Nguồn ảnh: Tiki
“Có hai thứ mà người ta không bao giờ nên tức giận về chúng, cái mà người ta có thể thay đổi được, và cái mà người ta không thể thay đổi được.” - Plato
Vẫn là Sài Gòn vắng vẻ mùa COVID-19,
Dạo gần đây, dưới tác động của dịch bệnh đang ngày một chuyển biến rõ ràng, hàng loạt các du học sinh trở về từ khắp các nơi trên thế giới để rồi thứ đón chào các bạn không phải là những lời chào mừng mà là những bình luận nóng hổi, gây kích động từ phía những “anh hùng bàn phím”. Không dừng lại ở đấy, một loạt các phản hồi từ phía những du học sinh khi đánh giá không gian sống cách ly tại nước nhà cũng gây xôn xao dư luận không kém và trong những hội nhóm, những không gian ảo, con người ta bắt đầu giải phóng phần dã thú trong mình...
Kỷ nguyên số hóa ngày nay cho con người ta những tiện ích xã hội từ thiết bị điện tử tối tân đến mạng Internet tốc độ cao và rồi những thế giới ảo như mạng xã hội Facebook, Twitter, Bing,... Tuy nhiên, đi cùng với những tiện ích ấy là vô vàn những cạm bẫy khiến ta phải dè chừng mỗi khi mở chiếc điện thoại lên và chìm đắm trong những thú vui có hại từ việc tốn thời gian, sao nhãng công việc đến lỡ buông “lời khó nghe” và nhận được hàng loạt chỉ trích ném đá để rồi dẫn đến ẩu đả ngoài đời thật. 
Là một đứa nhok chỉ được dùng “điện thoại đập đá” như tôi thì cũng hơi mù tịt về những bể “phốt”/drama sóng gió trên các diễn đàn xã hội. (Có thể nói là tôi tối cổ cũng nên ._. ) Tuy vậy, tôi không phải hoàn toàn phốt-free (không dính phốt) mà đâu đó cũng có những lời bình luận như gai đâm vào tay khi cầm bông hồng Facebook. 
Một buổi trà chiều mùa “COVID”, tôi ngồi ở căn phòng nhỏ của mình, lần giở tiếp cuốn sách thứ hai trong kỳ nghỉ bất đắc dĩ: “Thiện, ác và smartphone” và đọc rồi nhận ra ai cũng từng là nạn nhân và cũng từng là thủ phạm trong cái vòng xoáy “anh hùng bàn phím” ấy. 

MOB

(đám đông cuồng nộ)
Mọi thứ dù bé hay lớn đến đâu đều có một sự khởi đầu nhất định. Và ở bối cảnh những trận công kích nơi thế giới ảo hay những cuộc ẩu đả gây thể chất lẫn tinh thần ở thực tại thì đều từ những lý do hết sức đơn giản như “tôi đúng - anh sai” thành “tôi luôn đúng - anh im đi”. 
Qua nội dung ở chương thứ nhất “Nhân danh công lý, hãy làm nhục chúng”, nhà báo Đặng Hoàng Giang đã đem đến rất nhiều trường hợp cụ thể với từng góc nhìn khác nhau. Nhưng suy cho cùng, thứ làm mồi cho ngọn lửa phẫn nộ vì phật ý lại không đâu xa chính là ý thức cá nhân còn nhiều lỗ hổng, lời bình luận lúc nóng giận đã đi quá xa trước khi kịp bình tĩnh nhìn nhận vấn đề. 
Nguồn ảnh: soi.today
Một yếu tố khác lại đến từ niềm tin “công lý” của các “dân phòng online” aka “anh hùng bàn phím”. Khi không có sự can thiệp của cơ quan thẩm quyền, ranh giới mập mờ giữa đúng và sai chỉ hiện lên như một cơ hội để “trổ tài khẩu khí” trên các diễn đàn xã hội và nhận về cảm giác chiến thắng ngụy tạo. Từ một người phẫn nộ kết bè lũ thành một nhóm người phẫn nộ rồi từ từ hình thành một đám đông với sự “phẫn uất” leo thang thành cuồng nộ. 
“Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế nào? Đây là cuộc cách mạng công nghệ số mà chúng ta vẫn mong đợi?


HUMILITAINMENT

(làm nhục mua vui)
“Làm nhục mua vui” là một trong những khái niệm bước ra từ “Schadenfreude”- một từ tiếng Đức, nghĩa là trải nghiệm của niềm vui, hoặc sự thỏa mãn bản thân đến từ việc chứng kiến những rắc rối, thất bại hoặc sự sỉ nhục của người khác. Vốn dĩ nó được sử dụng như một phương thức tổ chức chương trình vô tuyến nhằm đem lại những cảm giác mới lạ đến cho khán giả. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin, khán giả giờ đây đã có thể bắt tay vào quá trình “làm nhục mua vui” vốn lúc trước đó chỉ được dàn dựng để câu khách chứ không nhằm công kích cá nhân. 
Nguồn ảnh: soi.today
Những hình thái khác nhau của hành vi này trải rộng từ việc đăng những đoạn clip quay lén, những đoạn tin nhắn, những thông tin cá nhân lên các diễn đàn xã hội đến những vụ việc đánh hội đồng, lột quần áo trước công chúng hoặc những phiên tòa “xét xử lưu động” không may bị lầm tưởng là để dân chúng nhục mạ bị cáo.
“... họ tàn nhẫn không phải vì căm ghét, mà để tiêu khiển.” 

HATE STORM

(trận cuồng phong của sự căm ghét)
Từ “Bảy bước đi ...” cho đến “50 sắc thái của căm ghét”, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã thể hiện được những chuyển biến rõ ràng nhất của sự ghét và tại sao con người ta lại ghét dễ hơn là yêu. Nhưng có một vấn đề ở sự ghét, đó là một chiếc áo giáp, một vỏ bọc che giấu những thương tổn hoặc nỗi sợ hãi vốn tưởng chừng vô hại nhưng lại là con dao hai lưỡi vừa hại người, vừa khiến phẩm chất mình méo mó.
“Khi căm ghét lên tới đỉnh điểm, những người ghét cũng bị phá hủy theo, trên cả bình diện tâm lý và vật lý.” 

Những điểm đặc sắc

 (từ hình thức đến nội dung)
1) Phần khung xương của cuốn sách với bố cục trình bày rõ ràng, logic kèm theo những lời trích dẫn đúng trọng tâm. Phần đồ họa là những hình ảnh minh họa được thiết kế tài tình để truyền đạt nội dung của phần của đoạn hay đại ý của tác phẩm.
2) Văn phong của một vị tác giả giàu kinh nghiệm cũng từng trải qua những vụ việc sóng gió trên các diễn đàn mạng xã hội sẽ khiến bạn đọc thêm tin tưởng và cảm thấy được sự sẻ chia.  
3) Bên cạnh những khái niệm được giải thích rõ ràng còn là những câu chuyện có thật được thu thập, những báo cáo được đào sâu nghiên cứu và trích dẫn. Nói tóm lại, nội dung của quyển sách như một bài nghiên cứu kết hợp yếu tố tự sự và nghị luận chứ không đơn thuần là một cuốn sách self-help động viên tinh thần.

Tham khảo thêm cùng chủ đề:

- Sách “Bức xúc không làm ta vô can” - Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
- Bài diễn thuyết TED Talks của Monica Lewinsky về “Cái giá của sự xấu hổ”
- Bài diễn thuyết TED Talks của Brene Brown về “Sức mạnh của sự tổn thương”
- Bài diễn thuyết “Why Your Critics Aren't The Ones Who Count” - Brene Brown
- Bài diễn thuyết TED Talks của Brené Brown về “Lắng nghe sự xấu hổ”
- keywords for more information: shame, overcome/stop cyber bullying, hatred, Brene Brown on Netflix,...