TÔI KHÔNG MUỐN CÓ CON
(Viết với tư cách là một đứa trẻ đang tập cách nói. Viết cho sự ra đi khi còn quá non nớt của một cô bé ngày hôm nay… ) ...
… Vì tôi không tự tin mình có thể nuôi dạy chúng.
(Viết với tư cách là một đứa trẻ đang tập cách nói. Viết cho sự ra đi khi còn quá non nớt của một cô bé ngày hôm nay… )
.
Gia đình tôi là một gia đình bình thường. Chẳng có đổ vỡ. Bố mẹ tôi vẫn yêu nhau, vẫn sống hạnh phúc, vẫn làm mọi việc để chu cấp cho tôi một đời sống vật chất đủ đầy.
Một gia đình bình thường và có vẻ như là khá ấm áp như bao gia đình mà bạn có thể thấy được một cách vô tình hay cố ý, ở khắp mọi ngóc ngách trên thế giới này.
Nhưng tôi không muốn có con. Hay nói đúng hơn, tôi không muốn, và cũng không biết rằng, sau này liệu mình có trở thành một phiên bản khác của bố mẹ tôi hay là không.
.
Ngày lớp 1. Tôi thích một bạn trong lớp. Ở cái độ tuổi tiểu học mũi còn chưa vắt sạch, đương nhiên, điều tôi làm khi thích một người là bắt nạt người đó.
Tôi bắt đầu gây sự. Tôi làm mọi thứ ngu ngốc như lấy trộm hộp bút cho cậu đi tìm, vứt cục tẩy của cậu xuống đất, giật tóc cậu mỗi lần đi qua. Và có một lần, tôi lỡ tay đấm cậu ấy một cái mạnh. Máu mũi chảy ra, cậu ấy nức nở, còn tôi thì sợ điếng người.
Sau ngày hôm đó, đương nhiên là tôi bị trận đòn thật đau và cũng hết thích cậu ấy ngay trong phút chốc. Tại cậu khóc làm gì, để tớ bị đánh. Nhưng thực tế, tôi cũng sẽ chẳng nhớ cái chuyện về một người còn chẳng thể coi là mối tình đầu của mình đến vậy, nếu như tối ngày hôm đó, mẹ tôi không tưởng rằng tôi đã ngủ say, nếu như mẹ tôi chẳng nói những lời ấy.
“Mẹ thất vọng lắm.”
“Con làm mẹ xấu hổ quá. Mới đi học mà mẹ đã phải xin lỗi mẹ người ta.”
“Con xem xem con làm như thế có đúng không…”
“Xin con để cho mẹ yên.”
Tôi nghĩ mẹ tôi cũng thấy vô nghĩa khi nói những lời này với đứa trẻ 6 tuổi - làm sao nó hiểu được? Vậy nên bà mới thì thầm, bộc bạch những tâm tư ấy trong lúc tôi ngủ. Nhưng kỳ lạ là tôi hiểu. Và vì hiểu, tôi ngày ấy, khẳm sâu từng câu từng từ vào đầu một cách vô thức, nhớ hơn cả những cái roi đánh đít lại là lời nói cắt lòng.
.
Năm tôi lớp 4 hay 5 gì đó, tôi nghịch ngợm ở nhà bà ngoại và bị mắng. Tôi khóc nức nở, càng dữ dội hơn vì bác tôi gọi điện cho bố. Bố bảo sẽ đến đón tôi ngay, tôi thầm nghĩ bố sẽ bảo vệ tôi khỏi “thế lực xấu xa" là bác - người đã mắng con của bố vì một chuyện chẳng đáng là bao (mà giờ nghĩ lại cũng đúng chẳng đáng là bao thật : sự vụ là tôi và bác tranh nhau cái điều khiển TV).
Nhưng khi bố tôi đến, ông ngồi nói chuyện thật lâu thật lâu với bác, chứ không có xem tôi ngay như tôi đã nghĩ. Ông kéo tôi về mà chẳng nói chẳng rằng. Ngày ấy, ngồi sau tấm lưng vừa to vừa chắc của bố, tôi nghe ông nói : “Sau này bố sẽ không bao giờ cho con sang nhà bà nữa. Con ở nhà mà tự chơi.”
Nước mắt còn chưa khô trên gương mặt tôi bỗng dưng tê tái và rét buốt hơn bao giờ. Lần đầu tiên tôi cảm thấy ngồi sau xe bố sao mà lạnh thế.
Cũng là lần đầu tiên tôi hiểu rằng, tôi không nên gây rắc rối. Hoặc ít nhất là tôi có thể tự xử lý nó. Vì một đứa trẻ làm phiền đến bố mẹ là một đứa trẻ không ngoan. Và một đứa trẻ không ngoan thì sẽ không được yêu quý.
.
Học lớp 6, tôi để mái chéo dài. Ngày ấy tôi nghĩ thế là hay, là mốt.
Mẹ tôi dường như rất để tâm và hay chế giễu tôi vì thế. Nhưng thời kỳ phản nghịch mà, mẹ càng chê thì tôi càng giữ.
Rồi một buổi chiều đi học về, mẹ lôi xộc tôi vào nhà, mặc tôi vẫn ngỡ ngàng mắt tròn mắt dẹt. Bà lấy cái kéo to, dí vào mặt tôi, quát tháo.
“Mày mà còn để cái tóc này là tao cạo sạch đầu mày ngay bây giờ.”
“Đừng có để tao nói nhiều nhìn lôi tha lôi thôi đéo ra đâu vào đâu cả con gái con đứa.”
Trong đầu tôi thì vẫn văng vẳng lời cô giáo chủ nhiệm tâm sự : “...Mẹ em buồn vì tóc của em nhiều…” Tôi lúc ấy không rõ màu trong mắt mẹ tôi là buồn hay không. Nhưng có một điều tôi rất rõ, rằng lòng mình như bị chia đôi bởi cây kéo đang dí lên đầu tôi lúc ấy. Một bên run vì sợ, một bên run vì buồn.
Từ ngày ấy cho đến mãi về sau, tôi vẫn luôn tự nhủ, sau này khi tôi có con cái và trở thành một bậc phụ huynh, tôi sẽ không làm vậy với chúng. Tôi sẽ không tạo cho chúng những tổn thương như tôi đã phải chịu đựng.
.
Gia đình tôi không phải là một gia đình “cởi chuồng" - hay “the naked family", nếu bạn có xem trong Sex Education của Netflix. Chúng tôi không chia sẻ bao giờ, và chúng tôi cũng ghét cái việc cho gia đình mình xem những bản dạng trần trụi nhất của bản thân (xem mình “cởi chuồng"). Đương nhiên đi kèm với không một cuộc trò chuyện thân mật, trong gia đình chúng tôi cũng ít khi tồn tại lời khen hay những cái xoa đầu.
Nói cách khác, tôi chưa bao giờ cảm thấy có sợi dây nào kết nối gia đình tôi ngoài việc đó là bố mẹ tôi, người đã nuôi tôi lớn, cho tôi ăn học, ảnh hưởng phần nào đến tính cách của tôi. Và tôi là con họ, người có nghĩa vụ đền đáp lại công sinh thành và nuôi dưỡng của họ, yêu thương và chăm sóc họ, làm tròn chữ “hiếu".
Cấp 3 là một trong những tháng ngày tôi bất mãn với bố mẹ nhiều nhất, cũng là một trong những tháng ngày tôi mẫn cảm nhất với tất cả mọi thứ xung quanh, tất cả mọi người, mọi lời nói, mọi hành động. Mẫn cảm vì áp lực điểm số ngày mới vào chuyên, áp lực vì nghĩ mình không đủ giỏi, áp lực vì bị so sánh với con nhà người ta (đương nhiên, tôi nghĩ hầu như ai cũng từng bị như thế này), áp lực vì những mối quan hệ cứ ngày một ít dần, áp lực vì ngoại hình của mình bị chỉ trỏ, bàn tán.
Có lần bố vô tình biết điểm Toán của tôi từ mẹ. Bố bật thốt, sao mà học dốt thế! Như bị kích vào một công tắc nào đó trong người, tôi bật nảy lên vừa cãi vừa như chực khóc. Lúc đó tôi nghĩ rằng, nếu đã không bao giờ để ý từ đầu, nếu đã không bao giờ quan tâm và khen ngợi khi con mình đạt được một điều gì đó trong quá khứ, thì ít nhất bây giờ ông cũng đừng nên để tâm mới phải. Tôi nghĩ vậy, và tôi bật thốt ra vậy.
Bố tôi ngớ người, lồng lộn lên, rồi lại trầm mặc trong sự khuyên can của mẹ. Mẹ hỏi tôi, bây giờ con hãy nói hết ra để bố mẹ biết con nghĩ gì. Bố tôi thậm chí còn lên tiếng, để con áp lực là lỗi của bố mẹ.
Như có một điểm tựa, tôi thành thật nói. Lộn hết sự can đảm và tâm gan phèo phổi của mình ra mà nói.
Chuyện sau đó thì cứ như phim truyền hình.
Tôi bị bố đánh. Đè xuống đất mà đánh. Đầu tôi trống rỗng. Như thể mọi việc lại tua lại điểm bắt đầu. Sau khi hoà hoãn thì ông xin lỗi. Nhưng tôi vẫn nghe được tiếng thở dài giữa đêm của bố nói chuyện với mẹ, rằng “Con với chả cái… Mất dạy…”
Liền mấy hôm sau tôi đến trường sớm nhất có thể. Như chạy trối chết ra khỏi nhà. Cho tận đến khi gục mặt khóc được một lúc trong cái hành lang lớp trống huơ trống hoác, một mớ những rít gào không tiếng động mới bật tuôn ra xối xả như mưa lũ mùa hạ, mưa ngập mưa lụt tâm trí một đứa trẻ 15 tuổi là tôi lúc ấy.
Hồn tôi ướt đẫm, nhỏ giọt tí tách liên hồi như cái bình bị nứt. Một cái gì đó từ tận sâu trong tâm can tôi vụt tắt.
Tôi nhận ra rằng, à, thực tế tôi đã sai khi tin bố mẹ mình. Tôi không nên đòi hỏi và yêu cầu mình được lắng nghe, được thấu hiểu, vì khoảng cách của tôi và bố mẹ đâu chỉ có nửa gang tay như tối hôm đó, hay đâu chỉ có vài cây số như hiện tại. Rằng cái việc chia sẻ và muốn được hiểu hoá ra chỉ là mơ mộng hão huyền. Vì tôi thậm chí còn chẳng biết lúc ấy mình nói sai hay đúng. Tôi không được đồng tình, cũng chẳng được nói cho biết rằng mình sai ở đâu.
Rồi tôi lại khóc càng rấm rức hơn khi nghĩ đến lời xin lỗi và tiếng thở dài như có như không trong đêm ấy. Tôi biết họ cũng buồn và đau khi đánh mắng mình. Nhưng tôi tự hỏi liệu họ có thật sự cảm thấy xin lỗi, liệu lời xin lỗi ấy là thật sự chân thành, hay chỉ là một câu vu vơ thoáng qua để bình ổn đứa con ngỗ nghịch. “Dạy con phải có cách" - mẹ tôi nói.
…Hay là tôi chết đi nhỉ? Chết đi thì bố mẹ có thật sự cảm thấy xin lỗi không? Chết đi thì bố mẹ sẽ lắng nghe tôi chứ? Chết đi là xong thôi mà…
… Bây giờ nhảy xuống từ đây thì cái chết có đau lắm không nhỉ?
Nhưng may mắn, thật may mắn, tôi dằn được lòng mình lại. Dằn lòng để suy nghĩ theo một hướng khác :
Tốt nhất là không chia sẻ.
Và từ cái ngày 15 tuổi đó cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì thói quen không chia sẻ với gia đình mình bất cứ một ý kiến hay câu chuyện nào mà tôi nghĩ có vẻ bố mẹ tôi sẽ không thích. Đúng hơn, so với thói quen, thì đó là một nỗi sợ bản năng, một lần bị rắn cắn cả đời sợ dây thừng. Tôi học cách vừa nói chuyện vừa nhìn sắc mặt người đối diện. Mà nói càng ít thì càng tốt. Vì sai càng ít.
Từ cái ngày 15 tuổi đó cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hỏi, có chắc rằng tôi sẽ không trở nên như vậy khi tôi có con hay không?
Rồi tôi kết luận, tôi không nên nuôi dạy một đứa trẻ nào cả. Vì tôi không chắc mình sẽ giữ chúng an toàn và thoải mái trong chính ngôi nhà của mình, hay lại đến khi bản thân mới là thứ làm chúng cảm thấy sợ hãi mỗi khi kết thúc một ngày học dài mệt mỏi, lê đôi chân nặng trĩu mà chẳng muốn về nhà.
Hoặc cảm thấy không có nhà để về. Dù chỉ thoáng qua, lưng chừng và phút chốc.
.
Tôi hiểu và luôn hiểu rằng bố mẹ tôi vẫn yêu tôi rất nhiều. Và tôi cũng thương bố mẹ vô ngần. Nhưng có một sự thật là tôi không thể là chính mình khi ở gần họ.
Bố mẹ tôi hay tán dóc với bạn bè là hồi bé tôi nghịch ngợm, hoạt bát lắm. Không biết tại sao càng lớn càng trầm mặc, ít nói, và hướng nội. Những lúc đó tôi chỉ cười. Vì họ thật sự không biết, hay nói đúng hơn là không nhớ tại sao.
Người lớn thường nói tụi trẻ con chỉ như một lũ cá vàng. Được 3 ngày là quên hết sạch chứ nói chi là giận hờn.
Nhưng trên thực tế, trẻ con nhớ tất cả mọi thứ. Từ những ấm áp và tình yêu. Cho đến những tổn thương và đau đớn. Chúng chẳng quên cái gì bao giờ. Chúng chỉ chọn im lặng và bỏ qua. Vì không thấy bản thân mình có quyền được hờn dỗi, được cãi tay đôi, được phản kháng.
Nhưng trên thực tế, hoá ra cá vàng là người lớn mới phải.
Mà tôi, lại sợ chính bản thân mình trở thành một con cá vàng như vậy. Nỗi sợ ấy ăn mòn sự tự tin và tâm trí tôi, ăn mòn cả những kí ức tốt đẹp của gia đình tôi, nhất là khi nói về tương lai, về một tổ ấm.
.
Vậy nên
Tôi không muốn, và tôi sợ, cái việc sinh ra và nuôi dạy một đứa trẻ, hơn bất cứ thứ gì.
Tôi sợ con tôi nứt toác và vụn vỡ trong tình yêu tôi dành cho nó.
.
Gửi đến bố mẹ của con. Con không mong muốn người đọc được những dòng này hơn ai hết. Con hiểu chúng sẽ khiến trái tim người tan nát và thất vọng biết bao nhiêu lần.
Gửi đến những cô chú tìm thấy bản thân mình đâu đó trong đây. Điều đó không có nghĩa là con muốn phê phán và lên án bất cứ một bậc cha mẹ nào trên thế giới này. Các cô chú, hay bố mẹ con, đều không sai, và không bao giờ sai khi cố gắng để làm những điều tốt nhất cho đứa con ruột thịt bé bỏng của mình.
Chỉ là, dù tình yêu của cha mẹ có vô bờ, dù tụi con lớn lên khoẻ mạnh và hạnh phúc, dù tụi con thương cha mẹ nhiều hơn bất cứ ai trên đời, thì tụi con vẫn có những tổn thương không thể hàn gắn, những ám ảnh chẳng thế xoá nhoà.
Có lẽ, chỉ là tình yêu đó
đã được truyền đạt,
và tiếp nhận,
sai cách.
______________________
Bài viết gốc của mình:
Edit sau nhiều ngày ngồi đọc comment dưới bài viết :
Mình viết bài viết này sau khi bàng hoàng và thảng thốt đọc được câu chuyện bé Vân An bị bố đẻ thờ ơ, gián tiếp dung túng cho tình nhân đánh bé đến trọng thương mà chết. Nhiều người, gồm cả mình, đau xót, muốn đòi sự công bằng. Và trong những ngày tháng tới, ta cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với câu hỏi : cần phải làm gì để những chuyện thế này không còn xảy ra nữa?
Và trên thực tế, bạo lực gia đình không chỉ là những bạo lực về thể xác, mà còn là những bạo lực cả về mặt tinh thần. Hơn hết, không chỉ có những đứa trẻ trong những gia đình không toàn vẹn mới là những người mang nỗi đau "đáng được đau".
Mình thấy ở dưới có nhiều bạn giãi bày, và tương tự, cũng có nhiều những bình luận đả kích, nói tóm gọn thì mình có thể phrase lại những bình luận đó trong một câu như thế này : "Nhạy cảm vừa thôi, đồ mất dạy bất hiếu."
Tiện đây, mình xin trích mấy dòng trong một bài viết của cô Nguyễn Phương Mai trên FB như thế này :
"Nhiều người nói rằng, ngày xưa tôi bị đánh suốt, giờ vẫn ổn đấy thôi. Thật ra, hãy tưởng tượng, thay vì bị đánh, bạn được khuyên nhủ, nuôi dưỡng và dạy dỗ một cách văn minh khoa học hơn, thì giờ bạn có thể đã trở thành con người như thế nào?
Câu chuyện của bé Vân An là điều khủng khiếp nhất có thể xảy ra. Nhưng còn những điều khủng khiếp vừa vừa nho nhỏ mà ta dường như đang bỏ qua mỗi ngày? Liệu ta có sẵn sàng gọi công an khi nhìn thấy một ông bố đánh con? Liệu ta có phản đối khi thấy một bà hàng xóm cho con ăn đòn?
Và trên hết, liệu ta có nhận ra mình sai ở đâu khi ai đó can thiệp vào cách ta dạy con hay chính ta lại có thể kêu lên rằng: "Tôi chỉ quật cho nó một cái vào mông, làm gì mà to chuyện?"
Liệu ta có nhận ra nguồn gốc của bạo lực đôi khi là sự bất lực của chính mình?
Ngưng dạy con bằng đòn roi, liệu cha mẹ có làm được không?"
Để kết thì, đó là quan điểm của mình. Và again, chúng ta thảo luận ở đây, trình bày ý kiến của mình ở đây, trên hết cũng là lí do tại sao mình thấy rất thích Spiderum là ở chỗ : Chúng ta tranh luận trên nền tảng là chúng ta đều tôn trọng nhau và những quan niệm sống của người khác. Đúng không những người anh em?
Cảm ơn các bạn đã đọc đến tận đây. Chúc các bạn một năm mới tốt lành.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất