhận sự kèm cặp của Roberts bên phía Leeds.
Man City không những tấn công hay mà còn pressing rất bài bản.
Những người tham gia pressing năng nổ nhất gồm có bộ 3 tiền đạo và 3 tiền vệ. Sterling và Torres đảm nhận pressing chính lên 2 trung vệ của Leed, trong khi Mahrez pressing trực diện lên thủ môn, đồng thời vai trò che lấp Phillips, không cho thủ môn và các hậu vệ của Leeds có thể chuyền bóng cho cầu thủ này. Ngay sau bộ 3 tiền đạo là De Bruyne và Foden chơi bó giữa, mỗi người sẽ linh hoạt đảm nhận pressing lên một hậu vệ biên, đồng thời là Phillips mỗi khi cầu thủ này có bóng, trong khi Rordi là chốt chặn cuối cùng ở hàng tiền vệ. Man city không che giấu ý đồ muốn bóp chặt vị trí của Phillips- người đóng vai trò cầu nối giữa các hậu vệ của Leeds với tuyến trên.
Hệ thống pressing tầm cao của Man city, khóa chặt nhân tố Phillips.
Thực tế là Phillips rất cơ động, anh luôn di chuyển rộng 2 bên, luồn lách sau lưng của Mahrez để tìm cơ hội nhận bóng. Tận dụng mỗi khi Mahrez dâng cao pressing lên thủ môn. Tuy nhiên thì bất cứ khi nào cầu thủ này có cơ hội, De Bruyne và Foden sẽ ập vào cướp bóng ngay lập tức. Video dưới đây  là thực tế trên sân hệ thống pressing của Man City:
Một trong nhiều tình huống mà Phillips cố gắng di chuyển nhận bóng phá pressing nhưng ngay lập tức bị De Bruyne( hoặc Foden) áp sát.
Hệ thống pressing của The Citizens khiến những pha lên bóng của Leeds trong hiệp 1 đa số đều đứt gãy, họ thường phải phá bóng lên hoặc nhờ cậy vào những tình huống cướp bóng phản công. Tuy nhiên nhiều người có lẽ thắc mắc rằng tại sao cứ chơi áp đảo như thế này mà Man City lại loay hoay suốt cả trận mà không thể ghi thêm bất cứ bàn nào. 
Vậy nguyên nhân do đâu?
Từ vai trò của Phillips cho tới sự bế tắc của Man City.
Mọi thứ có vẻ thay đổi 180 độ khi ta vừa nói tới việc MC chơi áp đảo và khoá chặt vai trò của Phillips. Tuy nhiên thực chất phần này là đang nói đến vai trò hỗ trợ phòng ngự của Phillips. Còn nhớ Man City tấn công trực diện khi kéo Phillips và Klich ra 2 bên, để đối phó với nhưng tình huống lên bóng nhanh và nguy hiểm kiểu này, Phillips thường sẽ lập tức bỏ kèm De Bruyne( hoặc Foden) để lùi thẳng về ưu tiên bảo vệ khu vực trực diện khung thành. 
Tiền vệ của Leeds chấp nhận rủi ro để tham gia vào lá chắn phòng ngự phía trước khu vực cấm địa. Điều này sẽ giúp De Bruyne có nhiều không gian để xử lý bóng, rất có thể sẽ tung ra những đường chọc khe hay sút xa vốn là sở trường của anh. Nhưng thực tế mọi thứ đã không tồi tệ như vậy. Xuất phát từ 2 nguyên tắc phòng ngự, chống phản công rất cơ bản nhưng vô cùng quan trọng. Đó là:
 1. Tập trung đông nhất có thể, bảo vệ khu vực trực diện khung thành, tương tự như một lớp chắn, chấp nhận bỏ lại khoảng trống 2 bên cánh.

 2. Giữ cự ly hẹp giữa các cầu thủ, điều này giúp bóng khó có thể xuyên qua( chống chọc khe), đồng thời giúp bọc lót hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn.
Vậy cụ thể vai trò của Phillips là gì? Đó chính là lùi sâu chơi như một hậu vệ thứ 5- điều này giúp co hẹp( che lấp) những khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ biên( nguyên tắc phòng ngự 2). Đồng thời các cầu thủ Leeds khi bị dồn bóng nhanh cũng chấp nhận bỏ lại 2 cánh cho Man City, ưu tiên bảo vệ khu vực trước khung thành( nguyên tắc 1).
Vai trò bọc lót của Phillips trong hỗ trợ phòng ngự.
Hình ảnh thực tế trên sân.
Đây là lý do giải thích vì sao nhiều anh em xem trận này thấy The Citizens cứ loay hoay ở 2 biên suốt cả trận đấu mà không tài nào có phương án nào đưa bóng vào trong sắc nét cả( Mahrez thậm chí đá dạt biên để có bóng, bỏ lại bên trong chẳng có ai). Ngay cả De Bruyne cũng đã có những pha bóng đột biến dứt điểm từ xa nhưng bóng gần như không thể xuyên qua nổi lớp cầu thủ khít như bức tường của các cầu thủ Leeds, phần lớn họ đều chỉ đưa bóng sang 2 biên cho Sterling hay Torres.
Một điều quan trọng nữa là các cầu thủ của Leeds lùi về rất nhanh và đông quân số hỗ trợ phòng ngự, thể lực tốt không phải là quá xa lạ khi đã có rất nhiều bài báo nói về cách huấn luyện kỷ luật của HLV Bielsa. Điều này có nghĩa là các cầu thủ MC khi có cơ hội lên bóng họ phải tổ chức những phương án phối hợp dứt điểm thật nhanh, nếu không những khoảng trống sẽ đóng lại ngay lập tức. Tất nhiên Pep cũng hiểu điều này, và nó thể hiện rõ hơn ở những thay đổi về con người và cách chơi mà ông áp dụng trong Hiệp 2, tuy nhiên nó cũng bộc lộ ra vấn đề ở cách vận hành hàng công của Man City. Ta sẽ dần tìm hiểu ở phần Phân tích hiệp 2.

Hiệp 2: Những thay đổi người đầy toan tính của cả 2 HLV

Hiệp 2 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ cua Leeds khi họ có những thay đổi về con người cực kỳ quan trọng, những pha lên bóng ngày càng sắc nét hơn đồng thời ý đồ chơi dần được bộc lộ. Bên cạnh đó ta cũng sẽ được thấy cách Pep Guardiola vá những lỗ hổng ở hàng tiền vệ, đồng thời có những phương án thay đổi trong tấn công.
Trước tiên, hãy cùng đi sâu hơn về cách Leeds tấn công.
Leeds và những thay đổi.
Như đã phân tích trong hiệp 1, bên phía Man City, Foden và De Bruyne sẽ cùng với bộ 3 tiền đạo sẽ là những người dâng cao pressing đồng thời tham gia tấn công. Do vậy trong trường hợp bị cướp bóng và phản công, những cầu thủ còn lại thường là 4 hậu vệ và tiền vệ Rodri - tham gia vào nhiệm vụ đánh chặn. Leeds muốn khai thác khu vực trung lộ và 2 cánh của Man City, cụ thể là vị trí của Mendy, Walker ở 2 bên cánh và Rodri ở giữa sân.
Với 5 người trên hàng công, Bielsa đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước bài toán lối chơi của Man City. Hãy nhìn qua bức hình bên dưới, rồi mình sẽ giải thích ý đồ của Bielsa:
Rodri bất lợi 1 vs 2.
Bamford - người đảm nhiệm vai trò trung phong, sẽ chơi cao nhất và đẩy lùi 2 trung vệ của MC về phía khung thành. 2 tiền đạo cánh giúp Leeds lên công đa dạng ở cả 2 biên. Quan trọng nhất là sự linh hoạt của 2 tiền vệ trung tâm khi Leeds cầm bóng và tấn công ở khu vực giữa sân: đây là khu vực thể hiện rõ nhất ý đồ cài cắm của Bielsa -  khai thác từ vị trí của Rodri. 2 tiền vệ này có vai trò: 
1. Một người bó sát về cánh kết hợp với tiền đạo cánh và hậu vệ biên để tạo thành bộ 3 phối hợp lên bóng( điều này sẽ khiến Rodri phải dạt ra cánh hỗ trợ các đồng đội phòng ngự). 
2. Tiếp theo, người còn lại trong 2 tiền vệ này sẽ tận dụng khoảng trống ở trung lộ, nơi mà Rodri bỏ lại, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giúp luân chuyển bóng nhanh sang cánh còn lại. Lưu ý rằng 2 cầu thủ này thường xuyên đổi vị trí cho nhau.
Tổng thể ý đồ tấn công của Leeds.
Sự lột xác trong hàng công của Leeds càng rõ hơn khi HLV Bielsa thay tiền vệ số 43- Klich bởi tiền đạo Rodrigo, đồng thời cánh phải của Leeds có sự xuất hiện của tiền đạo Poveda, một cầu thủ có khả năng xử lý và giữ bóng tầm gần ấn tượng, Leeds bắt đầu lên bóng rõ nét và tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn trong hiệp 2.
Roberts lệch cánh phối hợp tấn công, Rodri bị kéo ra biên. Lập tức, Klich bó vào giữa tận dụng khoảng trống do Rodri dời vị trí.

Khu vực của Rodri liên tục bị khai thác.
Hệ quả là Leeds đã có được rất nhiều cơ hội và đường bóng sáng trước khung thành của Ederson, tuy nhiên họ vẫn thiếu đi một chút may mắn cũng như sự sắc bén ở khâu dứt điểm cuối cùng. Tuy vậy, Leeds vẫn có được bàn gỡ 1-1 ở phút 59 từ một tình huống phạt góc cố định và nhờ pha phá bóng lóng ngóng của hàng phòng ngự Man City. Từ đây nhịp độ trận đấu bắt đầu dồn dập khi Man city dồn rất đông cầu thủ lên tấn công nhằm giành lấy 3 điểm.
Pep Guardiola không phải không nhận ra những vấn đề trong đội hình của ông, điều đó được thể hiện bằng những thay đổi về người và chiến thuật ở nửa cuối hiệp 2, tuy nhiên nó cũng sẽ nói lên 1 vấn đề ở hàng công của Man city mà Pep đang gặp phải. Ta hãy cùng đi tìm hiểu ở phần cuối này nhé.
Vá hàng thủ, thay đổi hàng công cùng những vấn đề.
Những sự thay đổi về người gồm có Bernardo Silva vào sân thay cho tiền đạo cánh phải Torres, Fernandinho thay cho Mahrez, và hậu vệ biên Mendy - người đã phải nhận một chiếc thẻ vàng và rất nhiều tình huống phòng ngự lóng ngóng, được thay bởi hậu vệ Nathan Anke. 
Nhưng nhân sự chưa phải là thay đổi quan trọng nhất, mà là sự điều chỉnh về đội hình. Man city chuyển sang chơi với đội hình 4/2/3/1, Fernandinho giành lại sự cân bằng ở tuyến giữa cùng với Rodri, khu vực đã bị các cầu thủ Leeds khai thác nhiều lần trước đó. De Bruyne và Bernardo chơi bó trong đảm nhận việc triển khai và phối bóng, Bernardo cũng đã thể hiện nổi bật hơn Torres trước đó với những pha xuống biên, cut inside và dứt điểm. Bên cạnh đó, Man City có phương án đưa bóng vào trong khi Sterling bó vào đá như trung phong, còn Foden được đẩy lên để đảm nhận khu vực cánh trái cũ của Sterling. Tận dụng tốc độ của Sterling để chạy băng cắt đón những đường căng ngang của Foden.
Fernandinho giúp gia cố khu vực tiền vệ phòng ngự, De Bruyne là trung tâm luân chuyển bóng, Sterling trung phong còn 2 bên cánh là Foden và Bernardo Silva.
Đội hình 4/2/3/1 của Man city trong hiệp 2.
Nhiều tình huống Foden xuống biên căng bóng cho Sterling, tuy nhiên giải pháp này chưa thực sự tạo nhiều dấu ấn về mặt hiệu quả.
Với Sterling phải đá trung phong( trong hiệp 1 là Mahrez) cho thấy Man city đang thiếu đi sự đột biến cuối cùng để dứt điểm đối phương. Hay nói đúng hơn, họ đang thiếu một trung phong đích thực ở bên trong đủ sắc sảo để mang lại đột biến trong những tình huống quyết định. Với Aguero đang dần tới bờ dốc phong độ cùng dấu ấn tuổi tác thì Pep đang rất cần một sự bổ sung thay thế trên hàng công, cụ thể là một trung phong thay vì chỉ có thể khoét 2 biên rồi lại bế tắc trong việc đưa bóng vào trong.
Trận đấu khép lại với tỷ số 1-1, những con số tuy nghèo nàn nhưng những diễn biến trên sân lại cho khán giả thấy rất nhiều toan tính chiến thuật và khả năng đọc trận đấu của 2 HLV. Hy vọng những phân tích dù chưa thực sự đầy đủ nhưng đã phần nào gửi gắm đến bạn đọc một góc nhìn đào sâu hơn về bóng đá đỉnh cao.
Kết.
Bài viết được form vừa đủ dễ hiểu, nhưng vẫn cài gắn những chi tiết mang tính logic, suy luận với mong muốn mang tới cho người đọc những khoảng thời gian suy ngẫm. Thậm chí khi bạn đọc lại lần thứ 2, lần thứ 3, bạn càng thấy cái hay và rõ ràng hơn những kiến thức, thông điệp mà bài viết muốn truyền tải. Cũng giống như bóng đá vậy, bạn càng hiểu sâu, bạn càng thấy nó thú vị.
Nếu bạn đọc muốn tham khảo nhiều hơn những bài phân viết hay video phân tích tương tự, có thể theo dõi qua kênh Youtube của Team: https://www.youtube.com/channel/UCV_YZyP_Ef75cA3aj9s5e2w
Lời cảm ơn: Trước tiên xin được cảm ơn Spiderum đã và đang xây dựng một cộng đồng, nơi mà mọi người có thể viết và chia sẻ những góc nhìn, kiến thức thực sự bổ ích. Cảm ơn bạn Hiếu( Man Cloud) cùng Team Góc Chiến Thuật đã là những người cộng tác và đóng vai trò rất lớn trong việc hoàn thiện bài viết. 
Hẹn gặp lại mọi người ở những sản phẩm tiếp theo!
Hữu Thịnh.