Nếu anh em từng là một game thủ với tuổi thơ dữ dội thì chắc chắn không thể không biết tới game Super Mario Bros (ngày xưa tôi gọi là trò Ăn Núm!) Game này ra đời năm 1986, có tất cả 32 màn chơi. Kỷ lục phá đảo trò này trong 33 phút 22 giây đã từng thống trị một thời gian dài. Đến năm 2007, một sinh viên tên là Nathan Parkinson đã phá kỷ lục chỉ với 6 phút 28 giây. 16 tháng sau, một người khác lại phá kỷ lục với 6 phút, 2 giây. Và kỷ lục ở thời điểm hiện tại là 5 phút 8 giây!
Bí quyết để phá đảo trò này trong thời gian cực ngắn là tìm được những lối đi tắt để không cần phải vượt qua hết 32 màn chơi dài đằng đẵng với rất nhiều chướng ngại vật. Nhưng dường như những lối tắt kỳ diệu như thế không chỉ hiện diện trong thế giới ảo...
Vào thế kỷ 19, ông vua dầu hỏa John D. Rockefeller mất 46 năm để làm ra 1 tỉ đô. Sang thế kỷ 20, Michael Dell đạt danh hiệu tỉ phú sau 14 năm. Kế tiếp là Bill Gates với 12 năm. Jerry Yang và David Filo chỉ cần 4 năm. Pierre Omidyar chỉ cần 3 năm. Sang đầu thế kỷ 21 thì có Andrew Mason chỉ mất vỏn vẹn... 2 năm!
Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu ta có thể học cách tìm ra những con đường tắt để thăng tiến sự nghiệp hay không? Quyển sách “Lối tắt khôn ngoan” của tác giả Shane Snow sẽ giúp ta thỏa mãn được phần nào thắc mắc này.

I. RÚT NGẮN

1. Hack thang

Trong chính trường nước Mỹ, thường thì thượng nghị sĩ là bước đệm để tiến lên chức tổng thống. Điều lạ lùng là theo thống kê, trong suốt 300 năm qua, tuổi trung bình của các tổng thống Mỹ khi nhậm chức là 55. Trong khi tuổi trung bình của các thượng nghị sĩ khi đặt chân vào Quốc hội là 62. Mấy ông Tổng thống đã làm gì để thăng tiến nhanh như vậy?
- Đẹp trai ư? Quên đi, làm tổng thống chớ có phải casting nam chính cho phim ngôn tình đâu.
- COCC? Anh em nên nhớ, ở đây đang nói chính trường nước Mỹ.
Có một câu danh ngôn nói rằng:
“Mỗi chiếc thang chỉ giúp bạn lên cao đến một mức nhất định mà thôi.”
Nghĩa là khi leo cao đến một mức nào đó rồi thì anh em phải nhảy qua một cái thang khác để leo lên tiếp nếu không muốn bị kẹt lại. Tác giả Shane Snow gọi bí quyết này là “hack thang”. Trong thời đại ngày nay, không chỉ có game thủ, tin tặc hay kỹ sư máy tính mới biết hack. Những ai có tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề đều có thể gọi là “hack”. Trở thành thượng nghị sĩ chính là con đường mà nhiều chính trị gia chen chân nhất, nên đó cũng là con đường chông gai nhất. Họ nhảy vào Quốc hội và thường bị kẹt cứng ở đó! Nhưng đa số các tổng thống thì không chơi cái trò mà mọi người đều chơi, các ngài lách ra khỏi lối mòn, áp dụng tuyệt chiêu để “hack xuyên tường” à nhầm... “hack xuyên Quốc hội”, vọt lên đứng “top server” luôn!
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của tốc độ. Siêng năng và may mắn chắc chắn nằm trong công thức thành công, nhưng không phải là tất cả. Chúng ta phải làm việc không những chăm chỉ hơn mà còn phải thông minh hơn, sáng tạo hơn, linh động hơn...
Có một anh chàng người Canda tên là Kyle MacDonald đã viết một cuốn sách kể về hành trình đổi chiếc kẹp giấy để lấy một căn nhà mà chính anh đã trải qua khi chơi trò “Bigger hay Better”. Trò này cũng hoạt động theo nguyên tắc “hack thang”.
“Hack thang” cũng hiện diện trong các hoạt động kinh doanh của những thương hiệu lớn:
- Điện thoại iPhone được sáng chế bởi một công ty chuyên về máy tính.
- Nghề đầu tiên của công ty chuyên về game Nintendo là in thẻ bài.
- Lúc mới thành lập vào năm 1938, công ty Samsung chuyên bán cá khô và hàng tạp hóa.
- Nokia khởi đầu là công ty sản xuất bột giấy.
- Sharp từng sản là nhà sản xuất bút chì bấm...
Thuật ngữ kinh doanh gọi đây là những công ty xoay trục (pivot) – nghĩa là chuyển đổi sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh trong tiến trình phát triển công ty.

2. Luyện tập với những bậc thầy

Có một cách khác để phát triển nhanh đó là “bái sư”. Trong quyển “Mật Mã Tài Năng”, tác giả Daniel Coyle cho rằng “Cách Huấn Luyện Bậc Thầy” là một trong 3 yếu tố để phát triển tài năng một cách tối ưu. Ý nghĩa của từ “người thầy” trong “Lối tắt khôn ngoan” thì rộng hơn, họ không đơn giản chỉ là những người đứng lớp, chuyên gia tư vấn hay chuyên gia huấn luyện... mà người thầy cũng là những người bạn mà ta chơi cùng, những quyển sách mà ta đọc được, những vị tiền bối truyền cảm hứng cho ta noi gương...
Trong quá trình thu thập tư liệu để viết nên quyển “Lối tắt khôn ngoan”, tác giả Shane Snow đã tham gia các hội nhóm những người trẻ đạt được thành tựu dưới 30 tuổi như Entrepreneur Council, Sandbox Network... Việc chơi với những người này đã truyền cảm hứng cho anh thành lập một công ty khởi nghiệp tên là Contently. Công ty của anh mau chóng nổi tiếng, tăng trưởng nhanh, và anh lại được giới thiệu vào những CLB khác đẳng cấp hơn như 30 Under 30, TechStars, NYC Venture Fellows...
Nghệ sĩ hài Louis C. K. phải mất 15 năm cần mẫn nỗ lực để trở thành vua hài nước Mỹ. Ngược lại, Justin Bieber lên ngôi ông hoàng nhạc pop chỉ trong một năm với sự giúp đỡ của hai bậc thầy trong ngành âm nhạc là ca sĩ Usher Raymond và ông bầu Scooter Braun. Tên tuổi mà danh hài Jimmy Fallon gầy dựng được không chỉ nhờ vào người quản lý tài giỏi mà còn nhờ vào cách anh miệt mài học tập theo lối diễn xuất của hàng loạt những danh hài nổi tiếng chỉ qua video. Anh tìm hiểu cặn kẽ về thân thế và sự nghiệp của từng người mà anh thần tượng. Anh có cả tá người thầy mà anh chưa một lần gặp mặt trực tiếp. Ngay cả Steve Jobs, nhà sáng lập độc tài của Apple cũng có một vị thầy là Bill Campbell.
Anh em nhớ nhé: thầy là phải xịn!

3. Phản hồi nhanh chóng

Cách thứ ba để rút ngắn thời gian phát triển là nhận được sự phản hồi nhanh chóng khi luyện tập.
Sự phản hồi cho chúng ta biết mình đang làm điều đó có đúng cách hay không, và nếu không thì mình đã làm sai ở chỗ nào. Thất bại sẽ chẳng bao giờ là mẹ của thành công nếu ta không chịu dẹp bỏ cái tôi để thừa nhận sai lầm của bản thân và cải thiện nó. Thái độ của của ta khi đối diện với thất bại là cực kỳ quan trọng.
Nếu thất bại để lại hậu quả tàn khốc thì ta nên tránh nó hết sức có thể. Nhưng nếu thất bại chẳng để lại hậu quả gì đáng kể thì ta nên chủ động nhích ra khỏi vùng an toàn để “được” thất bại và đồng thời cải thiện được bản thân. Ngôi sao bóng rổ Michael Jordan ném hỏng 9.000 cú và thua hơn 300 trận trong suốt sự nghiệp. Nhưng anh lại là cầu thủ bóng rổ giỏi nhất.
Một nghiên cứu do giáo sư Bradley Staats làm trưởng nhóm đã rút ra được một kết quả lạ lùng mà họ đặt tên cho nó là “nghịch lý của sự thất bại”:
“Kẻ làm hỏng thường thì lại làm hỏng. Ngồi xem người khác làm hỏng thì lại làm tốt. Đã làm tốt thì sẽ làm tốt hơn. Nhưng thấy người khác làm tốt lại chẳng khá hơn tí nào.”
Liệu có cách giải thích nào hợp lý cho kết quả này? Anh em đọc sách sẽ rõ.
Chúng ta ai cũng thích được khen, nhiều người còn cho rằng khi ta nhận được những lời khen có cánh hoặc những lời phản hồi tích cực sẽ khích lệ ta làm tốt hơn nữa ở những lần sau. Buồn cái là... kết quả nghiên cứu lại không thể hiện điều đó. Hai nhà nghiên cứu Avraham N. Kluger và Angelo DeNisi đã phát hiện ra những lời phản hồi vừa tiêu cực lại vừa cụ thể mới là những lời phản hồi thật sự hữu dụng.
Sự phản hồi đã giúp Upworthy trở thành công ty truyền thông phát triển nhanh nhất mọi thời đại. Sự phản hồi trong quá trình huấn luyện đã giúp học viện hài kịch The Second City biến những sinh viên với lối diễn xuất thảm họa trở thành danh hài....

II. ĐÒN BẨY

4. Nền tảng

Có một lập trình viên biệt danh là DHH. Anh được thuê xây dựng một bộ công cụ quản lý dự án. Nhằm tiết kiệm thời gian, anh quyết định viết nó bằng Ruby – một ngôn ngữ lập trình đơn giản, dễ học. Tuy nhiên trong lúc lập trình anh vẫn thấy Ruby chưa thật sự đơn giản. Thế là DHH quyết định tối giản nó bằng cách xây dựng một bộ Framework dựa trên nền tảng của Ruby, và đặt tên cho nó là Ruby on Rail. Sau khi anh chia sẻ bộ Framework lên mạng, Rail mau chóng lan rộng vì dùng nó dễ dàng và nhanh hơn cả Ruby. Nhiều kẻ tay ngang có thể trở thành lập trình viên chỉ trong một thời gian ngắn mày mò vọc vạch. Sau này, Rail còn được dùng để xây dựng các ứng dụng web như: Twitter, Yellow Pages, Hullu...
DHH từng chia sẻ:
“Anh có thể xây dựng trên đỉnh rất nhiều thứ có sẵn trên đời. Đã có người xây sẵn các nền móng khoa học trước đó rồi. Và tất cả là để trên đỉnh cao cuối cùng, anh tạo nên kiệt tác.”
Áp dụng triết lý trên, ở tuổi 30, DHH tham gia vào lĩnh vực đua xe và gặt hái được nhiều thành công chỉ sau 5 năm cầm vô lăng. Anh trở thành một trong những kẻ thăng tiến nhanh nhất trong lịch sử làng đua.
Nhà bác học Isaac Newton gọi việc phát minh ra những thứ mới mẻ dựa trên những thành quả của tiền nhân là “đứng trên vai những người khổng lồ”. Nền tảng chính là cái đòn bẩy để những sản phẩm và ý tưởng của ta cất cánh. Không chỉ riêng gì lĩnh vực khoa học - công nghệ, ngành giáo dục cũng không ngoại lệ.
Vài thập kỷ trước, giáo dục Phần Lan chỉ ở mức trung bình. Nhưng chỉ sau một thế hệ, nền giáo dục của họ đã vươn lên đỉnh cao của thế giới. Làm sao họ đạt được điều này?
Để Mị nói cho mà nghe một câu chuyện đã từng xảy ra tại VN: Một thằng nhóc học cấp 3 vô danh tiểu tốt có tài sáng tác nhạc. Việc hắn có được một bản phối chuyên nghiệp cho bài hát của mình thì gần như bất khả thi. Tuy nhiên, hắn nảy ra một ý tưởng mà sau này nhạc sĩ Huy Tuấn đánh giá là “trên thế giới hầu như không ai làm như thế cả!” : tên nhóc ấy đã viết một bài hát mới trên nền một bản phối có sẵn của người khác. Và hắn tạo ra một loạt sản phẩm âm nhạc gây sốt trong giới trẻ! Gã nhóc ấy chính là ca sĩ Sơn Tùng MTP. Tất nhiên là sau này, với nguồn lực đủ mạnh, Sơn Tùng đã tự tạo ra những bản phối của riêng mình.

5. Những con sóng

Trong môn thể thao lướt sóng có một kỹ năng còn quan trọng hơn cả kỹ năng lướt sóng. Đó là kỹ năng quan sát sóng biển. Nhờ nghiên cứu và rèn luyện kỹ năng này mà VĐV Carissa Moore đã chọn đúng vị trí có con sóng tốt, đánh bại tay lướt sóng chủ nhà Courtney Conlogue để giành được chức vô địch thế giới. Chọn đúng con sóng là một ví dụ tiêu biểu cho việc chọn đúng thời cơ.
Hai nhà nghiên cứu Peter Golder và Gerard Tellis đã khảo sát qua 500 nhãn hàng với 50 danh mục sản phẩm từ kem đánh răng cho tới xe tăng chống Mỹ, à nhầm, cho tới máy quay phim, máy fax, kẹo cao su... Kết quả cuộc khảo sát khá bất ngờ:
47% kẻ đi đầu đã thất bại. Khoảng 1/2 doanh nghiệp tiên phong vẫn giữ vị trí đứng đầu trong năm sau. Và chỉ 11% doanh nghiệp tiên phong vẫn còn dẫn đầu trong dài hạn. Ngược lại, những doanh nghiệp chiếm thị phần sau khi doanh nghiệp tiên phong đã khai phá thị trường, chỉ có 8% thất bại. 53% trong số họ trở thành đầu tàu trong dòng sản phẩm.
Hóa ra “con sóng đầu tiên” mà những kẻ đi tiên phong đón được thường không phải là con sóng tốt nhất. Kẻ đi đầu có gánh nặng phải định hướng khách hàng, giáo dục thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các quy định pháp luật để dọn đường cho sản phẩm mới... Rồi họ mắc những sai lầm mà chưa ai mắc, phải mất thời gian, nguồn lực để khắc phục, thậm chí còn mất cả danh tiếng. Kẻ đi đầu giống như “chuột bạch” vậy.
Ngược lại, kẻ bám đuôi đã có con đường dọn sẵn, học hỏi từ thất bại của đối thủ đi trước. Họ còn tiếp cận được với công nghệ mới hơn, tiết kiệm chi phí hơn. “Con sóng thứ hai” này thường là con sóng to! Thế mới biết khả năng nhìn thấu được thị trường để chọn đúng “con sóng to” là rất quan trọng.
DJ Skrillex từng là ông hoàng của thể loại nhạc screamo. Một thời gian sau, nhạc screamo thoái trào, anh lại lên làm vua của trào lưu dubstep. Nhiều người cho rằng anh chỉ ăn may, tình cờ có mặt đúng chỗ 2 lần!  Thực chất, Skrillex là người có khả năng “đọc sóng”. Trong lúc chờ thời, anh đã chủ động thử nghiệm với từng xu thế một khi chúng vừa mới manh nha trên Internet, và chọn đúng con sóng tốt để nó nâng mình lên.
Vì vậy, bên cạnh sự chăm chỉ, khả năng nắm bắt thời cơ, ta cần có tư duy cấp tiến: sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới, các xu hướng tiềm năng. Khi con sóng tốt xuất hiện thì ta đã sẵn sàng đón nó trên mặt nước rồi!

6. Siêu kết nối

Nếu anh em có 2 lựa chọn:
- Đi kết bạn với 1.000 người.
- Đi kết bạn với 1 người đã có sẵn 1.000 bạn.
Anh em thấy lựa chọn nào dễ hơn? Người đã có 1.000 bạn chính là “người kết nối”. Khái niệm về “người kết nối” đã được giải thích trong cuốn Điểm Bùng Phát của Malcolm Gladwell. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại:
“Người kết nối” là những người có mối quan hệ rộng, nhờ các mối quan hệ ấy mà họ phát tán thông tin cực kỳ nhanh.
Đạo diễn J. J. Abrams khi mới đặt chân vào Hollywood đã tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người kết nối. Họ là những người viết kịch bản, diễn viên, đạo diễn có tên tuổi ở Hollywood như Harrison Ford, Michael Bay... Nhờ những mối quan hệ này cùng với tài năng sẵn có, J.J. Abrams đã mau chóng thăng tiến trong sự nghiệp. Đây là một mánh khóe rất cổ điển, nhưng luôn hiệu quả.
Sau khi J. J. Abrams lên đỉnh cao thì chính anh cũng trở thành một người kết nối. Nhưng điều khiến J. J. Abrams khác biệt là anh sẵn sàng tạo điều kiện cho những người khác trong ngành phim mượn tên anh để giúp họ leo thang nhanh hơn. Anh là một “người cho đi” trong một ngành đầy rẫy những kẻ chỉ muốn nhận. Chính sự tốt bụng và hào phóng này đã thu hút nhiều người có tài năng muốn đến hợp tác với anh. Và vì thế anh lại càng leo lên cao hơn nữa...
J. J. Abrams còn hơn cả một người kết nối. Anh là một người có khả năng siêu kết nốiSiêu kết nối là khả năng luôn chủ động giúp người khác kết nối để mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Cho đi chính là lối tắt khôn ngoan bất hủ để tạo cho ta khả năng siêu kết nối và cả sự may mắn!
Trong lịch sử, Che Guevara và Fidel Castro đã sử dụng sức mạnh của siêu kết nối để đoàn kết nhân dân Cuba cùng tiến hành cuộc khởi nghĩa lật đổ chế độ độc tài Batista. Anh em đọc sách để hiểu thêm về sự kiện lịch sử thú vị này nhé!

III. VƯƠN CAO

7. Đà

Tháng 01/2010, anh chàng Bear Vasquez đã đăng một đoạn clip lên Youtube. Clip quay cảnh cầu vồng sinh đôi trên bầu trời kèm những lời độc thoại hài hước của Vasquez. Ban đầu, chỉ có lác đác người xem. 6 tháng sau, Jimmy Kimmel, một MC truyền hình (một người kết nối) đã chia sẻ clip ấy lên Twitter. Lập tức đoạn clip gây bão.
Cùng lúc ấy, trang blog BuzzFeed đã giới thiệu một clip của Michelle Phan, một chuyên gia trang điểm người Mỹ gốc Việt. Clip hướng dẫn cách trang điểm sao cho giống Lady Gaga trong MV Bad Romance. Lượng fan khổng lồ của Gaga lũ lượt truy cập vào clip để xem một cô gái gốc Việt dạy cách hóa thân thành thần tượng...
Hai đoạn clip trên dậy sóng gần như cùng lúc và nhận được lượng view cũng xấp xỉ nhau.
Michelle Phan bỗng chốc trở thành nữ hoàng trang điểm trên Internet. Nhiều hãng mỹ phẩm tìm đến cô xin được ký hợp đồng. Cô trở thành con cưng của Youtube. Cô lập công ty phân phối sản phẩm làm đẹp. Cô tạo ra dòng mỹ phẩm cho riêng mình. Cô lập hẳn một xưởng sản xuất phim quảng cáo... Ở độ tuổi còn rất trẻ, Michelle tiếp tục leo cao lên nấc thang danh vọng...
Còn anh chàng Vasquez thì sao? Anh tiếp tục ra thêm 1.300 video. Anh xuất hiện trên tivi được 1-2 lần. Sau đó thì anh bán áo thun “Double Rainbow”, nhưng ế thảm hại! Và tắt cmn tiếng!
Người đầu tiên đi trên mặt trăng Neil Armstrong. Sau khi đáp xuống địa cầu, dường như chẳng biết làm gì với đời mình nữa, ông rút về ở ẩn và mất năm 2012 sau di chứng của một ca phẫu thuật tim. Buzz Aldrin, người đồng đội của ông trong chuyến Apollo 11 ấy còn tệ hơn: nghiện rượu, trầm cảm, 3 cuộc hôn nhân tan nát... và 2 quyển hồi ký đau thương.
Có người cho rằng hai ông bị nghiệp quật vì đã từng làm chuyện báng bổ sự linh thiêng: đạp lên mặt trăng! Xin chậm lại một nhịp:
- Alan Bean, người đã lên mặt trăng trong chuyến Apollo 12 thì nổi tiếng với nghề họa sĩ.
- Alan Shepard, người thứ 5 lên mặt trăng thì trở thành doanh nhân thành công.
- James Irwin trong chuyến Apollo 15 thì thành giáo sĩ giúp đời...
Vậy hai ông kia đã làm sai điều gì?
Cuối thập niên 90, bong bóng dotcom đã biến hàng ngàn người ở thung lũng Silicon thành triệu phú, thậm chí có vài người thành tỉ phú. Không lâu sau, không ít những người này lại rơi vào trầm cảm nặng... trên một đống tiền!
Có nhiều người không tận dụng được cơ hội khi con sóng cuộc đời đẩy họ lên cao. Tác giả gọi họ là “những kẻ bị mất đà”. Họ đã làm gì sai? Và làm cách nào để tận dụng được “đà”? Tôi xin phép không spoil ở đây.

8. Đơn giản hóa

Nhờ chiếc lồng ấp NICU mà tỉ lệ sống sót của trẻ sơ sinh nặng dưới 1,5 kg đã tăng từ 40% lên 80%. Sau 50 năm cải tiến và tích hợp thêm nhiều tính năng duy trì sự sống khác thì nó đã đội giá lên rất cao, từ 20.000 – 40.000 đô/chiếc. Một cái giá mà rất nhiều gia đình tại các nước đang phát triển khó tiếp cận được.
Một nữ doanh nhân tên là Jane Chen đã cùng đội kỹ sư của mình tìm cách giảm giá thiết bị này. Cuối cùng, họ cho ra một sản phẩm gọn nhẹ, linh động, ít tốn điện, đơn giản đến ngỡ ngàng, và cái giá chỉ có... 25 đô! Chính sản phẩm này đã cứu sống hàng triệu trẻ em tại các nước nghèo, đang phát triển.
Đôi khi bước đi thông minh lại là một bước lùi. Đôi khi hiện đại quá thì chẳng những hại điện mà còn... hại não, vì cách sử dụng phức tạp quá. Để sản phẩm đến tay được nhiều người thì nó chỉ một tính năng cốt lõi đủ tốt, giá rẻ, dễ dùng, chứ không cần đến mức tuyệt vời.
Đơn giản hóa chính là một bước tiến:
- Email đơn giản hơn thư tay.
- USB flash đơn giản hơn đĩa CD.
- Lưu trữ online đơn giản hơn USB flash.
- Trong lúc điện thoại với bàn phím qwerty đang trở thành trào lưu thì iPhone 2G xuất hiện chỉ với 1 phím vật lý duy nhất trên mặt trước, và màn hình cảm ứng thì chỉ dùng ngón tay là đủ, không cần bút stylus đi kèm.
- Giáo dục Phần Lan cũng chính là một sự đơn giản hóa.

9. Tư duy x10

Google có một phòng thí nghiệm bí mật ở California tên là Google[x]. Trưởng phòng thí nghiệm là tiến sĩ Astro Teller. Công việc của Teller là... kể những giấc mơ. Tôi đùa đấy! Các nhà sáng lập Google yêu cầu ông và đội ngũ kỹ sư hãy chế tạo những thứ khiến họ sốc. Và ông đã làm tốt nhiệm vụ này. Bí quyết của Teller không phải là chiêu mộ những bộ óc thiên tài, mà là kiểu tư duy x10. Ông cho rằng:
“Thường thì làm gì đó tốt hơn 10 lần sẽ dễ hơn làm tốt hơn 10%.”
Ủa, zì zợ??? Nghe có gì đó kỳ kỳ! Nhưng rõ ràng là phòng thí nghiệm của ông đã cho ra đời những sản phẩm không hề tầm thường: kính thực tế ảo, xe tự lái, bóng phát wifi bay quanh tầng bình lưu...
Teller giải thích rằng:
- Kiểu tư duy 10% chỉ là phiên bản cải tiến, không có gì ngạc nhiên, nghèo sự sáng tạo.
- Kiểu tư duy x10 ép ta phải bỏ mô hình cũ đi để làm lại từ đầu với những cách giải quyết vấn đề hoàn toàn mới.
- Tư duy x10 không có nghĩa là “cày” cật lực gấp 10 lần. Nếu thế thì còn gì là “lối tắt”. Tư duy x10 có nghĩa là làm việc khác đi, làm việc sáng tạo, tìm cách ứng dụng những thành tựu mới để giảm chi phí, tăng tốc độ, năng suất, lợi ích...
Đây chính là kiểu tư duy của những kẻ có tầm nhìn vượt thời đại như: Leonardo da Vinci, Nikola Tesla, Martin Luther King Jr, Elon Musk...
Vào tháng 06/2002, Elon Musk thành lập SpaceX với mục tiêu giảm chi phí vận chuyển trong không gian và biến ước mơ chinh phục sao Hỏa trở thành hiện thực. Khi ấy người ta nghĩ Musk là một gã triệu phú muốn đốt tiền bằng cách đâm đầu vào một lĩnh vực mà bao nhiêu kẻ đã thất bại. Chính chuyên gia về không gian vũ trụ Jim Cantrell cũng phải thốt lên “Tôi nghĩ anh ta bị khùng”. Nhưng kế hoạch của Musk hấp dẫn đến mức Cantrell không thể chối từ lời mời hợp tác. Cantrell lập tức chiêu mộ cho Musk một đội chuyên gia về tên lửa. Và đội tên lửa bắt tay vào sứ mạng bảo vệ ngân hà. Bên cạnh Musa và Kojiro, còn có chú pokemon Meowth... (chết mịa, tôi lại lộn qua Anime!)
SpaceX trải qua 3 lần phóng tên lửa đầu tiên thất bại khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Họ chỉ còn đủ tiền cho một lần phóng nữa và đang đứng trên bờ vực phá sản. Musk thì khẳng định “Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc”. Đó là một khoảng thời gian rất căng thẳng đối với Musk.
Với một lần phóng thất bại thì NASA phải mất cả năm để tìm lỗi, khắc phục, rồi phóng tiếp. Nhưng với SpaceX thì chỉ mất 5 tuần. Và vào ngày 28/09/2008, tên lửa Falcon 1 của SpaceX đã bay cao, trở thành con tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên đi vòng quanh trái đất với chi phí rẻ hơn 1/3 so với bất kỳ đối thủ nào khác trong lĩnh vực này. Không lâu sau, SpaceX đạt được một hợp đồng với NASA trị giá 1,6 tỷ USD, dùng tên lửa của SpaceX để ship hàng cho trạm vũ trụ ISS.
Vào năm 2013, mỗi chuyến bay của Falcon 9 chở cả chục vệ tinh thương mại với phí ship 54 triệu đô/chuyến, chỉ bằng 5% so với giá ship của Space Shuttle. Đó là chưa nói đến các thế hệ tên lửa tiếp theo với sức mạnh ngày càng kinh khủng như Falcon Heavy, Falcon 9 Heavy, Grasshopper...
SpaceX của Musk đang trên đường tiến đến x100! Đột nhiên, ý tưởng lên sao Hỏa nghe không còn điên nữa!...
Tôi cùng anh em đã lần lượt đi qua cả 9 tuyệt chiêu “hack” thành công trong quyển sách này. Với một quyển sách có nội hàm cao như “Lối tắt khôn ngoan” thì anh em đọc bài chém gió của tôi cũng như cưỡi ngựa xem hoa vậy. Còn việc đọc qua quyển sách một vài lần thì họa chăng như “xuống ngựa” ngắm hoa. Muốn ngắt một bông đem về thì ít nhất ta phải thử làm một tay “hacker” cái đã.