KHÔNG CHỈ LÀ CÂU CHUYỆN HƯỚNG NGHIỆP !
“NGƯỜI TRONG MUÔN NGHỀ” Một cái tên sách gợi ngay đến câu chuyện hướng nghề hướng nghiệp của cho các bạn trẻ. Vì vậy mà mình có mặt...
Một cái tên sách gợi ngay đến câu chuyện hướng nghề hướng nghiệp của cho các bạn trẻ. Vì vậy mà mình có mặt ở buổi giới thiệu sách. Cũng may mà lúc đó “cô Nhung – bệnh nhân covid 17” chưa lộ diện và buổi giới thiệu sách vẫn có khá đông người, nhất là các bạn trẻ.
Đối với mình, sau một số tìm hiểu về vấn đề hướng nghiệp, mình cho rằng, mục tiêu của công tác hướng nghiệp cho các bạn trẻ ở nhà trường không phải là tìm ra một nghề nghiệp nào đó để bạn sẽ chọn rồi theo đuổi trong cả đời, mà là phải tìm cách để cho bạn trẻ đó tìm ra chính mình, hiểu được chính mình, hiểu được khi làm điều gì thì mình thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng nhất, hoặc ngược lại, khi làm điều gì thì chắc chắn mình không thích, hay mình sẽ rất khó khăn. Câu chuyện nghề nghiệp, câu chuyện sự nghiệp thực sự của đời người không phải tìm ngay được, không phải chỉ chọn một lần là xong, dù có chuẩn bị kỹ đến độ nào đi nữa. Đó là câu chuyện của những trải nghiệm, của sự dịch chuyển, của việc học hỏi và điều chỉnh chính bản thân mình, và luôn nhìn vào bên trong mình, hiểu được chính mình… rồi mới có ngày bạn thốt lên được với mình rằng, ôi, đây chính là chỗ của mình, đây chính là công việc của mình, mình sinh ra để làm điều này. Nhưng, ngay cả khi tưởng như đã tìm được “chân lý” đó rồi, bạn chắc chắn sẽ vẫn còn phải điều chỉnh tiếp, dịch chuyển tiếp, học hỏi tiếp, nhất là trong thời đại mà mọi thứ xung quanh luôn thay đổi chóng mặt như ngày nay.
Với suy nghĩ đó, mình đến với buổi giới thiệu sách chủ yếu để mua sách, vì đó là một cuốn sách hướng nghiệp mà mình cần quan tâm, còn thực sự, mình không có nhiều kỳ vọng về nó.
Khi đó mình chưa biết gì đến Spiderum.
Tại hội thảo, mình bắt đầu thấy khá thú vị vì các diễn giả đa dạng: trẻ; đã khá trưởng thành; trung niên; và cả người lớn tuổi. Tất cả đều rất tâm huyết với câu chuyện hướng nghiệp, câu chuyện về người trẻ đi tìm chỗ đứng cho mình, tìm nghề nghiệp của mình trong cuộc đời. Vui nữa là được gặp lại các sinh viên ở IBD – nơi mà với mình, là một vùng đất mới được khai hoang, nơi mình được gieo trồng, vun tưới và chứng kiến sự lớn lên của những mầm xanh của sự trong lành, tử tế. Cũng ở nơi này, mình khám phá được “nghề nghiệp” mà mình muốn theo đuổi, nơi mình khám phá được tình yêu với giáo dục, điều mà trước đó dù đã đi dạy, song vẫn mình chưa cảm nhận được.
Đem sách về, thấy khá hứng thú vì cuốn sách được làm rất kỹ, in màu, nhiều nội dung được trình bày theo cột giống như báo. Cậu con trai nói với mình điều mình chưa biết, việc bố trí theo cột như báo này cho người đọc có thể áp dụng kỹ thuật đọc nhanh, khi giữ ánh mắt chủ đạo đi dọc từ trên xuống.
Đúng là sách của những người trẻ, cho một thời đại mới, hỗ trợ đọc nhanh.
Tuy vậy, việc nọ việc kia cũng chưa đọc ngay được. Phải đến tận tuần này mình mới đọc được. Và cảm nhận được, cuốn sách thực sự rất CHẤT.
CHẤT từ cấu trúc nội dung: Phần 1 “Phù hợp hay là chết” vẽ nên một bức tranh tổng thể của các môi trường làm việc khác nhau, từ nhà nước, công ty lớn, làm tự do, rồi xu hướng mới start up; Phần 2 là câu chuyện của những con người với các nghề nghiệp cụ thể trong các lĩnh vực ngành nghề cụ thể; Phần 3 nhấn vào hành trang mà người trẻ cần chuẩn bị. Rất mạch lạc, rất hợp lý.
CHẤT ở danh sách đa dạng của các nhân vật xuất hiện trong sách. Bên cạnh những người có profile khủng, rất là “gì kia này nọ”, thì cũng có những người cũng chỉ mới đi qua một chặng đường ban đầu trong sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, điều tuyệt vời là ở họ đều có những câu chuyện của riêng mình rất “nét”, hay nói cách khác họ đều là những người sống một cách sâu sắc, cảm nhận đến tận cùng những cảm xúc từ mỗi trải nghiệm trong cuộc sống, dù đó là thành công hay thất bại, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn, niềm hy vọng và đôi lúc, cả những lúc thất vọng hoặc nản lòng. Và họ đã chia sẻ với các bạn trẻ, với những người đi sau, một cách thật chân thành và sâu sắc.
Bởi vậy, nội dung của những chia sẻ đó thực sự là “CHẤT”.
Chất khi bạn có thể tìm thấy những “tip” đáng giá có thể là con đường sẽ từng bước dẫn bạn đến thành công, hoặc ngược lại, những điểm huyệt chí tử mà nếu không tránh được, bạn có thể sập toàn tập trong một nghề mình mà đã chọn.
Chất khi họ có thể kể cho bạn môt cách sinh động và thấm thía, để bạn có thể thấy thêm phần hào hứng với thử thách phía trước, nếu bạn thực ra rất thích được đương đầu với chúng; song cũng có thể đó là cảnh báo kịp thời để bạn lặng lẽ vòng qua khi hiểu rằng những gì bạn tưởng tượng và kỳ vọng không phải là câu chuyện ở nơi đó, như bạn đã từng nghĩ.
Chất ở chỗ bạn được chia sẻ, được truyền cảm hứng bởi những triết lý sống sâu sắc, tựu trung lại sẽ vẫn là những giá trị nhân văn rất cốt lõi của con người. Điều tuyệt vời là lúc này những điều đó không còn là những triết lý giáo điều nữa, mà bạn đã được thuyết phục bởi những câu chuyện của những con người cụ thể, với những câu chuyện đời chuyện nghề cụ thể, qua những thành công cụ thể của họ.
Và Chất cả ở những dí dỏm đời thường, những hóm hỉnh trẻ trung, những cách thể hiện “cool ngầu” mà cũng hết sức nhân văn của người viết.
Đọc cuốn sách này, thấy vui vì được gặp đồng nghiệp của mình, được chia sẻ điều cốt lõi của nghề làm thầy, là phải “yêu việc học, bởi nói cho cùng, việc dạy chính là giúp người khác học”. Thật đơn giản song thật chí lý. Và đâu đó, ở những người khác, tuy họ không làm giáo dục, song cũng như nhận thấy ở họ tràn đầy tinh thần của những nhà giáo dục, khi nghiêm túc và cần trọng chia sẻ với lớp trẻ những góc nhìn đa chiều về nghề nghiệp của họ. Nhớ lại đã có lần khi muốn thuyết phục một doanh nhân nổi tiếng để đến nói chuyện với đối tượng của mình, mình đã nói với ông “Những người thành đạt và lương thiện sẽ trở thành những nhà giáo dục một cách tự nhiên nhất”. Bởi vai trò quan trọng nhất của người làm giáo dục là truyền cảm hứng cho con người, để họ học hỏi, hướng tới những điều tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Và mình thấy đó cũng chính là bản năng tốt đẹp của con người. Một con người lương thiện hẳn sẽ luôn muốn truyền lại cho thế hệ sau những bài học giá trị mà họ có được từ những trải nghiệm trong cuộc đời của chính mình.
Mình cũng thấy tràn đầy niềm hy vọng vào lớp trẻ. Một lớp trẻ năng động, giỏi giang, nhạy bén và nhiệt huyết. Một lớp trẻ hăng hái dấn thân và ham học hỏi. Một lớp trẻ đang trên hành trình khẳng định mình và cũng đang trưởng thành, để chạm đến những giá trị nhân văn sâu sắc.
Rồi mình cũng lần mò vào Spiderum. Khi đọc ở Spiderum, mình hiểu được không phải ngẫu nhiên mà các bạn lựa chọn được những tác giả của các bài viết trong cuốn sách, những người viết có tâm có tài như vậy. Hẳn Spriderum đã có cả một hành trình dài của công việc viết lách, đầy cảm hứng song cũng không ít gian nan vất vả, đầy thú vị song cũng có cả những thị phi.
Viết lách là một công việc quan trọng. Lại nhớ khi còn làm IBD, mình luôn tận dụng các cơ hội để buộc sinh viên của mình phải viết, và luôn chú ý “thiết kế” các bối cảnh có thể cho các em cảm hứng để viết. Bởi viết về những trải nghiệm, là quá trình chiêm nghiệm, tư duy, quá trình “tiêu hóa” trải nghiệm, quá trình học hỏi thấm thía nhất, nó có thể là sự “gột rửa”, sự “vỡ nhọt bọc”, hay là sự khám phá chính bản thân, sự nhận thức/ngộ ra về thế giới xung quanh một cách sâu sắc. Hơn nữa, những thành quả của việc viết lách đó sẽ còn được lưu giữ, dần dần, sẽ tạo nên “văn hóa” của một cá nhân, một tập thể, tạo nên bản sắc đặc trưng đầy giá trị, cho mỗi con người, cho mỗi tổ chức. Thời đó, IBD có một loạt các tài liệu như vậy, “Những khám phá đầu tiên”; “Khám và chia sẻ”, tập san nội bộ “Safari”… những thứ dã làm nên một bản sắc rất riêng của IBD. Nhưng thực sự, việc viết lách không bao giờ là dễ. Đọc Spiderum, thực sự thấy ngưỡng mộ vì các bạn đã làm được công việc thử thách này.
Dịch Covid vẫn đang diễn ra.
Đã qua những hốt hoảng ban đầu; đã qua những bưng bít che đậy, của mỗi cá nhân hay trên tầm chính phủ, tưởng rằng để giải quyết lặng lẽ cho êm; cũng đã không còn những chủ quan của tinh thần lạc quan theo thói quen tự do, hay do sự kiêu ngạo mang tính khoa học rằng con người có thể làm chủ được những quy luật tự nhiên… Cuộc chiến chống dịch Covid đã dần đi vào kiểm soát, song vẫn còn cam go. Hơn lúc nào hết, giờ đây, những giá trị nhân văn cốt lõi của cuộc sống đang được trả lại vị trí xứng đáng của nó, không còn ai có thể nghi ngờ. Không phải tiền bạc hay sức mạnh, không phải sự giỏi giang hay thông minh vươt trội, mà chính sự TRUNG THỰC, TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, TÌNH YÊU THƯƠNG, SỰ HỢP TÁC TÔN TRỌNG LẪN NHAU mới là điều cốt lõi để con người cùng nhau vươt qua đại dịch.
Việt Nam chúng ta đã làm rất tốt, cho đến thời điểm này.
Hồi hộp dõi theo và hy vọng, con người Việt Nam sẽ kiên định với những phẩm chất quý báu đó để cùng nhau làm nên kỳ tích mới, để ra khỏi đại dịch với vị thế mới. Và lớp trẻ, với những giá trị sống đúng đắn, với định hướng nghề nghiệp ngày càng tốt hơn, sẽ đem lại cho chính họ và cho đất nước một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
“NGƯỜI TRONG MUÔN NGHỀ”, không chỉ là câu chuyện định hướng nghề, mà đó là những câu chuyện truyền cảm hứng cho lớp trẻ sống hết mình, trui rèn kỹ năng, phẩm chất và dám dấn thân, cho một tương lai tốt đẹp hơn, cho mỗi cá nhân, và cho thế giới chúng ta cùng chung sống ./.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất