GEN Z-MỘT THẾ HỆ YẾU ĐUỐI!?
“Con sướng vậy rồi, còn đòi cái gì nữa?” “Tiền bạc, cái gì cũng có rồi, hồi xưa phải khổ hơn thế gấp trăm ngàn lần.” “Hồi xưa, người lớn toàn phải chịu đấm ăn xôi, khổ đủ thứ trên đời.”
Đôi lúc khi tôi đọc những bài tâm thư trên các trang mạng xã hội, thậm chí là trải nghiệm của bản thân khi tâm sự với người nhà, thì đều nhận được những câu khuyên nhủ như trách cứ từ người lớn:
“Con sướng vậy rồi, còn đòi cái gì nữa?”
“Tiền bạc, cái gì cũng có rồi, hồi xưa phải khổ hơn thế gấp trăm ngàn lần.”
“Hồi xưa, người lớn toàn phải chịu đấm ăn xôi, khổ đủ thứ trên đời.”
Những lúc như thế, tôi lại nghĩ có lẽ là bản thân chịu khổ chưa đủ, hoặc là do mình sướng quá rồi nên mới bị áp lực này nọ từ việc đâu đâu. Mà tôi nghĩ chắc không ít người cũng rơi vào tình trạng của tôi lúc đó khi đang cố tìm lời khuyên.Nhưng liệu có phải là chúng ta chịu khổ chưa đủ đã than cực, hay thật sự thế hệ của chúng ta cực hơn là những gì những thế hệ đi trước tưởng?
Đọc thêm:
Nhưng Gen “Z” tại sao lại khổ? Và tại sao gen “Z” như chúng ta lại có quá nhiều vật chất nhưng lại bị đủ thứ loại bệnh tâm lý trên đời?Rất nhiều người đem dẫn chứng ra và bảo là do chúng ta quá rảnh nên mới bị tâm lý, nhưng tôi lại không cho là vậy. Thật ra, đúng là gen “Z” sướng. Chúng ta sinh ra ở thời chiến tranh đã không còn, công nghệ thì phát triển, con người thời hiện đại, gia đình thì dư dả một tí của ăn của để. Hầu như nếu xét trên tháp nhu cầu Maslow, chúng ta đã ở ngưỡng thứ ba, và vô tình thế hệ trước cho rằng chúng ta đã ở “vạch đích” với họ rồi. Nhưng “vạch đích” của mỗi thế hệ sẽ mỗi khác, khi chúng ta đã đầy đủ vật chất, cũng là lúc chúng ta phải lo cho sức khỏe tinh thần và giá trị con người bên cạnh đồng tiền.
Thế hệ của chúng ta bây giờ đã không thể nào bán mạng vì tiền được nữa, bởi vì ở thời buổi công nghệ phát triển, kiếm tiền chỉ còn dựa vào một thứ duy nhất là “nỗ lực”. Rất nhiều hình thức kinh doanh tự chủ, và các công việc part-time cũng nhiều hơn. Và giờ đây, trên mạng xã hội cũng nhan nhản các bài viết “20 tuổi kiếm 20 tỷ”, “20 tuổi làm giám đốc”, “20 tuổi trở thành triệu phú”.
Đủ các bài viết khiến cho những đứa trẻ vừa chập chững lớn nghĩ rằng, phải kiếm tiền được vào lúc càng trẻ càng tốt.Đủ các bài viết khiến cho những bạn đang ngồi trên ghế trường đại học nghĩ rằng bản thân thật vô dụng vì vẫn còn cắm cúi vào sách vở.Quá nhiều áp lực đổ lên người những người trẻ tuổi mà người ở thế hệ trước sẽ không thể hình dung được. Đơn giản là vì khác biệt thế hệ sẽ dẫn đến khác biệt cách thức nhìn nhận vấn đề.
Giá trị bản thân của gen “Z” được đề cao hơn nhiều so với những thế hệ trước, họ đòi hỏi một công việc mà họ được thỏa sức tận hưởng công việc hơn là làm vì tiền. Họ muốn một chỗ làm mà giá trị bản thân của họ được tôn trọng hơn là “luồng cúi” vì những đồng tiền và công việc trước mắt. Vậy nên, chúng ta sẽ thấy không ít những bạn trẻ sẵn sàng bỏ việc để đi tìm bản thân. Và không ít người đang chật vật để trị liệu tâm lý ở độ tuổi còn quá trẻ mà các bậc phụ huynh sẽ không thể nào tưởng tượng nổi.
Đơn giản là vì mỗi thời mỗi khác, và gen “Z” thì có nhiều cái khổ hơn nhiều.Khi chúng ta không phải chật vật để kiếm tiền, chúng ta đua nhau xem ai sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi còn trẻ.Khi chúng ta không phải làm việc vì tiền, chúng ta phải tìm cho ra đam mê của mình ở lúc mà quá nhiều sự lựa chọn có sẵn và quá nhiều áp lực tuổi trẻ dành cho chúng ta.
Khi chúng ta đã “khổ” trên đống tiền từ gia đình đã có, chúng ta phải gánh chịu áp lực từ dư luận, bạn bè, và thậm chí là kỳ vọng từ chính gia đình.
Khi chúng ta đã có đủ đầy, chúng ta thiếu tình thương, thiếu sự đồng cảm, và thiếu cả sự tự tin để vào đời khi quá nhiều tấm gương sáng nhan nhản trên mạng xã hội.
Mặc dù chúng ta không có chiến tranh theo đúng nghĩa đen, nhưng chúng ta có chiến tranh ngầm giữa những người cùng thế hệ để kiếm thật nhiều tiền khi còn trẻ, và tìm cho ra đam mê của mình để khi làm việc, phải làm vì đam mê và thấy được giá trị của bản thân. Chiến tranh mà chúng ta có không phải là giành giật tính mạng như những người đi trước nữa, mà là giành giật sức khỏe tinh thần và một cái đầu lạnh để có thể giữ vững kế hoạch phát triển cho bản thân.
Thế giới này luôn luôn công bằng cho tất cả mọi người, vào lúc những thế hệ trước khổ cực vì đồng tiền, bù lại họ sẽ được những thứ mà chúng ta không thể có. Ví dụ như một tuổi thơ không lo không nghĩ, có thể mặc sức chơi những trò chơi dân gian, kết nối bạn bè, yêu đương thoải mái, nhưng ở thế giới của gen “Z”, vừa vào cấp hai đã suy nghĩ khởi nghiệp, thời đại học thì phải tìm việc tìm đam mê thay vì say đắm trong một mối tình.
Thế hệ "Z" là thế hệ đầy tiềm năng do chúng ta lớn lên trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng về công nghệ này vô tình tạo ra một sự đào thải cực kỳ to lớn và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động. Điều đó đã tạo ra một áp lực vô hình cho thế hệ lao động tiếp theo, Ngành Du Học Sinh sẽ nói sâu hơn vào vấn đề này vào bài viết của kỳ sau.Tôi hi vọng bài viết này sẽ giải đáp một phần về sự tồn tại của những định kiến về giới trẻ của chúng ta.
Nhưng chúng ta phải hiểu là mỗi thời mỗi khác, cái khổ của thế hệ trước chịu được chưa chắc đã phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta lúc này. Học hỏi từ những thế hệ đi trước để cải tiến, đồng thời phải tự tìm cách để củng cố sức khỏe tinh thần của bản thân là điều hoàn toàn nên làm, và đặc biệt là đừng vì những áp lực xã hội mà hiểu sai về tình trạng của bản thân nhé.
-LDN, Hoàng Đăng-
#Duhocsinh #Nganhduhocsinh #DuhocsinhCanada #18tuoi #dutien #Duhocbui #GenZ
Các bạn theo dõi thêm ở page của tụi mình nhé ~!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất