Một thiên tài làm việc như thế nào? 
Quy trình làm việc lý tưởng nhất mà bạn có thể nghĩ ra cho họ là gì, liệu có phải là tuần tự các bước: Đặt mục tiêu, lập kế hoạch, thực hiện nó, sửa lỗi sai nếu có và kết thúc. Umbala…một kiệt tác ra đời.
Thế nhưng nếu dùng đó làm thước đo với Leonardo Da Vinci, thì ông là một kẻ vô tổ chức. Thậm chí, ông tự coi cuộc đời mình là một sự thất bại vì đã thiếu kỷ luật, không có khả năng hoàn thành công việc. Ông thường nhìn chằm chằm vào những bức tranh của mình trong thời gian dài, thêm một nét vẽ nhỏ, rồi bước ra khỏi phòng. Và sau đó…ông trở lại để sáng tác một tác phẩm mới.
Thực ra ông giống với chúng ta hơn ta tưởng, ông là một người ưa trì hoãn. Chúng ta thường vật lộn với ý nghĩ sao mình cứ lần lừa với những việc quan trọng và mãi mà chẳng làm được trò trống gì. Nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn tốt nghiệp đại học, tìm kiếm một công việc, hoàn thành task do sếp giao, trả các hóa đơn đúng hạn, rửa chén, nấu ăn hay chăm sóc con cái và cả… tặng quà cho bạn gái không sót các ngày 14/2, 8/3, 20/10, sinh nhật, kỷ niệm. 
Còn với Da Vinci, ông đã “bỏ bom” ngay từ công việc đầu tiên. Năm 1478, ông là họa sĩ cho một bức tranh thờ trong Nhà nguyện San Bernardo. Mặc dù đã nhận trước 25 florin nhưng Leonardo vẫn không giao hàng. Đến khi làm việc cho Vatican được ba năm, ông đã bị Giáo hoàng Leo X sa thải và nhận lời phàn nàn: “Người đàn ông này sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì, vì anh ta bắt đầu bằng việc nghĩ đến sự kết thúc của công việc, trước khi bắt đầu.”
Ảnh: Etsy
Ảnh: Etsy
Hay bức tranh nổi tiếng nhất của ông  - Mona Lisa vẫn còn chưa được hoàn thiện cho tới khi ông qua đời. Da Vinci bắt đầu vẽ bức Mona Lisa vào năm 1503 và tiếp tục hoàn thiện nó cho đến…14 năm sau, vào năm 1517. Ban đầu, ông hào hứng bắt tay vào việc sáng tác, liên tục đào sâu hiểu biết cơ thể người vì muốn sao chép chính xác về mặt giải phẫu và mang lại cảm giác cực kỳ chân thực. Quá trình đó mất nhiều năm, hay nhiều thập kỷ và cuối cùng… là bị bỏ dở. 
Có rất nhiều đồn đoán về việc ông không có khả năng hoàn tất các tác phẩm của mình. Một trong những giả thuyết hấp dẫn là ông có thể mắc chứng ADHD (Attention deficit hyperactivity disorder - Rối loạn tăng động giảm chú ý). Không đơn giản là vì ông thiếu động lực hay không đam mê công việc của mình, ngược lại, ông được biết đến là người làm việc liên tục không kể ngày đêm. Ông thực sự có vấn đề vì não bộ của những người ADHD hoạt động khác với người bình thường. Chứng bệnh này khiến ông ngủ rất ít, không có khả năng hoàn thành những công việc đã bắt đầu, hay quên, kỹ năng quản lý thời gian kém. Tuy vậy, căn bệnh đó cũng là một món quà khiến ông luôn tò mò, không ngừng bị quyến rũ bởi những điều bí ẩn, nhìn nhận thế giới một cách đa chiều, và dĩ nhiên khiến ông trở nên sáng tạo hơn người. 
Và hẳn là giống như chúng ta, ông đã rất tức giận và thất vọng về bản thân vì đã “Không cố thêm một chút nữa để làm tốt hơn”. Đó là điều mà ông vẫn hối hận cho đến lúc chết.
Điều này khiến ta rút ra điều gì? Đôi khi ta phải cúng tế một năng lực nào đó để đổi lấy khả năng sáng tạo. Sự đánh đổi ấy có thể ảnh hưởng đến danh tiếng, khiến ta chịu sự chỉ trích của người khác, làm cuộc sống này vất vả hơn hay là khiến mình tự hoài nghi về bản thân. Thật khó tưởng tượng ra một người luôn chỉnh chu, biết cách cân bằng cuộc sống, không bao giờ chống đối điều gì, không mắc sai lầm nhưng lại vô cùng giàu ý tưởng, phá cách, đột phá. Hai cái đó đơn giản là không thể cùng tồn tại. Và thật hài hước khi ta thất vọng về bản thân khi không duy trì được hai trạng thái đó cùng một lúc.
Còn bạn, bạn lựa chọn điều gì?