I. Lời mở đầu:
Vụ bạo hành bé gái 8 tuổi ở TP.HCM là vụ đang phẫn nộ cho dư luận Việt Nam. Tóm lược vụ án lại là bé gái N.T.V.A (8 tuổi) bị 'dì ghẻ' là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi) hành hạ dẫn đến tử vong tại chung cư Saigon Pearl. Khi đọc bài viết này, tôi yêu cầu các bạn hãy bỏ qua tất cả cảm xúc giận giữ và giữ vững lý trí. Vì chúng ta đang là đám đông cuồng nộ, mà đám đông cuồng nộ sẽ bỏ đi lý trí mà xuôi theo dòng chảy cảm xúc. Thôi vào vấn đề chính.
II. Tại sao bé gái 8 tuổi lại bị bạo hành:
Việc bạo hành trẻ em không phải là điều gì mới mẻ. Việc bạo hành trẻ em thường xảy ra ở các vùng quê, nông thôn. Nơi trình độ dân trí và giáo dục còn thấp. Vào vấn đề chính, tại sao bé gái 8 tuổi à không, tại sao nhiều đứa trẻ bị cha hoặc mẹ bạo hành?
Trước hết thì tôi xin nói luôn: tôi sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là toxic parents. Bạo hành là chuyện hết sức bình thường đối với tôi nên tôi có đủ kinh nghiệm và khả năng để giải thích vì sao cha mẹ lại bạo hành con cái. Tôi cảm thấy việc lên án và tìm cách phòng tránh chuyện này xảy ra vô lý lắm! Nếu phẫn nỗ mà vẫn ngồi đấy thì làm được gì? Nếu tìm cách phòng tránh nhưng không tìm cách chấm dứt thì nó sẽ xảy ra đến khi nào? Tôi muốn các bạn biết được cả cách phòng tránh, nguyên nhân và cách để nó KHÔNG BAO GIỜ TÁI DIỄN. Sau đây chỉ là các nguyên nhân phổ biến, chưa bao gồm các nguyên nhân quá sâu.
Nguyên nhân 1: "Giận cá chém thớt". Ha! Đây là nguyên nhân khá phổ biến, nhất là đối với những người khó điều khiển cảm xúc. Khi phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng sẽ khiến con người hay cụ thể là cha mẹ sẽ giảm đi sự thấu cảm. Và chỉ cần một việc trái ý, họ sẽ trút giận lên người đã gây ra lỗi lầm.
VD: A có người vợ là B và có con là C. Một ngày A bị sếp chửi và trong lòng bắt đầu giận dữ. Nhưng chắc chắn sẽ không thể chửi lại sếp rồi. Về nhà, A vẫn bực tức. B đưa nước đến cho A và vô tình làm rơi lý nước và làm vỡ ly. Cơn giận dữ của A đạt đến mức cực độ. A buôn lời chửi rủa B. C đến bên mẹ là B nhưng cũng bị A hét vào mặt. C khóc và A càng tức giận hơn. A ngày lập tức lấy cây gậy quất thẳng vào người C để trút giận.
Vậy đấy, chỉ vì bị sếp chửi mà A đã buôn lời chửi vợ và đánh con. Những hành động ấy có thể trút giận nhanh nhưng hệ quả lại rất lâu dài. Những người là nạn nhân của A sẽ trở nên lạnh nhạt và chán ghét A còn A sẽ cảm thấy tội lỗi vì những người là nạn nhân của mình không đáng bị như vậy.
*Cách khắc phục: Một lời xin lỗi là tốt nhất. Và hãy tìm cách tự kiểm soát cảm xúc. Vì nếu hành động này lặp đi lặp lại thì cảm giác tội lỗi sẽ giảm đi và tần suất của hành động này sẽ ngày càng tăng.
Nguyên nhân 2: do sự kì vọng của họ đối với con mình quá lớn, đến mức chi phối toàn bộ cảm xúc. Và khi con không đạt được như mong đợi thì họ bắt đầu la mắng, đánh đập.
VD: lại là A. A mong muốn con mình là C được học sinh giỏi nhưng nó chỉ được học sinh trung bình. Mọi sự kì vọng của A đổ vỡ. Lúc ấy, A chửi C sau buổi họp phụ huynh trở về. Sau khi thấy nó khóc và lên giọng nói lại mình. A không kìm được cảm xúc, liền lấy cây chỗi đánh A. Vậy, vì sự kì vọng của A đã không được đáp ứng nên A đã trở nên giận dữ và đánh C.
*Cách khắc phục: xin lỗi và dành thời gian nói chuyện với con. Nói chuyện là chìa khoá tốt nhất để giải quyết. Nên nói rõ sự kì vọng, mong muốn với con. Không nên đặt kì vọng quá lớn đối với con.
Nguyên nhân 3: có thể chính cha mẹ đó lúc nhỏ cũng rơi vào những tình huống bị cha mẹ bạo lực nên họ bị ảnh hưởng. Họ không nhận thức được những tác động, ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ, khi dùng bạo lực để dạy con. Cái này chủ yếu về tâm lý rồi nên tôi không nói nữa.
VD: A lúc nhỏ bị cha đánh đập liên tục. Trên lớp thì cô dạy là "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Vì vậy cậu nghĩ bạo lực là yêu thương. Và lớn lên cậu cũng đánh đập con vì nghĩ rằng chính hành động ấy thể hiện lòng yêu thương con. Vậy, chính tuổi thơ bị bạo hành đã "giúp" A bạo hành con mình.
*Cách khắc phục: ...Ờm, ừm... Nói thật, tôi có cách và biết khắc phục, nhưng tôi sẽ không nói. Vì như vậy tôi biết tôi sẽ bị chửi rất nhiều và có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tôi. Có thể tôi sẽ nói trong một bài viết khác nhưng tôi có thể tóm gọn trong hai từ: "Kiến thức" và "giáo dục".
III. Hành động của những người xung quanh?
Mục này tôi sẽ giải thích theo tâm lý.
Ta có thể thấy khi vụ việc này lên báo, rất nhiều người đã phẫn nộ và lên án. Đối với tôi thì nó rất vô dụng. Bạn rất dễ lên án người người khác, nhưng nếu đặt bạn vào trong trường hợp đấy, tôi không chắc bạn đã chịu lên tiếng, tôi cũng không chắc tôi sẽ lên tiếng. Tại sao lại như vậy? Đơn giản, hiệu ứng đám đông.
Hiệu ứng đám đông tôi sẽ không phân tích kĩ. Nhưng nói đơn giản là bạn luôn nghĩ khi mình sẽ luôn giúp đỡ người gặp nạn. Đặt bạn vào trường hợp ấy, nhưng ở trong đám đông đông người. Bạn thấy một cụ già bị xe tông. Trong trường hợp đó, có thể bạn sẽ cứu cụ già. Nhưng bạn đang ở trong đám đông, và bạn sẽ nghĩ rằng ai đó sẽ cứu cụ già, không phải mình thì người khác và cuối cùng lờ đi. Đó là suy nghĩ phổ biến. Chắc chắn là sẽ có nhiều bạn đọc đến đây sẽ nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm như vậy. Nhưng lời nói và hành động khác nhau lắm. Bạn nói mình sẽ làm, nhưng trong trường hợp đó, bạn sẽ bị rất nhiều thứ chi phối: công việc, thời gian và suy nghĩ,...
Okay! Cùng xem trường hợp bé gái 8 tuổi. Những người xung quanh khu đấy thường xuyên nghe bé gái khóc và hét lên vì bị đánh. Nhưng phản ứng của họ là gì thì có lẻ bạn đã rõ. Đến khi sự việc thương tâm xảy ra thì họ mới hối hận.
*Vậy giải pháp là gì? Câu trả lời quá dễ dàng: hành động, lên tiếng và hành động. Bạn có thể nghĩ rằng bạn sẽ hành động khi xảy ra trường hợp tương tự. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Bạn hãy nhìn lại xóm bạn, bạn có thấy xóm bạn có đứa trẻ bị đánh không? Có hả? Vậy khi nó bị đánh, bạn làm gì? Tôi dám cá rằng chưa đến 10% người dám lên tiếng và 5% người dám hành động. Tôi chỉ đưa ra lời khuyên, còn việc của bạn thì bạn tự biết.
-Lên tiếng khi thấy bất công và dám hành động.
-Đừng chỉ biết phẫn nộ mà không làm gì. Muốn thì sẽ tìm cách, không muốn thì ngồi đó mà viện cớ.
Tâm sự một chút thì lúc nhỏ tôi bị đánh rất nhiều, hầu như hằng ngày. Tôi luôn nghe những người hàng xóm nói về nhà tôi, phẫn nộ và xót xa. Nhưng khi tôi bị lôi ra ngoài đường và bị đánh. Họ làm gì? Họ đứng đó và nhìn rồi bàn tán. Phán xét người nào thì dễ lắm, lên tiếng thì rất khó còn hành động còn khó hơn.
IV. Làm sao để chấm dứt chuyện này?
Một lần nữa, tôi xin lỗi. Tôi không thể nào nêu cách để chấm dứt được. Nó động chạm quá lớn và còn động chạm đến rất nhiều thứ như giáo dục và luật pháp. Tôi sẽ không nói nhưng tôi sẽ nêu giải pháp.
-Cục bảo vệ trẻ em và tổng đài bảo vệ trẻ em. Họ là những người và tổ chức được thành lập để làm việc này, nên họ phải làm. Nhưng cách họ làm việc rất có vấn đề. Tôi sẽ không nói sâu. Khi có ai đó bị bạo hành, tôi thấy rất kì lạ, tại sao chúng ta lại phải làm trong khi những tổ chức này được thành lập để làm nhưng lại không hành động? Để thực hiện giải quyết vấn đề về bạo hành thì đủ loại giấy, thời gian thì quá lâu. CHO NÊN, cách tốt nhất là các tổ chức bảo vệ trẻ em PHẢI HÀNH ĐỘNG. Đừng có lên TV rồi nói phải dốc sức bảo vệ trẻ em mà lại không bảo vệ được.
V. Kết:
Thực sự thì tôi chưa hài lòng chút nào về bài viết này của tôi. Tôi không thể nói lên gốc rễ của sự việc. Tôi còn quá hạn chế về từ ngữ vì tôi chỉ mới học cấp 2. Lời nói của tôi quá nhỏ và với tâm lý ai cũng nghĩ sao mà lại nghe một thằng nhóc cấp 2 thì tôi quá e ngại. Nhưng tôi muốn dành lời cuối cho những ai thật sự biết suy nghĩ để tìm ra và giải quyết gốc rễ của sự việc. Đó là "thay đổi cách giáo dục của cha mẹ và Bộ giáo dục".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất